Ngôn ngữ đối thoạ

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 105)

Ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm kịch là sự đối đáp qua lại giữa các nhân vật. Đây được xem là dấu hiệu đầu tiên của ngôn ngữ kịch và là thành phần giữ vị trí then chốt tạo nên cấu trúc của kịch bản văn học. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng không phải cứ nói với nhau là có đối thoại trong kịch. Bởi, trong kịch, thoại cũng là hành động kịch tính và nó được thể hiện đầy đủ nhất thông qua đối thoại của nhân vật. Ta hiểu vì sao Bêlinxki nói: “tính kịch không phải là do có nói qua lại mà tạo nên được, nó phải do hành động giao lưu sinh động giữa hai người mà tạo thành. Nếu cả hai bên tranh luận đều muốn đè bẹp đối phương, đều muốn cải biến một phương diện nào đó của đối phương, hoặc tấn công vào nhược điểm nào đó trong tâm tư của đối phương, nếu thông qua cuộc tranh luận đó đưa hai người tới một quan hệ mới, thì lúc

đó mới là kịch” [63, 178].

Còn nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu trong bài viết về “Bi kịch Vũ NhưTô” có nói đến vai trò quan trọng của đối thoại trong kịch như sau: “Đối thoại kịch cũng có thể khai thác tâm tình, tiềm thức nhân vật, hoặc miêu tả cảnh tượng, song mỗi lời nói đó thúc đẩy diễn biến của câu chuyện, của hành động, gắn liền với một biến động kịch; nó là một bộ phận cấu thành của hành động kịch: nói là làm; làm là do lời nói; “cái nói” và “cái làm” trong kịch chỉ là một. Nó có thể là một xung đột, một mở đầu hay một kết thúc của một tình thế, một hồi, một cảnh, tức là những biến cố hành động. Những diễn biến ấy gắn liền với đối thoại, có những mối liên kết nhân quả chặt chẽ; mỗi lời nói của nhân vật này là nguyên nhân của hành động của nhân vật khác. Tất cả các đối thoại ấy tạo thành một mạng lưới phức hợp, với những kết cấu chiều ngang, chiều dọc, về ý nghĩa, về âm thanh, cử chỉ, điệu bộ, … Đó là cấu trúc vừa chặt chẽ, nghiêm ngặt, vừa đa dạng, đa âm sắc, mà người xem cảm nhận, suy tư, rung động trước diễn biến kịch, tức tham gia xây dựng vở” [76, 164].

Qua đó, chúng tôi thấy việc tìm hiểu và nghiên cứu ngôn ngữ đối thoại trong kịch là một việc làm không thể thiếu khi đi vào khám phá thành tựu của văn học kịch giai đoạn 1939 – 1945.

Trong vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng có rất nhiều đối thoại làm cho nhân vật đi đến hành động nhưng theo chúng tôi những lời đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô là điển hình và đậm tính kịch nhất. Bởi, nếu như lúc đầu người kiến trúc sư thiên tài ấy dứt khoát không chịu mang tài năng phục vụ cho một tên vua tàn bạo, ăn chơi sa đọa nên cực chẳng đã phải “đem vợ con đi trốn” và bị “đóng cũi”, giải về kinh. Dứt khoát trong lựa chọn là thế, cương quyết trong hành động là thế, ấy vậy mà sau khi nghe những lời giảng giải, thuyết phục của Đan Thiềm đã dẫn đến hành động của Vũ Như Tô là toàn tâm toàn ý lao vào xây dựng Cửu Trùng Đài như một con thiêu thân:

“Vũ Như Tô: - Bà đã thương tài xin giúp cho tôi trốn khỏi nơi này. Ơn đó xin…

Đan Thiềm: - Tôi giúp cũng không khó gì. Nhưng ra khỏi chốn này liệu ông có thoát hẳn được không? Hơn nữa, cái vạ chu di cửu tộc vẫn còn chờ ra đó. Ông đừng tính nước ấy, không nên.

Vũ Như Tô: - Vậy bà khuyên tôi nên ở đây làm việc cho hôn quân sao? Đan Thiềm: - Miễn là ông không bỏ phí tài trời. Ông nên lợi dụng đem tài ra thi thố?

Vũ Như Tô: - Xây Cửu trùng đài. Đan Thiềm: Phải?

Vũ Như Tô: - Xây Cửu trùng đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được.

Đan Thiềm: - Ông biết một mà không biết hai. Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây (…). Chấp kinh, phải tòng quyền. Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông (…). Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông và nhớ ơn ông mãi mãi…

Vũ Như Tô:- Đa tạ. Bà đã khai cho cái óc u mê này. Thiếu chút nữa, tôi nhỡ cả. Những lời vàng ngọc tôi xin lĩnh giáo…”

(Vũ Như Tô)

Trong đoạn đối thoại trên, lời nói của Đan Thiềm có tác động ghê gớm đối với Vũ Như Tô. Chính lời nói của Đan Thiềm đã dẫn đến hành động mù quáng của Vũ Như Tô quyết tâm xây dựng cho được Cửu Trùng Đài và dẫn đến cái chết của Vũ Như Tô ở hồi kết của vở kịch.

Người đọc hẳn vô cùng xúc động khi nghe đoạn đối thoại giữa hai nhân vật An Lộc Sơn và Dương Ngọc Hoàn. Đây là đoạn đối thoại không chỉ nói lên tình cảm sâu nặng giữa hai người mà còn là sự bất lực, đau khổ tột cùng của An Lộc Sơn trước cái chết của người yêu. Đồng thời, đoạn đối thoại này như báo trước hành động tự tử của An Lộc Sơn ở cuối vở.

“An Lộc Sơn: Ái nương ơi! Ái khanh ơi, ta đem binh tới đây, Ta chiếm lấy giang sơn này,

Ta đoạt lấy ngôi vàng này,

Ta thay đổi cả mệnh trời, ta xoay vần thế nước Là chỉ vì ái khanh thôi, chỉ vì lòng nguyện ước Dâng cho khanh bốn cõi sơn hà,

… Ái khanh!...

Dương Qúy Phi: Không, duyên ta đã lỡ Đã muộn rồi… đã muộn tự lâu rồi

Chân này bước trong ánh trăng cung cấm, Thân này tuyển vào cuộc đời hoa gấm… Muộn ngay từ… buổi sáng ấy, xuân hồng… … ”

(Dương Qúy Phi)

Còn đây là một đoạn đối thoại giữa hai nhân vật Mạnh và Hùng trong vở kịch “Ngã ba”của Đoàn Phú Tứ:

“MẠNH - Anh cũng về thành thị…?

HÙNG - Không. Lên đường với nhau cùng trong một ngày tốt lành. Rồi mỗi người sẽ phải theo Số Mệnh mà đi con đường riêng của mình.

(…)

HÙNG - Không. Tôi không cùng đi với một người nào. (mơ màng) Song tôi cùng đi với tất cả mọi người.

MẠNH - Anh đi về phía nào ? Và độ bao giờ trở lại?

HÙNG - Đi về phía nào? tôi chưa biết. Chỉ biết chỗ tôi tới phải là chỗ có muôn nghàn cõi sống, và không bao giờ ai bỏ về được cả.

MẠNH - Không bao giờ anh trở về đây?

HÙNG - Mà có ai trở về đâu được bao giờ? Cuộc sống của trời đất là luôn luôn đi tới, có bao giờ trở lại? Mùa xuân sắp tới đây có phải là mùa xuân đã qua đâu. Không bao giờ ta có thể trở lại cái gì cả, anh Mạnh ạ.

MẠNH - Bao giờ chúng ta gặp lại nhau?

HÙNG - Chúng ta có bao giờ xa nhau đâu, dù mỗi người đi một ngả. Lúc nào mà chúng ta chẳng gặp nhau và hiểu nhau trong sương sớm mây chiều? Cả trời đất bao la này, là nơi hội ngộ ngày ngày của chúng ta đó.

MẠNH - Tôi nghe trong giọng nói của anh có một cái gì khác lắm. Tôi thấy có một cái gì lạnh lẽo và sâu kín khác thường lắm.

HÙNG - Tôi cũng thấy thế. Mà không thể làm thế nào khác được. Trước khi mọi người từ giã nhà này lên đường để rồi mỗi người đi một ngả mà Số Mệnh đã định sẵn, tôi muốn có một chén trà tiễn biệt (…)”.

Qua đoạn đối thoại trên giữa hai nhân vật Mạnh và Hùng đã phơi bày tâm trạng của hai nhân vật và dường như cũng là lời dự báo cho hành động tự tử của Hùng.

Như vậy, có thể nói rằng đối thoại trong kịch giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành động kịch. Đồng thời, nhờ đối thoại của nhân vật mà người xem hiểu được những suy nghĩ sâu kín đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật. Rõ ràng nếu không có những lời đối thoại của nhân vật người xem không thể hiểu những gì nhân vật nghĩ và những gì nhân vật làm.

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)