Quy trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tà

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 36 - 39)

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện và Trọng tài thụ lý vụ án (Điều 30-34 LTTTM 2010)

Nguyên đơn làm đơn kiện gửi đến TTTT mà hai bên đã lựa chọn để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Trường hợp giải quyết tranh chấp tại TTTT, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến TTTT. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn

Việc gửi đơn phải thỏa mãn thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Việc quy định thời hiệu khởi kiện như vậy là rất cần thiết trong tố tụng trọng tài, nhằm mục đích để các bên có thời gian lên kế hoạch chuẩn bị những giấy tờ cần thiết, giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng.

Nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng được tính từ khi TTTT nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn hoặc đối với trọng tài vụ việc thì tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn. Khi đó, trọng tài sẽ xem xét vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình không, nếu có thì trọng tài sẽ thụ lý đơn khởi kiện của nguyên đơn và bắt đầu giải quyết. Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của TTTT không có quy định khác, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, TTTT phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi

kiện của nguyên đơn và những tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này.

Bước 2: Gửi bản tự bảo vệ và đơn kiện lại (Điều 35, 36 LTTTM 2010)

Trong thời gian luật định, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và trọng tài bản tự bảo vệ, nếu không nộp thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn diễn ra bình thường. Biên bản tự bảo vệ là văn bản do bị đơn lập ra gửi cho TTTT, nhằm thể hiện ý kiến cũng như những lý lẽ, chứng cứ tự bảo vệ của mình khi nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn. Đối với tố tụng trọng tài, bản tự bảo vệ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của bị đơn, điều này thể hiện tính công bằng trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

Bị đơn cũng có quyền kiện lại nguyên đơn những vấn đề liên quan đến nội dung tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đơn kiện lại của bị đơn phải được gửi cho TTTT. Trong trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài vụ việc, đơn kiện lại phải gửi cho hội đồng trọng tài và nguyên đơn. Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ

Bước 3: Lựa chọn hoặc chỉ định trọng tài viên, thành lập hội đồng trọng tài (Điều 40 – 42 LTTTM 2010)

Các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài viên trong thời gian luật định, nếu hết thời gian đó mà các bên không thỏa thuận được thì chủ tịch TTTT hoặc tòa án sẽ chỉ định trọng tài viên. Các bên có quyền yêu cầu thay đổi trọng tài viên giải quyết tranh chấp khi có căn cứ họ không vô tư khách quan trong công tác theo quy định tại Điều 42 LTTTM 2010.

Bên cạnh đó các bên có quyền tiến hành lựa chọn địa điểm, ngôn ngữ và pháp luật áp dụng. (Điều 10, 11, 14 LTTTM 2010)

Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp, trường hợp không có thỏa thuận thì hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi được chọn hoặc chỉ định, trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài phải tiến hành các công việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp.

Nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự việc: Trên cơ sở đơn kiện, bản tự bảo vệ và các tài liệu chứng cứ của nguyên đơn và bị đơn, trọng tài viên nghiên cứu kỹ hồ sơ và văn bản pháp luật có liên quan để tìm hướng giải quyết. Trọng tài có quyền gặp các bên để nghe ý kiến hoặc tìm hiểu sự việc từ người thứ ba với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên.

Thu thập chứng cứ: Sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy chứng cứ chưa đủ thì trọng tài có quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng từ liên quan; trong trường hợp cần thiết có thể tự mình thu thập, mời giám định theo yêu cầu và phải cho các bên biết; nếu hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp.

Bước 5: Hòa giải (Điều 38 LTTTM 2010)

Kể từ thời điểm bắt đầu tố tụng, các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Nếu các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Quyết định công nhận hòa giải thành của hội đồng trọng tài là chung thẩm và được thi hành.

Bước 6: Mở phiên họp giải quyết tranh chấp và phán quyết trọng tài (Điều 54- 59 LTTTM 2010)

Về nguyên tắc, phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không công khai; trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, trọng tài mới có thể cho phép người khác tham dự phiên họp. Các bên trực tiếp tham gia hoặc có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình. Hội đồng trọng tài cũng có thể căn cứ vào hồ sơ để giải quyết tranh chấp mà không cần sự tham dự của các bên nếu các bên yêu cầu.

Kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày được công bố, các bên phải thi hành trừ trường hợp phán quyết bị tòa án hủy theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 36 - 39)