VIII. VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH VÀ THANH TOÁN TIỀN HÀNG
61. Thư tín dụng là gì và nhà xuất khẩu có thể sử dụng chúng như thế nào khi xuất khẩu ?
Mối e ngại lớn nhất đối với nhà xuất khẩu trong buôn bán quốc tế là người mua sẽ không thanh toán trị giá hàng hóa mà họ đã mua. Do vậy, nhà xuất khẩu cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản thanh toán sẽ được áp dụng trong hợp đồng xuất khẩu. Dưới đây là một loạt các điều khoản thanh toán an toàn hoặc kém an toàn mà nhà xuất khẩu cần lựa chọn:
Thanh toán trước bằng tiền mặt (theo lệnh). Đây rõ ràng là hình thức thanh toán an toàn nhất đối với nhà xuất khẩu, song không phổ biến trong buôn bán quốc tế với các nước đang phát triển. Đó là do người mua sẽ là người duy nhất hứng chịu rủi ro có thể xảy ra. Đôi khi người mua có thể thanh toán trước một phần (ví dụ 25%) nếu nhà xuất khẩu là doanh nghiệp có tiếng tăm.
Tín dụng dự phòng. Thanh toán ghi sổ kèm theo một khoản tín dụng dự phòng hoặc thư đảm bảo theo yêu cầu cũng đem lại sự bảo đảm tốt cho nhà xuất khẩu. Mặc dù nhà xuất khẩu bán chịu hàng cho người mua (theo thuật ngữ gọi là “ghi sổ”), khoản tín dụng dự phòng hoặc thư bảo đảm theo yêu cầu sẽ bảo đảm cho việc thanh toán. Nếu người mua không thanh toán, nhà xuất khẩu có thể yêu cầu ngân hàng đã cung cấp tín dụng dự phòng hoặc thư bảo đảm theo yêu cầu bồi thường khoản tiền này.
Thư tín dụng (L/C). Thư tín dụng có xác nhận, không thể hủy ngang, thanh toán ngay là phương thức thanh toán an toàn thứ hai đối với nhà xuất khẩu. Phương thức thanh toán này có thể khá tốn kém về phí ngân hàng và lệ thuộc vào bộ chứng từ mà nhà xuất khẩu cung cấp cho ngân hàng liên quan tới lô hàng đã giao cần được thanh toán. Để thực hiện thanh toán, ngân hàng sẽ xem xét kỹ lưỡng các chứng từ này. Nếu có điều gì không nhất trí, ngân hàng có thể từ chối thanh toán. Nếu ngân hàng thanh toán là một ngân hàng mạnh, có thể hoàn toàn tin cậy thì có thể sử dụng L/C không hủy ngang, thanh toán ngay.
Nhờ thu tiền và giao chứng từ. Phương thức thanh toán này không an toàn như L/C, song chi phí ngân hàng rẻ hơn nhiều. Phương thức thanh toán này đòi hỏi nhà xuất khẩu vận chuyển hàng hóa và gửi các chứng từ có liên quan tới việc vận chuyển hàng cho ngân hàng của người mua thông qua ngân hàng của nhà xuất khẩu. Tiếp đó người mua trả cho ngân hàng của mình số tiền đã thỏa thuận. Sau khi việc thanh toán được thực hiện, người mua nhận được các chứng từ về hàng hóa để đi nhận hàng. Trong trường hợp này, người bán có thể gặp rủi ro do người mua có thể quyết định không chấp nhận chứng từ và không nhận hàng.
Ghi sổ. Phương thức thanh toán này hiếm khi được các nhà xuất khẩu tại các nước đang phát triển sử dụng.
61. Thư tín dụng là gì và nhà xuất khẩu có thể sử dụng chúng như thế nào khi xuất khẩu ? khẩu ?
Thư tín dụng (L/C) là hình thức thanh toán mà theo đó một ngân hàng (ngân hàng phát hành hay ngân hàng mở thư tín dụng) thay mặt khách hàng của mình (người yêu cầu mở thư tín dụng / nhà nhập khẩu) cam kết thanh toán cho bên được hưởng lợi (nhà xuất khẩu) khi các chứng từ liên quan tới thư tín dụng được xuất trình theo các điều khoản và các điều kiện đã được quy định. Giao dịch tài chính này có thể được thực hiện bởi sự can thiệp của một ngân hàng khác. Ngân hàng can thiệp thông báo cho nhà xuất khẩu biết về việc phát hành L/C và có thể xác nhận thêm, nhờ vậy mà bảo đảm được việc thanh toán không gặp rủi ro do ngân hàng phát hành không thanh toán.
L/C là một chứng từ đòi hỏi rất tỉ mỉ và thường được lập theo tiêu chuẩn quốc tế. Nội dung của nó bao hàm việc mô tả ngắn gọn về hàng hóa, liệt kê các chứng từ cần thiết để có thể được thanh toán, ngày vận chuyển và thời hạn thanh toán. L/C bảo đảm rằng nhà xuất khẩu sẽ chỉ được thanh toán tiền sau khi hoàn tất các điều khoản và các điều kiện nhất định. Đó là sau khi thực hiện đầy đủ các điều kiện ghi trong L/C, nhà xuất khẩu xuất trình các chứng từ vận chuyển hợp lệ cho ngân hàng để nhận được tiền thanh toán. Dưới đây là các chứng từ cần thiết để có thể được thanh toán theo L/C.
- Hóa đơn thương mại.
- Vận đơn (B/L) hay chứng từ chuyên chở dưới hình thức khác xác nhận rằng hàng hóa đã được bắt đầu vận chuyển và đôi khi còn ghi rõ cước phí đã được trả trước.
- Chứng từ bảo hiểm. - Giấy chứng nhận xuất xứ.
- Giấy chứng nhận giám định thể hiện sự phù hợp của hàng hóa với các yêu cầu chất lượng, số lượng, bao bì.
- Phiếu đóng hòm. - v.v…
Nếu nhà xuất khẩu có quan hệ tốt lâu dài với người mua nước ngoài thì việc trả trước bằng tiền mặt là hình thức thanh toán dễ dàng nhất. Nếu không, thư tín dụng là cách dễ nhất để được thanh toán, đồng thời bảo vệ được lợi ích của nhà xuất khẩu. Các hình thức L/C phổ biến nhất là:
L/C không thể hủy ngang kèm theo chứng từ. Loại L/C này không thể bị hủy bỏ hay sửa đổi nếu không có sự nhất trí của tất cả các bên có liên quan. Việc thanh toán tiền hàng do ngân hàng bảo đảm với điều kiện là nhà xuất khẩu phải hoàn thành mọi điều khoản và điều kiện được ghi trong hợp đồng, bao gồm việc xuất trình các chứng từ cần thiết.
L/C có thể hủy ngang. Hình thức này không mấy bảo đảm lợi ích cho nhà xuất khẩu, song mềm dẻo hơn vì nó có thể bị hủy bỏ hay sửa đổi bất cứ lúc nào mà không cần thông báo cho bên hưởng lợi. Ít nhà xuất khẩu chấp nhận hình thức L/C này.
L/C tuần hoàn. Hình thức này thường được sử dụng trong các giao dịch thương mại được lặp lại với cùng một khách hàng. Các khoản vốn sử dụng cho loại giao dịch này hoặc tương tự loại này sẽ lại được cấp trong tương lai và theo các điều khoản tương tự mà không phải mở L/C mới.
Mặc dù thư tín dụng được sử dụng thường xuyên nhất trong quá trình thanh toán, song việc sử dụng phương thức này cũng có một số vấn đề cần lưu ý.