Xu thế của hoạt động pháisinh trên thịtrường tài chính thế giới

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 99 - 101)

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông – một điều kiện quan trọng cho việc phát triển các công cụ phái sinh, thị trường phái sinh tài chính trên thế giới đã đổi mới không ngừng cả về quy mô và sự đa dạng, cung cấp những công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu đồng thời là công cụ tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư kinh doanh trên thị trường tài chính.

Trong điều kiện nền kinh tế tài chính thế giới có nhiều biến động, theo số liệu thống kê của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS (2015) cho thấy hoạt động phái sinh tài chính trên cả 2 thị trường tập trung và phi tập trung đều tăng trưởng rất mạnh. Trong hơn một thập kỷ qua, trung bình thị trường phái sinh tài chính tăng trưởng 24% mỗi năm, đạt số dư giao dịch còn hiệu lực tính đến năm 2016 là xấp xỉ 457 tỷ USD. Theo Deutsche Borse AG (2008), 92% trong số danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới cho biết họ tham gia vào hoạt động phái sinh tài chính để quản lý, bảo hiểm rủi ro đến từ thị trường. Thực tế này cho thấy các công cụ tài chính phái sinh hiện nay đã rất phổ biến trên thị trường thế giới, chứng minh sự quan trọng trong việc phòng chống rủi ro cho các trung gian tài chính, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại.

Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin và viễn thông thay đổi từng ngày, thị trường phái sinh tài chính trên thế giới có xu hướng tạo ra các sản phẩm phái sinh kết hợp với những đặc điểm kỹ thuật phức tạp, thích ứng với hầu hết nhu cầu của người sử dụng, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong điều kiện thị trường nhiều biến động phức tạp, chẳng hạn như các sản phẩm quyền chọn kết hợp hai hay nhiều quyền chọn khác nhau đối với cùng một tài sản cơ sở, từ đó thực hiện những mục tiêu cụ thể và đa dạng . Khả năng sáng tạo và sử dụng các công cụ tài chính phức tạp của các nhà đầu tư trên thế giới còn đem lại một lợi ích

nữa là khuyến khích giới khoa học nghiên cứu phát triển những mô hình quản lý rủi ro ngày một hoàn thiện và có tính ứng dụng hơn vào thực tế .

Hiện nay các sản phẩm phái sinh tài chính trên thế giới được giao dịch qua 2 hình thức là tập trung và phi tập trung (OTC). Tuy nhiên, xu thế của thị trường thế giới cũng như của Việt Nam trong những năm gần đây là phát triển các sản phẩm trên thị trường OTC. Trên thế giới, doanh số giao dịch trên thị trường tập trung chỉ chiếm khoảng 16% tổng doanh số giao dịch phái sinh tài chính. Các nhà đầu tư có xu hướng ưa thích thị trường OTC hơn bởi tính mở cửa và linh hoạt.

Theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS (2015), trong số các công cụ phái sinh giao dịch trên thị trường phái sinh thế giới, thực tế về các giao dịch trong thời gian qua cho thấy, các giao dịch phái sinh lãi suất chiếm tỷ trọng lớn và cũng có mức tăng trưởng mạnh nhất qua từng năm, trong đó mốc quan trọng phải kể đến là mức tăng trưởng của đầu năm 2011 xấp xỉ 19% so với năm 2010, tăng 69,2% so với năm 2006, vượt xa mức tăng trưởng chung của cả thị trường. Tính đến thời điểm cuối năm 2015, số dư các hợp đồng phái sinh lãi suất còn hiệu lực trên thị trường thế giới đạt 435 tỷ USD, chiếm 79% thị trường phái sinh OTC. Ngay cả trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính, khi các giao dịch phái sinh khác có xu hướng giảm thì phái sinh lãi suất vẫn liên tục tăng trưởng dù mức tăng không lớn. Xu thế sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất trên thế giới vẫn ngày càng gia tăng trong bối cảnh tiềm tang nhiều bất ổn về kinh tế chính trị như hiện nay .

Đứng thứ hai về tỷ trọng cũng như mức độ tăng trưởng trong số các sản phẩm phái sinh trên thị trường thế giới là hoạt động phái sinh ngoại tệ. Theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS đến cuối năm 2015, số dư các hợp đồng phái sinh ngoại tệ là 75 tỷ USD, chiếm 13% thị trường phái sinh OTC, trong đó các giao dịch phái sinh ngoại tệ đô la Mỹ chiếm 86% . Trong các sản phẩm của phái sinh ngoại tệ, thị trường thế giới có xu hướng sản phẩm hoán đối ngoại tệ, do có kỳ hạn dài nên nhạy cảm hơn với những biến động giá trên thị trường, tỷ trọng các giao dịch hoán đổi ngoại tệ chiếm 52% giá trị thị trường phái sinh ngoại hối thế giới

trong khi giao dịch quyền chọn tiền tệ chiếm 47%, giao dịch kỳ hạn chiếm khoảng 1%.

Các giao dịch phái sinh về hàng hóa trên thị trường tập trung chiếm tỷ trọng khoảng 0,31% trong tổng giá trị còn hiệu lực của các hợp đồng phái sinh trên thị trường thế giới, đạt 1,7 tỷ USD, tuy nhiên có xu hướng tăng trưởng trong những năm gần đây. Các giao dịch phái sinh về cổ phiếu hàng hóa (chủ yếu là vàng) và tín dụng (hoán đổi rủi ro tín dụng) có những diễn biến không ổn định do những biến động bất thường của tình hình kinh tế - chính trị thế giới.

Nhìn chung, thị trường phái sinh tài chính thế giới có xu thế tăng trưởng khá mạnh mẽ và đã chứng minh được tầm quan trọng trong việc bảo hiểm rủi ro các yếu tố của thị trường cho các nhà đầu tư. Xu hướng phát triển mạnh cũng như tỷ trọng lớn nhất của các hợp đồng phái sinh lãi suất trên thị trường thị trường phái sinh toàn cầu cho thấy tầm đặc biệt quan trọng của nó với những lo ngại về phòng ngừa rủi ro lãi suất của các chủ thể kinh tế, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Lý giải điều này là do mức độ biến động thường xuyên của thị trường lãi suất, đồng thời tâm lý lo ngại lãi suất thị trường có xu hướng tăng lên dẫn đến sự gia tăng nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho các tài sản tài chính dài hạn hạn (trái phiếu dài hạn có bảo đảm, chứng khoán hóa từ các khoản cho vay thế chấp,...) tại các trung gian tài chính. Dự báo trong giai đoạn tới, với những căng thẳng về chính trị giữa một số nước trên thế giới cùng với những biến động về kinh tế, các sản phẩm phái sinh tài chính sẽ ngày càng được ưu tiên sử dụng hơn để phòng vệ rủi ro tỷ giá, lãi suất…; đồng thời cũng là một kênh tìm kiếm lợi nhuận được nhiều nhà đầu tư ưa thích hơn so với thị trường sản phầm đầu tư truyền thống.

Một phần của tài liệu Hoạt động phái sinh tại Ngân hàng TMCP Quân đội: thực trạng và giải pháp. (Trang 99 - 101)