Chú trọng đến một số điều khoản đặc biệt góp phần giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐMBHHQT

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 86 - 91)

chấp phát sinh từ HĐMBHHQT

Cơ sở đề xuất: Trong nhiều trường hợp tranh chấp xảy ra là do những tình huống

phát sinh ngoài ý muốn chủ quan hoặc không lường trước được mà doanh nghiệp không thể khắc phục hoặc xử lý được thì để tránh chi phí phát sinh, các bên cần thỏa thuận trước với nhau một số điều khoản đặc biệt trong HĐMBHHQT. Như vậy trong trường hợp khi tranh chấp đã phát sinh, các bên tham gia tranh chấp có thể vận dụng các điều khoản này để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Nội dung giải pháp: Các điều khoản đặc biệt mà các bên cần lưu ý đó là điều

khoản luật áp dụng, điều khoản về những trường hợp bất khả kháng và điều khoản khó khăn trở ngại.

Trước tiên về luật áp dụng, đây là điều khoản đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp và cũng tốn kém khá nhiều thời gian để đàm phán (Theo một cuộc điều tra 50 luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý về hợp đồng ngoại thương cho doanh nghiệp thì trên 30% thừa nhận rằng phải mất hơn 2h để đàm phán về vấn đề này). Khi thỏa thuận các bên cần lưu ý các nội dung như phạm vi những vấn đề mà luật do các bên tham gia quan hệ hợp đồng điều chỉnh, những điều kiện cụ thể để hệ thống pháp luật đã được lựa chọn sẽ áp dụng cho các vấn đề phát sinh từ hợp đồng, nguyên tắc xác định luật điều chỉnh và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của mình, các bên có thể tham khảo điều khoản mẫu của VIAC như sau “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm tại TTTT Quốc tế Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”. Hoặc “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm tại TTTT Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Điều khoản về những trường hợp bất khả kháng được hiểu là điều khoản về những trường hợp mà khi xảy ra các bên không phải chịu trách nhiệm dù đã có hành vi vi phạm hợp đồng. Ngày nay trong thực tiễn thương mại quốc tế đây là điều khoản rất phổ biến được các bên quan tâm và đưa vào hợp đồng. Những trường hợp bất khả kháng thường được đưa vào là những sự kiện xảy ra ngoài tự nhiên không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các bên như động đất, sóng thần, bão lũ…hoặc những sự kiện khác theo thỏa thuận của các bên mà khiến cho một bên không thể thực hiện được đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình. Pháp luật mỗi quốc gia quy định cụ thể khác nhau về các trường hợp bất khả kháng nên các chủ thể hợp đồng cần cân nhắc thỏa thuận kỹ trong hợp đồng về vấn đề này. Có thể hạn chế tranh chấp bằng cách tham chiếu điều khoản mẫu về bất khả kháng của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) năm 2003 hoặc lập danh sách những sự kiện mà các bên coi là bất khả kháng để dễ dàng đối chiếu khi có chuyện. Ngoài ra, các bên có thể tham khảo điều khoản bất khả kháng được xây dựng cụ thể tại điều 7.1.7 Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004, Bộ nguyên tắc pháp luật hợp đồng của châu Âu; Bộ luật châu Âu về hợp đồng (Dự luật PAVIE được soạn thỏa bởi Viện các Luật gia tư pháp PAVIE); Bộ luật dân sự Pháp (Điều 1147); Bộ luật dân sự Đức (khoản 1 điều 275, khoản 2 điều 311a); Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ….

Điều khoản khó khăn trở ngại được hiểu là điều khoản về những trường hợp mà khi xảy ra làm thay đổi một cách căn bản về tính cân bằng của hợp đồng đã được các bên thỏa thuận quy định trước đó trong hợp đồng, ví dụ như đồng tiền thanh toán mất giá, giá của hàng hóa đó dao động bất thường tại thời điểm thanh toán…Hiện tại các doanh nghiệp có thể tham khảo điều khoản này tại ấn phẩm số 421 của Phòng thương mại quốc tế ICC, điều khoản hardship trong Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 (Điều 6.2.1, Điều 6.2.2 và Điều 6.2.3), Bộ nguyên tắc pháp luật của hợp đồng châu Âu (PECL). Những điều khoản mẫu này có thể giúp các bên tham khảo thêm trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng.

Điều kiện triển khai: Điều này đòi hỏi những nhân sự phụ trách soạn thảo hợp đồng phải có liên hệ với các luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực LTM để từ đó có thể đưa ra các điều khoản nhằm hạn chế tranh chấp xảy ra.

Dự kiến kết quả đạt được: Một mặt có thể giúp cho các doanh nghiệp giảm các chi phí phát sinh trong trường hợp có tình huống xảy ra ngoài dự đoán gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng hoặc những tình huống không thể khắc phục được hậu quả, mặt khác có thể giúp cho các doanh nghiệp dựa vào các điều khoản này để lập luận trước tòa nếu có các tranh chấp liên quan đến vấn đề này.

Hoàn thành Khóa luận này, tác giả mong muốn những nghiên cứu của mình đóng góp được phần nào vào việc hạn chế tranh chấp phát sinh từ HĐMBHHQT tại TP. Hồ Chí Minh. Thực tiễn giải quyết tranh chấp đã cung cấp những góc nhìn thực tế về việc áp dụng các quy định pháp luật, đề từ đó đưa ra cách thức chủ động, vừa tránh được những vụ kiện không đáng có, lại vừa sáng suốt lựa chọn được những bằng chứng, lập luận, lý lẽ bảo vệ được quyền lợi của mình. Tác giả cũng hy vọng Khóa luận sẽ là nguồn tham khảo có ích cho các nghiên cứu khác sau này về cùng chủ đề, hoặc liên quan hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế với nhiều nước khác trên thế giới.

KẾT LUẬN

Trong xu thế toàn cầu hóa, thương mại quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Lợi ích thu được từ hoạt động này là rất lớn, song song bên cạnh đó cũng không ít những thách thức được đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là thách thức từ việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐMBHHQT. Thách thức này lại càng lớn tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, những quốc gia mà ở đó hệ thống pháp luật, chính sách còn chưa thật sự hoàn thiện và bộ máy tư pháp còn chưa thực sự tạo được niềm tin của các doanh nghiệp.

Qua việc nghiên cứu về vấn đề giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐMBHHQT, có thể nhận thấy rằng các tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế là vô cùng đa dạng và phức tạp, đặc biệt các vấn đề phát sinh nhiều tranh chấp là vấn đề về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng và vấn đề thanh toán tiền hàng. Tình hình giải quyết các vụ án tranh chấp cho thấy rằng tòa án vẫn là phương thức được các doanh nghiệp lựa chọn chủ yếu, với khối lượng vụ án thụ lý có chiều hướng gia tăng. Điều này đã tạo ra áp lực không nhỏ cho Tòa án, trong khi nghịch lý rằng hoạt động của các TTTT còn quá ít.

Về mặt pháp lý, LTM 2005 ra đời thay thế cho LTM 1997 đã phần nào đáp

ứng được những thay đổi trong hoạt động kinh doanh thương mại, cập nhật các điều khoản mới phù hợp hơn, có sự tiếp thu các điều ước quốc tế. Đối với vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, LTM 2005 đã thể hiện được tính mở hơn khi tôn trọng thỏa thuận giữa các bên trong HĐMBHHQT và sự linh hoạt hơn khi san sẻ trách nhiệm cho cả hai bên trong hợp đồng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Đối với vấn đề thanh toán, LTM 2005 đã thể hiện được tính chặt chẽ hơn trong các quy định và sự cập nhật trong việc tính toán tiền lãi.

Về mặt thực tiễn, có thể thấy các quan điểm khoa học trong các văn bản LTM cũng thống nhất với quan điểm xét xử trong các vụ án tranh chấp về các điều khoản trong hợp đồng. Tranh chấp xảy ra liên quan đến hai vấn đề trên rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi khả năng giải quyết tranh chấp, vừa phải vận dụng đúng các quy định của pháp luật, vừa phải linh hoạt trong từng tình huống cụ thể.

Dự báo trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có nhiều tranh chấp về HĐMBHHQT

xảy ra liên quan đến hai vấn đề trên, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình không chỉ kiến thức về kinh doanh mà còn phải nắm vững kiến thức về pháp luật về thương mại nói chung và HĐMBHHQT nói riêng để ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp tốt.

Trước những bất cập còn tồn tại, tác giả cũng đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị, góp ý cho nhà nước, các cơ quan xét xử nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh tại

Việt Nam hơn nữa. Bên cạnh đó cũng có những đề xuất, lưu ý dành cho hiệp hội và đặc biệt là doanh nghiệp với mong muốn hạn chế số lượng tranh chấp trong thời gian tới thông qua việc nhận biết được một số loại tranh chấp thường gặp.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w