Hành động kịch góp phần khắc họa tính cách nhân vật

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 77 - 80)

Trước tiên, tác giả luận văn đi vào làm rõ luận điểm hành động kịch góp phần khắc họa tích cách nhân vật. Trong “Nghệ thuật thy ca”, ở chương VI, Aristotle đã khẳng định: “(…) Bi kịch là sự mô phỏng hành động, mà hành động là do những nhân vật hoạt động tạo ra, những nhân vật này phải có tính cách (…)” [4, 34]. Vì thế, Aristotle đề cao vai trò của tính cách: “tính cách là cái cho ta biết tính chất của nhân vật hành động” [4, 34].

Và đến chương XV, Aristotle lại tiếp tục bàn về tính cách: “Nhân vật hành động sẽ có tính cách nếu trong mọi lời nói và việc làm đều biểu thị khuynh hướng của ý chí dù là khuynh hướng thế nào đi nữa, nhưng tính cách đó sẽ là cao thượng nếu nó bộc lộ ra khuynh hướng ý chí cao thượng (…)” [4, 64]. Theo Aristotle, đây là điểm quan trọng khi xây dựng tác phẩm kịch và ông cũng cho rằng: “tính cách nhân vật phải nhất quán”.

Còn Hegel trong cuốn “Mỹ học – những văn bản chọn lọc” cũng khẳng định: “(…) Họ hành động theo tính cách của mình, theo cả niềm đam mê của mình (…) Sức mạnh của những tính cách lớn chính là ở chỗ không lựa chọn, tự mình tồn tại khắp mọi nơi và mọi lúc, dấn thân vào những gì mình muốn, những gì mình làm. Sự yếu ớt trong hành động chỉ nảy sinh từ sự tách rời cá nhân khỏi đối tượng của nó, khiến cho tính cách, ý chí và mục đích không được biểu hiện ra hoàn toàn” [20, 203].

Dựa trên cơ sở những luận điểm của Aristotle và Hegel,… chúng tôi tiến hành khảo sát các tác phẩm kịch nói giai đoạn 1939 – 1945, hầu hết các tác giả khi xây dựng hành động của nhân vật đều nhằm mục đích khắc họa tính cách nhân vật và các nhân vật luôn thể hiện một tính cách nhất quán hoặc “cao thượng” hoặc “thấp hèn” trong suốt vở.

Trong vở kịch “Vũ Như Tô”, ngay ở hồi I, lớp một, khi Vũ Như Tô còn chưa xuất hiện thì chân dung của nhân vật này được Nguyễn Huy Tưởng phác họa một cách gián tiếp – một con người “tuyệt thế”, một “tài năng khác thường”, một nhà kiến trúc, “một tay hội họa thần tình biến hóa như hóa công” v.v… Nhưng Vũ Như Tô nhất định không chịu đem tài năng của mình phục vụ Lê Tương Dực – một tên vua hôn quân bạo chúa nên “đem vợ con đi trốn” và sẵn sàng chấp nhận cái chết “đành chết chứ không chịu làm”. Hành động này cho ta thấy, Vũ Như Tô là một người có khí tiết, ông khẳng khái tuyên bố: “Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được”. Ngay cả khi bị “đóng cũi” giải về kinh, đứng trước mặt vua, Vũ Như Tô tự nhận mình là “kẻ sĩ” và rất thẳng thắn, bộc trực nói thẳng với vua “kính sĩ mới đắc sĩ”. Không những thế, Vũ Như Tô còn là một người hòa nhã, giàu tình thương được thể hiện qua hành động: “Tôi vừa xin được Hoàng thượng thả 500 thợ già về. (…) Tôi đã xin cấp cho mỗi người tiền 3 quan và một mẫu công điền” và hành động: “Tôi thì có công lao gì mà lĩnh thưởng, các chú chịu nhiều phần khó nhọc, mới đáng lĩnh” … Tất cả những hành động đó toát lên vẻ đẹp của Vũ Như Tô không chỉ là một kiến trúc sư tài năng mà con là người trọng nghĩa khinh tài, làm việc không vì tư lợi cá nhân. Điểm đặc biệt ở nhân vật này mà theo chúng tôi đây là hành động mang ý nghĩa quyết định được thể hiện thông qua lời nói của Vũ Như Tô: “(…) xây Cửu Trùng Đài, vì Hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều. Đã làm xin cúc cung tận tụy. Hoàng thượng tuyển cho năm vạn thợ và phải giao cho tiện nhân toàn quyền làm việc kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu”. Hành động này chứng tỏ Vũ Như Tô là người đã không làm thì thôi nhưng một khi đã làm là làm đến cùng, đặt quyết tâm rất cao, xây cho bằng được Cửu Trùng Đài và đây cũng nguyên nhân dẫn đến mất mạng của Vũ Như Tô ở cuối vở.

Còn thông qua việc xây “Cửu Trùng Đài” trong lúc dân tình đói kém … của vua Lê Tương Dực với mục đích để làm nơi “hành lạc” đã nói lên đây là một tên hôn quân bạo chúa.

Hay trong vở “Lý Chiêu Hoàng”, trước sức ép của Thái sư Trần Thủ Độ, vua Trần Thái Tôn đã rất đau khổ:

“Ta không nỡ

Phụ tình xưa, quên nghĩa cũ”

Ban đầu vua Trần Thái Tôn có hành động chống đối bằng cách vào chùa đi tu nhưng rồi cuối cùng lại nghe lời Trần Thủ Độ chấp nhận trở về cung rồi sau đó lại có hành động lén lút vào chùa gặp Lý Chiêu Hoàng. Thông qua những hành động trên của Trần Thái Tôn, một mặt đây là một con người trọng nghĩa trọng tình nhưng mặt khác cũng cho thấy Trần Thái Tôn là một người nhu nhược, thiếu quyết đoán. Còn vị Thái sư Trần Thủ Độ lại là người nhiều tham vọng, giàu thủ đoạn và quyết tâm bằng mọi giá để thực hiện tham vọng của mình.

Ở vở “Trần Can”, hành động của nhân vật người anh hùng Trần Can ngang nhiên làm thơ ca tụng nhà Trần dù biết hành động của mình có thể mất mạng. Nhưng Trần Can vẫn bày tỏ tấm lòng thương tiếc nhà Trần bất chấp sự đe dọa của Hồ Qúy Ly. Điều này, đã nói lên người anh hùng Trần Can là người khí tiết, không gì khuất phục được và coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Còn Hồ Qúy Ly qua hành động tìm mọi cách uy hiếp và đẩy Trần Can vào chỗ chết, những hành động này có thể nào là của người chính nhân quân tử?

Trong vở “Quán biên thùy”, ngay ở hồi I, Kinh Kha đã thể hiện tư chất của một người anh hùng, một trang hảo hán với mong muốn trở thành dũng tướng dọc ngang trên chiến trường để phụng sự minh chúa nhưng tiếc rằng vẫn chưa gặp được thời cơ. Cho nên, khi được Thái tử Đan của nước Yên trọng dụng mình, Kinh Kha đã vô cùng cảm kích và nhận lời đi hành thích

vua Tần. Bản thân Kinh Kha biết rằng công việc hành thích vốn không lấy gì làm vinh dự đối với người anh hùng ngay cả khi Tần Thủy Hoàng là một tên vua tàn bạo thì việc lén lút ám sát là hành động của kẻ tiểu nhân. Hơn nữa, đây là công việc hết sức khó khăn, biết chắc là chiến bại. Với người dân nước Yên, Kinh Kha trở thành tử sĩ mang trọng trách quan trọng là sự an huy của nước Yên. Những hành động trên đã chứng tỏ Kinh Kha là một người anh hùng có tình có nghĩa.

Tóm lại, qua việc phân tích trên đây, chúng tôi nhận thấy hầu hết các vở kịch đều đi sâu vào khai thác hành động của nhân vật nhằm khắc họa rõ những nét tính cách đặc thù nhân vật. Chúng tôi cho rằng việc đặt những nhân vật có tính cách trái ngược nhau và nhất quán: một bên là người anh hùng, bậc trượng phu đối lập đại diện cho cái Thiện (cao thượng) với một bên là kẻ tiểu nhân, gian ngoa và độc ác đại diện cho cái Ác (thấp hèn) giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện mâu thuẫn, thúc đẩy xung đột kịch.

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)