Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Pháp luật quy định như vậy nhằm tôn trọng ý chí của người bị hại do trước khi mở phiên tòa người bị hại và người gây thiệt hại đã thỏa thuận được cách giải quyết hậu quả, và người bị hại hay đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện nhận ra quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ mà pháp luật có thể chấp nhận. Mặt khác, quy định như vậy còn nhằm mục đích giảm tải công việc của Tòa án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và hạn chế tốn kém một phần chi phí của Nhà nước. Trường hợp vụ án đang ở giai đoạn điều tra, nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình
chỉ điều tra theo khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Nếu vụ án đã qua giai đoạn điều tra, chuyển sang Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Trong trường hợp vụ án ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 25
. Chủ thể có quyền rút yêu cầu khởi tố là người đã yêu cầu khởi tố, tức là người bị hại hoặc không phải người bị hại trong trường hợp người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu khởi tố. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ, cụ thể người đã yêu cầu có quyền rút yêu cầu trước phiên tòa sơ thẩm. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm đồng ý yêu cầu rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa sơ thẩm hoặc việc Tòa án cấp phúc thẩm đồng ý người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, tuyên bố các bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án là vi phạm pháp luật.
Hệ quả pháp lý của việc rút yêu cầu khởi tố là người đã yêu cầu khởi tố không có quyền yêu cầu lại. Trừ trường hợp việc rút yêu cầu là trái với ý muốn của người bị hại do bị ép buộc, cưỡng bức. Trong trường hợp này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án nếu có căn cứ xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu bị ép buộc, cưỡng bức. Pháp luật quy định như vậy nhằm hạn chế người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu nhiều lần, gây khó khăn và tốn kém cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm bảo vệ người bị hại.
Nhìn chung, quá trình áp dụng cho thấy chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại đã phát huy hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, chế định này vẫn còn bộc lộ một số bất cập26
.