VIII. VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH VÀ THANH TOÁN TIỀN HÀNG
69. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là gì và tác dụng của nó như thế nào ?
Bên cạnh các rủi ro cơ bản như hỏa hoạn, trộm cắp … các nhà xuất khẩu có thể phải đối mặt với những rủi ro thương mại và rủi ro chính trị. Chiến tranh, những chính sách hạn chế việc chuyển tiền và tạm ngừng thanh toán cho các công ty nước ngoài có thể cản trở hay kéo dài thời gian thanh toán tiền hàng xuất khẩu. Ngoài ra còn có những rủi ro kinh doanh có thể dẫn tới việc người mua không có khả năng trả tiền. Để bảo vệ nhà xuất khẩu tránh khỏi những rủi ro đó, việc bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là tuyệt đối cần thiết.
Việc bảo hiểm này thường do các tổ chức tín dụng xuất khẩu chuyên nghiệp gánh vác 90-95% tổng giá trị của hợp đồng xuất khẩu.
Các hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu phổ biến nhất bao gồm:
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn. Hình thức này cung cấp tín dụng trong các giai đoạn trước và sau khi giao hàng, áp dụng đối với các khoản tín dụng không vượt quá 180 ngày.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trung / dài hạn. Loại bảo hiểm này được sử dụng để bảo hiểm việc xuất khẩu thiết bị và dịch vụ với các khoản tín dụng thời hạn dài (ba năm hoặc dài hơn).
Bảo hiểm rủi ro do tỷ giá hối đoái. Loại hình bảo hiểm này được áp dụng để đề phòng sự biến động về tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tiêu cực đến trị giá hàng hóa bán chịu tính bằng ngoại tệ.
Tín dụng xuất khẩu có lợi cho nhà xuất khẩu vì đó là hình thức bảo hiểm ngăn ngừa rủi ro không được thanh toán và còn vì nó có thể tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức tài chính mở rộng việc cung cấp tín dụng xuất khẩu. Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa có thể được sử dụng để thế chấp khi nộp hồ sơ xin cung cấp tín dụng. Ngân hàng sẽ vui lòng cung cấp tín dụng với chi phí phải chăng vì các rủi ro liên quan tới giao dịch xuất khẩu này đã được giảm bớt do có hợp đồng bảo hiểm hàng hóa.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu thường được đi kèm theo các giấy bảo lãnh tín dụng xuất khẩu do các tổ chức tài chính chuyên ngành cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay tiền. Các hình thức bảo đảm này không liên quan tới việc phân bổ các nguồn vốn trên thực tế mà là biện pháp giúp các ngân hàng tránh được tổn thất có thể phát sinh trong giao dịch xuất khẩu mà họ được đề nghị tài trợ.