GIAI ĐOẠN 1939 – 1945
Trước khi đi vào tìm hiểu những cảm hứng chính của kịch nói trong giai đoạn 1939 – 1945, chúng tôi thấy cần thiết phải nói sơ qua về thuật ngữ cảm hứng, cảm hứng chủ đạo trong văn học nghệ thuật nói chung và trong kịch nói nói riêng. Bởi, đây là con đường ngắn nhất giúp tác giả luận văn tiếp cận và làm sáng tỏ được những cảm hứng chính của kịch nói trong giai đoạn này.
Văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng. Do đó, sáng tạo văn học nghệ thuật thuộc về lĩnh vực sản xuất tinh thần và theo phương thức rất riêng của người nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội hay nói cách khác đời sống xã hội là nguồn cảm hứng cho nhà văn. Trong quá trình “nhào nặn vật chất” theo “quy luật của cái đẹp” ấy, cảm hứng sáng tạo của nhà văn là yếu tố đầu tiên không thể thiếu và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nguyễn Quýnh đã khẳng định vai trò quan trọng của cảm hứng trong sáng tác văn chương như sau: “Người như sông biển, chữ như nước, hứng thì như gió. Gió thổi tới sông biển cho nên nước lay động làm thành gợn, thành sóng, thành ba đào. Hứng chạm vào người ta cho nên chữ nổi dậy, không thể nín được mà sinh ra ở trong lòng, ngâm vịnh ở ngoài miệng, viết nên bởi bút nghiên giấy mực. Gió không bám vào chỗ nào nhất định, hứng cành biến động, không ở yên...” [54, 103].
“Cảm hứng – một trạng thái tâm lí then chốt và bao trùm trong sáng tác của nhà văn (…) Cảm hứng là một trạng thái tâm lý căng thẳng nhưng say mê khác thường. Sự căng thẳng của ý trí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã đạt đến sự hài hòa, kết tinh, sẽ cháy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ đến với những mục tiêu da diết bằng con đường gần như trực giác, bản năng” [41, 210].
Khi cảm hứng trở thành trạng thái cảm xúc mãnh liệt xuyên suốt tác phẩm, chi phối tư tưởng của toàn bộ tác phẩm sẽ trở thành cảm hứng chủ đạo. Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, cảm hứng chủ đạo: “là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” [18, 45].
Cảm hứng chủ đạo gắn liền với tình cảm, với niềm say mê, nguồn cảm xúc riêng của tác giả đối với hiện thực. Hiện thực đời sống đã chi phối nhà văn trong quá trình sáng tác và mỗi nhà văn lại có một thế giới quan, nhân sinh quan cũng như phong cách sáng tác riêng. Do đó, có nhiều cảm hứng khác nhau. Qua đó ta nhận thấy rằng, cảm hứng chủ đạo là một phương diện quan trọng khi xâm nhập và nắm bắt tác phẩm.
Để xác định được cảm hứng chủ đạo của tác phẩm, Huỳnh Như Phương cho rằng: “Cảm hứng chủ đạo bộc lộ khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm, thấm nhuần vào toàn bộ cấu trúc của tác phẩm, vào thế giới hình tượng, bao gồm không gian, thời gian, tính cách nhân vật, vào xung đột và cốt truyện, vào ngôn từ và giọng điệu của một bài thơ, một truyện ngắn, một thiên tùy bút hay một cuốn tiểu thuyết. Như vậy, việc tìm hiểu cảm hứng chủ đạo không chỉ căn cứ trên một bộ phận, một thành tố nào mà phải căn cứ trên toàn bộ logic nghệ thuật của tác phẩm” [19, 210].
Tóm lại, cảm hứng là một trạng thái hưng phấn, cảm xúc dâng trào mãnh liệt trong tâm lý của con người trong một thời điểm cụ thể. Với người nghệ sĩ thì cảm hứng được coi là cuộc giao duyên giữa cảm xúc mãnh liệt và tài năng sáng tạo. Cảm hứng chính là yếu tố quan trọng chi phối nội dung và hình thức làm nên tính khuynh hướng của tác phẩm.
Như vậy, việc nghiên cứu cảm hứng chủ đạo là phương thức, là con đường để tìm hiểu về nội dung tư tưởng, tình cảm của tác giả thể hiện trong
tác phẩm. Điều đó giúp cho chúng ta định hình được phong cách cũng như cá tính sáng tạo của nhà văn. Bởi, vẻ đẹp trong tác phẩm văn học, vẻ đẹp của con người và cuộc sống đều được hình thành và phát triển từ trong cảm hứng sáng tạo.
Trở lại với kịch nói, như chúng ta đã biết kịch nói khi ở dạng kịch bản thì kịch nói là một tác phẩm văn học, do đó, cảm hứng chủ đạo trong kịch nói cũng không nằm ngoài những quy luật chung của sáng tạo văn học: “Các tác phẩm kịch, với đặc trưng của nó là khoảng thời gian ngắn ngủi để biểu diễn trên sân khấu, và do đó, với tính chất thống nhất và tập trung của xung đột, tạo ra mảnh đất rất thuận lợi cho việc thể hiện các kiểu cảm hứng xác định trong hành động và tâm trạng của các nhân vật” [58, 410].
Khảo sát các tác phẩm kịch nói trong giai đoạn 1939 – 1945, tác giả luận văn nhận thấy những cảm hứng chính là cảm hứng về cái bi, cảm hứng lãng mạn, cảm hứng dân tộc, cảm hứng phê phán, cảm hứng về cái đẹp. Đây là những cảm hứng nổi bật, tạo được những ấn tượng sâu sắc, để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc cũng như trong đời sống xã hội. Khai thác những cảm hứng chính của kịch nói giai đoạn 1939 – 1945, tác giả luận văn cho rằng là một việc làm không những thú vị mà còn góp phần phác thảo những nét riêng, đồng thời dần dần làm rõ diện mạo của kịch nói trong giai đoạn này.