Xung đột kịch được xem là đặc trưng cơ bản về thể loại của kịch. Nó là động lực thúc đẩy sự phát triển của hành động kịch và nhà viết kịch lấy xung đột trong đời sống làm cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật của mình. Đây được xem là con đường ngắn nhất để nhà viết kịch tái hiện đời sống hiện thực muôn màu muôn vẻ trong sự vận động và phát triển không ngừng của nó. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nhà viết kịch chỉ tái hiện cuộc sống chứ không phải là đời sống thực. Điều đó có nghĩa là nhà viết kịch là người xây dựng tác phẩm trên nền tảng cuộc sống chứ không phải là người sao chép cuộc sống. Trong dòng chảy của hiện thực cuộc sống luôn luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn, do đó, nhiệm vụ của nhà viết kịch là phải tiến hành chọn lọc và sáng tạo nên những xung đột mang tính khái quát lớn lao. Cho nên, xung đột kịch là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất trong tác phẩm kịch. “Xung đột là sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng nên các mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng của tác phẩm nghệ thuật” [18, 358].
Khi mâu thuẫn phát triển đến giai đoạn cao trào thì xung đột kịch nổ ra: “thực chất xung đột là sự va vấp đấu tranh của hành động xuyên với phản hành động… Phản hành động không phải chỉ là hành động của những con người mà còn là những sự kiện cản trở, những hoàn cảnh khó khăn ngăn bước
đi của hành động xuyên” [50, 45]. Thông qua xung đột giữa các nhân vật có tư tưởng, hành động, tính cách và lợi ích đối lập nhau mà nhà soạn kịch thể hiện trong tác phẩm, người xem hiểu được chiều sâu tư tưởng của vở kịch.
Như vậy, xung đột kịch chỉ có thể nảy sinh khi hai mặt đối lập cọ xát với nhau, va chạm với nhau, đấu tranh quyết liệt trong một hoàn cảnh nhất định.
Điểm nổi bật của kịch là xung đột kịch có mối quan hệ với đề tài của tác phẩm. Có lẽ việc tập trung khai thác những đề tài có sẵn trong hiện thực cuộc sống đã góp phần không nhỏ cho các tác giả trong việc xây dựng thành công xung đột kịch.
Như ở chương hai, chúng tôi có nói đến cảm hứng về cái bi được thể hiện trong các vở kịch trong giai đoạn này, dù là khai thác đề tài lịch sử của Việt Nam hay lịch sử của Trung Quốc cũng đều đậm chất bi tráng mang tính kịch. “Tính chất bi kịch của các tình huống và cảm xúc chủ yếu bao hàm ở những mâu thuẫn và đấu tranh bên trong, nảy sinh trong ý thức, trong tâm hồn con người” [58, 163]. Như vậy, bản thân cái bi đã chứa đựng những mâu thuẫn. Những chuyện như truyện Trần Thủ Độ buộc Trần Thái Tôn phải phế bỏ Lý Chiêu Hoàng lấy vợ của anh trai mình là Trần Liễu, buộc Lý Chiêu Hoàng đi tu, chuyện về chàng Trương Chi vì tương tư sắc đẹp của Mỵ Nương đã trầm mình xuống sông, truyện Nguyễn Trãi phải nuốt nước mắt từ biệt cha ở ải Nam Quan... Rõ ràng bản thân những câu chuyện đó đã tự nó chứa đựng những mâu thuẫn. Hay những chuyện được lấy bối cảnh lịch sử loạn lạc ở nước ta như “Lam sơn tụ nghĩa”, “Kiều Loan”, “Vũ Như Tô”,… là cái nền rất tốt để các tác giả xây dựng nên những mâu thuẫn kịch.
Khảo sát các tác phẩm kịch giai đoạn này, chúng tôi thấy nổi lên những xung đột cơ bản như xung đột giữa chính nghĩa và phi nghĩa, xung đột giữa khát vọng cá nhân và hiện thực xã hội và xung đột trong nội tâm nhân vật. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng giữa các xung đột ấy có mối quan hệ, thâm
nhập lẫn nhau và do đó gianh giới giữa chúng cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi.