Giọng điệu chua xót, thương cảm

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 124 - 126)

Với một tâm hồn đa cảm, giàu lòng trắc ẩn, ngòi bút của Lưu Trọng Lư vô cùng nhạy bén trước số phận của những con người bất hạnh. Và giọng điệu chua xót, thương cảm đã hòa vào những trang văn của ông như một quy luật tất yếu của tâm hồn.

Dày đặc trong những trang viết về con người bất hạnh là sắc thái giọng điệu đầy chua xót, thương cảm, đau đớn. Kể về một đứa bé tám tuổi sống trong gia đình làm nghề cầm đồ trong buổi sa sút, luôn bị dì ghẻ chì chiết, miệt thị, cô độc ngay trong chính gia đình mình, nhà văn không khỏi đau xót: “Thằng Cạc bây giờ đã tám tuổi. Tám tuổi mà đã chịu đủ mùi chua cay bùi đắng. Thật cái sự khổ thống ở đời, nó không hạn bao nhiêu tuổi. Bao nhiêu tuổi lại chẳng đau đớn được?” [45, 35].

Cùng hướng tới những thân phận nhỏ bé của những đứa trẻ, Lưu Trọng Lư một lần nữa mang tới cho người đọc một câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người trong Cầu sương điếm cỏ. Nhà văn không khỏi ngậm ngùi, xót xa trước thân phận của những đứa trẻ ở một vùng quê nghèo, bị nước lũ cuốn đi tới một phương trời hoàn toàn xa lạ, chúng được ông lão tốt bụng cứu giúp nhưng rồi gia cảnh túng bấn, mụ vợ đã bắt cái Bẹ đi ở: “Số phận muốn thế, mụ lão U muốn thế. Mụ lão u đã trù tính kĩ càng: Cái Bẹ đi thì nhà mụ bớt đi được một miệng ăn, và mỗi năm, thêm vào một cái số tiền bán cò của chồng, mụ được một món tiền cũng kha khá… Tiền công của nó, mỗi mùa, những mười hai quan kia mà! Trong một năm, với số tiền công của cái Bẹ, mụ chả sắm được một cỗ thọ đường cho mụ, và chồng mụ sao?” [45, 202]. Cơn cuồng nộ của trời đất đã cuốn phăng hai đứa trẻ ra khỏi gia đình, quê hương,

rồi chúng một lần nữa bị chính những toan tính ích kỉ, hẹp hòi của con người quăng quật ra giữa dòng đời vô định: “Hai cái “mạng” ấy đã bị mụ lão U hất hủi và vất ra chốn gió sương vô định… Chúng nó chết thì còn thừa hưởng được những bát cháo lá đa, nhưng chúng nó còn sống, thì chúng nó không được một tý gì hết… Cái khăn gói của con Bẹ, cái khăn gói đã làm cho mụ lão U ngờ vực, cái khăn gói ấy giá người ta mở tung ra, thì chỉ thấy vài manh áo rách. Thế thôi!” [45, 210].

Cuộc đời của một cô gái nghèo đi ở mướn cùng với tình yêu trong sáng nhưng lỡ dở đã được nhà văn tái hiện bằng một giọng văn chua xót, đầy cảm thương. Dòng chảy cuộc đời với biết bao điều bất hạnh của Vịnh đã lần lượt hiện lên trong ngậm ngùi, đau đớn: “Khen cho tạo hóa cũng khéo xếp đặt, cái nhà xiêu vẹo và rách nát thường che mẹ con con Vịnh lúc nắng lúc mưa, ngày nay vừa vặn bán đi để mua cái thọ đường cho bà cụ. Bà cụ thơ hơi thở cuối cùng. Trong khi cái xác ma của bà êm ấm, thì con bà sống cầu bất cầu bơ không nơi nương tựa. Rồi cực chẳng đã, nó phải chui đầu vào ở mướn với ông Bá Ngưỡng, một năm được năm quan tiền công, cái số tiền đủ mua lễ vật cho kỳ giỗ mẹ nó” [45, 178].

Bằng giọng điệu xót xa, nhà văn đã diễn tả nỗi đau đớn tới tột cùng trước những những nghịch cảnh của cuộc đời. Một cô gái giang hồ hoàn lương đã buộc phải trở về chốn xưa để có tiền mua thuốc cho con, một người chồng bao dung đã cố chôn sâu quá khứ của người vợ buộc phải chứng kiến cảnh vợ tiếp khách làng chơi: “Cảnh nghèo khổ có để yên cho mà sung sướng với nhau đâu! Hôm nay, vì không tiền chạy thuốc cho con, nàng phải làm lại cái nghề cũ: Cái mặt đã sạm đen bây giờ nàng phải trát thêm một lớp phấn giả dối… để đánh lừa người…” [45, 161]. Từng câu văn như những tiếng kêu xé lòng trong đau xót, bàng hoàng: “Lừa người! Cái tiếng gớm ghiếc làm sao! Nhưng có sự gớm ghiếc gì mà nàng không phải làm, để kéo sự sống, dầu trong một giây lát, lại cho đứa con yêu dấu. Đau đớn hơn nữa, là bác hai Vận hôm nay phải hồi tưởng đến những khốn nạn xấu hổ của vợ, mà bác đã thề chon sâu trong trí nhớ. Số phận trớ trêu đến thế là cùng!” [45, 161].

Bên cạnh đó, tái hiện những hồi ức về tuổi thơ của chính mình, nhà văn không thể nào quên nỗi đau đớn khi mất đi người mẹ yêu dấu: “Trời ôi! Tôi quên làm sao được vòng khăn nhiễu tam giang, cái quần áo cổ y, và đôi vòng bạc… mà người ta vừa đeo khoác vào cho cái chết ấy! Cái áo cổ y ấy, cái khăn nhiễu tam giang ấy, đó là những đồ mà ông mệ ngoại tôi đã sắm cho mẹ tôi… Mẹ tôi có lẽ chỉ mặc một bận khi về nhà chồng, và than ôi! Một bận nữa là khi về… cõi đất” [46, 957]. Những dấu chấm lửng ngắt đôi dòng văn và kéo dài ở cuối câu đã gợi lên sự nghẹn ngào trong tiếng khóc nấc đầy bàng hoàng, đau đớn của một tâm hồn trẻ dại, sớm phải lìa xa người mẹ của mình.

Bằng một trái tim giàu lòng nhân ái, tràn đầy tình yêu thương, Lưu Trọng Lư đã cất lên giọng văn chua xót, đầy thương cảm trước mọi nỗi đau khổ, bất hạnh của con người trong cuộc đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 124 - 126)