Ngay từ thời cổ đại ở Hy Lạp, trong tác phẩm “Nghệ thuật thy ca”, Aristotle đã xem kịch là hành động và ông cho rằng kịch “là sự bắt chước một hành động quan trọng và hoàn chỉnh. Hành động này có quy mô nhất định và nhờ vào ngôn ngữ” [4, 34]. Như vậy, hành động là phương thức thể hiện chủ yếu của tác phẩm kịch, là một trong những yếu tố quan trọng, đặc trưng của
thể loại kịch: “Kịch không có hành động thì không thành kịch”. Kịch phản ánh cuộc sống một cách cụ thể và trực tiếp thông qua hành động của các nhân vật. Như vậy, hành động kịch được các tác giả sử dụng như một phương tiện, một phương thức quan trọng trong việc sáng tác các tác phẩm kịch. Điều đó có nghĩa là nhà viết kịch đã tư duy bằng hành động kịch, tìm cách sắp xếp các hành động kịch sao cho thật chặt chẽ và logic. Ănghen trong thư gửi cho Minna Kaoxka đã khẳng định: “Khuynh hướng tư tưởng phải tự toát ra từ tình huống và hành động, chứ không phải do tác giả nói toạc ra”. Thông qua hành động của các nhân vật đã góp phần khắc họa tính cách nhân vật, miêu tả mâu thuẫn, … qua đó gửi gắm nội dung tư tưởng của tác phẩm. “Hành động kịch gắn với các mâu thuẫn xã hội và tính cách, thể hiện thành các hành động, biến cố của nhân vật, tạo thành cơ sở của cốt truyện kịch” [18,140].
Trong nghệ thuật kịch, nhân vật kịch thường được xây dựng trên hai loại hành động chính là hành động bên trong và hành động bên ngoài. Hành động bên trong được bộc lộ một cách kín đáo thông qua hành động bên ngoài như lời nói, cử chỉ, việc làm của nhân vật. Và ngược lại, thông qua hành động bên ngoài của nhân vật, người xem hiểu được suy nghĩ, tính toán, cân nhắc, đấu tranh tư tưởng kín đáo đang diễn ra ở bên trong tâm hồn nhân vật. Tùy theo đề tài, chủ đề của kịch bản mà mỗi nhà viết kịch có cách phân chia tỉ lệ giữa hành động bên trong và hành động bên ngoài sao cho hợp lý. Cũng cần lưu ý, giữa hành động bên trong và hành động bên ngoài không phải là quan hệ đơn giản một chiều mà chúng có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau một cách biện chứng.
Khi đi vào khảo sát các tác phẩm kịch cụ thể giai đoạn 1939 – 1945, tác giả luận văn nhận thấy hành động kịch có những đặc điểm nổi bật và đặc sắc như hành động góp phần khắc họa tính cách nhân vật, hành động kịch tham gia vào việc hình thành xung đột kịch và hành động kịch thống nhất tập trung
biểu hiện chủ đề. Như vậy, tác giả luận văn đã đề ra nhiệm vụ cho mình là phải phân tích và cố gắng làm rõ những luận điểm nêu trên.