Do đặc trưng về mặt thể loại, kịch bản viết ra với mục đích là để biểu diễn trên sân khấu, muốn vậy phải thông qua hành động của nhân vật như ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ,… Với thời gian và không gian sân khấu rất hạn chế chỉ diễn ra trong một vài giờ đồng hồ nên mỗi diễn viên trên sân khấu sẽ có một hệ thống hành động chính gọi là hành động xuyên. Trong một vở kịch có rất nhiều hành động xuyên kết hợp với nhau tạo thành hành động quán xuyến nhằm thể hiện tư tưởng chủ đề của vở kịch. Cũng cần lưu ý ở chỗ những hành động quán xuyến này cũng phải thật thống nhất, không thể quá phức tạp và do đó, cốt truyện cũng phải thật tập trung. Aristotle đã khẳng định: “Không nên sáng tác bi kịch bằng lối kết cấu sử thi. Tôi hiểu lối kết cấu sử thi là nội dung bao gồm nhiều cốt truyện”.
Theo chúng tôi, kịch nói giai đoạn 1939 – 1945, cũng có rất nhiều vở kịch thỏa mãn được những điều kiện trên, nghĩa là hành động kịch thống nhất, cốt truyện kịch tập trung góp phần quan trọng trong thể hiện chủ đề tư tưởng.
Ở vở “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô là nhan đề của vở và cũng là tên của nhân vật trung tâm cùng với nhân vật Đan Thiềm tạo thành hành động xuyên suốt tác phẩm là khát vọng xây dựng một công trình vĩ đại, tô điểm cho non sông đất nước. Chính khát khao cháy bỏng của Vũ Như Tô trong việc xây dựng Cửu Trùng Đài đã biến ông thành một kẻ mù quáng, đem tài năng phục vụ cho Lê Tương Dực một tên vua hoang dâm vô đạo. Sự xuất hiện tuyến nhân vật phản hành động như Trịnh Duy Sản và sau này là cả những người trực tiếp cùng Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài như Phó Bảo, Phó Độ, Hai Quát, … cũng bất mãn với Vũ Như Tô. Ngay từ hồi II, lớp 3, Trịnh Duy Sản: “Xây dựng Cửa Trùng Đài thì loạn mất”… “Loạn”… “Loạn”, “Loạn”, và toan tuốt kiếm chém Vũ Như Tô… Đặc biệt sự xuất hiện của Thị Nhiên – vợ Vũ Như Tô, khi nói chuyện với chồng Thị Nhiên cứ mở miệng là nhắc đến “nhà tranh vách đất”, “Tôi cứ trông thấy lũ
con, thấy con lợn, đàn gà, là đủ vui rồi (…) Nay đài, mai điện, kiểu này, kiểu nọ, chỉ tổ cho người ta sai, chứ béo bở gì”. Nhất là ở hồi IV, lớp 1 là cảnh Vũ Như Tô gặp vợ lần cuối, Thị Nhiên kể cho chồng nghe về cảnh: “Vụ chiêm hỏng, mà lụt luôn mấy năm nay. Đói kém lắm (…) … ở làng ta, mà cả ở quanh vùng, độ này cướp bóc nhiều lắm (…)”. Vũ Như Tô dường như chẳng nghe thấy gì cả bởi tâm trí cứ mơ màng về cảnh quan tráng lệ của Cửu Trùng Đài. Sự tác động qua lại, đấu tranh lẫn nhau giữa hành động xuyên ( Vũ Như Tô, Đan Thiềm, Lê Tương Dực,…) và phản hành động ( Trịnh Duy Sản, Phó Bảo, Phó Độ, Hai Quát, Thị Nhiên,…) tạo thành hành động quán xuyến toàn vở. Cuối cùng, Vũ Như Tô bị giết, Cửu Trùng Đài bị đốt. Vậy mà, ngay trong lúc lâm nguy nhất, tính mạng bị đe dọa nhất, Vũ Như Tô vẫn ngơ ngác, vẫn mơ hồ không hiểu: “Vô lý! (…) Ta tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công. Vậy thì ta có tội gì? Ta xây Cửu Trùng Đài có phải đâu là hại nước?”
Cái chết của Vũ Như Tô nói với chúng ta rằng khát vọng về cái đẹp, lòng say mê sáng tạo muốn đam tài năng để tô điểm cho non sông đất nước là điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng sai lầm của Vũ Như Tô chính là từ chỗ mượn tay vua Hồng Thuận để xây dựng Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô đã ghép cuộc đời mình vào hàng ngũ thống trị chà đạp lên quyền lợi của quần chúng nhân dân. Chính sai lầm này đã đưa Vũ Như Tô đến cái chết ở cuối vở và theo chúng tôi đây cũng chính là chủ đề tư tưởng mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng muốn gửi gắm. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong bài viết: “Kịch
Nguyễn Huy Tưởng” đã cho rằng: “Viết Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã
khẳng định nhiệm vụ của người nghệ sĩ trong xu thế chung của lịch sử. Đem tài năng và ngòi bút của mình phục vụ cho cường quyền bạo lực, tách rời khỏi
nhân dân, người nghệ sĩ sẽ tự dẫn cuộc đời mình đến một kết thúc bi thảm” [76, 225].
Tuy nhiên, Nguyễn Huy Tưởng lại có phần tỏ ra chưa triệt để: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải. Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? (…) Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải? Ta chẳng biết”. Có thể xem đây là hạn chế của Nguyễn Huy Tưởng.
Hay ở vở “Trường hận – Dương Qúy Phi”, chuyện kể về tình yêu của của cặp thanh mai trúc mã An Lộc Sơn và Dương Ngọc Hoàn nhưng gặp cảnh ngộ đầy trái ngang, bất hạnh. Sự sắp đặt tài tình của Vi Huyền Đắc – Thế Lữ chính là để cho Dương Quốc Trung, Đường Minh Hoàng trở thành lực cản không cho tình yêu ấy nảy nở, đơm hoa kết trái bằng cách đày An Lộc Sơn ra vùng biên ải xa xôi. Đây chính là hai nhân vật chính tạo thành phản hành động và đến cảnh V ( cảnh Chùa Mã Ngôi) xuất hiện thêm đám binh sĩ đã bức tử Dương Ngọc Hoàn, bắt nàng uống thuốc độc tử tự. Nói về An Lộc Sơn, mặc dù bị đày ra biên ải nhưng chàng không thể nguôi quên nỗi đau mất người yêu thương đã thôi thúc chàng đi đến hành động dấy binh về kinh thành để giành lại người yêu. Nhưng khi gặp được Ngọc Hoàn thì An Lộc Sơn vô cùng đau khổ chứng kiến cảnh người yêu chết trên tay mình mà không thể làm gì được. Qúa đau khổ, An Lộc Sơn cũng tìm đến cái chết để được bên người yêu mãi mãi. Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư đã có lý khi cho rằng: “Cái kết cục tất yếu khốc liệt, tất yếu tăm tối không dập tắt ánh sáng tươi tốt của những tình cảm tự do, của những hành vi tự do đã làm xung lực khởi động tấn kịch nhân sinh; hơn thế nữa, bằng sự tương phản không chịu nổi, nó dường như khẩn cầu những điều kiện xã hội và con người khẳng định cho cái tự do tươi tốt ấy toàn thắng” [8, 29]. Phải chăng, đây cũng chính là nội dung tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc?
Ở hai vở kịch trên, hành động quán xuyến được dệt nên bởi sự va chạm, đấu tranh giữa hành động xuyên và phản hành động một cách chằng chịt, thúc đẩy các nhân vật hành động quyết liệt cho đến khi xung đột được giải quyết. Nhưng đến với vở “Yêu Ly”, hành động xuyên suốt vở kịch của Yêu Ly dường như không gặp phải một lực cản nào ghê gớm từ một nhân vật nào mà xuất phát từ chính bản thân y, thúc đẩy y hành động. Cảm kích trước tấm lòng của Ngũ Tử Tư, Yêu Ly đã nhận lời hành thích Khánh Kỵ. Để đạt được mục đích, Yêu Ly tự nguyện biến vợ và con nhỏ thành phương tiện đang tâm giết chết mà không gặp bất cứ một lực cản nào. Ngô Vương thì không xuất hiện, Ngũ Tử Tư thì không có một hành động nào thúc đẩy Yêu Ly đi đến hành động giết vợ con, Yêu Ly hoàn toàn chủ động trong lựa chọn nhưng trong thâm tâm của Yêu Ly lại vô cùng đau khổ bởi bản án của tòa án lương tâm. Nhưng như thế chưa đủ để hạ gục Yêu Ly cho đến khi y nhận ra Khánh Kỵ – người mà y muốn giết lại là một người tỏ ra xứng đáng với ngai vàng hơn Ngô Vương thì Yêu Ly đã bị gục ngã hoàn toàn. Xung đột gay gắt diễn ra trong nội tâm của Yêu Ly, y tự nhận thấy tội lỗi của mình là bất tín, bất nhân và sự tự trừng phạt của y ở cuối vở như một kết quả tất yếu của toàn bộ hành động kịch. Vở kịch này gợi cho chúng tôi nhớ đến vở “Tòa án lương tâm”
của Vũ Đình Long ở giai đoạn trước cũng có những tình tiết và kết thúc bi thảm như vậy. Nhân vật chính là cô giáo Qúy đã cùng với nhân tình bàn mưu tính kế giết chồng để được sống cùng nhau nhưng sau khi thực hiện thì bản án lương tâm đã không buông tha cho họ, không còn cách nào khác cả hai tìm đến cái chết. Như vậy, giữa hai vở kịch này có điểm chung là các nhân vật đều bị phán quyết bởi tòa án lương tâm và cũng tìm đến cái chết nhưng lại có sự khác nhau về chất rất rõ. Nếu như ở vở “Tòa án lương tâm”, hai nhân vật chính được Vũ Đình Long khắc họa với những nét tính tính cách như gian ác, bất lương,… đến cuối vở, tác giả để hai nhân vật có khả năng sám hối và tìm
đến cái chết như một sự tự trừng phạt có phần thiếu logic và không có sức thuyết phục.
Rõ ràng, từ Vũ Đình Long đến Lưu Quang Thuận là một bước tiến dài của các tác giả kịch Việt Nam trong nghệ thuật kịch. Đây là hạn chế của Vũ Đình Long nói riêng và cũng là của những tác giả viết kịch nước ta giai đoạn trước nói chung nhưng đến giai đoạn 1939 – 1945, các tác giả đã khắc phục và bước đầu có những đóng góp nhất định trong xây dựng hành động kịch cũng như trong nghệ thuật kịch.