Thực tiễn tài phán về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 48 - 52)

Thứ nhất, các vụ tranh chấp thường phát sinh từ những bất đồng trong căn cứ xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Căn cứ này dựa trên thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hay là dựa trên quy định của pháp luật trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể? Thực tế vấn đề này sẽ tùy thuộc vào từng vụ án mà hội đồng xét xử sẽ có phán quyết cụ thể, nhưng thường là các phán quyết này sẽ dựa trên sự kết hợp của các chỉ tiêu nhất định, mà các chỉ tiêu này tối thiểu phải đảm bảo mục đích sử dụng của hàng hóa. Vậy nên không thể hiểu rằng chỉ có những chỉ tiêu nào được thỏa thuận trong hợp đồng mới là căn cứ để xác định chất lượng hàng hóa. Đối với một số chỉ tiêu nhất định mà các bên đã thỏa thuận trước trong hợp đồng thì áp dụng theo thỏa thuận của các bên, còn đối với các chỉ tiêu khác không được thỏa thuận cụ thể thì thông thường Tòa án hoặc trọng tài sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, những vụ tranh chấp xảy ra liên quan đến việc có thể dựa vào sự thừa nhận của bên bán để xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng hay không. Cụ thể, vì dựa vào sự thừa nhận và cam kết ban đầu của bên bán về việc xác nhận hàng hóa không phù hợp với hợp đồng mà bên mua đã từ bỏ thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền của mình. Việc này có thể dẫn đến hậu quả bất lợi đối với bên mua khi không

chỉ từ bỏ quyền bảo vệ quyền lợi của mình mà đôi khi còn có thể bị kiện ngược lại vì vi phạm hợp đồng khi không thực hiện nghĩa vụ nhận hàng. Thứ ba, tranh chấp có thể liên quan đến trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Khác với quy định LTM 1997 về việc bên bán phải chịu trách nhiệm tới cùng về chất lượng hàng hóa thì LTM 2005 đã san sẻ trách nhiệm này cho bên bán trong các trường hợp khác nhau. Cụ thể nếu trong trường hợp bên mua đã thực hiện việc kiểm tra hàng tại kho của bên bán bằng biện pháp thông thường vào thời điểm giao hàng thì bên bán vẫn phải chịu trách nhiệm về các khiếm khuyết đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên mua. Thế nhưng, trường hợp bên mua đã thực hiện việc kiểm tra hàng tại kho của bên bán bằng biện pháp giám định hàng hóa thì bên bán sẽ không chịu trách nhiệm nếu bên mua không thông báo cho bên bán biết trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi kiểm tra hàng hóa.

Cuối cùng, tranh chấp về vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng xảy ra là do bên mua đã từ bỏ quyền cơ bản của mình. Có những vụ án mà khi phát hiện ra hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, bên mua đã từ bỏ quyền từ chối nhận hàng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng khi vẫn có hành vi tiếp nhận hàng trên thực tế và thanh toán tiền hàng. Bên mua ngoài ra còn từ bỏ quyền tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng và các chế tài khác mà lẽ ra bên này cần áp dụng để đảm bảo quyền lợi của mình.

Vụ việc thứ nhất

Vụ án dưới đây là vụ án có liên quan đến trách nhiệm của người bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, trong trường hợp người mua đã có thực hiện kiểm tra thông thường đối với hàng hóa.

Tóm tắt vụ việc

Trong vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài giữa nguyên đơn (bên mua) là Công ty TNHH Sylwood Logs and Timber International từ Hong Kong (sau đây gọi tắt là công ty S.L.T.I) và bị đơn (bên bán) là công ty TNHH Thương mại và Kỹ nghệ Đại Hải từ Việt Nam (gọi tắt là công ty Datech) được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế sơ thẩm số

1161/2009/KDTM-ST ngày 15/05/2009, một trong những vấn đề pháp lý được đặt ra là trách nhiệm của bên bán đối với chất lượng hàng hóa được xác định như thế nào trong trường hợp bên mua tham gia kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng. Theo thỏa thuận các bên, công ty Datech bán cho công ty S.L.T.I khung sản xuất bằng gỗ sồi phù hợp với các điều kiện về loại, chất lượng, giá cả và mẫu của loại khung mà công ty S.L.T.I gửi cho công ty Datech theo đơn đặt hàng ngày 20/11/2006. Theo quy định về giao nhận hàng hóa, bên mua sẽ chịu mọi chi phí và rủi ro phát sinh liên quan đến hàng hóa khi hàng đã vượt qua lan can tàu tại cảng bốc TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khi hàng được chuyển đến cảng Le Harve và được công ty S.L.T.I bán lại cho bên thứ ba thì các bên phát hiện khung gỗ mà công ty Datech cung cấp không phải gỗ sồi mà là một loại gỗ khác. Bên bị đơn đã phản bác rằng trước khi bốc hàng lên container chuyển ra cảng để giao thì bên nguyên đơn đã xác nhận có kiểm tra hàng và trách nhiệm của bên bị đơn đã chấm dứt khi hàng vượt qua lan can tàu tại cảng bốc TP. Hồ Chí Minh.

Phán quyết của Tòa án

Trong bản án sơ thẩm số 116/2009/KDTM-ST ngày 15/05/2009, TAND TP.

Hồ Chí Minh áp dụng quy định tại khoản 5 điều 44 LTM 2005 để xác định trách nhiệm bên bán đối với lô hàng không đúng chất lượng. Tòa có nhận định như sau: “Bên mua chỉ kiểm tra về quy cách và kích thước khung gỗ, còn về chất lượng loại gỗ bằng mắt thường của người có kinh nghiệm trong nghề cũng có thể biết nhưng không thể chắc chắn. Do đó, việc xác định loại gỗ qua biện pháp kiểm tra thông thường bằng mắt bên mua không thể kiểm tra được chủ yếu là tin tưởng lẫn nhau qua mối làm ăn hợp tác lâu dài. Và việc giao hàng không đúng loại gỗ đã thỏa thuận không được xem là rủi ro của bên mua sau khi nhận hàng vì không phải thuộc trường hợp hàng bị thất lạc hoặc hư hỏng.”

Bình luận của tác giả

Rõ ràng ở đây, Tòa đã phân biệt sự khác nhau giữa khiếm khuyết của hàng hóa và sự chuyển giao rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa. Ngay từ ban đầu, bản

chất của hàng hóa là loại gỗ không đúng yêu cầu của bên mua, điều này không hề liên quan đến quá trình vận chuyển hàng hóa mà bên bán có thể biện hộ rằng đã chuyển giao rủi ro cho bên mua khi giao hàng qua lan can tàu. Bởi vậy phán xét của tòa dựa vào điều khoản 44 của LTM 2005 là có cơ sở.

Vụ việc thứ hai

Vụ án này liên quan đến việc bên mua đã từ bỏ quyền lợi cơ bản của mình khi không khởi kiện về vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Một số tình tiết không ảnh hưởng đến việc đánh giá vấn đề pháp lý này được lược bỏ (xem toàn bộ vụ án tại Phụ lục 1)

Tóm tắt vụ việc

Trong vụ tranh chấp được xét xử bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế số 2113/2008/KDTM-ST ngày 26/12/2008, nguyên đơn (bên bán) Công ty Givaudan Singapore Pte Ltd có bán cho Công ty TNHH TM SX Khiêm Tín hương liệu làm mỹ phẩm với tổng trị giá là 25.986,50 USD theo hợp đồng mua bán số 25VTN – 1032 ngày 04/05/2005 nhưng quá hạn thanh toán (30 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn) Công ty Khiêm Tín vẫn chưa thanh toán. Vì vậy, nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu Công ty Khiêm Tín phải thanh toán số tiền cho mình.

Công ty Khiêm Tín xác nhận có ký kết và nhận đủ hàng theo hợp đồng mua bán giữa hai bên nhưng chỉ đồng ý thanh toán cho 3 lô hàng đạt chất lượng trị giá 8.101 USD, các lô hàng còn lại công ty không đồng ý thanh toán và đề nghị trả lại hàng vì không đạt chất lượng.

Phán quyết của Tòa án

Tòa đã bác ý kiến của công ty Khiêm Tín khi đã không khiếu nại trong thời hạn thỏa thuận của hợp đồng, do đó bị đơn đã mất quyền khởi kiện tại Tòa (theo quy định tại điều 241 LTM 1997). Hơn nữa bị đơn cho rằng các bên thỏa thuận giao hàng theo mẫu nhưng lại không xuất trình được mẫu chuẩn mà các bên đã thỏa thuận khi ký hợp đồng (có niêm phong và chữ ký xác nhận của bên bán) để làm căn cứ khiếu nại về chất lượng hàng hóa giao nhận theo hợp đồng. Vì vậy tòa đã chấp

nhận yêu cầu của nguyên đơn và buộc bị đơn phải có trách nhiệm thanh toán số tiền còn nợ theo hợp đồng mua bán giữa hai bên.

Bình luận của tác giả

Trong trường hợp này, lẽ ra khi bên mua thấy rằng hàng hóa không đúng chất lượng thì nên thông báo ngay cho bên bán để bên bán khắc phục hoặc có thể khởi kiện ra tòa. Vì rằng nghĩa vụ thanh toán là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên mua nên việc ngừng thanh toán mà không dựa theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật thì vô tình hành động này đã cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng của bên mua. Thêm nữa trong trường hợp này bên mua đã không đưa ra bằng chứng xác đáng về vấn đề chất lượng hàng hóa nên phán quyết của Tòa án là hoàn toàn hợp lý.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 48 - 52)