Quá trình hình thành phát triển của thịtrường tài chính pháisinh tạ

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 46 - 51)

1.4.1. Quá trình hình thành phát triển của thị trường tài chính phái sinh tại Việt Nam Việt Nam

1.4.1.1. Thị trường kỳ hạn

Tại Việt Nam, văn bản đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề cập đến việc mua bán ngoại tệ kỳ hạn là Quyết định số 203/QĐ-NH13 ngày 20/9/1994. Theo đó, tại Điều 9 có đề cập đến hình thức mua bán ngoại tệ như sau: “Trước mắt thị trường thực hiện các nghiệp vụ mua, bán trao ngay (SPOT), ngoài hình thức mua, bán trao ngay các thành viên có thể thực hiện các nghiệp vụ mua, bán có k ỳ hạn (FORWARD)”.

Theo báo cáo của NHNN về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ năm 1997 và định hướng giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 1998 (tức 4 năm sau ngày ban hành quyết định số 203/QĐ-NH13) tại Hội nghị giám đốc NHNN tháng 01/1998 thì “Còn thiếu các công cụ nghiệp vụ cho thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, làm cho thị trường kém sôi động và chưa thông suốt”, do đó phần giải pháp cho chính sách tiền tệ năm 1998 đã xác định “Đưa thêm các nghiệp vụ mới trong giao dịch ngoại hối như nghiệp vụ mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, nghiệp vụ SWAP…”. Như vậy, rõ ràng dù đã được đề cập trước đó tương đối lâu, song trên thực tế đến năm 1997 nghiệp vụ mua bán ngoại tệ có kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng vẫn chưa được triển khai. Một phần là do thị trường liên ngân hàng ở VN chưa phát triển, một phần do những hạn chế vốn có của nó trong việc phòng chống rủi ro tỉ giá và những hạn chế của NHNN.

Ngày 26/3/1999, NHNN ban hành Quyết định số 101/1999/QĐ-NHNN13 để thay thế cho Quyết định số 203/QĐ-NH13 về việc ban hành qui chế tổ chức và hoạt động của Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Kể từ khi có quyết định này, các giao dịch kỳ hạn mới bắt đầu được triển khai, đầu tiên là ở các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam song doanh số vẫn còn rất hạn chế. Các giao dịch kỳ hạn chỉ chiếm khoảng 5-7% khối lượng giao dịch của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng

Cho đến nay, đã hơn 10 năm hình thành và phát triển, tất nhiên không thể so sánh với thị trường kỳ hạn của thế giới, giao dịch mua bán ngoại tệ kỳ hạn đã hình thành ở Việt Nam, nhưng còn rất nhỏ bé và chưa phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mức độ phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn còn thấp dưới “tầm” tác động của các biến động mạnh của nền tài chính thế giới.

Tư duy kinh doanh truyền thống còn phổ biến, trong thực tế, những biến động về tỷ giá, lãi suất được dự báo khá “chắc chắn” và giống nhau giữa các “nhà” có mặt trên thị trường tài chính và những “sai lệch” dễ dự báo đó được các bên “cân đối” ngay vào giá của sản phẩm chính như lãi suất, tỷ giá, chứng khoán. Ngoài ra, tham gia thị trường tài chính Việt Nam còn thiếu các nhà đầu tư am hiểu về lợi ích

cũng như kỹ thuật tính toán lợi nhuận từ nghiệp vụ này. Các nhà môi giới chuyên nghiệp, các trung gian tài chính đủ năng lực tổ chức thị trường phái sinh còn quá ít trên thị trường tiền tệ, thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán Việt nam để thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào thị trường này. Bản thân các khách hàng nói chung, các doanh nghiệp Việt nam nói riêng còn dè dặt áp dụng công cụ phái sinh, trong đó có hợp đồng kỳ hạn.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời đảm bảo lợi ích của DN và sự an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN Việt Nam trong những năm qua đã tích cực nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể có điều chỉnh hợp lý trong từng thời kỳ về giới hạn phạm vi, thời hạn, tỷ giá giao dịch đối với các giao dịch này tại các văn bản khác nhau. Trên cơ sở các quy định pháp lý, thị trường ngoại tệ kỳ hạn ở Việt Nam trong những năm qua đã từng bước phát triển và đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần giảm tình trạng căng thẳng ngoại tệ trên thị trường giao ngay, tạo thêm công cụ để các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời giúp thị trường ngoại hối Việt Nam từng bước làm quen với các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ mới của thị trường quốc tế.

Quyết định số 203/QĐ-NH13 ngày 20/9/1994 về Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là văn bản đầu tiên của NHNN có đề cập đến nghiệp vụ kỳ hạn trong mua bán ngoại tệ ở Việt Nam. Các thành viên chủ yếu tham gia thị trường này là các doanh nghiệp (các tổ chức kinh tế) có nguồn thu hoặc nhu cầu ngoại tệ hợp pháp có mong muốn bảo hiểm rủi ro về tỷ giá, lãi suất và các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ thực hiện giao dịch với mục đích phục vụ nhu cầu của khách hàng, bảo hiểm rủi ro về tỷ giá và kinh doanh sinh lời.

Trong văn bản mới nhất còn hiệu lực về tổ chức và hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là quyết định số 101/1999/QĐ-NHNN13 ngày 26/3/1999, có hiệu lực từ ngày 10/4/1999 này, nghiệp vụ mua bán kỳ hạn đã được đề cập một cách chính thức, cụ thể tại Điều 8 – Các hình thức giao dịch đã ghi rõ “Các tổ chức tín dụng là thành viên Thị trường được tiến hành các giao dịch giao ngay (SPOT), có kỳ hạn (FORWARD), hoán đổi (SWAP), và các loại hình giao dịch khác theo qui định của NHNN”.

1.4.1.2. Thị trường tương lai

Nhìn chung, hợp đồng tương lai vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Đối với các giao dịch tương lai ngoại hối, các trung tâm giao dịch thực tế triển khai chưa nhiều.

Hợp đồng ngoại tệ tương lai vẫn chưa được thực hiện ở Việt Nam. Hiện nay, các NHTM đã được phép giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường hàng hóa, với các mặt hàng nông sản như: cà phê, chè, đậu tương, lương thực, cao su… và các loại hàng hóa khác. Song ngân hàng chỉ đóng vai trò là trung gian môi giới giúp doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng tương lai hàng hóa tại các sở giao dịch nước ngoài.

Đặc biệt, từ khi luật Thương mại năm 2006 chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp được mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch nước ngoài và được lựa chọn ngân hàng uy tín để tham gia bảo lãnh cho mình. Nghị định số 158/2006 NĐ - CP quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Các ngân hàng uy tín được phép triển khai làm môi giới trong giao dịch hàng hóa tương lai là: BIDV, VCB, VIB, Ngân hàng TMCP Á Châu, Techcombank, MB, Chi nhánh ngân hàng Citibank, ngân hàng Standard Chartered, HSBC,…

Các hợp đồng tương lai được áp dụng ngày càng nhiều trên các sàn giao dịch hàng hóa lớn như LIFFE (London), NYBOT (Newyork), ICE (Newyork), Tocom (Tokyo), SICOM (Singapore),… và sau đó là sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) theo “Đề án hợp tác và chủ động làm việc với sàn giao dịch tại CME và phát triển Sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam” tháng 7/2007. Đồng thời hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) đã phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk xây dựng Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) theo Quyết định 2278/QĐ- UBND ngày 04/12/2006 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

1.4.1.3. Thị trường hoán đổi

Giao dịch hoán đổi cũng xuất hiện khá sớm theo quyết định số 430/QĐ- NHNN ngày 24/12/1997 và sau này là quyết định số 893/2001/QĐ-NHN ngày 17/07/2001 của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Công cụ phái sinh lãi suất và tỷ giá ngoại tệ tiếp tục xuất hiện và được các ngân hàng sử dụng do nhu cầu nội tại của các ngân hàng nhằm theo kịp chuẩn mực hoạt động ngân hàng quốc tế. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thực hiện một số nghiệp vụ phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá. Theo quyết định số 1133/QĐ-NHNN ngày 30/09/2003 về quy chế thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất cho phép mở rộng danh mục các ngân hàng, các doanh nghiệp được sử dụng công cụ hoán đổi lãi suât.

Từ khi ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ hoán đổi lãi suất trên thị trường từ 01/2003 đã có các ngân hàng Citibank, HSBC, chi nhánh ngân hàng Standard Chaterred thực hiện hoán đổi lãi suất.

Ở một mức độ cao hơn, các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đã được thí điểm áp dụng theo công văn 3324/NHNN-CSTT tháng 04/2006 cho phép Ngân hàng HSBC chi nhánh Hồ Chí Minh thực hiện. Mặc dù là một loại hoán đổi nhưng hoán đổi rủi ro tín dụng thực sự lại giống một chính sách bảo hiểm hơn.

1.4.1.4. Thị trường quyền chọn

Quyền chọn ngoại tệ, lãi suất và vàng dường như là những công cụ phái sinh được thị trường hoan nghênh và đón nhận nhiều nhất do những ưu điểm vốn có của nó trong bối cảnh lãi suất, tỷ giá và vàng luôn ở trạng thái tăng liên tục. Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đầu tiên được thực hiện quyền chọn lãi suất. Các giao dịch quyền chọn lãi suất được phép thực hiện đối với những khoản cho vay, đi vay trung hạn bằng USD hoặc EUR và chỉ được thực hiện đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam được Ngân hàng nhà nước cho phép. Sau BIDV, hàng loạt các ngân hàng khác cũng sử dụng loại hình này. Đặc biệt quyền chọn USD và EUR đáp ứng cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu trong đó quyền chọn mua áp dụng cho nhà nhập khẩu, quyền chọn bán áp dụng cho nhà xuất khẩu. Sau khi được Ngân hàng nhà nước cho phép, ngân hàng ACB, Sacombank, Agribank thực hiện quyền chọn mua bán vàng, ngày 10/12/2004 ACB là ngân hàng đầu tiên công bố triển khai dịch vụ này.

Đặc biệt, ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép thực hiện các Options tiền VNĐ tại BIDV, ACB, VIB. Với nghiệp vụ này, chắc chắn tương lai sẽ được mở rộng bởi khi đó VNĐ sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường tài chính thế giới.

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 46 - 51)