Hành động kịch khai triển xung đột kịch

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 80 - 83)

Ở trên chúng tôi đã trình bày luận điểm hành động kịch tham gia vào việc khắc họa tính cách nhân vật và vai trò của hành động: “nhờ những hành động đó mà thâu tóm được cả các tính cách” [4, 35]. Đến đây, chúng tôi tiếp tục làm rõ luận điểm hành động kịch khải triển xung đột kịch cũng như vai trò, ý nghĩa của hành động kịch. Như vậy, hành động kịch không những tham gia vào việc khắc họa tính cách nhân vật mà còn tham gia vào việc hình thành xung đột kịch nữa.

Có thể xem, việc khắc họa nên những tính cách “đối lập” nhau của các nhân vật kịch trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên những hành động kịch khai triển xung đột kịch. Chính thông qua những phản hành động này làm nảy sinh những mâu thuẫn, đối kháng để cho xung dột kịch hình thành và phát triển. Hầu hết, các nhà soạn kịch trong giai đoạn này

đều đi vào xây dựng hai tuyến nhân vật có hành động song song “đối lập” với nhau.

Trong vở kịch “Lý Chiêu Hoàng”, một vở kịch mà theo chúng tôi là tác giả giữ nguyên được cốt truyện lịch sử xảy ra trong xã hội phong kiến nước ta, đồng thời khắc họa nên hai tuyến nhân vật “đối lập” với nhau. Nếu như một bên là vua Trần Thái Tôn và Lý Chiêu Hoàng – là một cặp thanh mai trúc mã, nặng nghĩa nặng tình suốt mười hai năm thì bên kia là Thái sư Trần Thủ Độ - người đang tìm mọi cách chia rẽ hai người để duy trì ngôi báu nhà Trần. Và thế là từ hai tuyến nhân vật “đối lập” nhau này đã thúc đẩy các nhân vật có những hành động đấu tranh lẫn nhau. Khi các nhân vật có những hành động đối kháng nhau có nghĩa là những hành động này trực tiếp tham gia vào việc hình thành xung đột kịch. Đó chính là xung đột giữa một bên kiên quyết giữ trọn đạo cương thường, tình nghĩa phu thê (Trần Thái Tôn) và một bên thì cũng quyết tâm đạt được tham vọng của mình. Trước sức ép của Trần Thủ Độ, Trần Thái Tôn phải phế bỏ ngôi vị Hoàng phi của Lý Chiêu Hoàng dẫn tới hành động Lý Chiêu Hoàng đi tu và đây cũng là hành động góp phần làm cho xung đột giữa vua Trần Thái Tôn và Thái sư Trần Thủ Độ trở nên gay gắt. Vua Trần Thái Tôn kiên quyết chống đối bằng cách bỏ cung vào chùa ở và Trần Thủ Độ đã phải có những hành động cứng rắn, đe dọa và uy hiếp là sẽ biến nhà chùa làm nơi hội đàm quốc sự.

Ở vở “Trần Can”, Phan khắc Khoan cũng tập trung khai thác những hành động “đối lập” nhau của hai tuyến nhân vật để xây dựng xung đột kịch. Hồ Qúy Ly là kẻ cướp ngôi nhà Trần và y tìm mọi cách để đàn áp những tàn dư còn xót lại của nhà Trần. Còn Trần Can lại là người anh hùng khí tiết, coi thường cái chết ngang nhiên làm thơ thương tiếc nhà Trần. Như vậy, Hồ Qúy Ly là kẻ đại diện cho kẻ tiểu nhân, nhiều mưu mẹo hoàn toàn đối lập với người anh hùng Trần Can là người đại diện cho chính nghĩa. Từ đây, hai

tuyến nhân vật tuy có những hành động song song với nhau nhưng trái ngược nhau, đấu tranh với nhau đã làm tăng thêm kịch tính cho vở kịch.

Hay ở vở “Kiều Loan”, Hoàng Cầm cũng để cho hai tuyến nhân vật đại diện cho những lực lượng đối nghịch nhau và dẫn đến có những hành động đấu tranh lẫn nhau tham gia vào việc hình thành xung đột kịch. Kiều Loan là người luôn thương tiếc triều đại nhà Tây Sơn, nàng không thể chấp nhận sự thật “thay ngôi đổi chúa” và rất căm ghét chúa Nguyễn còn chồng của Kiều Loan lại là tướng quân phục vụ cho chúa Nguyễn. Kiều Loan đã có những hành động như giả điên giả dại lên kinh đô tìm chồng, cố gắng thuyết phục chồng phò tá Nguyễn Quang Toản, khôi phục triều đại nhà Tây Sơn,… Nhưng chồng nàng không những không nghe, lại cũng dùng đủ mọi lý lẽ để khuyên can nàng… Cứ như vậy, mâu thuẫn giữa Kiều Loan và chồng không thể giải quyết bởi cả hai không tìm được tiếng nói chung.

Ngoài ra, trong vở kịch này còn có hai tuyến nhân vật khác cũng có những hành động “đối lập” nhau tham gia vào việc hình thành xung đột kịch như: Ông già, quan Tham tri, quan Hiệu úy,… là những người giàu tình nghĩa luôn đụng độ với Hình thị lang, Ngục quan, Nội quan… là những kẻ gian ngoa, độc ác.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải vở kịch nào cũng phải xây dựng hai tuyến nhân vật có những tính cách đối đầu nhau, những hành động đối nghịch nhau mới tạo nên xung đột kịch. “Trong kịch, các tình huống chỉ có ý nghĩa và giá trị do tính cách cá nhân và do những mục tiêu mà nó theo đuổi và lấy những cái đó là nội dung thực tiễn của nhân cách (…) những tình cảm xác định của tâm hồn con người mang tính chất của những động cơ nội tại, của những đam mê đang phát triển trong những hoàn cảnh bên ngoài hỗn tạp (…) Nhưng hành động bên ngoài ấy, (…), lại hàm chứa những ý định và những mục đích của ý chí con người. Hành động chính là thực hiện ý chí ấy (…)”

[20, 193]. Nghĩa là những phản hành động có khi nằm ngay bên trong chính bản thân nhân vật xuất phát từ những vận động nội tâm của nhân vật. Những vở kịch như “Hận Nam Quan”, “Bóng giai nhân”, “Kiều Loan”, “Vũ Như Tô”, … đều xây dựng những hành động diễn ra bên trong nội tâm nhân vật nhưng lại là yếu tố góp phần hình thành xung đột kịch. Chẳng hạn như ở vở

“Vũ Như Tô”, nhân vật chính Vũ Như Tô ban đầu đã có hành động cương

quyết không xây Cửu Trùng Đài cho vua Lê Tương Dực – một tên hôn quân bạo chúa nhưng sau đó lại nghe lời Đan Thiềm hạ quyết tâm xây dựng Cửu Trùng Đài. Và như vậy, nhân vật Đan Thiềm được coi như “chất xúc tác” làm thay đổi suy nghĩ, hành động của Vũ Như Tô. Nói về vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn tán thành những nhận định của nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư trong bài viết: “Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô”như sau: “(…), trong trường hợp Vũ Như Tô là say mê sáng tạo. Niềm say mê ấy như là thuốc súng, như là ét - xăng nằm sẵn bên trong nhân vật bi kịch, chỉ chờ được châm để nổ cháy (…), người châm cho say mê nơi Vũ Như Tô bốc lửa là Đan Thiềm (điểm thắt nút của kịch). Không phải Đan Thiềm đã thuyết phục hay dụ dỗ họ Vũ xây Cửu Trùng Đài, khát vọng xây Cửu Trùng Đài sục sôi sẵn trong Vũ Như Tô, chỉ cần một lời khích lệ từ bên ngoài là nó chuyển hóa thành hành động (…)” [76, 208].

Việc các tác giả xây dựng nên những hành động xuất phát từ những tính cách, những lợi ích đối lập nhau giữa các nhân vật, xét đến cùng thì đó là những hành động được biểu hiện ra bên ngoài của các nhân vật. Còn những hành động diễn ra bên trong nội tâm của nhân vật, có thể xem đó là những hành động bên trong. Những hành động kịch này lại tác động qua lại với nhau một cách biện chứng và trở thành yếu tố tham gia trực tiếp vào việc hình thành xung đột kịch.

Một phần của tài liệu kịch nói việt nam giai đoạn 1939 1945 (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)