Các vấn đề pháp lý về thanh toán tiền hàng Căn cứ phát sinh nghĩa vụ thanh toán tiền hàng

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 53 - 57)

Căn cứ phát sinh nghĩa vụ thanh toán tiền hàng

Thanh toán tiền hàng là nghĩa vụ cơ bản của bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa. Cụ thể tại khoản 1 điều 50 LTM 2005 có quy định rằng “Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận”. Bởi vậy có thể thấy thỏa thuận giữa các bên tiếp tục là căn cứ để xác định nghĩa vụ thanh toán của bên mua, trước hết là ở phương thức thanh toán và giá thanh toán. Phương thức thanh toán là cách thức thực hiện chi trả một hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong LTM 2005 có đề cập đến việc bên mua phải tuân thủ phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật (khoản 2 điều 50), nghĩa là việc lựa chọn phương thức thanh toán nào tùy thuộc vào sự thương lượng giữa hai bên mua và bán. Thông thường, các bên tự thỏa thuận với nhau về việc thanh toán một lần hay nhiều lần, theo một thời hạn cụ thể hay định kỳ, thanh toán bằng tiền mặt, séc hay chuyển khoản, thời điểm thanh toán, điều kiện thanh toán, thanh toán trực tiếp hoặc thông qua một người thứ ba…

Giá thanh toán là số tiền bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán trên cơ sở giá hàng hóa do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Theo điều 52 LTM 2005 thì “trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá”, từ đó có thể thấy rằng giá cả không còn là một điều khoản bắt buộc phải có trong HĐMBHHQT như trong LTM 1997 nữa.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán và thời hạn thanh toán thì có thể áp dụng các điều 54 và 55 LTM 2005. Đây là nét mới so với LTM 1997 khi mà luật này không có quy định cụ thể về hai vấn đề trên nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng.

Địa điểm thanh toán là nơi mà tại đó bên mua phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên bán. Các bên có thể căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện mà thỏa thuận địa diểm thanh toán là trụ sở hoặc nơi cư trú của bên này hay bên kia hoặc tại một nơi bất kỳ nào đó. Bên mua phải thực hiện nghĩa vụ này đúng nơi mà hai bên đã xác định. “Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:

1. Địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán;

2. Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.” (Điều 54 LTM 2005)

Tuy nhiên LTM 2005 lại chưa dự liệu tình huống bên bán thay đổi địa điểm kinh doanh sau khi ký kết hợp đồng, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng chi phí việc thực hiện thanh toán. Trong tình huống như vậy có thể áp dụng điều 284 Bộ luật Dân sự 2005: “Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác” vì Bộ luật Dân sự là luật chung được vận dụng để giải quyết tranh chấp nếu luật chuyên ngành không quy định. Như vậy, có thể thấy rằng việc xác định địa điểm thanh toán có ý nghĩa quan trọng đối với các bên bởi vì nó là cơ sở để xác định ai là người phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi địa điểm thanh toán.

Thời hạn thanh toán là một thời điểm hay một khoảng thời gian nhất định mà trong thời điểm hoặc khoảng thời gian đó bên mua phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình nhằm thỏa mãn lợi ích của bên bán. Tùy thuộc vào tính chất, nội dung của quan hệ mua bán hàng hóa cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mình mà các bên có

thể thỏa thuận thời hạn thanh toán. Khi thời hạn thanh toán đã được xác định theo thỏa thuận thì các bên phải thực hiện đúng thời hạn đó.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận, điều 55 của LTM 2005 quy định thời hạn thanh toán như sau:

“1. Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá;

2. Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 của Luật này.”

Rõ ràng thời điểm thanh toán cũng là cột mốc quan trọng để từ đó xem xét hành vi vi phạm và trách nhiệm của mỗi bên cũng như xác định thời hạn khởi kiện của các bên khi có tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Tiền lãi do chậm thanh toán

Việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong HĐMBHHQT là một trong những tranh chấp phổ biến thường phát sinh. Đặc biệt việc chậm thanh toán của bên mua là thường xuyên xảy ra nhất, gây ảnh hưởng đến công việc sản xuất, kinh doanh của bên bán, vì vậy LTM 2005 cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Theo điều 306 LTM 2005 thì “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Trước khi có điều khoản này thì LTM 1997 cũng có điều 233 quy định tương tự nhưng chỉ khác ở chỗ mức lãi suất để tính tiền lãi do chậm thanh toán “Trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán phí dịch vụ, các chi phí khác thì bên kia có quyền đòi tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Theo quy định cũ thì mức lãi suất nợ quá hạn sẽ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trong khi theo luật mới là lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Việc sửa đổi này phần nào đã đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trong giải quyết các tranh chấp do chậm thanh toán trong HĐMBHHQT.

Tạm ngừng thanh toán tiền hàng

Tạm ngừng thanh toán là việc bên mua tạm thời không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, việc ngừng thanh toán tiền mua hàng được quy định như sau tại điều 51 LTM 2005 “1. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán; 2. Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có

quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;

3. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;

4. Trường hợp tạm ngừng thanh toán theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của Luật này.”

Qua những điều khoản 2, 3 có thể thấy nếu bên mua có bằng chứng bên bán lừa dối, hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp hoặc bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán hoàn toàn có quyền tạm ngừng thanh toán mà không cần phải thông báo cho bên bán biết. Tuy thế LTM 2005 cũng có quy định để bảo vệ quyền cơ bản của người bán nếu bằng chứng tại khoản 2 và 3 không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải chịu trách nhiệm cho việc tạm ngừng thanh toán của mình và các thiệt hại khác phát sinh. Khoản 4 điều 51 này là điểm mới của LTM 2005 so với LTM 1997 khi trong LTM 1997 không hề ràng buộc trách nhiệm của bên mua trong trường hợp những chứng cứ đó không xác thật, cụ thể tại điều 72 LTM 1997 quy định như sau:

“1) Người mua có quyền chưa thanh toán toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu khi nhận hàng phát hiện thấy hàng bị hư hỏng, có khuyết tật và chỉ thanh toán khi người bán đã khắc phục những hư hỏng, khuyết tật đó, trừ trường hợp trong hợp đồng có thoả thuận khác.

2) Người mua có quyền giữ lại toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu có bằng chứng về việc người bán lừa gạt hoặc không có khả năng giao hàng hoặc hàng này đang là đối tượng tranh chấp giữa người bán với người thứ ba cho đến khi các tình trạng này đã được giải quyết xong.”

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 53 - 57)