Các tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán tiền hàng có thể nảy sinh từ rất nhiều vấn đề khác nhau như căn cứ, điều kiện và thời điểm bên mua phát sinh nghĩa vụ thanh toán, vấn đề tạm ngừng thanh toán tiền hàng… nhưng trong giới hạn bài viết này, tác giả chỉ xin đi sâu vào phân tích tranh chấp liên quan đến vấn đề tiền lãi do chậm thanh toán vì đây là loại tranh chấp xảy ra khá phổ biến và thường xuyên. Thực tiễn giải quyết tranh chấp trong trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán, tức không thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi đến hạn thanh toán theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật gặp không ít khó khăn trong việc tính tiền lãi do chậm thanh toán. Đó là do theo LTM 2005 quy định thì khoản lãi này là mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, nhưng để tính được mức lãi suất này tại thời điểm thanh toán (thời điểm Tòa án mở phiên tòa xét xử) không phải là việc dễ dàng và thường có sự khác nhau trong việc xác định mức lãi suất này giữa các Tòa địa phương. Hiện tại cũng có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, cho thấy sự lúng túng, bất cập trong quy định của pháp luật về căn cứ để tính tiền lãi
(i) Quan điểm thứ nhất: tính bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố;
(iii) Quan điểm thứ ba: tính mức trung bình cộng của các mức lãi suất nợ quá hạn của một số ngân hàng (có thể là hai, ba hoặc nhiều hơn, con số ở đây cũng khó có sự thống nhất giữa các Tòa).
Mặc dù gần đây, trong chương trình tập huấn nghiệp vụ cho các Tòa án địa phương, Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cách tính mức lãi suất này bằng cách lấy mức trung bình cộng mức lãi suất nợ quá hạn của 4 ngân hàng thương mại (đang hoạt động trên địa bàn của Tòa án đang giải quyết vụ án) để tính hay như trong Tài liệu tham khảo Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của ngành Tòa án nhân dân, Tòa án có đề xuất lấy 3 ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank. Tuy nhiên đây chỉ là cách tháo gỡ vướng mắc trong việc vận dụng quy định pháp luật vào xét xử, không thể xem là chuẩn mực pháp lý vì nó không được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật chính thống.
Hơn nữa việc áp dụng hướng dẫn này trong thực tiễn cũng khá phức tạp. Theo quy định của BLTTDS năm 2004 thì các bên phải cung cấp mức lãi suất nợ quá hạn của các ngân hàng cho Tòa án. Thông thường các ngân hàng chỉ cung cấp bản photo của Bảng tham khảo lãi suất cho vay nên Tòa không thể dựa vào đó để căn cứ tính lãi. Nếu muốn có kết quả chính xác thì Tòa có thể trực tiếp thu thập bằng cách gửi công văn yêu cầu ngân hàng gửi báo cáo tuy nhiên việc này tốn kém rất nhiều thời gian và khi Tòa án nhận được thì mức lãi suất này không còn mang tính cập nhật nữa. Như vậy, mặc dù quy định của LTM 2005 về vấn đề tiền lãi là khá rõ ràng nhưng việc áp dụng quy định này vào xét xử lại khó khăn hơn nhiều. Mong rằng trong thời gian tới các nhà làm luật cần có giải pháp sửa đổi, bổ sung về vấn đề này sao cho quy định mang tính khả thi hơn.
Vụ án thứ nhất:
Vụ án dưới đây là vụ án về vấn đề tiền lãi do chậm thanh toán, cho thấy tính mở của Tòa án trong việc tôn trọng thỏa thuận của các bên. (Xem toàn bộ vụ án tại Phụ lục 3)
Trong bản án số 1413/2009/KDTM-ST ngày 09/06/2009 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là pháp nhân nước ngoài và bị đơn có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh thì trong thời gian từ ngày 16/12/2006 đến ngày 13/07/2007, công ty TNHH Akzo Nobel Coatings (Dongguan) có bán có cho công ty TNHH Hoa Mỹ một số hàng hóa là sơn gỗ. Tuy nhiên đến ngày 20/06/2008, công ty Hoa Mỹ vẫn còn nợ số tiền mua hàng là
277.429,95 USD. Dù đã được yêu cầu nhưng công ty Hoa Mỹ vẫn không thanh toán nợ nên công ty Akzo Nobel Coatings (Dongguan) đã nộp đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu công ty Hoa Mỹ phải thanh toán khoản nợ tiền mua hàng nói trên và tiền lãi chậm thanh toán (tạm tính đến ngày 31/07/2008) là 24.015 USD, tổng cộng là
301.444,95 USD. Bị đơn xác nhận còn nợ nguyên đơn tiền mua hàng nhưng số tiền đó là 255.908,84 USD vì sau ngày ký xác nhận nợ, bị đơn đã thanh toán được 7.000 USD và đã trả lại hàng cho nguyên đơn trị giá 14.438,58 USD và vì số tiền nợ gốc chưa thống nhất nên chưa thể xác định số tiền lãi theo như yêu cầu.
Phán quyết của Tòa án
Trong trường hợp này, Tòa đã có áp dụng khoản 1 điều 50 và điều 306 LTM 2005 tuyên bố công ty TNHH Hoa Mỹ phải có trách nhiệm thanh toán cho công ty TNHH Akzo Nobel Coatings (Dongguan) số tiền mua hàng còn nợ là 255.991,37 USD và số tiền lãi chậm thanh toán là 41.848,01 USD, tổng cộng là 297.839,38 USD. Ngoài ra bị đơn có yêu cầu trả chậm mỗi tháng 8.000 USD hoặc trả trong thời hạn 2 năm tuy nhiên điều này không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng cũng như quy định của pháp luật (điều 306 LTM 2005) và nguyên đơn cũng không đồng ý nên Tòa đã bác yêu cầu này. Trong trường hợp này, Tòa đã nhận định văn bản xác nhận nợ ngày 14/11/2007 và ngày 20/06/2008 của công ty TNHH Hoa Mỹ là chứng cứ để giải quyết tranh chấp của các bên.
Bình luận của tác giả
Theo quan điểm của tác giả thì tòa án đã quyết định đúng khi buộc bị đơn phải thanh toán số tiền còn nợ bên bán bởi vì theo quy định tại khoản 1 điều 50 LTM
2005 thì “bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng theo thỏa thuận”. Bên mua đã nhận hàng theo thỏa thuận và có xác nhận nợ thì bên mua phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Ngoài ra trong bản án này có thể thấy Tòa án đã hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận của các bên trong việc xác định số tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán theo điều 306 LTM 2005. Bởi vậy phán quyết của tòa án trong việc chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chính xác. Vụ án này khá đơn giản vì các bên đã có sự thỏa thuận trước về vấn đề tiền lãi do chậm thanh toán
Vụ án thứ hai
Vụ việc này cũng liên quan đến tiền lãi do chậm thanh toán, trong trường hợp các bên không có sự thỏa thuận trước. Một số tình tiết không ảnh hưởng đến việc đánh giá vấn đề pháp lý này được lược bỏ.
Tóm tắt vụ việc
Trong bản án số 1975/2009/KDTM-ST ngày 06/08/2009 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, nguyên đơn (người bán) là công ty Asian Feed Co., Ltd của Thái Lan đã kiện bị đơn (người mua) là công ty cổ phần Phú Thuận vì đã vi phạm hợp đồng, không chịu thanh toán cho công ty Asian Feed Co., Ltd tiền hàng hai hợp đồng: hợp đồng số SF 50059/2007 (ngày vi phạm hợp đồng là ngày 21/10/2007) với số tiền còn nợ là 29.879,64 USD và hợp đồng số SF 50064/2007 (ngày vi phạm hợp đồng là 26/11/2007) với số tiền còn nợ là 14.419,21 USD. Tuy nhiên về việc chọn
“lãi suất cho vay trung bình”, Hội đồng xét xử cũng như các bên đương sự không thể thu thập, cung cấp theo yêu cầu của Tòa án “lãi suất cho vay trung bình” của 3 Ngân hàng thương mại tại thời điểm xét xử.
Phán quyết của Tòa án
Dựa trên việc công ty Asian Feed đã cung cấp các chứng cứ liên quan và công ty Phú Thuận đã thừa nhận hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Tòa án đã dựa vào Điều 306 của LTM 2005 để buộc công ty Phú Thuận phải bồi thường cho công ty Asian Feed, cụ thể gồm các khoản
1) Tiền hàng hai hợp đồng là 29.879,64 USD
2) Tiền lãi do chậm thanh toán được tính với căn cứ xác định “lãi suất cho vay trung bình” trên cơ sở thông tin do Ngân hàng nhà nước công bố ngày 6/8/2007 là: “Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm Ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến quanh mức 3%/năm, trung và dài hạn 3,5-5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm NHTMCP phổ biến ở mức 3-5%/năm, trung và dài hạn 4- 6%/năm.” Nên HĐXX tính “lãi suất cho vay trung bình” theo mức từ 3%/năm tới 6%/năm là 4,5%/năm làm “lãi suất cho vay trung bình trên thị trường”, và “lãi suất cho vay quá hạn trung bình trên thị trường” sẽ là 4,5%/năm x 1,5 = 6,75%/năm để tính số tiền lãi phải trả cho Công ty CP Phú Thuận chậm trả tiền hàng cho Công ty Asian Feed là có căn cứ.
Khoản tiền hàng 29.879,64 USD được tính từ ngày 17/11/2007 tới ngày xét xử sơ thẩm là 658 ngày, với lãi suất vay quá hạn trung bình do NHNN công bố là
6,75%/năm: 29.879,64 USD x 6,75%/365 ngày x 658 ngày = 3.635,90 USD.
Khoản tiền hàng 14.419,21 USD được tính từ ngày 26/12/2007 tới ngày xét xử sơ thẩm là 586 ngày, với lãi suất vay quá hạn trung bình do NHNN công bố là
6,75%/năm: 14.419,21 USD x 6,75%/365 ngày x586 ngày = 1.562,60 USD
Vậy tổng cộng các khoản vốn, lãi chậm trả là 49.497,35 USD. Quy đổi ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 17.815 đồng/ USD cụ thể là 49.497,35 USD x 17.815 đồng/USD = 881.795.290 đồng, lấy tròn số là 881.795.000 đồng để tính án phí.
Bình luận của tác giả
Có thể thấy quy định về “lãi suất cho vay trung bình” gây ra khó khăn cho công tác xét xử khi việc áp dụng Tòa án các nơi không thống nhất. Trong trường hợp này TAND TP. Hồ Chí Minh đã dựa trên thông tin do Ngân hàng nhà nước công bố để làm cơ sở tính. Rõ ràng, để xác định chính xác và thống nhất mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán thì quy định tại điều 306 LTM 2005 là một điều khó thực hiện được và nếu có thì cũng không có sự nhất
quán. Để tránh sự lúng túng liên quan đến điều khoản này thì các bên có thể chủ động thỏa thuận cụ thể trước với nhau trong hợp đồng.
2.3.2.3. Nhận xét chung
Đối với nhóm vấn đề thanh toán tiền hàng trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa thì tranh chấp về việc chậm thanh toán tiền hàng là rất phổ biến. Khi giải quyết tranh chấp, trước tiên để xem bên mua có phát sinh nghĩa vụ thanh toán hay chưa, tòa phải xem xét căn cứ thỏa thuận hợp đồng về giá cả, phương thức thanh toán và điều kiện thanh toán, từ đó mới có thể cân nhắc về hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tòa xem việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán của bên mua là một điều kiện tiên quyết để bên bán có quyền đòi tiền lãi do chậm thanh toán, đòi bồi thường thiệt hại và đòi phạt vi phạm đối với bên mua. Tuy nhiên về vấn đề tiền lãi do chậm thanh toán, thực tiễn giải quyết tranh chấp đã cho thấy vẫn còn một số tồn tại, bất cập giữa quy định pháp luật và tính khả thi của nó. Do vậy rất cần các nhà làm luật nghiên cứu sửa đổi điều khoản này sao cho phù hợp với thực tiễn trong thời gian sắp tới.