Cảm hứng hiện thực

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 41 - 47)

Trong đời sống văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, khi trào lưu lãng mạn xuất hiện với sự ra đời của phong trào Thơ mới và các nhà văn xuôi sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn tiêu biểu là Tự lực văn đoàn

thì cũng là lúc chủ nghĩa hiện thực dần được hình thành và phát triển song song với dòng văn học lãng mạn và văn học cách mạng với những tên tuổi của những cây đại thụ như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Là một thi sĩ lãng mạn có tâm hồn nhạy cảm trước những biến động của xã hội, những trang văn của Lưu Trọng Lư không chỉ thấm đẫm cảm hứng lãng mạn mà còn ấm nồng hơi thở hiện thực. Rất nhiều sáng tác của ông đã vẽ nên một bức tranh hiện thực xã hội vô cùng chân thực, phơi bày những xấu xa, đen tối của xã hội lúc bấy giờ.

Cầu sương điếm cỏ là câu chuyện thương tâm của hai đứa trẻ mồ côi do

nạn lụt. Mở đầu truyện, Lưu Trọng Lư đã miêu tả một cách cụ thể, chân thực cơn cuồng nộ của thiên nhiên với cảnh con sông Gianh trong mùa lũ nước dâng cao, đỏ ngầu: “Những đồng lúa xanh đều khỏa ngập và đỏ ngầu… Một vùng nước mênh mông, chỉ để lòi lúp xúp một đôi chòm nhà và xa xa một vài đồi núi trơ trụi…” [45, 196]. Và con người lẻ loi, đơn độc trong cuộc chiến với thiên nhiên: “Một chiếc thuyền nan bềnh bồng trên dòng nước lũ để kiếm bữa cơm chiều cho con…” [45, 197]. Hình ảnh ấy đã gợi lên một cuộc sống đầy lo toan, thiếu thốn, bấp bênh của con người trên sông nước. Rồi con nước dữ dội cuốn phăng ngôi nhà với hai đứa trẻ đến một chân trời vô định: “Một ngọn gió sóc từ đâu đưa đến. Những cành cây gẫy lắc rắc. Nước dâng mạnh và cuộn ào ào. Những cột nhà bác hai Thìn đã bắt đầu lung lay, rồi nhổm dậy, xoay tròn mấy cái, rồi từ từ đi ra dòng sông, trôi bên những cái chuồng bò chuồng lợn, và những súc vật không biết từ chốn nào lại” [45, 197]. Trước mắt chúng là cảnh tượng đầy ghê rợn trong cơn bão tố: “Trong cái lờ mờ giữa dòng nước ngầu đỏ đương cuộn lăn những cái hình thù lạ lùng, cái thì gồ ghề như những đầu trâu, cái thì phập phồng như xác người chết. Xa xa, những ngọn lửa lấp lánh, trên không và dưới nước, đua nhau chạy thi, như những đàn ma chơi ở chân trời xa mà nó thường nom thấy trong những ngày mưa lạnh lẽo” [45, 198]. Dòng nước lũ đã đẩy những đứa trẻ trôi về một nơi hoàn toàn xa lạ, xa quê hương, xa những kỉ niệm tuổi thơ, xa người mẹ thân yêu. Chúng được lão U - một ông

lão chuyên đi bẫy cò kiếm sống qua ngày nhưng giàu lòng nhân hậu - cứu giúp, nhưng những đứa trẻ ngây thơ đã phải sớm đối diện với sự khó chịu của mụ vợ lão U bởi gia cảnh của nhà mụ cũng có khá khẩm gì đâu: “Nhà mụ túng bấn - mà đâu có túng bấn như lời mụ kêu - không đủ nuôi thêm hai “mạng” nữa, nhất là khi hai “mạng” ấy ngày ngày chỉ nằm ỳ ra đó mà “tứa” - một tiếng lóng riêng của mụ lão U chỉ những kẻ ăn hại” [45, 201]. Theo sự toan tính của mụ vợ lão U, cái Bẹ phải đi ở mướn cho nhà ông Hương Cả, nhưng rồi hùm ăn nghé, cái Bẹ bị đuổi. Bóng tối, nghèo đói, sự sợ hãi bủa vây lấy tâm hồn thơ dại của nó: “Với một manh áo rách, nó đi ra khỏi nhà ông Bá. Trời đã tối đen, vài ngôi sao đã bắt đầu thấp thoáng. Nó nhìn quãng cao rộng mà rùng mình” [45, 206]. Hai đứa trẻ lại bị hất hủi, bị vất ra chốn gió sương vô định và chúng tiếp tục trốn chạy đến một nơi xa lạ khác. Để đổi lấy những bữa cơm cho hai chị em, cái Bẹ phải nhọc nhằn ra sông bắt những con nhèm mặc cho mối nguy hiểm luôn ẩn hiện dưới đáy sông với những mảnh hàu sắc nhọn có thể tước đi tính mạng của nó bất cứ lúc nào. Nhưng để duy trì sự sống, cái Bẹ phải chấp nhận mọi sự cực nhọc, mọi mối hiểm nguy: “Nghĩ đến cái nghề nguy hiểm của mình, nghĩ đến những mảnh hàu độc địa, con Bẹ nhìn vào bát cơm mà ngại ngùng. Nhưng trong chốc lát, rồi nó lại vui tươi ngay. Nó nghĩ đến thằng Tỵ, nghĩ đến những bữa cơm tuy xoàng xĩnh nhưng đầy thú vị, đầy cảm tình, những bữa cơm mà kẻ giàu có với tiền bạc nhiều, cũng chưa chắc đã mua được” [45, 217]. Gấp lại trang sách, người đọc vẫn không thôi xót xa, trăn trở trước cuộc đời phiêu lưu cay cực, vô định của những đứa trẻ nghèo.

Trong các tác phẩm truyện của Lưu Trọng Lư, người đọc còn thấy thấp thoáng hình ảnh những người nông dân nghèo cơ cực với sự đè nặng của tiền sưu, tiền thuế. Anh Neo, một truyện ngắn cô đọng, đã làm nổi bật sự nghèo khổ của người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ. Anh Neo là một người nông dân nghèo khổ, người vợ của anh đang bụng mang dạ chửa phải chạy vạy hết nơi này tới nơi khác để kiếm đủ tiền nộp sưu và duy trì sự sống cho gia đình bé nhỏ. Cuộc sống nghèo khó của người nông dân được khắc họa cụ thể từ mâm

cơm đạm bạc: “Mâm cơm của cái gia đình nghèo khổ kia đó. Một bát rau dền và một rá khoai vằm. Hết. Những cái vật hằng ngày nuôi sống người nghèo khổ chỉ có thế thôi. Trên một chiếc chiếu rách trải ở đất, ba “mạng” cùng ngồi lại ăn” [45, 61]. Sự thúc ép sưu thuế của bọn cường hào trong truyện Anh Neo không được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ như ở tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Hình ảnh của giai cấp thống trị với ông Lý, ông Phó chỉ xuất hiện gián tiếp qua cuộc trò chuyện của vợ chồng anh Neo:

“Anh Neo nhìn vợ mà nói:

- Mạ thằng Cu! Chiều nầy có ai vào hỏi tôi không? - Có ông Lý vào một lần, ông Phó vào một lần. - Nói gì?

- Đòi dắt bò, đòi dỡ nhà” [45, 60].

Chừng đó thôi cũng đủ cho người đọc cảm nhận được bộ mặt tàn ác của giai cấp thống trị bóc lột với biết bao thứ sưu thuế đè nặng lên vai của những người nông dân nghèo khổ. Và để có “tiền sưu, tiền ích nộp cho ông Lý, rồi lại tiền củi, tiền than, tiền cúng đồ bà cho mạ thằng Cu”, hai vợ chồng anh Neo đành phải bán đợ thằng Cu cho nhà ông Bá Ngô. Cuộc đời của thằng Cu rồi có cơ cực như cái Tý trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố) phải ăn cơm những hạt cơm thừa của chó, sống trong sự ghẻ lạnh của nhà chủ hay không, Lưu Trọng Lư không khắc họa cụ thể điều đó. Kết thúc tác phẩm của ông vẫn là sự day dứt, ám ảnh khôn nguôi về những mối lo toan chồng chất của vợ chồng anh Neo: “Nhưng biết đâu thằng Cu khác lại chịu chung số phận với thằng Cu nầy!” hay “Cũng là tốt phước cho thằng Cu lắm, nhưng mà ngày mai, tiền sưu, tiền ích … ngày mai thằng Xeo nó vẫn cứ đến …” [45, 63].

Lưu Trọng Lư không chỉ nhận thấy sự tàn ác, tham lam của giai cấp thống trị mà ông còn vạch trần bộ mặt dâm ô, tha hóa của tầng lớp quan lại lúc bấy giờ. Bất chấp mọi thủ đoạn, chà đạp lên đạo lý truyền thống, cụ Tham - một viên quan ở Bộ Lại, đã tìm cách chạy án cho cha của Nguyệt, nhằm lấy lòng, ép Nguyệt - người cháu gái chỉ đáng tuổi con, trở thành vợ lẽ của hắn.

Bên cạnh một xứ Huế mộng mơ, Lưu Trọng Lư còn khắc họa “Huế như biểu tượng tập trung của chế độ quân chủ quan liêu lỗi thời, “cái xứ đi đâu một bước cũng chạm phải không quan lớn thì quan bé, cái xứ bài ngà, kim khánh, mũ cánh chuồn, áo thụng xanh, xà cạp đỏ”, cái xứ vẫn là đất sống của những viên quan hiểu rõ mình đã bước vào thời “kim tiền vạn năng”, sẵn sàng biến quan trường thành thương trường, sống bằng chạy chức, chạy quyền, chạy án, kiếm tiền từ sự oan khuất của kẻ khác, chiếm đoạt tài sản của họ, biến những nữ sinh đang tuổi hoa mộng, kể cả đứa cháu gái của vợ, thành thê thiếp của mình” [45, 18].

Bên cạnh đó, Lưu Trọng Lư còn thể hiện cái nhìn xót xa đối với đời sống của văn nghệ sĩ lúc bấy giờ qua câu chuyện về cuộc sống cơm áo tầm thường, khổ cực của thi sĩ Văn Hữu, tất thảy hiện lên qua mẩu giấy của hiệu cầm đồ mà nhân vật tôi tình cờ phát hiện qua tác phẩm Thi sỹ. Nhà

văn cũng chua xót nhận ra sự rẻ rúng của văn nghệ khi những giá trị văn chương được đặt ngang hàng, thậm chí chẳng bằng những tờ giấy gói hàng qua 15 truyện ngắn:

“Thế là số báo đặc biệt bán 2 xu của tờ nhật báo ấy có 20 trang mà có một truyện ngắn là 15 truyện ngắn.

Những trang kia chỉ có tinh một thứ rao hàng. Song cái đó không hề gì, ví, quả như lời ông chủ nhiệm đã đoán: các độc giả rất hài lòng vì số báo ấy cho họ có giấy gói hàng, nên họ cũng chẳng buồn giở báo ra đọc văn.

Số báo ấy cứ bán chạy như tôm tươi” [45, 97].

Cảm hứng hiện thực đã khiến Lưu Trọng Lư hướng tới châm biếm một bộ phận thanh niên sống không có lí tưởng vững vàng, từ lí tưởng ban đầu thanh cao tụt dốc xuống tầm thường dung tục, rồi sa chốn trụy lạc nhơ nhớp với những cuộc chơi bất tận bên bàn đèn thuốc phiện và những ả đào. Huy, từ một thanh niên có lý tưởng sống cao đẹp đã rơi “xuống địa ngục”, trở thành một tay ăn chơi trác táng bởi vì chàng đã thoát ly gia đình một cách tùy hứng. Từ bỏ gia đình, tức là nhân vật đoạn tuyệt với lối sống cũ, với những quan

niệm lạc hậu, cổ hủ. Những cuộc xê dịch, những cuộc trụy lạc trong làn khói thuốc phiện của cả một thế hệ thanh niên ôm ấp biết bao lý tưởng, hoài bão tốt đẹp nhưng thoát ly tùy hứng để rồi đành ôm mối sầu hận đã được Lưu Trọng Lư khắc họa vô cùng cụ thể, chân thực. Tất cả những gì còn lại sau một đêm trụy lạc chỉ là cảnh tượng hoang tàn qua cảm nhận chán chường, vô vọng đến kinh tởm của nhân vật Huy: “Chàng chỉ thấy trơ một mình lại với một cảnh tượng bi ai, não nuột là cảnh tượng một cuộc vui tàn. Những cái bàn đèn thuốc phiện nghiêng ngửa. Những vết đen bẩn dây xuống chiếu. Những vỏ quýt rải rác đầy nhà. Và vài cái nút chai ở cạnh chân bàn. Những mẩu nhật trình trong góc buồng. Những cái ghế tô-nê lộn xộn, những cái chăn bông chưa xếp, những cái giường màn còn rủ. Và giữa cái đống lộn xộn ấy, đây đó vài cái mặt phấn còn bự, son bết đầy tay, đầy má, đầy trán. Và những mớ tóc rối bù buông xuống che phủ cả những cặp mắt lờ đờ, còn buồn ngủ. Vài cái mồm chưa súc, ngáp những cái ngáp dài. Huy ngửi thấy một mùi vị lạ lùng, một mùi vị không tên, nhưng mà hữu thực, nó làm cho tất cả người ghê lạnh, và chàng thấy muốn nôn, muốn khạc, muốn nhổ, muốn cau có với mình, muốn gây gổ với mọi người, muốn bứt hết tóc, cào hết da thịt, muốn nhìn một dòng máu tươi, muốn giết người…” [45, 601].

Nhà văn đã bộc lộ sự xót xa, đau đớn trước số phận bất hạnh, rẻ rúng của những cô gái giang hồ trôi nổi giữa dòng đời vô định. Ê chề trong khoảnh khắc “sống làm vợ khắp người ta” đã đành, đằng này sau khi đã hoàn lương, đoạn tuyệt với quãng đời xưa cũ thì bão tố của cuộc đời cũng không thôi quăng quật vào thân phận bé nhỏ của họ. Một cô gái giang hồ những tưởng sẽ được hưởng cuộc đời trong sạch dù nghèo túng khi được bác Hai Vận cứu và lấy làm vợ. Nhưng rồi cơn bạo bệnh của đứa con chung giữa hai người và cái khát khao kiếm chút ít tiền mời ông đốc Đạm chữa bệnh cho con đã đẩy người đàn bà ấy quay về con đường cũ: “Hôm nay, vì không tiền chạy thuốc cho con, nàng phải làm lại cái nghề cũ: Cái mặt đã sạm đen bây giờ nàng phải trát thêm một lớp phấn giả dối… để đánh lừa người… Lừa người! Cái tiếng

gớm ghiếc làm sao! Nhưng có sự gớm ghiếc gì mà nàng không phải làm, để kéo sự sống, dầu trong một giây lát, lại cho đứa con yêu dấu” [45, 161]. Còn gì đau đớn hơn khi con người ý thức được sự nhơ nhớp, gớm ghiếc của những việc mình sắp làm, nhưng rốt cuộc vẫn phải dấn thân vào chốn ấy. Cuộc đời của những cô gái giang hồ trôi đi trong cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời với biết bao nhục nhã, đau đớn và ê chề.

Lưu Trọng Lư không tập trung phê phán rõ ràng một giai tầng, một chế độ hay một thói hư tật xấu cụ thể mà qua những trang viết đậm chất hiện thực, tác giả chỉ phơi bày một bức tranh đời sống muôn màu, muôn vẻ về hiện thực đương thời. Bên cạnh một Vũ Trọng Phụng mỉa mai, cay độc, một Nguyễn Tuân khinh bạc, lạnh lùng, một Nam Cao tỉnh táo, sắc sảo đầy triết lý, Lưu Trọng Lư với lối viết nhẹ nhàng đã mang đến cho người đọc một ấn tượng đậm nét về bức tranh hiện thực đời sống đương thời với những chìm đắm miên man trong dòng suy tưởng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 41 - 47)