Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động pháisinh của Ngân hàng Quân

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 94 - 99)

Thứ nhất, hoạt động phái sinh chủ yếu tập trung tại hội sở chính của ngân hàng MB và một số chi nhánh lớn của MB, chưa phổ biến đến toàn bộ các chi nhánh trục dọc trên cả nước: Do nguồn nhân lực am hiểu và tư vấn được cho khách hàng ở hầu hết các chi nhánh nhỏ đều còn thiếu và khiêm tốn; số lượng cán bộ được đào tạo bài bản cũng như có kinh nghiệm về kinh doanh sản phẩm phái sinh còn ít. Đa phần các nhân sự tại các chi nhánh nhỏ chưa phân tích được xu hướng biến động của thị trường nên gặp khó khăn trong khâu thuyết phục được khách hàng của chi nhánh sử dụng sản phẩm phái sinh.

Thứ hai, các công cụ phái sinh tiền tệ đã triển khai chưa phong phú, chưa đa dạng, chưa tạo nhiều tiện ích nên chưa hấp dẫn đối với khách hàng, vì vậy số lượng khách hàng tham gia còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân của vấn đề này là do chất lượng và trình độ cán bộ chưa cao, chưa sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính phái sinh. Bên cạnh đó công tác đào tạo nghiệp vụ về tài chính phái sinh cho cán bộ MB nói chung và cho cán bộ các chi nhánh MB nói riêng chưa thực sự được chú trọng, còn nhiều hạn chế về thời gian và nội dung đào tạo.

Thứ ba, nhận thức và hiểu biết của khách hàng tham gia sản phẩm phái sinh tại MB còn thấp, do đó các khách hàng chưa mạnh dạn tham gia vào nhiều sản phẩm phái sinh, tỷ trọng chênh lệch giữa các sản phẩm phái sinh còn khá cao.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa hiểu thấu đáo về bản chất và những tiện ích mà các sản phẩm phái sinh mang lại cho bản thân doanh nghiệp. Kiến thức của nhiều doanh nghiệp về các sản phẩm phái sinh và vấn đề phòng chống rủi ro lãi suất, tỷ giá,… còn quá thấp. Những hiểu biết về các kỹ thuật phòng chống rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái bằng các sản phẩm phái sinh lại càng xa lạ. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về các công cụ phái sinh tài chính, vì vậy họ có xu hướng chỉ sử dụng một vài công cụ truyền

thống để tránh phải tính toán lại hiệu quả cũng như tránh thay đổi các thủ tục thực hiện, các phương pháp hạch toán kế toán cho nghiệp vụ mới.

Thêm vào đó, muốn sử dụng các sản phẩm phái sinh, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải có hệ thống thông tin dự báo tỷ giá quốc tế nhanh, chính xác, cập nhật liên tục; phải có công cụ đo luờng và cảnh báo rủi ro tỷ giá, lãi suất cũng như đội ngũ các nhà quản lý, các giao dịch viên chuyên nghiệp, nếu không sẽ gây tác dụng ngược cho doanh nghiệp. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu cần bảo hiểm rủi ro nhưng còn thiếu nhiều kiến thức về hoạt động phái sinh tài chính cũng như các công cụ để triển khai hoạt động này trên thực tế.

Mặt khác, 90% DN xuất nhập khẩu Việt Nam sử dụng đồng USD trong thanh toán. Trong khi đó tỷ giá USD/VND luôn có xu hướng ổn định, NHNN thường cho tỷ giá USD/VND hàng năm chỉ tăng khoảng 1%. Mức biến động như vậy là không đáng kể so với sự biến động của các đồng tiền khác như EUR, GBP, JPY hay AUD (có thể tăng giảm 1% trong 1 - 2 ngày). Nắm được sự dao động tỷ giá USD/VND nên trong nhiều năm qua, các DN thường chỉ sử dụng giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay mà không cần quan tâm tới CCPS để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Bên cạnh việc các DN có tâm lý thích sử dụng USD trong thương mại quốc tế thì nhìn chung các DN Việt Nam vẫn chưa có thói quen hay nói chính xác hơn là chưa quan tâm tới phòng chống rủi ro đối với các hoạt động tín dụng ngoại tệ

Thứ tư, công tác thu thập, phân tích, nghiên cứu thị trường để đưa ra các dự báo phục vụ cho hoạt động kinh doanh các sản phẩm phái sinh, cũng như việc áp dụng các công cụ để phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ còn rất hạn chế. Ngoài hoạt động phái sinh tiền tệ, hoạt động phái sinh giá cả hàng hóa và phái sinh lãi suất hầu hết đều là ngân hàng MB cung ứng sản phẩm cho khách hàng sử dụng, nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính của MB; việc áp dụng các công cụ để phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ chênh lệch tạo lợi nhuận cho ngân hàng còn khá khiêm tốn.

Thứ năm, cơ chế quản lý và điều hành của ngân hàng ngân hàng MB chưa thực sự phù hợp với công tác kinh doanh sản phẩm tài chính phái sinh, còn sự chồng chéo và chưa có tính chuyên nghiệp, chưa tạo cơ chế để khai thác hết những tiện ích của các sản phẩm phái sinh. Hiện tại, việc quản lý rủi ro lãi suất, ngoại hối được thực hiện ở mức đo lường rủi ro theo thông lệ như tính toán khe hở kỳ hạn lãi suất, đo lường giá trị chịu rủi ro ngoại hối (mức tổn thất dự kiến lớn nhất xẩy ra đối với giá trị tài sản của NH do các biến động tỷ giá hối đoái trong điều kiện thị trường thông thường với một mức độ tin cậy cho trước). Việc phòng ngừa rủi ro ngoại hối vẫn được thực hiện một cách chỉ bằng cách thực hiện duy trì trạng thái ngoại tệ trong phạm vi cho phép của NHNN (dưới 30% vốn tự có). Ngân hàng MB chưa có mức giới hạn giá trị chịu rủi ro ngoại hối để cảnh báo cho đơn vị kinh doanh.

Thứ sáu, công tác tuyên truyền quảng cáo của ngân hàng chưa hiệu quả: Để khách hàng biết đến các CCPS cũng như vai trò của nó trong việc phòng ngừa rủi ro hay kinh doanh sinh lợi, công tác tuyên truyền, tiếp thị quảng cáo của các ngân hàng là một việc làm không thể thiếu. Tuy nhiên, hiện tại ngân hàng MB mới chỉ dừng lại ở khâu đáp ứng các nhu cầu mua bán CCPS của khách hàng chứ chưa chủ động giới thiệu với DN các sản phẩm phái sinh của mình. Điều này dẫn đến các DN gần như không có thông tin hoặc hiểu biết về kỹ thuật sử dụng cũng như lợi ích của các CCPS.

Thứ bảy, điều kiện giao dịch các sản phẩm phái sinh tại ngân hàng còn phức tạp và chi phí giao dịch có liên quan để mua bán và giao dịch công cụ tài chính phái sinh còn cao. Bao gồm: Chi phí tìm kiếm thông tin; Chi phí thuơng luợng với đối tác; Chi phí để điều chỉnh trạng thái nhằm thích nghi với điều kiện mới của thị truờng và tài thuơng luợng; Chi phí phát sinh từ những yếu tố bất định và rủi ro về thông tin, thể chế; Chi phí ủy quyền tác nghiệp; Chi phí thực hiện và giám sát. Chi phí giao dịch cao cũng là một trong những vấn đề đặt ra cho ngân hàng vì nó sẽ hạn chế việc sử dụng dịch vụ sản phẩm phái sinh của các doanh nghiệp.

Thứ tám, một số vấn đề đặt ra đối với Ngân hàng Quân đội còn đến từ các chính sách vĩ mô của Ngân Hàng Nhà Nước và các cơ quan chủ quản.

Môi trường pháp lý về sản phẩm phái sinh tại Việt Nam chưa được hoàn thiện: Những chính sách và quy định về pháp luật của Nhà nước đối với việc ứng dụng các loại hợp đồng phái sinh này còn chưa thực sự hoàn thiện, mang tính thí điểm và đơn lẻ. Hiện tại, các văn bản mới chỉ quy định về giao dịch kỳ hạn ngoại tệ, giao dịch hoán đổi ngoại tệ; giao dịch hoán đổi lãi suất (Quyết định số 15/2015/TT – NHNN, ngày 2/10/2015). Chưa có văn bản pháp lý nào quy định hướng dẫn các NHTM thực hiện các nghiệp vụ phái sinh về lãi suất khác như kỳ hạn tiền gửi (FFD), kỳ hạn lãi suất (FRA), các nghiệp vụ quyền chọn như CAP, FLOORS, COLLAR,… Một trong những vấn đề bất cập tiêu biểu nữa là cách thức tính thuế đối với kết quả thu được từ việc sử dụng hợp đồng tương lai. Lợi nhuận từ các giao dịch Hợp đồng tương lai bị tính thuế, còn thua lỗ từ các giao dịch này không được khấu trừ vào phần thu nhập tính thuế.

Bên cạnh đó, sản phẩm phái sinh quyền chọn còn bị hạn chế bởi Quyết định số 1820/NHNN-QLNH ban hành ngày 18/3/2009, trong đó quyền chọn chỉ được thực hiện giữa ngoại tệ và ngoại tệ, không được thực hiện quyền chọn giữa ngoại tệ và VND và Quyết định số 145/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN chỉ cho phép các tổ chức tín dụng bán quyền chọn, mà không được mua quyền chọn từ các tổ chức kinh tế. Điều này khiến cho nghiệp vụ quyền chọn tiền tệ không có khả năng đối ứng để giảm thiểu rủi ro khi ngân hàng hay doanh nghiệp muốn kết hợp nhiều kiểu quyền chọn tiền tệ. Từ đó, việc sử dụng cũng như tư vấn cho khách hàng sử dụng nghiệp vụ quyền chọn tiền tệ là rất khó khăn, gần như không khả thi, nên cho đến nay hầu như các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều không sử dụng nghiệp vụ quyền chọn tiền tệ. Chính vì vậy, nếu trong thời gian tới, NHNN cho phép các tổ chức kinh tế, cá nhân có quyền bán quyền chọn cho NH thì sẽ tạo nhiều cơ hội cho các DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu tham gia vào thị trường.

Ngoài ra, khi các NH muốn kinh doanh sản phẩm phái sinh phải xin phép NHNN và chỉ được phép thực hiện giao dịch khi được sự cho phép của NHNN bằng văn bản, điều này khiến bản thân các NHTM gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các loại hình sản phẩm mới do thủ tục pháp lý sẽ chiếm ít nhiều thời gian chờ đợi của NH và DN cũng như làm giảm tính chủ động của các NH trong việc tiếp cận với các sản phẩm hiện đại trên thế giới.

Như vậy, trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động phái sinh tại Ngân hàng Quân đội, ta đã thấy được những vấn đề đặt ra thách thức cho sự phát triển của nghiệp vụ này tại NH, để từ đó Ngân hàng Quân đội có những phương hướng và giải pháp cũng như kiến nghị với Ngân hàng nhà nước, Chính phủ trong thời gian tới .

CHƯƠNG III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG PHÁI SINH TẠI NGÂN HÀNG TMCP QUÂN ĐỘI - MB

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 94 - 99)