Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc của đời sống

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 117 - 120)

Khác với lối văn ước lệ của các tác phẩm văn học trung đại, đầu thế kỉ XX, ngôn ngữ giản dị của đời sống đã ồ ạt xâm nhập vào các sáng tác ở hầu hết các thể loại. Bên cạnh lối viết giàu hình ảnh, ước lệ, đậm chất thơ, Lưu Trọng Lư còn mang đến cho người đọc hơi thở nồng mặn của cuộc sống với lớp ngôn ngữ giản dị, mộc mạc của đời sống.

Ngụp lặn miệt mài trong vỉa ngôn ngữ vô tận của đời sống, Lưu Trọng Lư đã tạo nên một bức tranh chân thực, gần gũi về cuộc đời như nó vốn có bởi chính những từ ngữ dung dị, đời thường. Nhân vật của ông xưng hô với nhau rất suồng sã: “ông”-“tôi”, “mày”-“tao”, “mày” - “bà”… Lưu Trọng Lư để các nhân vật trò chuyện với nhau bằng những ngôn từ mộc mạc, thậm chí ông đưa cả những từ ngữ trước đây bị xem là thô tục, tối kị trong những trang văn vào tác phẩm của mình. Lời đối thoại nghịch ngợm của những nữ sinh khi gặp “sự cố” trong cuộc dạo chơi quanh bờ hồ đã được nhà văn khắc họa trong Cô Nhung:

“Bỗng một tiếng “bộp” rơi trên nón Nhung. Nhung lấy nón xuống nhìn thấy có một thứ gì trăng trắng. Và ngẩng lên cây, thấy những cành trơ trụi đen sít những chim. Cả bọn nhìn Nhung cười ngặt nghẽo làm cho Nhung bẽn lẽn cúi mặt. Rồi cả bọn lại nhìn lên cây, ngạc nhiên khi thấy những cây ở xung quanh hồ không thấy chim đậu, mà chỉ có một cây kia là có chim mà thôi, và chim ỉa trắng cả cây. Hạnh bảo là những con “quạ”, Bảng thì bảo là những con “cốc”, Nhung lém lỉnh bảo là “những con vịt giời về chầu…Ngài”. Cả bọn hỏi:

- Ngài nào mày?

Hạnh ranh mãnh đáp hộ Nhung:

- Về hầu ngài … Nhung và ỉa lên nón ngài một thể!” [45, 365-366]. Để khắc họa chân thực đời sống của những trí thức Tây học thời bấy giờ, Lưu Trọng Lư đã tạo nên những lời đối thoại xen tiếng Pháp và tiếng

Việt. Các nhân vật nam thanh nữ tú của ông ưa chêm tiếng Pháp trong lời nói của mình: “Tớ xem hôm qua với papa rồi, xoàng lắm. Xoàng hết chỗ nói! Đừng đi! Để tiền mua cho tớ một miếng chocolat” [45, 360], “Circulaire mày

ạ” [45, 363], “Maman đi lên đền Hàng Trống để lễ bái cho Liễu đấy, có ghé lại nhà Nhung…” [45, 367], “Có thế nào nữa, thì ta cứ vào trong xe, khóa chặt cửa lại, những thứ kính sécurities này cọp cũng không thể nào đánh vỡ được” [45, 141]… Bên cạnh những từ tiếng Pháp được dùng nguyên văn, Lưu Trọng Lư còn để nhân vật của mình sử dụng những từ tiếng Pháp được phiên âm và đọc chệch: “discours” có nghĩa bài diễn văn được cô học trò tinh nghịch nhại thành “đít-cua”, “mò cua” [365]. Biệt ngữ xã hội cũng được nhà văn sử dụng linh hoạt: “Cũng may hôm nay về môn Algèbre em được cái trứng” [45, 430] (từ “cái trứng” được học sinh dùng để chỉ điểm không).

Cùng với những nhà văn khác, Lưu Trọng Lư “đã đập vỡ cái khuôn khổ văn chương đài các đương thời” (chữ dùng của Thanh Lãng) để đưa vào tác phẩm một hệ thống ngôn ngữ giản dị, thẫm đẫm hơi thở của cuộc sống. Sự đa dạng của ngôn ngữ đời sống hiển hiện rõ trên các trang văn của ông. Cùng một hành động ăn nhưng có nhiều cách diễn đạt rất sinh động: “xơi” [84], “đặt mũi vào bát, rồi “lùa” một dây” [84], “ụp miệng vào bát phở” [85], “chén” [401], “thời” [505]… Đi thì có khi gọi là “chuồn” [111], khi lại “cút thẳng” [363], chết thì gọi là “về” [954], cắt gọi là “thịt” [957]… Lưu Trọng Lư đã mang vào trong truyện của ông một thế giới ngôn ngữ mang đậm chất khẩu ngữ: “Chị ấy còn “xuân” lắm, còn “kháu” lắm, còn nhiều người mê chán” [45, 79], “Bà nó à! Để yên tôi nói cho bà nghe xem có xuôi tai không bà nhé! Nghĩ như tôi đã có tuổi rồi, má đã nheo rồi, tóc đã sắp bạc rồi, lại có bệnh hay đau xương sống, còn “nước mẹ” gì nữa mà bên mình còn phấn son cọ kẹ phải không bà?” [45, 115], “Bà cũng biết cụ Phán Bích cũng làm một Sở với tôi đấy chứ! Cụ thì cũng một hàm với tôi, chứ có hơn tôi cái cóc gì, mà lương cụ thì hơn tôi những 56p0” [45, 116], “Khổ lắm. Hiểu rồi. Nói mãi” [45, 126], “Cơ khổ! Em chóng quên quá. Vả lại tại anh nói tiếng Bắc, và trông anh khác ngày xưa nhiều lắm”

[45, 138], “Về, chả về thì đừng!” [45, 178], “Thôi “thầy hắn” để mặc tôi, đừng làm om lên, hàng xóm bu tới, không tốt” [45, 180], “Ấy chết! Nhà không ai biết à?” [45, 188], “Thế ư? Sướng quá Bẹ hỉ!” [45, 198], “Hú hồn!”, “trời ôi!”, “Chết chửa! Không ngờ con mẹ đó lại độc ác thế!” [45, 204], “cộng sản là cái quái gì” [45, 368], “Chết chửa” [45, 430], “Nhảy đi, mẹ xuống chừ đó” [45, 703] … Cả tiếng nói ngọng trong lời kể lể dài dòng của cô gái giang hồ cũng được nhà văn ghi lại chân thực trong tác phẩm của mình: “Anh ạ! Nếu chẳng có sự rủi ro đâu em phải “nạc” bước chốn này. Trước kia em cũng “nà” con tử tế. Thầy em “nàm” quan, em cũng vào giầy ra dép chẳng kém gì thiên hạ. Nhưng không may, mẹ em chết sớm. Thầy em cưới dì ghẻ về. Rồi vân vân…” [45, 601].

Tiếng chửi đã ùa vào truyện của Lưu Trọng Lư một cách tự nhiên, sinh động. Đó có thể là tiếng chửi của một ông quan vốn xưa nay vẫn được niêm yết bởi những tính từ “đạo mạo”, “nghiêm túc”: “Biết thì sao? Đách cần!” [45, 457], “Khỉ! Thể diện quốc gia, ai lại làm thế…” [45, 457], có khi là câu chửi cay nghiệt của bà mẹ kế: “Đít mẹ mày” [45, 35], khi là lời chửi thề của một trí thức: “Hỏng mất ba cái bu-ri, chữa thế chó nào được!” [45, 107], ““Ban” mẹ nó rồi!” [45, 107], là lời rủa chua xót của một cô gái giang hồ: “Tiên sư thằng cả Vượng, mình cứ tưởng thằng ấy không biết nói dối” [45, 740], có khi là lời chửi thâm độc, chì chiết, chua ngoa của người vợ cả đối với vợ lẽ của chồng: “Con đĩ ngựa kia! Mày quả có điên thì tao cho vào nhà thương điên, chứ ở nhà này, mày làm cái trò gì thế? Con kia? Ai cho phép mày nghiêng ngửa thế?” [45, 468]…

Đặc biệt, cái hồn cốt của quê hương miền Trung nắng gió thấm đẫm trong từng trang văn của Lưu Trọng Lư. Để tạo nên một không gian vùng Trung Bộ đậm đặc trong những cảnh sắc thiên nhiên, bức tranh sinh hoạt, nhà văn đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ chỉ địa hình đặc trưng cho vùng Trung Bộ như “đồi núi, rú, đèo, rừng” và hàng loạt các địa danh quen thuộc của miền Trung như: “Nghệ An”, “Bến Ngang”, “sông Gianh”, “Chiêm Thành”, “Đồng Hới”, “Truồi”, “núi Ngự”, “sông Hương”, “Kim Luông”, “An Cựu”, “Ngự Bình”, “Vĩ Dạ”, “núi Thiên Thai”, “Cầu Hai”, “Lăng Cô”, “Chân Tượng”,

“núi Giăng Màn”, “Quảng Trị”, “Đông Hà”, “đèo Ngang”, “Quảng Trạch”, “động Phong Nha”, “sông Linh Giang”… Bên cạnh đó, hệ thống phương ngữ Trung Bộ đã được sử dụng nhuần nhuyễn và tự nhiên trong truyện Lưu Trọng Lư: “mô” [177], “rú” [177], , “va” [194], “mạ”, “bọ” [197], “hột”, “hỉ” [198], “chi” [199], “một chặp” [199], “vô” [203], “răng rứa” [205], “o”, “mô” [212], “me” [581], “ni” [932], “nậy” [949], “bọ” [936], “mệ ngoại” [957]…

Những câu giao tiếp đời thường với giọng Huế ngọt ngào, tha thiết đã bước vào trang văn của Lưu Trọng Lư: “Chà! Nếu chúng ta quen được Quan đốc sớm hơn mấy ngày thì không chừng đã cứu được mạng chị Tư cha hỉ!” [45, 504], “Lan ôi là Lan ôi! Cháu đi mô mà để thương nhớ cho những người còn ở lại. Một ngày cháu nhắc tên ông Hải đến hai ba lần, nay người ta đến đó, con thì đâu? Lan ôi là Lan ôi! Trời ôi là trời ôi!” [45, 507]. Âm điệu bình dị, mộc mạc của quê hương Quảng Bình thấm đẫm trong từng câu, từng chữ ở truyện Lưu Trọng Lư: “Chết, ăn chi mà “nậy” mau quá đỗi! Ngày tôi gặp cậu, chỉ bằng thằng Ngu nhà tôi! Nhỏ xíu xíu… Thế mà!... Bụt ơi! Chà mau “nậy” quá! Thế mà mấy năm cậu không về làng hở?”, “Dễ thường cũng đến ba năm rồi hỉ?” [46, 949], “Chừng ấy cũng “khắm” chán bà hỉ? [46, 956], “Kìa anh Khóa! Anh Khóa đi mô rứa!” [46, 963], “Thế rồi “làng miềng” có định rước không hỉ?” [46, 964].

Chắt lọc trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, Lưu Trọng Lư đã đưa ngôn ngữ giản dị, mộc mạc vào tác phẩm của mình một cách đa dạng, sinh động. Sự xuất hiện của ngôn ngữ mộc mạc, giản dị từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đã giúp nhà văn tái hiện cuộc sống một cách chân thực, sống động như nó vốn có. Để rồi, mỗi trang văn của ông thực sự là một trang đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 117 - 120)