Đặt nhân vật vào những hoàn cảnh éo le

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 100 - 104)

Sinh ra trong một gia đình quan lại nhỏ, đã từng phải chứng kiến sự giáo huấn lạnh lùng, có phần khắc nghiệt của người cha, đồng thời chịu sự tác

động của môi trường giáo dục Tây học với những tư tưởng mới mẻ, bởi vậy, ẩn chứa trong tâm hồn mơ mộng của Lưu Trọng Lư là sự phản ứng quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, cái tân tiến và lỗi thời, cổ hủ. Để làm nổi bật những xung đột bên trong ấy, Lưu Trọng Lư đã đặt các nhân vật của mình trong những hoàn cảnh vô cùng éo le.

Tác giả đã xây dựng môi trường sống của nhân vật, chú trọng phơi bày cảnh ngộ bên trong của các gia đình phong kiến với những quan niệm cổ hủ, khắt khe, nặng nề. Phê phán lễ giáo phong kiến bằng việc đi sâu vào những biểu hiện cụ thể của nó trong đời sống hàng ngày, làm lộ rõ những bất công vô lý vốn được bao bọc bởi sự uy nghiêm của nó chủ yếu trên các nguyên tắc cơ bản của nó: hôn nhân gả bán và quan niệm môn đăng hộ đối (Khói lam chiều, Cô Nhung, Gió cây trút lá, Bến cũ); chế độ đa thê và quan niệm trai

năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng (Cô Nguyệt), chuyện mẹ chồng nàng dâu (Từ thiên đường đến địa ngục). Trong thế giới nhân vật của Lưu Trọng Lư nổi bật lên hình ảnh những đứa con của các gia đình phong kiến chính thống, được thừa hưởng những điều kiện vật chất khá đầy đủ nhưng họ luôn cảm thấy tù túng trong môi trường sống của mình. Đặt những nam thanh nữ tú tân thời với tư tưởng phóng khoáng, khát vọng tự do tràn trề trong những gia đình nề nếp phong kiến, Lưu Trọng Lư đã làm nổi bật sự xung đột giữa quyền cá nhân với những khuôn phép khắt khe của lễ giáo phong kiến, nhằm tiến tới giải phóng cá nhân, thực hiện quyền con người.

Nhung trong Cô Nhung - một cô gái tân thời sôi nổi, hồn nhiên đam mê chiếu bóng - lại sinh ra trong một gia đình quan lại. Bố của Nhung là ông Phán Vịnh khi bắt gặp cuốn nhật kí của con gái đã vô cùng tức giận, coi “con bé nhà ta ngông lắm” [45, 372] và buộc Nhung nghỉ học, để lấy một ông quan huyện.

Hải trong Gió cây trút lá là một nhà y sĩ vượt qua mọi lời dị nghị đem lòng say mê Lan - một cô gái giang hồ giàu đức hạnh. Nhưng éo le thay, cha của Hải - một quan Phủ trọng danh dự và nề nếp gia phong - đã không thể chấp nhận mối tình ngang trái của cậu con trai, ép chàng lấy con của một ông

Tham theo sự sắp đặt của gia đình cho môn đăng hộ đối. Hoàn cảnh éo le ấy đã buộc Lan ra đi, và chết cô đơn trong bệnh tật, Hải chìm đắm trong những tháng ngày đau đớn, tuyệt vọng.

Huy trong Từ thiên đường đến địa ngục là một chàng trai tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, khao khát tự do nhưng luôn bị cha mẹ ép vào vòng khuôn khổ chật hẹp theo những quan niệm của lễ giáo phong kiến. Không khí ngột ngạt của gia đình Huy được gợi lên qua sự ép buộc Huy trở thành một ông quan đạo mạo với khăn đen áo dài chỉnh tề, qua thái độ bất bình của cha mẹ Huy khi thấy cậu con trai nô đùa đá bóng với chúng bạn: “Con không biết những người chơi đùa như thế, nếu không phải là đồ du thủ du thực, thì cũng là những đứa trẻ tuổi mất dạy. Chứ con đây đã đường đường là một ông quan, sớm chầy thì rồi con cũng là một ông Huyện, quan trên trông xuống, người dưới trông lên, thể diện một vị cha mẹ dân, con phải gìn giữ trước chỗ công chúng chứ!” [45, 571]. Chỉ một hành động rất đỗi bình thường của Huy cũng bị cha mẹ phán xét ở tất cả những phương diện danh dự, thể diện của một ông quan. Đối với cha mẹ Huy, con người chỉ cần sống với bổn phận, với danh dự, phải triệt tiêu cho hết phần thức tỉnh của cái tôi cá nhân. Đặc biệt, khi Huy lấy vợ (Lạc) - một cô gái mang những tư tưởng tân thời, xung đột giữa cái cũ và cái mới càng trở nên gay gắt. Một cô gái tân thời từ ngoại hình cho tới quan niệm sống phải làm dâu một gia đình cổ hủ, lạc hậu chính là hoàn cảnh éo le mà Lưu Trọng Lư đặt ra cho nhân vật để làm nổi bật tất cả những bi kịch của con người trong cuộc đời. Sống trong sự xét nét của gia đình chồng, đặc biệt người mẹ chồng, Lạc đã thấm thía nỗi chua xót của kiếp làm dâu, đồng thời luôn có ý thức phản kháng mạnh mẽ. Từ thái độ lặng lẽ, thủng thẳng đi xuống thang gác khi nghe lời mỉa mai cay nghiệt của mẹ chồng lúc cô trót dậy muộn, đến thái độ dứt khoát khoác lên mình một chiếc áo tân thời mặc sự dò xét khắc nghiệt của những con mắt cổ hủ, Lạc đã có những lời phản kháng lạnh lùng, mạnh mẽ: “Bạ một cái gì me cũng kiếm dịp để nói nặng với em. Luôn luôn những câu bóng gió khó chịu. Có khi me đay nghiến cô Yến, nhưng kỳ thật là

đay nghiến em. Giá me cứ chỉ thẳng vào mặt em mà me mắng, me chửi, có lẽ em bằng lòng hơn. Me nghiêm khắc quá, đến nỗi những bạn của em không còn ai dám lui tới với em nữa.” [45, 581]. Gia đình phong kiến ngột ngạt ấy cuối cùng đẩy Huy lựa chọn con đường thoát ly gia đình, ngập chìm trong thuốc phiện, Lạc chết vì bệnh tim.

Chúng ta đã từng bắt gặp những xung đột âm thầm nhưng quyết liệt trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn giữa mẹ chồng (bà Án) với nàng dâu góa (Nhung) trong Lạnh lùng, giữa con chồng (Hồng) với dì ghẻ (bà Phán) trong Thoát ly, giữa con trai (Dũng) và bố (ông Tuần) trong Đoạn tuyệt.

Thậm chí, mối xung đột ấy có khi bộc lộ trực diện thành những đối thoại, tranh luận như giữa Lộc (con trai) với mẹ đẻ là bà Án, giữa Mai (người con dâu không được công nhận với bà Án trong Nửa chừng xuân, giữa Loan (con dâu) với bà Phán Lợi (mẹ chồng) trong Đoạn tuyệt; có khi được đẩy lên thành những xô xát, gây ra án mạng như cuộc xung đột giữa Loan với chồng (Thân) và mẹ chồng (bà Phán Lợi) dẫn tới cái chết của Thân trong Đoạn tuyệt… Lưu Trọng Lư cũng đặt nhân vật vào hoàn cảnh éo le, tuy nhiên những mâu thuẫn trong tác phẩm của ông chưa được đẩy tới tận cùng. Bóng dáng của các gia đình phong kiến chủ yếu được gợi lên qua cảm nhận của các nhân vật nam thanh nữ tú. Hình ảnh những con người đại diện cho giai cấp phong kiến đây đó có xuất hiện với những quyết định khắt khe song chưa trở thành hình tượng mang ý nghĩa điển hình như các nhân vật trong Tự lực văn đoàn.

Không chỉ xây dựng hoàn cảnh éo le để làm nổi bật xung đột giữa cái cũ và cái mới, cái tân tiến và lỗi thời, Lưu Trọng Lư còn sử dụng hoàn cảnh éo le như một chiếc đòn bẩy nhằm tô đậm cuộc sống nghèo khổ, số phận bi kịch của nhân vật. Một cô gái giang hồ hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường bị đẩy vào hoàn cảnh mang tính thử thách khi đứa con trai duy nhất - kết quả của “ái tình chuyên nhất” mà nàng hết sức yêu thương - lâm bệnh nặng, gia cảnh vốn đã nghèo túng nay càng khốn khó khi “hôm nay hai bác đổ rương cạo túi, cũng không một đồng xu nhỏ nữa” [157]. Rồi có người khuyên hai vợ chồng nên đưa thằng Nẩn đến ông

đốc Đạm để chữa trị bằng thuốc Tây, chỉ mất độ năm, ba đồng. Nhưng một xu nhỏ cũng không còn, hơn nữa, “Suốt ngày chồng chèo vợ chống lượn vượn khắp chợ cùng sông mà nào có kiếm được một người khách “quá giang”…” [45, 157]. Vậy là, để cứu lấy sinh mạng của đứa con trai yêu dấu, người vợ đã phải trở lại con đường cũ của một cô gái giang hồ. Ba, năm đồng đã đẩy cuộc đời của một người mẹ, người vợ hiền trở về với chốn nhơ nhớp xưa. Bằng việc đặt nhân vật vào những hoàn cảnh hết sức éo le, Lưu Trọng Lư đã phân tích căn nguyên bi kịch đau khổ của cuộc đời nhân vật chủ yếu từ sự xô đẩy của hoàn cảnh.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 100 - 104)