Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tháng 9 năm 1939, đời sống của nhân dân ta vô cùng khốn khổ dưới hai tầng áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Để xoa dịu tình hình, thực dân Pháp đã thực hiện hàng loạt các khẩu hiệu “Cách mạng quốc gia”, “Cần lao – Gia Định”, “Pháp Việt phục hưng”, ... Đồng thời cho phép thanh niên nói đến “lòng yêu nước”, tôn sùng những anh hùng trong lịch sử dân tộc. Trước tình hình đó, một phong trào văn nghệ phục cổ đã hình thành và lan rộng ở mọi lĩnh vực như truyện, thơ ca, âm nhạc, hội họa, kịch,… Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến các tác giả viết kịch nói nước ta trong giai đoạn từ 1939 – 1945. Hầu hết các tác phẩm kịch nói trong giai đoạn này đều đi sâu vào khai thác đề tài lịch sử, ca ngợi những người anh hùng trong lịch sử. Qua đó thể hiện tấm lòng yêu nước thầm kín của mình dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Ở vở “Lam sơn tụ nghĩa” ra đời năm 1944 được Nguyễn Xuân Trâm tái hiện bối cảnh lịch sử nước ta năm 1917. Qua vở kịch này, người đọc được gặp gỡ nhiều nhân vật lịch sử - những người anh hùng dân tộc. Đó là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Lợi và nhiều nhân tài, hào kiệt tham gia tụ nghĩa ở Lam Sơn.
Trước cảnh bạo tàn của tên tướng Ngô đối với người phụ nữ và “em bé thơ ngây”, Nguyễn Trãi vô cùng đau xót và phẫn nộ:
“Nguyễn Trãi: (Rất căm hờn, đau đớn) Tính mạng hài nhi tiết trinh thiếu phụ Bao của mồ hôi nước mắt dân lành
Bao nỗi đau thương, bao chuyện bất bình”
Nguyễn Trãi đã ngày đêm lo lắng, tìm mưu kế đuổi quân cướp nước: “Học binh thư, suy thành, bại đêm ngày
Nợ nước thù nhà, lòng con bốc lửa Con quyết đi tìm minh chúa xuân này”
Đặc biệt là cuộc gặp gỡ của hai người anh hùng Lê Lợi và Nguyễn Trãi – mối tình cá nước:
“Nước Nam vô chủ đã lâu
Trời cho Lê Lợi đứng đầu muôn dân Và cho Lê một lương thần
Tên là Nguyễn Trãi võ văn gồm tài”
Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Trãi hy sinh tình riêng, gạt nước mắt từ biệt cha ở ải Nam Quan trở về tìm cách trả thù cho cha, rửa hận cho nước còn được Hoàng Cầm phác thảo trong vở “Hận Nam Quan”. Trong vở kịch này, còn xuất hiện nhiều hình bóng những người anh hùng dân tộc như Nguyễn Phi Khanh, các vị anh hùng thời Lý, thời Trần:
“Đây Nam Quan, nơi tướng quân họ Lý Đuổi quân thù như lũ chuột hôi tanh Lại phóng xá cho bọn người tiểu kỷ Rút gươm về rực sáng hỡi gươm linh Đây Nam Quan quân Minh rời biển máu Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
Say chiến công, tướng nhà Trần lảo đảo…”
Tác giả Hoàng Cầm còn ca ngợi hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung trong vở “Kiều Loan”. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ mặc dù đã trở về với cát bụi nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Kiều Loan và Ông già cũng như toàn thể người dân đất Việt vẫn còn sống mãi tựa ánh dương sưởi ấm khắp nhân gian – một vị vua anh minh:
“Kiều Loan:
Đẹp nguy nga như vầng nhật lên ngôi Cao tít mù như sao sáng giữa trời Đức vô lượng như nắng tràn bốn cõi”
Trong mắt Ông già thì hình như người anh hùng ấy vẫn còn sống: “Ông già:
Người chuyển rung bốn bể
Thương nước dựng lên áo vải cờ đào Đôi mắt Người sáng rực hai vì sao Cứu dân tộc khỏi nanh hùm vuốt sói Qủa ngọt hoa thơm cho người nghèo đói Tiếng hát lời ca cho khắp dân lành.”
Có thể nói, thông qua những hình tượng danh nhân, danh tướng, những vị anh hùng dân tộc đã làm sống dậy những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, thể hiện niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Đồng thời, các tác giả kịch nói Việt Nam giai đoạn 1939 – 1945 đã thầm lặng, kín đáo ký thác tấm lòng yêu nước của mình trong bối cảnh xã hội đầy đau thương của dân tộc. Đằng sau những trang sách, những lớp kịch ấy luôn toát lên niềm tự hào dân tộc:
“Dân Đại Việt không bao giờ hèn yếu Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao Ôi! Kiêu hãnh là những trang niên thiếu Tự nghìn xưa không nhụt chí anh hào Gái cùng trai trên non sông gấm vóc Đã thêu bằng huyết lệ, bằng chiến công Những trang sử đẹp như vàng với ngọc Bóng muôn đời không thẹn với non sông”
Tiểu kết
Trên đây, chúng tôi đã trình bày một cách ngắn gọn và khái quát những cảm hứng chính trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của kịch nói giai đoạn 1939 – 1945. Như trên chúng tôi đã trình bày, giai đoạn 1939 – 1945 là giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc ta dưới hai tầng áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đồng thời đây cũng là giai đoạn nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho giai đoạn tiền khởi nghĩa để tiến tới Cách mạng tháng Tám. Dù được viết bằng cảm hứng gì, các tác giả cũng thể hiện sự cảm thông với những đau thương, mất mát của nhân dân, của đất nước, của dân tộc, đồng thời bày tỏ thái độ căm phẫn sâu sắc đối với kẻ thù chung của dân tộc. Đặc biệt, với việc đi sâu vào khai thác đề tài lịch sử, ca ngợi những vị anh hùng trong lịch sử dân tộc, theo chúng tôi, có thể xem đây là cách để các tác giả kịch nói Việt Nam kín đáo ký gửi tâm sự yêu nước thầm kín của mình. Đó còn là cách để các tác giả kịch nói Việt Nam thức tỉnh tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc.
Chương 3