Theo chúng tôi, vở kịch tiêu biểu cho việc thể hiện xung đột giữa khát vọng cá nhân và hiện thực xã hội trong giai đoạn này phải kể đến trước tiên là
vở “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng. Như chương hai chúng tôi đã có
nói về vở Vũ Như Tô được khơi nguồn từ cảm hứng về cái Đẹp, điều đó đã tự nói lên khát vọng của cá nhân Vũ Như Tô – nhân vật chính của vở kịch và
cũng là nhân vật quan trọng để Nguyễn Huy Tưởng thể hiện tư tưởng của mình. Là một kiến trúc sư tài năng “nghìn năm chưa dễ có một”, luôn ấp ủ trong lòng khát vọng được: “… xây cho nước ta một tòa lâu đài nguy nga, cùng với vũ trụ trường tồn”. Khát vọng về cái Đẹp, khát vọng tô điểm non sông của cá nhân Vũ Như Tô là rất đáng quý nhưng lại đi ngược lại lợi ích của nhân dân ta. Xuất phát từ cái lý tưởng “xây một cái đài, làm vinh dự cho non sông” đã làm cho Vũ mù quáng. Để thực hiện khát vọng của mình, Vũ Như Tô thực hiện quân luật vô cùng hà khắc: “kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu” và rồi cái quyền sống của nhân dân đã bị Vũ Như Tô tước đoạt không thương tiếc. “Kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng được xây dựng trên cở sở một xung đột mang tính chất bao trùm. Đó là xung đột giữa khát vọng của Vũ Như Tô, một nghệ sĩ thiên tài muốn xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật vĩ đại, với lợi ích và cuộc sống lầm than của nhân dân” [66, 329]. Xung đột này làm nảy sinh những mâu thuẫn chồng chéo và ngày càng gay gắt. Ngay ở lớp ba hồi hai của vở kịch đã xuất hiện mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và Trịnh Duy Sản – người đại diện cho tầng lớp nhân dân: “…vẽ ra việc xây dựng Cửu Trùng Đài, tiền tiêu tính ra còn tốn hơn cả là đánh Chiêm Thành. Tiền lấy đâu ra? Lấy ở dân mà dân thì Cụ lớn biết đấy. Mười mấy năm nay không mấy năm không mất mùa, đói kém quá thể, có nơi cả làng phải đi ăn mày, đường cái đầy xác chết. Tình cảnh như thế mà lại tăng sưu thuế, họ đóng góp làm sao? Đấy là chưa kể những sự nhũng lạm. Tôi thấy dân chúng ta thán nhiều…” Trịnh Duy Sản toan “Tuốt kiếm định chém Vũ Như Tô”. Rồi mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô với chính những cộng sự, thợ thuyền của mình, những người ban đầu đã sát cánh và ủng hộ Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài: “Ông không câm. Dẫn ông ra chém ngay đi (…). Hỡi cái thằng cả Tô ấy, nó ngu như lợn, ngoài cái đài ra không biết gì nữa (…). Dân khổ mày có biết đâu, mày chỉ biết đến cái đài của mày. Trời đất ơi! Dân đói không có ăn, vỡ
nước không có nhà, ruộng hoang không đem khẩn, thế mà xây đài, xây tạ, để thằng vua thêm phởn mỡ. Mày có biết vì mày mà dân khổ thêm bao nhiêu từng không? Thế cũng đòi mở miệng vì dân vì nước…” Cuối cùng, để giải quyết những mâu thuẫn chồng chéo này, Nguyễn Huy Tưởng để cho Trịnh Duy Sản nổi dậy giết Vũ Như Tô, phá Cửu Trùng Đài. Và khi Cửu Trùng Đài bị đốt thì Vũ Như Tô cũng không thiết gì đời nữa, vẳng lại trên sân khấu là lời kêu nghe vô cùng thống thiết của Vũ Như Tô: “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài”. Trong: “Lời giới thiệu Tuyển tập Kịch Nguyễn Huy
Tưởng”, Hà Minh Đức có bàn về vấn đề này, theo ông: “Nghệ thuật không
thể đem phục vụ cho bọn thống trị tàn bạo, nghệ thuật không thể đi ngược lại quyền lợi quần chúng nhân dân” [76, 226]. Cũng với nhận định trên, nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng trong bài viết có tựa đề: “Suy nghĩ thêm về
Vũ Như Tô nhân vở kịch được dàn dựng trên sân khấu” cho rằng: “Thất bại
của Vũ Như Tô trong việc xây dựng Cửu Trùng Đài, đối với nghệ sĩ là giáo huấn tư tưởng phải biết gắn sự nghiệp nghệ thuật với quần chúng nhân dân lao động. Trái với điều đó, nghệ thuật chỉ còn là thứ xa xỉ, phục vụ cho giai cấp bóc lột thiểu số” [76, 275].
Cái chết tất yếu của nhân vật Vũ Như Tô – một kiến trúc sư tài năng của Nguyễn Huy Tưởng làm chúng tôi nhớ đến cái chết của nhân vật Trần Thiết Chung – một nhà văn tài hoa trong vở “Kim Tiền”của Vi Huyền Đắc ra đời ở giai đoạn trước. Nếu như kiến trúc sư Vũ Như Tô muốn đem tài năng tô điểm cho non sông đất nước sánh ngang với các công trình của nước ngoài thì Trần Thiết Chung cũng ôm hoài bão là đem tài ra soạn quyển Bách khoa toàn thư cho người đời. Vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau đưa đẩy, cả hai nhân vật đều không thực hiện được khát vọng của mình và đều nhận kết quả là cái chết ở cuối vở. Nhưng cái chết của hai nhân vật của hai tác giả đem lại cảm nhận rất khác nhau. Về điều này, chúng tôi hoàn toàn tán
thành nhận xét của nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư: “Chỉ cần so sánh sự bại vong được xếp đặt của cựu văn sĩ, nay là nhà tư bản Trần Thiết Chung, nhân vật chính của kịch “Kim Tiền”, với sự bại vong mang tính tất yếu sâu sắc của nhà kiến trúc sư thiên tài Vũ Như Tô trong kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng” [8, 26].
Sự nóng vội trong giải quyết xung đột, sự trừng phạt từ bên ngoài mang tính “ngẫu nhiên” đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng kịch bản. Đây không chỉ là hạn chế của riêng tác giả Vi Huyền Đắc mà nó còn là hạn chế của các tác giả kịch giai đoạn trước.