XI. TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚ
94. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có lợi gì từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ?
(WTO) ?
Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng lệ thuộc vào buôn bán quốc tế với tư cách là các nhà xuất khẩu và các nhà nhập khẩu. Hệ thống pháp lý của WTO đem lại lợi ích cho cả các nhà xuất khẩu và các nhà nhập khẩu.
Đối với nhà xuất khẩu, lợi thế chính mà hệ thống này đem lại là sự an toàn của việc thâm nhập thị trường.
Trong thương mại hàng hóa, vòng đàm phán Uruguay đã yêu cầu các nước phát triển hạn chế việc tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa và yêu cầu các nước đang phát triển, các nền kinh tế đang chuyển đổi hạn chế việc tăng thuế đối với phần lớn hàng hóa.
Các nước bảo đảm rằng việc mở cửa thị trường hơn nữa bằng cách giảm thuế nhập khẩu như đã nhất trí trong vòng đàm phán Uruguay sẽ không bị gián đoạn bởi các biện pháp tăng thuế bất ngờ hay việc áp dụng các biện pháp hạn chế khác của các nước nhập khẩu. Trong thương mại dịch vụ, các nước đã cam kết không đưa ra những hạn chế đối với việc nhập khẩu các sản phẩm dịch vụ và đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vượt quá những điều kiện và giới hạn quy định trong các chương trình quốc gia của mình.
Hệ thống pháp lý của WTO còn tạo ra sự ổn định cho việc thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu bằng cách yêu cầu tất cả các nước áp dụng tại đường biên giới một loạt các quy định thống nhất được đề ra trong các hiệp định khác nhau. Do vậy, các nước phải đảm bảo rằng các quy định về việc xác định giá trị đánh thuế vì các mục đích hải quan, về việc kiểm tra nhằm xác định xem sản phẩm có phù hợp với các tiêu chuẩn bắt buộc hay không và việc cấp giấy phép nhập khẩu là phù hợp với các điều khoản của các hiệp định nêu trên. Việc áp dụng các quy định thống nhất này sẽ có ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì những quy định chồng chéo của các thị trường khác nhau bị xóa bỏ.
Đối với nhà nhập khẩu nguyên liệu, các sản phẩm trung gian và các dịch vụ sử dụng trong sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi từ các quy định trong hệ thống pháp lý của WTO. Các quy định cơ bản của hệ thống này quy định việc cho phép nhập khẩu không bị hạn chế nữa mà chỉ cần nộp thuế và cam kết rằng các quy định quốc gia được áp dụng ở đường biên cần phải phù hợp với các quy định thống nhất được đề ra trong các hiệp định đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu. Các quy định này giúp các ngành xuất khẩu an tâm rằng họ có thể nhanh chóng đạt được yêu cầu của mình với mức giá cạnh tranh. Hơn nữa, việc hạn chế mức thuế bảo đảm cho các nhà nhập khẩu rằng chi phí nhập khẩu sẽ không tăng bởi việc áp đặt mức thuế nhập khẩu cao hơn.
Ngoài những mặt có lợi này, hệ thống pháp lý của WTO còn đem lại những quyền nhất định có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ví dụ, hệ thống pháp lý WTO cho phép các doanh nghiệp có quyền đề nghị chính phủ nước mình áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu khi phát hiện rằng mình không có khả năng đứng vững trước sự cạnh tranh do hàng nhập tăng lên bởi các biện pháp tự do hóa mà chính phủ thực hiện đem lại. Trong tình thế đó, các doanh nghiệp có thể đề nghị áp dụng các mức thuế chống phá giá đối với hàng nhập khẩu được bán phá giá và đề nghị đánh thuế đối phó đối với các sản phẩm được nhập khẩu với mức giá cực thấp vì được trợ giá. Các quyền này chỉ có thể áp dụng trong những điều kiện nhất định. Việc đề nghị chính phủ áp dụng các biện pháp trên có thể được đưa ra nếu được sự ủng hộ của các doanh nghiệp đang đóng góp một phần lớn vào sản xuất trong nước và họ có thể chứng minh rằng việc tăng mức nhập khẩu mặt hàng đó đang gây thiệt hại cho một ngành nào đó bởi sự suy giảm của sản xuất, lợi nhuận hoặc việc làm.
Các doanh nghiệp và chính phủ các nước còn có quyền đưa ra bằng chứng và bảo vệ lợi ích của mình trong các cuộc điều tra do các nước mà hàng hóa của doanh nghiệp được xuất khẩu tới đó tiến hành nhằm áp dụng các biện pháp bảo hộ, chống phá giá hay đánh thuế đối phó đối với nước xuất khẩu. Tuy nhiên, khi các nhà chức trách của nước nhập khẩu thất bại trong việc sử dụng quyền của họ thì các doanh nghiệp xuất khẩu không thể trực tiếp đòi các nhà chức trách đó bồi thường mà họ phải đệ trình vấn đề này lên chính phủ nước mình để vấn đề được giải quyết trên cơ sở song phương với chính phủ của nước nhập khẩu và nếu cần, có thể khởi kiện theo thủ tục giải quyết tranh chấp và bất đồng của WTO.