Tranh chấp về nội dung hợp đồng

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 25 - 27)

Nội dung của HĐMBHHQT thể hiện dưới dạng các điều khoản cụ thể của hợp đồng do các bên tự do thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật thương mại. Vì thế tranh chấp về nội dung của hợp đồng là những tranh chấp liên quan đến các điều khoản chủ yếu sau:

Điều khoản tên hàng

Tên hàng là đối tượng mua bán của hợp đồng, có tác dụng hướng dẫn các bên dựa vào đó để xác định các mặt hàng cần mua bán – trao đổi. Có nhiều cách thức khác nhau để quy định tên hàng: tên thông thường, tên thương mại, tên khoa học. Trong thương mại quốc tế do tính chất đa dạng của tên gọi đối với hàng hóa, có thể tuy cùng một loại hàng hóa nhưng mỗi nơi lại quy định và gọi tên khác nhau. Ngoài ra còn có thể xảy ra mâu thuẫn giữa nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu với cơ quan hải quan về tên gọi hàng hóa trong hợp đồng để xác định mức thuế suất cho hàng. Thế nên nếu không quy định chặt chẽ trong hợp đồng về tên hàng thì có thể dẫn đến tranh chấp trong HĐMBHHQT.

Điều khoản số lượng

Trên thị trường thế giới người ta sử dụng các hệ đo lường rất khác nhau cho nên trong hợp đồng cần thống nhất về đơn vị tính số lượng, cách ghi số lượng/ khối lượng…Ví dụ, về đơn vị đo cân nặng, trong khi Việt Nam sử dụng metric ton (1 MT = 1000kg) thì ở Mỹ sử dụng short ton (1 ST = 907.18474 kg) và Anh dùng long ton (1 LT = 1 016.04691 kg) hoặc về đơn vị đo dung tích, có nước áp dụng đơn vị tính

bằng dm3 hoặc bằng lít, nhưng có nước lại xác định đơn vị tính là gallon (một gallon của Anh bằng 4,54 lít; một gallon của Mỹ bằng 3,78 lít). Nếu không tìm hiểu kĩ về số lượng, cách thức xác định số lượng, đơn vị đo lường hàng hóa thì khó tránh khỏi những bất đồng không đáng có.

Điều khoản chất lượng

Điều khoản này mô tả quy cách, phẩm chất, kích thước, công suất và các thông số kỹ thuật… của hàng hóa được mua bán. Mô tả chi tiết và đúng chất lượng hàng hoá là cơ sở xác định chính xác giá cả của nó, đồng thời buộc người bán phải giao hàng theo yêu cầu của hợp đồng. Đây là điều khoản quan trọng trong HĐMBHHQT nên nếu mô tả không kỹ, thiếu chi tiết có thể sẽ dẫn đến thiệt thòi cho một trong hai bên.

Điều khoản giá cả

Trong thực tiễn kinh doanh, giá cả của hàng hóa thường biến động theo sự biến động của thị trường thế giới cũng như chịu sự tác động của các điều kiện tự nhiên và xã hội. Các bên cần phải thống nhất phương pháp tính giá ngay khi đàm phán để không xảy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng và không để xảy ra tình trạng bên có lợi nhiều và bên bị thiệt hại lớn, như vậy, ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế.

Điều khoản thanh toán

Điều khoản thanh toán giữ vị trí rất quan trọng trong hợp đồng mua bán ngoại thương, vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của cả hai bên. Trong điều khoản này, các bên phải xác định những vấn đề về đồng tiền thanh toán, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, các chứng từ làm căn cứ để thanh toán và điều kiện đảm bảo hối đoái.

Điều khoản về giao hàng

Đây là điều khoản rất quan trọng của hợp đồng, vì nó sẽ quy định nghĩa vụ cụ thể của người bán; đồng thời cũng là ràng buộc các bên hoàn thành trách nhiệm của mình đối với đối phương, liên quan đến thời điểm chuyển quyền sở hữu và rủi ro, giá cả của hàng hóa. Các tranh chấp thường gặp liên quan đến việc vi phạm thời

gian, địa điểm giao hàng, phương thức giao hàng (có cho phép chuyển tải hay không, giao hàng từng phần hay toàn bộ, giao hàng một lần hay nhiều lần), thông báo về giao nhận hàng hóa…

Điều khoản bao bì, đóng gói

Mỗi loại hàng hóa khác nhau yêu cầu một loại bao bì hoặc cách đóng gói riêng phù hợp với đặc tính hàng hóa, có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoặc giá cả của hàng hóa. Người bán cần đặc biệt lưu ý về quy định pháp luật hiện hành của nước người mua để biết được các loại bao bì bị cấm sử dụng hoặc cần phải gắn nhãn hiệu gì theo quy định để bao bì đóng gói cho phù hợp.

Điều khoản luật áp dụng

Đây không phải là điều khoản chủ yếu nhưng lại là điều khoản quan trọng giúp các bên có cơ sở pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ chưa được quy định cụ thể trong hợp đồng cũng như cách giải quyết các tranh chấp có liên quan. Các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng là luật của nước người bán hoặc nước người mua hoặc nước thứ ba.

Điều khoản giải quyết tranh chấp

Ở điều khoản này, các bên sẽ thỏa thuận phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, thường là tòa án hoặc trọng tài thương mại. Vì vậy nên thỏa thuận rõ phương thức giải quyết tranh chấp để một mặt các bên thấy rõ trách nhiệm hơn trước pháp luật; mặt khác có cơ sở để bảo vệ quyền lợi nếu xảy ra tổn thất, tranh chấp.

Ngoài các nội dung đã đề cập phía trên thì còn có những điều khoản khác có thể gây ra mâu thuẫn giữa các bên trong việc thực hiện HĐMBHHQT, vì thế các bên nên thỏa thuận cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng, với điều kiện các điều khoản đó phải không được trái với pháp luật thương mại.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w