Ngôn ngữ kịch

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 104 - 105)

M.Gorki đã khẳng định: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng cuộc sống là chất liệu của văn học” [16, 206]. Điều đó chứng tỏ ngôn ngữ là yếu tố có vai trò quan trọng để tạo nên giá trị của một tác phẩm văn học. Đồng thời, ngôn ngữ cũng là yếu tố đầu tiên được nhà văn sử dụng khi sáng tác và cũng là yếu tố đầu tiên để người đọc tiếp xúc khi đọc tác phẩm.

Là một loại hình nghệ thuật ngôn từ, ngôn ngữ trong tác phẩm văn học không chỉ thể hiện phong cách riêng, cá tính sáng tạo riêng có của nhà văn mà còn là quan niệm của nhà văn về thế giới và về bản thân nhà văn nữa. Do đó, ngôn ngữ là chiếc cầu nối giữa nhà văn và người đọc. Vì vậy mà Huỳnh Như Phương nói: “việc khám phá thế giới phong phú của tác phẩm phải bắt đầu từ việc khám phá văn bản ngôn từ của nó. Không có những chìa khóa thực sự hiệu nghiệm để mở cánh cửa đi vào cấu trúc ngôn từ của tác phẩm, thì dù mọi lời bình luận dù có hay ho đến đâu cũng chỉ là những lời bình luận ở bên ngoài ngôi nhà của tác phẩm” [19,170].

Trong kịch bản văn học, không có nhân vật người kể chuyện và đương nhiên là sẽ không có ngôn ngữ của người kể chuyện. Mặc dù, trong kịch bản văn học, ta vẫn có thể bắt gặp những lời chú thích trực tiếp của tác giả với mục đích nêu rõ thời gian, địa điểm, bối cảnh của câu chuyện hoặc cũng có thể là để nói rõ những hành động không lời của nhân vật. Cũng có khi tác giả đưa ra những gợi ý cho đạo diễn, diễn viên về trang phục, ánh sáng… nhưng

phải trong những trường hợp thật cần thiết. Do đó, ngôn ngữ giữ vai trò quyết định giá trị của tác phẩm kịch: “Văn học kịch thể hiện hành động với một tính trực tiếp tối đa. Hành vi của các nhân vật ở đây hiện ra không nhờ đến lời tác giả mà là được tái tạo bằng hình thức phù hợp với nó: bằng độc thoại và đối thoại của bản thân các nhân vật ấy” [58, 301]. Do đặc trưng thể loại của kịch bị giới hạn về thời gian và không gian sân khấu nên ngôn ngữ kịch cũng phải thật cô đọng, hàm súc: “Thông qua những lời đối thoại hoặc độc thoại của nhân vật mà biểu hiện được tất cả những điều nhân vật nghĩ, nhân vật muốn và cả những việc anh ta làm nữa” [51, 24].

Để khảo sát đầy đủ các khía cạnh của ngôn ngữ kịch trong các tác phẩm kịch nói Việt Nam giai đoạn 1939 – 1945, chúng tôi tiến hành phân chia thành hai phần: ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng chỉ mang tính chất tương đối: “không thể vạch một ranh giới rõ ràng dứt khoát giữa lời đối thoại và lời độc thoại” và bản thân tác phẩm văn học, tự nó đã là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất.

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 104 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)