Khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì hàng loạt các biện pháp điều tra và các hoạt động tố tụng khác được áp dụng theo hướng ban đầu. Tuy nhiên không phải nhận thức ban đầu đều đúng đối với hành vi phạm tội hoặc có thể mới phát hiện thêm tội phạm khác. Do đó, luật đã trang bị cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự cho phù hợp, được quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2003:
“1. Khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc còn có tội phạm khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.
2. Trong trường hợp Cơ quan điều tra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra phải gửi cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố.”
Trong trường hợp Viện kiểm sát quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Như vậy thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự là hành vi tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra hoặc của Viện kiểm sát bằng quyết định của mình thực hiện những thay đổi hoặc bổ sung vào quyết định khởi tố mà trước đó họ đã ban hành liên quan đến những thông tin hoặc cách đánh giá về các vấn đề, các tình tiết khách quan liên quan đến vụ án hình sựđã được khởi tố nhằm khắc phục những sai lầm, thiếu sót do khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc bỏ lọt tội phạm.
Theo tinh thần khoản 1 Điều 106 quy định chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mới có quyền thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời luật còn giới hạn phạm vi thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố trong hai trường hợp: Đối với việc
Lu i Lý lu à th ti ình s
ạc Giáng Châu ễn Bích Thủy
thay đổi quyết định khởi tố vụ án thì được tiến hành khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra, nội dung không đúng với hành vi phạm tội xảy ra được hiểu là không đúng về tội danh hoặc không đúng về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; Đối với việc bổ sung quyết định khởi tố vụ án thì được tiến hành khi có căn cứ xác định còn có tội phạm khác mà trong quyết định khởi tố chưa nêu ra.
Ví dụ: Vào ngày 23/3/2008, ông Lê Thanh Thuận ở khóm 3, phường 5, Thành phố Cà Mau cùng vợ là Quách Ngọc Hưởng về nhà mẹ vợ là bà Trần Thị Ba tại ấp Kinh Củ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trong lúc ngồi nói chuyện có Quách Mười, Quách Bình, Quách Thị Chung, Quách Ngọc Hưởng, Quách Chí Nguyện (đều là con của bà Trần Thị Ba), Trần Thị Ba và Lê Thanh Thuận, thì Quách Bình kiếm chuyện gây mâu thuẫn. Sau đó Quách Bình chạy vào nhà lấy cây phản và chém vào đỉnh đầu, chém vào bả vai ông Lê Thanh Nhuận, ông Nhuận bị choáng và bất tỉnh. Qua quá trình điều tra ban đầu Cảnh sát điều tra công an tỉnh Cà Mau đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về “tội giết người” (Điều 93 Bộ luật hình sự 1999). Nhưng sau đó cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố quy định tại Điều 93 là không đúng với hành vi phạm tội xảy ra, và có căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm của tội: “cố ý gây thương tích” (Điều 104 Bộ luật hình sự 1999). Vì vậy, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự (xem phần phụ lục A).
Chỉ có Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có quyền thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố mà không quy định các cơ quan có thẩm quyền khởi tố đều có quyền thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố. Bởi đối với đơn vị Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, luật quy định khởi tố vụ án hình sự trong hai trường hợp (Điều 19, 20, 21, 22 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2009)): Trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì các cơ quan này khởi tố vụ án, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn hai mươi ngày kể từ ngày khởi tố để kiểm sát tính hợp pháp của quyết định này. Nên sau khi nhận hồ sơ vụ án nếu thấy chưa đầy đủ hoặc không đúng thì Viện kiểm sát sẽ thực hiện việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố. Còn trường hợp tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì các cơ quan này chỉ khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Như vậy, với thời hạn bảy ngày thì không có điều kiện thu thập các tài liệu, chứng cứ đủ để có thể thay đổi hoặc bổ
sung quyết định khởi tố. Nên sau khi nhận hồ sơ nếu có căn cứ thì Cơ quan điều tra tiến hành việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố.
Còn đối với các cơ quan khác của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Mặc dù được luật giao cho thẩm quyền khởi tố vụ án, nhưng chỉ được tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu và phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày khởi tố nên thẩm quyền thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố đối với các cơ quan này không đặt ra.
Còn quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi cho Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc điều tra. Bộ luật tố tụng hình sự không quy định trong thời hạn bao lâu Viện kiểm sát phải quyết định việc điều tra đối với những quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử, thông thường nếu có đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm thì Viện kiểm sát sẽ chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành điều tra. Như vậy, Hội đồng xét xử không có đủ thời gian để xác minh, kiểm tra các chứng cứ, tài liệu, thông tin nên luật không quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố. Mặt khác, Hội đồng xét xử có quyền tiến hành việc điều tra, xác minh chứng cứ buộc tội vừa tiến hành xét xử, quy định như vậy sẽ không khách quan trong quá trình xét xử.
Tóm lại, sau khi quyết định khởi tố vụ án hình sự thì chỉ có Cơ quan điều tra mới có quyền tiến hành điều tra làm rõ tội phạm và Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra. Hai cơ quan này mới có khả năng phát hiện ra những sai lầm, thiếu sót trong hoạt động điều tra và kiểm sát. Từ đó mới có căn cứ thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời việc quy định này là phù hợp và thống nhất với các quy định khác của luật về khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy, Điều 106 là điều luật có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án. Pháp luật quy định nhằm đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, tăng cường khả năng chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Mặt khác, đề cao trách nhiệm và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.