Hình tượng những cô gái giang hồ

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 66)

Các tác phẩm truyện của Lưu Trọng Lư da diết một tấm lòng yêu thương, đồng cảm với nỗi đau của những kiếp người bất hạnh: Những cô gái giang hồ.

Hình ảnh những cô gái giang hồ không phải là một hình tượng lạ trong văn học. Thơ xưa thường nói nhiều đến người kĩ nữ vì với những thi sĩ, họ “cùng một lứa bên trời lận đận”, cuộc đời của họ bị bủa vây bởi hai chữ “bạc mệnh”:

Người đẹp vẫn thường hay chết yểu Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai

Nhà thơ Bạch Cư Dị đã từng thổn thức vì một khúc tỳ bà ai oán bên sông. Cảm thông vì một kiếp tài hoa, phận mỏng của người ca kỹ, Lưu Trọng Lư cũng nhỏ lệ vì một khúc đàn tranh. Nhưng cảm động hơn khúc đàn đó dội vào hồn thi sĩ khi giữa hai người đã âm dương cách biệt: “Nàng xưa vốn một loài trăng gió/Cũng vì vương víu nợ cầm ca/Một đi lìa cửa lìa nhà/Nắm xương tàn lạnh phương xa gửi nhờ” (Giang hồ). Lưu Trọng Lư ngây ngất say “chén hoàng hoa” của người kỹ nữ, say mà ứa lệ, tim đau, say mà vẫn không thoát khỏi nỗi sầu bi ai oán, xót đau của “nửa đời phiêu lãng”. Và như thế, sau cơn say, cái còn lại có thực vẫn chỉ là nỗi bi ai chua xót trước số phận đau khổ của những kiếp người bất hạnh: “Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng/Xót xa thay cái giống giang hồ!” (Giang hồ).

Tiếp nối mạch nguồn ấy, bên cạnh hình ảnh người mẹ, người chị, hình ảnh những cô gái giang hồ đã bước vào thế giới nghệ thuật trong tác phẩm truyện của Lưu Trọng Lư và để lại biết bao xót xa, suy ngẫm trong lòng người đọc.

Thiên tài văn học Nguyễn Du đã từng khắc họa thật tài tình hình ảnh người kĩ nữ tài hoa mà bạc mệnh qua nhân vật Đạm Tiên, Thúy Kiều: “Sống làm vợ khắp người ta/Khéo thay thác xuống làm ma không chồng” (Truyện Kiều). Để từ đó, nhà thơ cất lên tiếng kêu bi thiết về số phận đau khổ, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói riêng và nỗi day dứt trước quyền sống, quyền hạnh phúc của con người nói chung.

Viết về những cô gái giang hồ, trước hết, Lưu Trọng Lư cũng thể hiện nỗi đồng cảm sâu sắc trước số phận đau khổ của những con người bất hạnh. Nếu như những nhà văn cùng thời nhìn hiện tượng mại dâm chủ yếu ở phương diện sự tha hóa xã hội thì Lưu Trọng Lư lại xoáy sâu vào nỗi đau tinh thần của họ trên phương diện số phận cá nhân cụ thể của những phụ nữ sa cơ lỡ bước. Cuộc đời của họ ê chề, nhục nhã trong chốn nhơ nhớp, số phận của họ long đong lận đận giữa biển đời mênh mông. Bị quỵt tiền, bị đánh đập, bị lừa… là những điều họ vẫn thường gặp. Người đàn bà đau khổ trong phần III

được miêu tả trong tình cảnh vô cùng thảm hại. Cô gái giang hồ đi chơi với một anh Tham từ sáng nhưng “khi làm xong cái “phận sự” của mình rồi, thì “anh Tham” nhảy lên ô tô, tếch phương nào chẳng biết, để nàng lại một mình… giữa cảnh rừng rú u rậm”. Nàng được một người đàn ông giàu lòng trắc ẩn cứu giúp, rồi hai người say sưa trong cái ái tình thuần khiết: “Thế rồi… hai người cùng nhau qua một đêm yên lặng, đầy những vẻ dịu dàng đằm thắm của… ái tình” [45, 160]. Bác hai Vận đã cứu rỗi cuộc đời của cô gái bất hạnh, đưa cô trở về với cuộc đời có khuôn phép, có trật tự, mang lại cho cô những giây phút hạnh phúc trong cuộc đời thiếu thốn nhưng trong sạch. Nhưng sự éo le, ngang trái của cuộc đời đã đẩy nàng trở về với chốn cũ, với mục đích cao cả xuất phát từ trái tim giàu tình yêu thương của một người mẹ: để có tiền mua thuốc cho con. Lưu Trọng Lư đã nhận thấy thiên lương cao cả toát lên từ hành động tưởng chừng như tầm thường thậm chí đáng khinh bỉ của người phụ nữ ấy, bởi vậy, ông miêu tả nhân vật vô cùng lộng lẫy: “Cái đẹp chất phác ở trong một bộ đồ sang trọng càng thêm lộng lẫy. Bác không hiểu vợ bác đã kiếm đâu được cái bộ đồ lụa xinh xắn ấy, lại cả cái kiềng vàng lòe loẹt ấy… Cái da mặt bấy lâu hơi xám vì ánh mặt trời, nay nhờ một chút phấn lại càng thêm nõn” [45, 158]. Lưu Trọng Lư không chỉ khắc họa nỗi đau đớn, ê chề của những người phụ nữ bất hạnh, ông còn nhìn thấy sự đưa đẩy của hoàn cảnh buộc họ phải trở về với cuộc sống nhơ nhớp mà họ đã từng dứt bỏ.

Chú ý tô đậm hình ảnh những cô gái giang hồ ở phương diện cá nhân cụ thể của những phụ nữ sa cơ lỡ bước, Lưu Trọng Lư đã xây dựng những cô gái bán hoa đều xuất thân từ những gia đình danh giá như Lan trong Gió cây

trút lá vốn là con quan gặp nạn, thậm chí vốn là công chúa của vương triều (Nàng công chúa Huế). Đặc biệt, tâm hồn lãng mạn của một người nghệ sĩ đã khiến ông không chỉ nhìn thấy số kiếp đau khổ, bất hạnh của họ, “mà còn nhận ra, đôi khi một cách nghịch lý, nét nghệ sĩ tài hoa cùng tâm hồn thanh khiết, khát vọng tự do của họ, - đây là thứ tự do cá nhân, tự do nhân cách, nó tương phản với tình cảnh trụy lạc mà họ lâm vào, nó cho thấy Lưu Trọng Lư

nhấn vào nét bi kịch trong tâm hồn họ hơn là vào trạng thái trụy lạc thảm hại của họ” [45, 17]. Các cô gái giang hồ trong tác phẩm của Lưu Trọng Lư được khắc họa với vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, thánh thiện với một trái tim ấm nóng luôn tràn ngập say sưa trong men say của ái tình.

Cô kĩ nữ trên sông Hương trong truyện Nàng công chúa Huế vốn là một cô công chúa sa cơ lỡ vận: “nàng là một công chúa một trăm phần trăm, và vua cha hiện đang sống những ngày thừa ở một đảo xa…Vì thế, cũng như các công chúa khác, nàng phải trôi nổi.” [45, 642]. Cô gái ấy được khắc họa vô cùng đài các, xinh đẹp qua cái nhìn ngây ngất của Liêng Hing: “trong đôi mắt nàng, trên đôi môi nàng, thoáng ra một vẻ đài các, một vẻ cao nghiêm, tôi tưởng một người đàn bà ở hạng hà tiện không thể nào có được” [45, 640]. Vẻ đẹp của nàng công chúa đã làm ngây ngất, mê say trái tim của chàng trai: “Có một bận, tôi như ở trong một cơn say, chập chờn không thấy gì nữa: hình như giữa nàng và tôi không còn sự cách biệt gì. Tôi quên tôi là một người Tàu mà nàng là một công chúa Việt Nam” [45, 640-641]. Rồi Liên Hing cưới công chúa làm vợ. Hai người đã sống những tháng ngày vui chơi bất tận ở Huế: “công chúa là một người thích vui vẻ: vì thế mà nhà tôi luôn luôn có người ca hát, đàn địch và những lúc có bạn đông, thì chúng tôi lại bày ra đánh bạc, hoặc me, hoặc tứ sắc” [45, 642]. Những tưởng quen với cuộc sống vinh hoa phú quý, khi Liêng Hing cạn kiệt tiền bạc, công chúa cũng sẽ rời bỏ chàng. Nhưng không, chính trong cơn bĩ cực của cuộc đời, Liêng Hing nhận ra rằng: “nàng đã yêu tôi với cả một tấm lòng chân thực, gắn bó, duy nhất và không còn lẫn một chút lợi lộc” [45, 647]. Tình yêu ấy đã khiến công chúa ý thức rất rõ về bổn phận của mình: “Đối với mình, tôi chỉ là một người vợ. Tôi sẽ theo mình và có những bổn phận đối với mình, những bổn phận của một người vợ” [45, 647]. Nàng công chúa quen sống trong vinh hoa, phú quý giờ đây sống những ngày tháng cơ cực giữa đất Sài thành, nàng đồng cam cộng khổ với chồng, nàng dồn hết tình yêu với chồng vào những việc làm thật giản dị: “Tôi về đến nhà, tôi thấy công chúa đang ngồi vá tấm áo rách của tôi” [45, 664]. Nhờ buôn bán quế, hai vợ

chồng lại giàu có. Sự giàu có, thừa thãi về vật chất đã tạo cơ hội cho nàng công chúa Huế vui say trong thú chơi cờ bạc. Bao nhiêu của cải cũng dần ra đi. Sau biết bao chịu đựng, dằn vặt, Liêng Hing đã xúc phạm nàng, hơn nữa, xúc phạm tới cha nàng - vị vua đang ẩn náu ở một hòn đảo xa xôi. Bị lăng mạ, bị chà đạp lên nhân phẩm, công chúa ra đi. Nàng trở về với cuộc sống tự do, không chút ràng buộc: “trời sinh ra nàng là để sống ở một quãng trời xa rộng” [45, 671]. Số phận lại một lần nữa đưa đẩy nàng dấn thân vào cuộc đời giang hồ trụy lạc, nhưng nàng vẫn luôn ôm trọn trong tim tình yêu với Liêng Hing. Nàng đã từng trở lại ngôi nhà xưa, gửi tặng người chồng những cánh hoa bạch cúc và trút nỗi lòng trên những dòng chữ đẫm nước mắt: “một phong bì, không chỉ là một mảnh giấy con đã vò nát và có những chấm ố vàng, có lẽ là dấu vết của những giọt nước mắt. Trên mảnh giấy ấy viết bằng bút chì bốn câu thơ này:

Thương với không thương nói lúc đầu, Mần chi như thể phỉnh phờ nhau Ba sinh duyên hẳn âu là nợ,

Dính líu chừng ni, đủ thảm sầu” [45, 676].

Nhưng tất cả đã quá muộn màng, người chồng xưa đã tìm đến với hạnh phúc mới, công chúa đau đớn trở về cuộc đời gió bụi với mối sầu hận muôn đời.

Viết về những cô gái giang hồ, Lưu Trọng Lư đã chạm tới chiều sâu tâm hồn của họ với những mối tình trong sáng, đầy mơ mộng. Ông nhìn thấu đằng sau cuộc đời ê chề, nhơ nhuốc kia là những trái tim nồng ấm luôn khao khát được yêu thương, khao khát được hưởng thụ trọn vẹn men say của ái tình. Đó là những mơ ước vô cùng giản dị, đời thường nhưng đối với một cô gái giang hồ, điều đó thật xa vời. Bởi khi nhắc tới họ, người đời thường tỏ ra khinh bỉ, mỉa mai, miệt thị. Rời xa gia đình, rơi vào chốn ăn chơi trụy lạc, Huy trong Từ thiên đường đến địa ngục đã từng hết sức ghê tởm những cô gái giang hồ: “Anh Thu, có lẽ khi anh nghe nói tới tên một gái giang hồ, anh sẽ cảm động vì cái cảnh ngộ, cái số phận âm u của họ. Tôi biết anh thương họ, vì anh là một người tin ở chủ nghĩa xã hội, vì trí anh bảo thế, chứ lòng anh có

thể lạnh lùng như không! Anh hãy ôm họ vào lòng, cầm lấy tay nặng nề của họ, nhìn vào cái mặt bự phấn của họ, nhìn những vết son loang lổ, và nghe cái giọng nói giả quý phái, thì anh sẽ đẩy họ xuống một cách khinh bỉ. Anh có giữ lại nữa, cũng chỉ là vì một sự cần dùng về sinh lý mà thôi. Chứ thực ra lúc bấy giờ, lòng anh muốn đuổi họ đi như đuổi một vật ghê gớm” [45, 602]. Nhưng rồi chính chàng đã vô cùng xúc động trước tấm chân tình của cô gái giang hồ Hồng Liên. Hồng Liên là một cô đầu giàu có, có mấy cái nhà cho thuê, chủ một tiệm nhảy lớn và một nhà hát lớn có đến vài chục cô đầu. Không chỉ thế, nàng còn là một cô gái giang hồ vô cùng tài hoa: “Đã mấy ai không cảm về tiếng tỳ là cái ngón cái sở trưởng của tôi, không cảm về giọng ngâm thơ của tôi. Tôi đã ngâm thơ Yên Đổ, ngâm thơ Chu Mạnh Trinh, ngâm thơ Nguyễn Thượng Hiền; và những bậc thi nhân ấy, nhờ tôi mà được người đời thán phục hơn nữa” [45, 607].

Và hơn nữa, có ai ngờ đâu, một cô gái giang hồ “sống làm vợ khắp người ta” lại là một “kỹ nữ chung tình” [45, 608]. Một cô gái giang hồ đã đau đớn, bật khóc, tìm quên trong thuốc phiện để chống cự với nỗi đau khổ ê chề vì bị phụ tình: “Tôi đã hầu tiếp hàng nghìn người khách, tôi đã qua một nghìn đêm bên cạnh họ. Tôi đã thu phục được hàng nghìn quả tim, và đã bỏ túi đến mấy vạn bạc của thiên hạ. Nhưng tôi, tôi chỉ yêu có một người, tôi quý có một người. Mà người ấy đã khinh tôi, người ấy đã ruồng bỏ tôi…” [45, 608]. Hồng Liên là một người phụ nữ luôn ý thức cao độ về giá trị của bản thân giữa cuộc đời. Bởi vậy, khi bị anh Kỷ - người nàng đã trút hết tấm chân tình - dẫn một cô gái giang hồ qua trước mắt, nàng đã đau đớn vô cùng. Tấm chân tình bị chà đạp, lòng tự trọng bị tổn thương, người kĩ nữ thổn thức “Anh nghĩ tôi có phải là hạng người để chịu được một sự nhục nhã?”, “Người ấy đã dẫn một cô gái giang hồ qua trước mắt tôi. Người giang hồ không xứng vào cửa nhà tôi, không đáng lau giầy tôi, không đáng tuyển vào để hầu hạ tôi. Người ấy không bì gót chân của những cô đầu nhà tôi. Thế mà anh Kỷ, trời ôi! Anh Kỷ đã mang tới trước mặt tôi để trêu tôi, trêu

cái tấm ái tình chân thật của tôi đối với anh” [45, 608]. Khắc họa hình ảnh cô gái giang hồ, Lưu Trọng Lư hầu như không chú trọng tới việc làm nổi bật bi kịch của đời họ với những dồn đẩy thiếu thốn, khổ cực về vật chất mà tác giả đã xoáy sâu vào bi kịch tâm hồn của nhân vật. Một cô gái giang hồ khao khát tình yêu, khao khát tấm chân tình thực thụ lại bị chính con người mà nàng tin tưởng trao trọn tình yêu trong trắng, thơ ngây phụ bạc.

Tình yêu trong sáng, mộng mơ của một cô gái giang hồ đã được khắc họa rất cảm động trong truyện Gió cây trút lá. Nhân vật Lan vốn là con một ông quan huyện: “Trước kia thầy con cũng làm quan… đã làm hai năm. Huấn đạo ở Quảng Trạch, và được cải bổ đi Tri huyện Hương Khê chưa được vài tháng thì mất” [45, 496], sa cơ lỡ bước, cô dấn thân làm gái giang hồ trên sông Hương. Đó là người con gái xinh đẹp như một tiên nữ: “Người thiếu nữ đẹp một cách huyền ảo mơ màng, đẹp như một tiên nữ còn sáng lạn ở trong trí tưởng tượng của thi nhân”, “Mình nàng tha thướt uốn theo điệu chèo, trông mềm mại uyển chuyển như một vũ nữ” [45, 472]. Không chỉ vậy, Lan là một cô gái giang hồ tài hoa, nàng không chỉ có giọng hò trong trẻo, nàng còn biết đọc cả chữ Pháp, đặc biệt thích đọc tiểu thuyết, say mê thiên tình sử

Romeo et Jullette. Tâm hồn trong sáng, thơ ngây ẩn chứa trong cuộc đời

phong trần đã dẫn dắt Hải - một người làm nghề y chữa bệnh cho Lan - ngây ngất trong men say của ái tình, đến nỗi: “Gần Lan nhiều khi Hải quên mình là một nhà y sỹ đến để điều trị cho nàng, chàng coi mình như một kẻ tội nhân đến để xin nàng… tha thứ cho” [45, 476]. Chính Lan đã thổi vào tâm hồn của Hải chút sắc hương của tuổi trẻ với những rạo rực, mê say, chuyếnh choáng: “Lòng chàng thấy rạt rào những nỗi xót xa. Lan đã làm cho cái đời tình cảm của Hải sống lại… và mãnh liệt hơn xưa” [45, 479]. Tình yêu diệu kì, mộng mơ, thanh khiết đã một lần ghé thăm cô gái bất hạnh: “Hai người song song đi trên một con đường mòn, hai bên có hai rặng thông xanh. Tiếng thông rạt rào như tiếng sóng biển. Nàng say sưa nghiêng đầu vào vai Hải, và Hải thì đưa một tay khoác qua lưng nàng, hai người thầm gieo những

bước êm thấm trên lá thông khô đã trụi nhánh và êm như một tấm thảm. Hai người vẫn không nói, và lặng theo đuổi mỗi người một ý nghĩ” [45, 491]. Lan và Hải đã có những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc bên nhau. Lan - một cô gái giang hồ trở về với cuộc sống đời thường, đã trở thành một người vợ đảm đang, hiền dịu hết lòng chăm lo cho chồng, nàng tìm thấy niềm vui trong việc làm giản dị: đan áo cho người nàng yêu thương: “Từ khi bỏ cái cuộc đời

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 66)