Sự ra đời của công cụ pháisinh

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 26 - 27)

Mặc dù được xem là sản phẩm của nền kinh tế tài chính hiện đại, nhưng công cụ phái sinh đã manh nha hình thành từ rất lâu đời. Nguồn gốc của giao dịch phái sinh được các nhà nghiên cứu tìm thấy từ vài thế kỷ trước. Theo Kaori Suzuki và David Turner (2005), một trong những giao dịch phái sinh đầu tiên và lâu đời nhất là các hợp đồng tương lai lúa gạo, xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào khoảng những năm 1700 – khi mà những người nông dân có thể mang gạo đến các thành phố lớn như Osaka để tập trung bán tại các cuộc đấu giá. Những người thắng cuộc thắng cuộc sẽ bán gạo và nhận được một biên nhận để sau đó có thể đổi sang tiền mặt. Dần dần, những phiếu biên nhận này trở thành vật giao dịch chính, những nhà buôn mua bán các giấy biên nhận trên một thị trường riêng và gạo trở thành tài sản cơ sở. Năm 1730, sàn giao dịch gạo Dojima được thành lập, cho phép mua bán gạo theo hình thức giao ngay và kỳ hạn, lấy kỳ hạn của các hợp đồng gạo tối đa là 4 tháng.

Còn tại Chicago – Mỹ, vào năm 1848, Sở giao dịch thương mại Chicago (CBOT) đã được thành lập nhằm mục đích bảo hiểm rủi ro về giá ngũ cốc cho các nông dân và thương nhân buôn bán ngũ cốc. Sở đã tiêu chuẩn hóa khối lượng và chất lượng sản phẩm giúp các bên dễ dàng trong việc định giá và thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hóa. Năm 1973, Sở giao dịch quyền chọn Chicago (The Chicago Board Options Exchange- CBOE) bắt đầu giao dịch các hợp đồng quyền chọn mua đối với 16 loại cổ phiếu. Hợp đồng quyền chọn bán bắt đầu được giao dịch trên sàn từ năm 1977. Kể từ đó, thị trường quyền chọn đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra các trao đổi mới và nhiều loại hợp đồng quyền chọn mới. Những hợp đồng quyền chọn có tài sản cơ sở khác nhau từ cổ phiếu và trái phiếu, ngoại tệ, chỉ số chứng khoán, đến các quyền chọn trên hợp đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn được giao dịch,

quyền chọn đã được phép giao dịch trên tất cả các thị trường lớn như American Stock Exchange, Philadelphia Stock Exchange, Midwest Stock Exchange Pacific Stock Exchange; London Internatrional Financial Futures Exchange – LIFEE.

Năm 1970, với chế độ tỷ giá thả nổi, thị trường các giao dịch kỳ hạn phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1972, Sở giao dịch Chicago Mercantile Exchange (CME) được thành lập tạo nên thị trường tiền tệ quốc tế là nơi giao dịch các hợp đồng tương lai tiền tệ, theo đó đến năm 1982, SGD CME đã tạo ra hợp đồng Eurodollar là loại hợp đồng tương lai được giao dịch nhiều nhất. Bên cạnh đó, hợp đồng tương lai lãi suất đầu tiên được tạo ra bởi SGD CBOT vào năm 1975 dựa trên các khoản vay có đảm bảo của Ginnie Mae.

Những năm 1980 đánh dấu thời kỳ bắt đầu của Giao dịch phái sinh không tập trung (Over the counter – OTC). Kể từ đó, tạo bước đà cho sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của các giao dịch phái sinh trên thị trường thế giới. Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng thanh toán Quốc tế BIS, đến tháng 12 năm 2007, các hợp đồng phái sinh được trao đổi trên các sàn giao dịch đạt kỷ lục 681 nghìn tỷ Đô la Mỹ. Sau 6 năm, năm 2013, khối lượng các giao dịch phái sinh toàn thế giới đạt 1200 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi năm 2007.

Như vậy, từ các tài sản cơ sở đầu tiên chỉ là nông sản, đến nay, có thể nói bất kỳ một loại hàng hóa, dịch vụ nào cũng có thể trở thành tài sản cơ sở của giao dịch phái sinh. Phái sinh đã vượt xa khỏi giới hạn của hợp đồng nông sản ban đầu, trở thành một công cụ tài chính để phòng vệ rủi ro biến động giá cả của hàng hóa, lãi suất, tỷ giá, chứng khoán cũng như một kênh đầu tư chênh lệch giá mới cho các nhà đầu cơ trên thị trường tài chính.

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 26 - 27)