Hình tượng con người thất bại là một hình tượng quen thuộc trong các tác phẩm văn học Việt Nam 1930-1945. Hình tượng con người thất bại trở thành một hệ quả tất yếu của điều kiện khách quan lúc bấy giờ. Đứng trước những biến động lớn của xã hội, con người hăm hở với những khát vọng lớn lao, cao cả, nhưng rồi thực tại đen tối đã bóp nghẹt mọi khao khát của họ. Một mặt, họ không chấp nhận một cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt; mặt khác, họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ rơi vào thất bại, bi quan và chán nản.
Hơn nữa, chính tác giả Lưu Trọng Lư cũng đã từng trải qua cuộc đời riêng nhiều sóng gió, bất hạnh cùng những ngày tháng trôi đi trong vô định, nhạt nhẽo, không lý tưởng. Ông trở thành một con người thất bại giữa cuộc đời: “Làm người dân mất nước, làm người con không nhà, làm cha, làm chồng không trọn”. Và những dư vị của cuộc đời đau thương ấy đã phủ lên trang viết của ông một nỗi buồn mênh mang và những trăn trở đầy xót xa của những con người thất bại.
Nhân vật Lê Tuấn trong Con voi già của vua Hàm Nghi đã từng làm quan, vì về quê cự tang mẹ mà rời bỏ chốn quan trường. Ông mở trường dạy học, được mọi người kính nể, trọng vọng gọi là quan lớn Lê. Luôn ôm ấp hoài bão, lý tưởng lớn lao, ông đã lãnh đạo dân làng chống lại và tản cư khi bị bọn giáo dân (Hương Phương) kéo sang vây đánh. Quan lớn Lê là một trung thần của vua Hàm Nghi. Trong thời loạn, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi đang lẩn lút trong miền rừng núi, Lê Tuấn (quan lớn Lê) đã quyết tâm tập hợp, huấn luyện một đội quân rồi đi vào rừng sâu tìm và phò giá nhà vua. Ông nuôi chí lớn, mong lập lại cơ đồ, gây dựng giang sơn và thờ vua đến cùng. Nhưng nhà vua bị kẻ dưới trướng chỉ điểm cho quân Pháp bắt, nghĩa quân Cần Vương tan rã, quan lớn Lê trốn vào rừng sâu. Luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai với những hoài bão lớn lao nhưng nhân vật cũng tự ý thức về thất bại của mình: “Cái sự thất bại tàn khốc, đã làm cho mình mất cả cơ nghiệp, cả xóm ấp, cả nhà cửa, có lẽ cả bao
nhiêu quân sỹ nữa. Cả một cuộc đời tương lai của mình như đổ rập trước chân ngựa” [45, 329]. Người anh hùng thất bại ấy quyết định quất ngựa ruổi vào rừng sâu, lánh xa chốn bụi trần. Và ông không quên viết bài ký chữ nho với những dòng chữ bằng máu để bày tỏ cõi lòng mình: “Ta là Lê Tuấn, năm hăm sáu tuổi đã sớm chiếm bảng vàng, lẽ ra cũng như ai, xênh xang áo mũ, yên hưởng đỉnh chung. Nhưng vì sinh nhằm thời loạn, làm tôi một đấng quân vương giang hồ bất hạnh. Ta vứt bút cầm gươm, nhắm non xanh mà đi vào. Trong rừng sâu ta nuôi cái chí lớn, lập lại cơ đồ, gây lại giang sơn. Ta thờ vua trong một lều con xiêu vẹo. Than ôi! Vận nước còn suy, cơ trời chưa tỏ, vua tôi ta đêm ngày nằm sương đội tuyết, kết cục vẫn giam hãm trong vòng thất bại” [45, 354].
Bên cạnh đó, “Rất nhiều nhân vật của các truyện thế sự, truyện tình yêu, đều được Lưu Trọng Lư mô tả thành những kẻ thất bại” [45, 18]. Tìm đến ái tình như một cõi nương náu của tâm hồn, nhưng các nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư đã nhận lấy sự thất bại ê chề. Họ rơi vào tuyệt vọng, đau đớn khi tình yêu tan vỡ.
Nhân vật Tôi trong truyện Bến cũ yêu say đắm Quỳnh - cô bạn gái đồng tuế từng biết nhau từ thời còn niên thiếu - đến nỗi lơ đãng cả chuyện học hành. Muốn con trai chú tâm học hành, cha mẹ chàng đã quyết định cưới con ông phủ Nguyễn Khoa Lạc cho chàng. Mặc dù luôn đau đáu tình yêu tha thiết với Quỳnh nhưng Thiệu vẫn phải lấy vợ theo sự sắp đặt của gia đình nhưng chua chát không dám phản ứng và đấu tranh để được đến với tình yêu đích thực của mình, bởi: “Tôi có cái tiên giác là khi nghe tôi kể xong, mẹ tôi sẽ ôm tôi vào lòng mà khóc, vì chỉ mẹ tôi là rõ hơn tôi, là thấy cả sự nghiêm trọng của cái ý muốn, của cái mộng của tôi - một cái mộng bất thành. Không, tôi không thể giao cho mẹ tôi một sự phiền não như thế, tôi đã thấy nét mặt thành kính của mẹ tôi trước sự từ bi của pho tượng phật; tôi không dám và không nỡ đưa cái sự tín ngưỡng tôn giáo của mẹ tôi ra để đối chọi với sự tín ngưỡng khác, tuy nó cũng đáng kính trọng như thế” [45, 534]. Tuy nhiên, Quỳnh và Thiệu trao cho nhau những tình cảm tha thiết qua những lá thư, tình cảm giữa hai người ngày càng
sâu đậm. Họ quyết định cùng nhau bỏ trốn khỏi sự cản trở của tôn giáo, lễ giáo. Trong đêm tân hôn, Thiệu lén cưỡi ngựa để trốn đi cùng Quỳnh như lời giao hẹn, nhưng đến nơi Quỳnh đã uống thuốc độc tự vẫn. Ngày vui của đôi uyên ương đã trở thành tấn bi kịch sầu thảm. Thiệu tuyệt vọng đau đớn tận cùng trước sự ra đi của người yêu: “Sự đau đớn của tôi là vô cùng; mắt tôi đầy lệ, lòng tôi như muốn tan vỡ. Tôi cố dùng tàn lực và cố nhắc chân ra khỏi cái buồng đã đầy tử khí ấy, cái sân khấu mà trước lúc ấy mấy phút, Quỳnh đã bị giằng xé, bị vò nát bởi hai sức mạnh ngang nhau” [45, 555]. Thiệu lặng lẽ quay về sống cuộc sống với gia đình nhỏ bé nhưng lòng chàng đã chết từ khi Quỳnh ra đi: “Lòng tôi, trí tôi, từ lâu đã theo Quỳnh mà về nơi chín suối. Và linh hồn của tôi không phải đợi đến cái ngày tôi thở hơi cuối cùng mới là thoát li khỏi cái xu xác của tôi!” [45, 555]. Sự thất bại của nhân vật chính là không được sống thành thực với cõi lòng mình, chiều theo hết tất cả mọi ý muốn của cha mẹ, của vợ nhưng chao ôi còn gì đau đớn hơn khi anh ta coi như mình đã chết, sống bây giờ chỉ còn là sự tồn tại đầy vô nghĩa.
Trong truyện Từ thiên đường đến địa ngục, tác giả đã xây dựng nhân vật Huy từ một chàng thanh niên hăm hở với những lý tưởng cao đẹp và lối sống tân tiến nhưng bị quay cuồng trong vòng xoáy của những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, chàng đành thoát li gia đình, bỏ lại người vợ yêu thương để lao vào cuộc đời, tìm kiếm một cuộc sống tự do, phóng khoáng. Nhưng rồi, Huy đắm chìm trong khói thuốc phiện và kết thân với gái giang hồ, sống những tháng ngày vô nghĩa: “Một người thiếu niên hăng hái, hăm hở đầy nhiệt huyết, đã bị Hà Nội cám dỗ, đưa đến một cái chết hoàn toàn, vĩnh viễn” [45, 611]. Sau một năm quay trở về nhà, thân tàn ma dại, vợ chết, gia đình làm ngơ, Huy càng đau đớn thấm thía sự thất bại của mình nhưng tất cả đã quá muộn màng: “Tôi là một kẻ bại trận. Đời đã đánh ngã tôi rồi. Với một cái mặt hốc hác, tôi trở về với thầy me tôi, nơi ngục thất khả ái của tôi. Không biết tôi còn trở về đây làm gì? Nhưng anh còn muốn tôi đi đâu nữa: lòng tôi không còn một giọt máu nóng nào… Tôi đã hết sống rồi.
Tôi đau khổ vô cùng. Sự đau khổ ấy không ích gì cho tôi cả. Tôi không muốn sống, tôi không thể sống được nữa. Tôi ngồi viết mấy hàng này, hoa tím trổ cả vào buồng tôi. Hình như vạn vật đương nẩy nở, đương rộn rực xung quanh tôi.
Nhưng tuổi trẻ đã hoàn toàn úa tàn ở trong lòng tôi. Tuổi trẻ hết, tôi còn gì nữa để mà sống” [45, 613].
Huy là một thanh niên thất bại, bởi vì anh đã thoát li gia đình một cách nông nổi, tùy hứng. Và khi thoát ly khỏi gia đình, Huy không tìm được một lý tưởng nào cho riêng mình, nhân vật rơi vào tuyệt vọng, đau đớn, bế tắc đành tìm quên trong chốn trụy lạc.
Trong thế giới truyện của Lưu Trọng Lư, không chỉ việc nhân vật chính bị mất người yêu, bị tình phụ, phải chọn cái chết, mới cho thấy thất bại của nhân vật. Sự săn đón của “cô gái tân thời”, cùng với ma lực của đồng tiền đã khiến cho Lương “tặc lưỡi” quên Yến - một cô bé xinh đẹp, ngây thơ, đánh đàn tranh giỏi, để lấy Vinh - một cô gái tân thời con nhà giàu mà gia đình mai mối. Lương toan tính dùng tiền bạc của ông bố vợ giàu có để làm chủ tờ Hồng Việt đại nhật báo với mục đích hết sức cao đẹp “truyền bá vào trong dân gian những tư tưởng thiết thực, chính xác, nhân đạo của Âu Tây và ngấm ngầm đổi cải hết những tập tục hủ bại, những thành kiến hẹp hòi đã giam hãm dân ta trong một cuộc đời nghèo nàn, ít ỏi, tăm tối và khổ nhục” [46, 896]. Trong tháng đầu, báo bán khá chạy, mỗi ngày in đến tám nghìn số, không khí tòa soạn lúc nào cũng nhộn nhịp, đông vui. Nhưng Lương đã không biết cách chèo chống tờ báo trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Lương nhanh chóng phải dẹp tờ báo và mở tiệm khiêu vũ, lần này với mục đích bớt cao cả hơn: để nuôi sống mình, nuôi vợ và để ăn chơi cho thỏa thích. Lương trở thành một kẻ bại trận, ung dung bước ra ngoài vòng báo giới: “Mở một tiệm khiêu vũ, chàng đường hoàng dấn thân vào cái nghề ấy mà trước kia chàng và cả vợ chàng nữa hết sức công kích ở trên tờ Hồng Việt. Chàng cho mình
chính đáng để nuôi cái thân tàn của mình” [46, 903]. Rồi chàng rơi dần vào chốn ăn chơi hành lạc cùng với thuốc phiện và những cô nữ kỵ binh. Vợ chồng Lương được hưởng thừa kế gia sản bố vợ và bỗng nhiên trở nên giàu có. Lương trở thành một vị phú ông, không cần nhúng tay vào việc gì, chỉ ngồi không hưởng một cuộc đời quận chúa. Vợ chàng muốn mở một tờ báo nhưng chính Lương đã truyền nỗi hoài nghi tác dụng của nghề báo sang cho vợ, khiến vợ chàng nhanh chóng đi tới quyết định đóng cửa tờ báo đúng lúc nó đang được bán chạy và được coi là điểm tựa của một phong trào nữ quyền đang lên. Vinh và Lương mặc dù có lý tưởng, hoài bão với lối sống tân thời nhưng rồi họ trở lại và tự thỏa mãn với cuộc sống tầm thường của những trọc phú, nhiều lạc thú nhưng ít lý tưởng. Sự thất bại của Lương và Vinh không phải xuất phát từ sự ngăn cản của họ hàng, gia đình, mà bởi chính động cơ hành động quá tùy hứng, nông nổi, chất lý tưởng hời hợt của họ. Thiếu ý chí, sống không có lí tưởng rõ ràng đã trở thành nguyên nhân dẫn tới mọi sự thất bại của vợ chồng Lương.
Như vậy, truyện Lưu Trọng Lư trước 1945 đã thực sự lôi cuốn được đông đảo bạn đọc bởi sự hòa quyện của cảm hứng hiện thực và lãng mạn cùng với một thế giới hình tượng phong phú và đa dạng, đặc biệt nổi bật hơn cả là hình tượng những cô gái giang hồ, những nam thanh, nữ tú tân thời và những con người thất bại. Tất cả đã tạo nên một thế giới nghệ thuật sinh động, hấp dẫn trong những trang văn của người nghệ sĩ đa tài: Lưu Trọng Lư.
Chương 3