Đây là một trong những cảm hứng quan trọng của kịch nói giai đoạn này. Cảm hứng phê phán là sự phủ định, lên án mạnh mẽ và gay gắt đối với những phương diện nào đó trong đời sống xã hội. Trong tác phẩm văn học, cảm hứng phê phán thường là thái độ quan tâm của nhà văn tới những xung đột trong xã hội và trong nội tâm con người. Khi nào và ở bất cứ đâu còn tồn tại những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác,… thì cảm hứng phê phán sẽ có điều kiện để hình thành và phát triển.
Nói về cảm hứng phê phán, Lê Ngọc Trà cho rằng: “Sự miêu tả thành công cái xấu, cái ác và rộng hơn là cái dị dạng, cái buồn cười trong tác phẩm nghệ thuật đánh dấu một bước trưởng thành của văn học, chứng tỏ năng lực bao quát cuộc sống, sự truyền tải và trình độ sâu sắc của nhà văn” [85, 21].
Đầu thế kỷ XX, sự xâm lược của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam thay đổi và phân hóa sâu sắc. Nhất là sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tháng 9 năm 1939, dưới sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đời sống của nhân dân ta lâm vào tình trạng ngột ngạt, bế tắc.
Chính trên cơ sở xã hội đó, cảm hứng phê phán có điều kiện hình thành và phát triển.
Kịch nói giai đoạn 1939 – 1945, việc tập trung khai thác đề tài lịch sử là cách để các tác giả kịch nói Việt Nam đã kín đáo gửi gắm tâm sự yêu nước, tấm lòng thương dân sâu sắc của mình trước cảnh đất nước lầm than dưới gót giày của quân cướp nước. Đồng thời, còn thể hiện tinh thần phê phán những bất công, ngang trái của xã hội đương thời và bộc lộ sự cảm thông, thương xót đối với những nạn nhân của xã hội đó. Mỗi nhà viết kịch viết bằng cảm thức nghệ thuật khác nhau, bằng tài năng riêng có của mỗi người đã thể hiện nội dung, sắc thái và giọng điệu phê phán khác nhau.
Với vở kịch “Vũ Như Tô”, Nguyễn Huy Tưởng kể về câu chuyện xây dựng Cửu Trùng Đài của người nghệ sĩ – kiến trúc sư tài năng Vũ Như Tô cho vua Lê Tương Dực làm chốn “hành lạc”. Với ý định mượn tay vua Hồng Thuận, Vũ Như Tô muốn xây dựng một công trình vĩ đại, tranh tinh xảo với hóa công, để tô điểm cho non sông đất nước sánh ngang với các công trình của Trung Quốc. Khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ Vũ Như Tô rất đáng trân trọng, nhưng Cửu Trùng Đài mỗi ngày cao thêm một lớp thì dân tình thêm khổ một tầng. Và cái chết của Vũ Như Tô cùng bọn hôn quân bạo chúa lẫn Cửu Trùng Đài bị đốt ở cuối vở như một tất yếu lịch sử. Câu chuyện chỉ có thế nhưng có thể thấy bao trùm vở kịch là thái độ lên án, tố cáo của tác giả dành cho vua Lê Tương Dực cũng như bọn quan lại là những người đại diện cho triều đình phong kiến đã mục ruỗng tự bao giờ. Với giọng điệu mỉa mai, châm biếm, đôi khi là căm giận, tác giả đã cho người đọc mục sở thị một tên vua hoang dâm, sa đọa có thật trong lịch sử nước ta mà dân gian vẫn truyền tai nhau cái tên “vua tướng lợn”:
“Ngày thì rượu, đêm thì đánh bạc; gian dâm với cả cung nữ của bố. Bây giờ lại mê thứ phi Kim Phượng. Hôm qua đâu Khâm đức Hoàng hậu đánh
ghen mấy thứ phi om sòm cả lên. Thực là nhà dân cũng chẳng bí beng như thế. Ê quá, nát ơi là nát”.
Một ông vua ăn chơi sa đọa đã hiện lên một cách sinh động nhất:
“Dân nghe vua đóng thuyền, tưởng sắp chinh đông phạt tây, mở mang bờ cõi, ngờ đâu vua đóng chiến thuyền để cho gái tập trận, có đời thuở nào lại nhăng nhố thế không?”
Để có tiền xây dựng Cửu Trùng Đài phục vụ cho sự ăn chơi của mình, Lê Tương Dực đã không còn cách nào khác là tăng sưu thuế: “ (…) lại tăng sưu thuế; thế này là lần thứ hai nhỉ?”. Vua thì đã vậy, bọn quan lại thì cũng coi đây là cơ hội để đục khoét, ăn chặn, vơ vét,… càng nhiều càng tốt: “Đấy là chưa kể những sự nhũng lạm. Tôi thấy dân chúng ta thán nhiều, có nơi tổng lý vào nhà người ta có bao nhiêu thóc, gạo, ngô, khoai, gà qué, vải vóc, vàng bạc vơ vét sạch, viện lẽ là để cho thợ ăn, thợ mặc xây cung vàng điện ngọc. Triều đình đòi một thì chúng đòi mười”.
Qua những câu đối thoại ngắn ngủi của các nhân vật trong vở kịch cũng đủ để người đọc hình dung về một triều đại phong kiến mục ruỗng từ trên xuống dưới: vua không ra vua, quan không ra quan. Và tình hình chính sự rối ren như vậy, thì cũng là lúc giặc giã nổi lên như ong cũng là điều dể hiểu: “Giặc giã nổi lên khắp nơi… Kinh Bắc thì có Thôn Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng. Đất Tây Sơn thì có Trần Tuân; Tam Đảo thì có Phùng Chương. Chúng dấy binh làm loạn, giết cả quan lại triều đình, hãm hiếp dân đen, đốt phá làng mạc. Dân gian không được an cư lạc nghiệp, ruộng nương bỏ hoang, cửi canh xao nhãng, cực khổ không biết thế nào mà kể cho hết. Tiếng oán than nổi lên đầy trời”.
Tác giả không chỉ phê phán, tố cáo bọn hôn quân bạo chúa những kẻ đại diện cho triều đình phong kiến đã đẩy nhân dân vào cảnh: “Mười năm nay không mấy năm không mất mùa, đói kém quá thể, có nơi cả làng phải đi ăn
mày, đường cái đầy xác chết. Tình cảnh như thế mà lại tăng sưu thuế, họ đóng góp làm sao?” Mà còn là lời phê phán đanh thép đối với người nghệ sĩ Vũ Như Tô nữa và đây mới chính là sức nặng của tác phẩm mà Nguyễn Huy Tưởng muốn truyền tải đến với bạn đọc và nhất là đối với văn nghệ sĩ lúc đó. Rằng nghệ thuật chân chính không thể phục vụ cường quyền bạo lực, không thể đi ngược lại lợi ích và quyền lợi của quần chúng nhân dân. Những lời đánh giá sau đây của nhà nghiên cứu Hà Minh Đức quả thật rất xác đáng: “(…) khẳng định nghệ thuật chân chính không thể phục vụ và dung hòa với bạo lực cường quyền. Dù với một ý thức và một động cơ nào, nếu nghệ thuật đã đi ngược lại với quyền lợi của quần chúng là sa vào sự đổ vỡ tuyệt vọng (…) Vũ Như Tô đã chỉ ra không có nghệ thuật thuần túy, chỉ có nghệ thuật phục vụ cho giai cấp thống trị, và nền nghệ thuật gắn bó với quần chúng. Hai con đường ấy, người nghệ sĩ phải tỉnh táo mà chọn lấy một” [76, 226].
Đồng thời, Nguyễn Huy Tưởng còn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và niềm tin yêu vô hạn dành cho quần chúng nhân dân lao động nghèo khổ. Ông tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân: “Dâm dật là mầm bại vong, xa xỉ là nguồn loạn lạc (…) Dẹp bọn này, bọn khác lại nổi lên như đầu Phạm Nhan, bệnh nặng phải trừ từ rễ. Giặc giã nổi lên vì dân gian oán triều đình. Chính sự đổ nát…(…) Hoàng thượng mau mau tỉnh ngộ, tu tỉnh thân mình, xa gái đẹp, đuổi Vũ Như Tô, học thói thánh hiền, thương dân như con kẻo họa đến thân”.
Qua “Vũ Như Tô”, Nguyễn Huy Tưởng đã cho người ta thấy sức mạnh
và vai trò của quần chúng nhân dân: “Viết Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã có sự cảm nhận sâu sắc về vai trò của quần chúng qua các phong trào khởi nghĩa của nhân dân, những xung đột lịch sử mà các làn sóng ngầm khơi nguồn từ những căm giận và khát vọng của nhân dân” [15,155].
Cũng với cảm hứng phê phán, vở “Kiều Loan” của Hoàng Cầm được khơi nguồn từ bối cảnh hiện thực lịch sử nước ta dưới triều Nguyễn ở giai
đoạn chuyển giao lịch sử với những biến động dữ dội. Khi Quang Trung băng hà, triều đình Tây Sơn cũng dần suy yếu, chúa Nguyễn đã thực hiện nhiều biện pháp tàn bạo để đàn áp tàn dư còn ủng hộ triều Tây Sơn (Nguyễn Quang Toản). Chính vì thế, những cuộc nội chiến kéo dài và xảy ra liên miên khiến cho đời sống của nhân dân vô cùng điêu đứng, khốn khổ:
“Ông già:
Một nước nhỏ mà phân chia Nam Bắc Xâu xé nhau vì hai chữ lợi danh
Tam vương, ngũ đế, cướp đất phá thành Thay cái đạo làm người bằng giáo mác Yến ẩm, lầu cao… xương máu chan hòa”
Qua ngòi bút của Hoàng Cầm hình ảnh chúa Nguyễn cũng như tầng lớp quan lại được ví von với “rắn độc” làm cho nhân dân khiếp sợ chứ không phải là Nghiêu, Thuấn:
“Hàm bạnh ra, ria mép cứ rưng rưng Tôi toát mồ hôi lạnh buốt sống lưng Như rắn độc đã cắn vào sau gáy” (…)
Tai chúa ù ì – chúa giật mình hốt hoảng
Tuốt ngay gươm chém chết những người lành Chúa lại ngồi im lặng lẽ một mình
Hàm bạnh ra, răng nghiến vào ken két”
Nói về Hình Thị Lang một người là quan của triều đình nhà Nguyễn, phụ mẫu của dân mà cũng giống như vua là loài rắn độc hại người:
“Tham tri:
(…) Con rắn độc bò đâu rồi? – Nó đấy! Nó bò vào cung lưỡi đỏ như son
Nó bò qua đây mắt bè gườm gườm
Phun nọc độc vào những người lương thiện”
Chính vì chính sự rối ren, những cuộc nội chiến kéo dài là nguyên nhân đẩy bao gia đình lâm vào cảnh tan cửa nát nhà, vì chinh chiến mà vợ phải xa chồng suốt mười năm đằng đẵng như nàng Kiều Loan, hạnh phúc lứa đôi cũng vì thế mà đổ vỡ. Nàng là một người phụ nữ xinh đẹp, thương yêu chồng sâu sắc, hạnh phúc lứa đôi vừa chớm nở, mới mười bảy tuổi đương độ thanh xuân thì đã phải đau khổ gạt nước mắt tiễn chồng đi chinh chiến. Hỏi còn nỗi đau đớn nào hơn thế! Lời oán than của nàng là lời tố cáo, căm phẫn nhưng vô cùng thống thiết thấu tận tim gan:
“Kiều Loan:
Nơi ấy chia tay chồng bỏ vợ Hàng cau ngóng mãi bóng ai về Có con mèo trắng ôm thân mốc Thảm thiết gào giăng xé gió khuya”
Không riêng gì Kiều Loan, mà thân phận Người què cũng không gì khốn khổ bằng, đã ba năm sống trong ngục tù Nguyễn Ánh, xa vợ xa con. Chúng tôi hiểu vì sao Người què cất lên những lời tố cáo với giọng điệu pha chút mỉa mai, châm biếm dành cho chúa Nguyễn:
“Người què:
Tù hãm ba năm da mốc thếch Mai về kỳ cọ biết bao xong Giếng thơi vục cạn lau chùi mãi Vợ vẫn chê hôi, vẫn bảo nồng Than rằng: tù ngục Gia Long
Mùi tanh kết lại chân lông chẳng mòn Năm sau vợ đẻ thằng con
Trên lưng mang cái bướu tròn đỏ hoe Nhà vua vác kiếm đến ghè
Ghè ngang, ghè dọc bướu lè lưỡi ra Bướu cười: sao dám ghè ta
Bướu này là bướu ông cha Nguyễn triều”
Cũng giống như Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm luôn dành sự cảm thông cũng như niềm tin tưởng vào sức mạnh của những người nông dân lao động. Và thông qua đối thoại giữa Ông già và Người què, cũng là cách để Hoàng Cầm ngợi ca và đề cao vai trò của quần chúng nhân dân:
“Cái bền lâu là dân nước đó thôi Đế bá công hầu ngựa xe rầm rập Lúc đi ngược lòng dân là chết rấp
Làm lợi cho dân thì hương khói phụng thờ Làm mất nhân tâm thì miếu lớn tượng to Dân đạp gí xuống bùn là hết chuyện.”
Niềm tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân còn được Hoàng Cầm gửi gắm qua lời khuyên của Kiều Loan dành cho chồng:
“Kiều Loan:
…Vì khắp nước không bao giờ hết giặc Khi chúa Nguyễn còn là tên bạo tặc Khi tướng quân còn tiến chức thăng quan Còn sưu thuế cao, còn tù ngục, còn chết oan Dân bốn cõi còn nổi lên như gió…”
Nguyễn Xuân Trâm lấy bối cảnh nước ta năm 1417 để viết “Lam sơn tụ
nghĩa”. Đây là giai đoạn quân Minh đang chiếm đóng và cai trị nước ta,
chúng thi hành những chính sách cực kỳ tàn bạo. Nhân dân ta bị áp bức, bóc lột trăm bề:
“Chà quân Ngô bạo ngược! Quan trong này nói tốt nói hay, Lính ngoài kia lại là lũ cướp ngày: Đánh trẻ, mắng già, bắt gà, ghẹo gái!”
Vở kịch, không chỉ là sự cảm thông, thương xót đối với nỗi thống khổ của nhân dân ta mà còn là thái độ căm ghét, phẫn uất, là lời tố cáo đanh thép tội ác vô nhân đạo, bất lương của quân cướp nước:
“Ôi! Tuổi tác không nơi nương tựa, Đàn bà góa bụa, con trẻ mồ côi!
Ôi! Tráng đinh nào còn được mấy người, Năm tháng ngược xuôi chết trăm nghìn cách: Đứa đi lính quăng thây nơi ngòi lạch,
Đứa chạy công văn vứt xác bên đường, Đứa lên rừng trong lam trướng phơi xương, Đứa xuống bể làm mồi cho miệng cá! Đứa vỡ óc vì nửa lời nói trả,
Đứa bỏ mình vì giặc bắt, giặc vây, Thịt bỏ nấu dầu, thịt rút treo cây! Kể xao xiết, ôi! Muôn ngàn thảm họa! Bao căm tức, biết cùng ai tỏ dạ!
Nỗi cơ hàn nuốt nước mắt nhìn nhau!”
Hình ảnh cuối cùng trước khi vở kịch kết thúc mang đầy ý nghĩa, phải chăng Nguyễn Xuân Trâm đã tái hiện bức tranh những người anh hùng trong lịch sử dân tộc tụ họp tại Lam Sơn đã đồng sức, đồng lòng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù ra khỏi bờ cõi nước ta. Một không khí hào hùng, ý thức tự hào dân tộc, một hào khí Đông A mà hậu thế mãi còn nhắc đến:
cùng đưa cao, dõng dạc)
Thề Thiên Địa, cùng nhau vì Đại Nghĩa”