TRUYỆN LƯU TRỌNG LƯ 3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Con người là đối tượng phản ánh, khám phá trung tâm của tác phẩm văn học. Nhân vật văn học chính là hình tượng con người được nhà văn nhận thức, tái tạo thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Nhân vật là vấn đề trung tâm của văn học, là phương tiện có tính thứ nhất trong hình thức tác phẩm. Nhân vật có ý nghĩa quyết định nội dung tư tưởng của tác phẩm và thể hiện được cá tính sáng tạo của nhà văn. Nhà văn muốn thể hiện bản chất của đời sống và khám phá thế giới tâm hồn con người đều phải thông qua nhân vật. Xây dựng nhân vật trở thành một vấn đề cốt tử, then chốt của tác phẩm truyện bởi chính nó là tín hiệu thẩm mĩ. Tác phẩm truyện có khả năng chiếm ưu thế vượt trội trong việc khắc họa nhân vật trên mọi phương diện cả số lượng lẫn chất lượng, hình thức và nội dung, nội tâm và hành động, các chặng đường phát triển, khả năng theo dõi, quan sát nhân vật trong biên độ không gian, thời gian rộng lớn.
Mỗi một nhà văn đều để lại dấu ấn khi xây dựng hệ thống nhân vật của mình. Với mỗi kiểu nhân vật, nhà văn lại có cách thức, biện pháp thể hiện riêng tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm của mình.
Thế giới nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư rất đa dạng và phong phú, từ những tiên nữ, các vị tiên ông, những vị vua, tướng lĩnh, ông quan, công chúa, hoàng tử cho tới những cô gái giang hồ, những nam thanh nữ tú tân thời… Tất cả những nhân vật ấy có một đời sống đầy đặn từ ngoại hình đến nội tâm, lý trí đến tình cảm, suy nghĩ đến hành động.