Cảm hứng lãng mạn được xem là một trong những dòng cảm hứng chính trong văn học từ 1900-1945, đặc biệt trong phong trào Thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn. Bắt đầu manh nha từ trước năm 1930 với một số tác phẩm của của Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Tương Phố, Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách..., cảm hứng lãng mạn đã chiếm lĩnh rất nhiều trang văn, trang thơ từ năm 1930-1945. Với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của thơ ca Pháp, các tác giả thơ mới đã say sưa bước vào thế giới bí ẩn của tâm hồn con người, ngây ngất trong cái tôi đầy bản lĩnh, cái bản ngã đậm chất riêng tư. Cảm hứng lãng mạn không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi, nổi bật hơn cả là những sáng tác của các tác giả trong Tự lực văn đoàn. Điều này được thể hiện rõ nét ở việc các tác giả đã tích cực khám phá những biến đổi vi diệu của tâm lý con người, khẳng định cái tôi cá nhân như một thực thể tự do tuyệt đối, nêu cao khát vọng tiến hành một cuộc cách mạng về văn hóa xã hội trong khuôn khổ chế độ thuộc địa…
Lãng mạn là: “Có tư tưởng, lí tưởng hóa hiện thực và nuôi nhiều ước mơ về tương lai xa xôi, không thiết thực, nhằm thỏa mãn những ước muốn tình cảm cá nhân” [53, 482]. Lãng mạn gắn liền với sự tự do, phóng túng, vượt lên trên mọi ràng buộc. Cảm hứng lãng mạn chính là cách nhìn thế giới mang đậm dấu ấn chủ quan, đầy ước mơ của nhà văn. Có khi đó là những rung động về lí tưởng cao đẹp, khát vọng lớn lao của những con người có chí hướng, có hoài bão cao cả. Có khi đó là sự mơ ước bay bổng hướng tới những gì riêng tư, cao đẹp bằng niềm tin, sự lạc quan.
Là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới với hồn thơ “mơ màng”, tâm hồn thi sĩ đã hòa điệu cùng con người văn sĩ trong hành trình sáng tác truyện của Lưu Trọng Lư. Bên cạnh việc đề cập tới những vấn đề thời sự, phản ánh hiện thực xã hội đương thời, các trang văn của ông còn được sáng tạo nên bởi nguồn cảm hứng lãng mạn dạt dào thấm đẫm trong từng câu chữ.
Cảm hứng lãng mạn đã dẫn dắt, mê hoặc khiến Lưu Trọng Lư say sưa phiêu du trong thế giới thần tiên, mộng ảo. Tản Đà - “người cất khúc dạo đầu cho một bản nhạc tân kỳ đang sắp sửa”, đã từng chìm đắm trong không khí tiên cảnh rải một ánh sáng diệu kì như ở ngoài thời gian và chỉ có không gian qua những vần thơ: “Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai/Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi” (Tống biệt), Thế Lữ trở về Nàng Thơ, Nàng Li Tao thuần khiết, thoát lên chốn Bồng lai tiên cảnh, thì Lưu Trọng Lư, với những trang văn xuôi lôi cuốn, hấp dẫn, đã xây dựng một thế giới thần tiên kì diệu.
Lần giở những trang văn trong Trà Hoa Nữ, cả một thế giới thần tiên kì bí hiện lên với những chốn núi non bí hiểm, những con đười ươi nhe răng cười một cách ghê sợ, hay động tiên rực rỡ sắc màu, nồng nàn những hương vị không tên và rộn rã âm thanh của những con chim kì lạ và những nàng tiên, vị tiên ông. Tác giả đã dẫn lối đưa chúng ta lạc vào cõi tiên huyền ảo, thơ mộng với “một bầy phượng đương quây quần bên bàn rượu” [45, 220], những “rặng tùng xanh một màu xanh đậm đà và mạnh mẽ, giữa những hương vị không tên” [45, 225], cùng
các nàng tiên xuất hiện với cành liễu phớn trên tay, trong những bộ xiêm y lộng lẫy cùng về quần hội: “Các vị tiên hôm ấy rất lộng lẫy, xiêm áo đủ sắc màu như những đóa hoa ở trên bàn...Hai bên một bầy phượng cung kính hầu rượu” [45, 226] và những phép màu kì lạ: “Trà Hoa đưa tay làm một cái dấu hiệu riêng. Tức thì, 50 con phượng đều biến thành những con bướm đủ màu sắc… Con thì đậu trên những đóa cúc, con thì đậu trên đầu tóc, trên ngón tay, trên vạt xiêm của các tiên nữ, trông rất đẹp và rất buốn cười…” [45, 227].
Con đười ơi là một tác phẩm đậm màu sắc kì bí với con đười ươi biết
nói (thực chất là công chúa Lý Chiêu Vân biến thành), với vị lão tiên, cây đàn kì lạ, với những con phượng hoàng hàng ngày chỉ ăn sương và ngậm tuyết, chuyên hầu rượu: “ba con phượng hoàng ở một hòn núi xa bay tới, con thứ nhất ngậm một cái bầu rượu, con thứ hai ngậm một cái li ngọc, con thứ ba cũng ngậm một cái li ngọc nữa. Chúng liệng một vòng quanh Vọng Nguyệt Đài rồi bay vào đặt bầu, li lên trên một cái bàn pha lê, rồi chúng đứng ra hai bên, nghiêm trang chững chạc” [45, 298]. Lưu Trọng Lư giấu mình trong những mộng ảo triền miên, giăng mắc khắp thế giới nghệ thuật của ông một màn sương khói ảo ảnh trong thế giới thần tiên. Nhà văn trốn vào cõi tiên thần bí như một sự phản ứng trước thực tại tầm thường, nhạt nhẽo và đây cũng là một cách ứng xử nghệ thuật của trường phái lãng mạn.
Đầu thế kỉ XX, sự biến đổi sâu sắc về chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng đã góp phần thức tỉnh khiến con người cá nhân (vốn chịu lép vế trước cái ta cộng đồng, bổn phận) trỗi dậy mạnh mẽ. Cái Tôi say sưa đấu tranh đòi quyền sống một cách mãnh liệt với ý nghĩa đích thực được sống hết mình, là mình. Điều đó đã dẫn dắt các thi sĩ, các nhà văn lãng mạn tìm đến với tình yêu như một cơ duyên bởi tình yêu chính là địa hạt thiêng liêng nhất, phương diện riêng tư nhất trong những điều riêng tư của con người. Tìm đến tình yêu chính là con đường để khẳng định cái Tôi cá nhân một cách mạnh mẽ của các tác giả. Cũng như biết bao con người trẻ tuổi và trẻ lòng khác, Lưu Trọng Lư mang một trái tim đắm say luôn khao khát yêu đương, khao khát được tìm nơi
trú ngụ cho tâm hồn sầu mộng trong những giấc mộng của ái tình. Đắm chìm trong bể ái, Lưu Trọng Lư ưa nhắc đến những mối tình trong mộng, những tình yêu mới chớm, thoáng qua, có khi là mối tình đơn phương, tình yêu không phân biệt giai tầng…
Phiêu du trong thế giới thần tiên, mộng ảo, suy cho cùng Lưu Trọng Lư cũng hướng về đề tài tình yêu, “những tình yêu không bị giới hạn bởi ranh giới tiên - tục, thần - người, thầy tu - gái điếm, v.v…, những tình yêu như là tham vọng sống sục sôi, làm thành động lực vô song của nhân vật, khiến họ thậm chí sẵn sàng đối mặt với cái chết, đối mặt những trừng phạt tàn khốc” [45, 16]. Trà Hoa Nữ - một nàng tiên ở Tây động trong lúc tiên ông đi vắng đã cứu Lương Hà Dật - một cống sinh ở làng Cô Tử đã ba lần lều chõng đi thi nhưng vẫn hỏng, quyết định cạo đầu ăn chay xuất gia tu hành. Vượt lên hết thảy mọi ranh giới giữa cõi tiên - tục, Lương sinh và Trà Hoa Nữ đã có những tháng ngày êm đềm, hạnh phúc phiêu du trong cõi tiên mông lung, huyền bí: “Sau khi quần tiên đã giải tán, Trà Hoa và Lương sinh còn đi một vòng quanh Cao Uyển rồi về phòng… Trăng le lói ngang song, in bóng những cành đào phơ phất… Hai người mang ghế bên song, kề vai nói chuyện…Trong Tây động âm thầm một sự yên lặng rất hãi hùng” [45, 228].
Nhưng cõi tiên xa vời khác biệt với cõi trần tục, tiên và người dù say đắm, nồng nàn trong ái tình đến bao nhiêu rồi cũng có lúc phải chia xa; như chàng Từ Thức xưa đành lưu luyến trở về cõi dương gian, từ biệt mối tình trong sáng với nàng tiên xinh đẹp. Ngày tiên ông đi hái thuốc trở về cũng là giây phút chia xa của Lương sinh và Trà Hoa Nữ. Trà Hoa Nữ đau đớn từ biệt để Lương Hà Dật trở về làng Cô Tử, trở về với “chốn trần giới nhỏ nhen thô bỉ”. Rồi hai chữ ái tình cứ quấn quýt, bủa vây tiên nữ khiến nàng không nguôi nhớ về chàng thư sinh trần tục, Trà Hoa Nữ biến thành một cô gái mười chín tìm về xóm Quỳnh Thôn thăm lại người cũ. Chứng kiến cảnh sống cơ hàn của Lương sinh, “ruột nàng như có dao cắt. Nước mắt lã chã, nàng cầm bút viết nên câu thơ vui, rất ngộ để gửi lại kẻ bần sỹ” [45, 233].
Lưu Trọng Lư đã sáng tạo nên một thế giới tràn ngập hương sắc của tình yêu. Ông để các nhân vật của mình say sưa ca ngợi ái tình: “Thiên kinh vạn truyện không bằng một chữ “Ái tình”…” [45, 149], “Ái tình là siêu độ” [45, 574], “Ái tình mới là cái nguồn bất tận của ánh sáng, của tươi vui” [45, 586]…
Chân ái tình là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai chàng trai giàu lòng khao
khát mơ mộng nơi Khổng miếu với những hồi tưởng về tình yêu ngưỡng vọng trong mộng ảo. Trong cái “lạnh buốt tủy xương” của mùa đông Hà Nội, Vân Bình - “kẻ tình nhân mê muội”, đã trở lại Khổng miếu, không phải vì lòng mộ đạo mà “để tìm lại những cái dấu vết của một cuộc ái ân buồn rầu, vô vị”, tìm lại hình bóng của cô gái đẹp ở Hà thành mà chàng đã trót “phải lòng”. Mà cái ái tình của chàng thật đặc biệt: “Cái ái tình của hai người chỉ là cái ái tình của Ngưu Lang với Chức Nữ, suốt năm xa nhau nhớ nhau đặng có một ngày gặp nhau. Nhưng đã hai lần rồi, chàng không thấy Chức Nữ của chàng đâu nữa” [45, 49]. Còn chàng thanh niên lạ mặt tìm về chốn thanh tịnh để rong ruổi trong cõi mộng của chính mình với những hồi nhớ về người con gái tình cờ ngồi đối diện trên một chuyến tàu. Cảm nhận của chàng thanh niên về người tình trong mộng chính là sự ngưỡng vọng, tôn thờ tuyệt đối: “Người ấy đẹp ở vẻ mặt, ở tay chân, ở cách đứng đàng ngồi, đẹp nhứt là ở sự im lặng, ở những cái không biểu lộ ra ngoài” [45, 50]. Người con gái ấy chàng trai không biết tên, không biết quê hương, chưa một lần trò chuyện. Cái ái tình đối với chàng trai chỉ là cái nhìn ngưỡng vọng trước vẻ đẹp của cô gái chưa hề quen biết, chàng trai cũng không muốn gặp lại nữa bởi anh ta quan niệm “Tôi chỉ biết người ấy đã lưu lại trong tâm trí tôi một cái hình ảnh xinh xắn, đẹp đẽ làm cho tôi đời đời sống sung sướng. Không dám khoe với ngài, cái ái tình nằm trong mộng ấy cho tôi đủ mọi hạnh phúc” [45, 50]. Tình yêu ngây thơ, thầm kín, thiết tha nhưng không dám thổ lộ là “mảnh đất thâm canh” quen thuộc đối với ngòi bút của các nhà nghệ sĩ lãng mạn. Trong bài thơ Không nói, Lưu Trọng Lư cũng đã từng trăn trở:
Yêu hết một mùa đông Không một lần đã nói Nhìn nhau buồn vời vợi Có nói cũng không cùng
Có khi đó là những bối rối, e ngại, ngượng ngùng cho tới những hờn ghen vu vơ của một tình yêu không dám thổ lộ giữa một anh giáo học và cô chủ cửa hàng sách qua Tình trong giây lát: “Thực ra cái tình yêu ấy nó chỉ thoảng qua trong đời tôi mà thôi, nhưng nó đã để lại một cái bóng, cái bóng ấy theo tôi, khi ẩn khi hiện ở bên lưng tôi, chập chờn như một cái bóng ma” [45, 109]. Tình yêu đối với chàng là cái ái tình thiết tha, tinh khôi của sự tôn thờ, ngưỡng vọng: “Ngày nay, tôi biết nàng vẫn chưa lấy chồng, nhưng tôi không bao giờ dám đến cửa hàng sách của nàng nữa. Một bận tôi đi ngang qua, không dám nhìn vào chỉ vì sợ… ngượng. Anh ạ! Cái tình của người ta như một cái bọt xà phòng, nó dễ tan lắm. Vô ý anh đã để nó tan mất một lần rồi, là chẳng bao giờ còn mong lành lại được nữa” [45, 114]. Cũng như nhân vật Nam trong tác phẩm Đẹp của Khái Hưng chỉ luôn ôm cái đẹp trong mộng ước bởi đó là cái đẹp vĩnh hằng, còn cái đã trong tầm tay là tan biến mọi vẻ đẹp. Bởi vậy, các nhân vật trong các tác phẩm lãng mạn luôn ôm ấp mối tình trong mộng để giữ trọn được vẻ đẹp của ái tình với quan niệm: “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề/Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở” (Ngập ngừng - Hồ Dzếnh).
Ái tình lan tỏa trong cuộc đời, chiếm lĩnh trái tim của con người, từ những nam thanh nữ tú trẻ trung cho tới những con người bất hạnh như người xẩm mù trong Cái đời người xẩm. Cảm hứng lãng mạn đã khiến Lưu Trọng Lư khắc họa người xẩm trong niềm vui say hưởng thụ trọn vẹn vẻ đẹp của tạo vật: “Ngày ngày, khi công việc đã xong xuôi, tôi ra ngồi dưới gốc cây đào tiên, nghe tiếng hoạt động của muôn vật. Tôi biết rằng tạo vật huyền bí và đẹp đẽ vô cùng… Sống gần tạo vật tức là vui say trong trường mỹ thuật, có cái thú thanh dật của nhà thi nhân, nhà họa sĩ” [45, 52]. Rồi một đêm người tri kỉ đã đến bên ông “để dâng ông cái… ái tình hèn mọn và thành kính của em đối với một cung đàn, một sự đẹp đẽ, một
sự thiêng liêng, một sự màu nhiệm… Em yêu kính ông vì ông là một người nửa tiên và nửa tục, làm môi giới cho hai cõi bồng lai và phàm trần. Lại vì ông làm trong trẻo khí trời, lẹ làng hơi đất và sáng suốt lòng người” [45, 55]. Và tình yêu của họ bắt đầu như trong ảo mộng: “Rồi nàng lặng im. Tôi cũng lặng im.
Thế là chúng tôi yêu nhau …” [45, 55].
Tình yêu của họ đã vượt lên trên cõi đời phàm tục, họ đến với nhau như những tâm hồn nghệ sĩ khao khát hưởng thụ trọn vẹn cái đẹp của cuộc đời. Họ tìm đến chốn để hoàn toàn vui với nghệ thuật: “Tìm những cái đẹp của trời đất mà bổ thêm cái đẹp của đời người. Cái mục đích cao xa ấy, nếu còn lặn lội mãi giữa cõi trần tục, thì chắc không ngày nào đạt được” [45, 57].
Có khi đó là tình yêu vượt lên mọi khoảng cách về địa vị xã hội giữa Đối - con trai ông phó Thanh và Vịnh - một cô gái nghèo mồ côi đi ở mướn trong tác phẩm Khói lam chiều. Tình yêu hồn nhiên, trong sáng bắt đầu trong Đối từ sự thương cảm cho số phận bất hạnh của Vịnh: “Con Vịnh ngồi thuật chuyện mình cho thằng Đối nghe, hai khóe mắt liu riu như muốn khóc. […] Mỗi khi nó nghe con Vịnh kể tới một chỗ thương tâm thì thằng Đối lại ngửng lên nhìn trộm một cái. Dưới cái bóng lửa rọi lại, nó thấy hai má con Vịnh đỏ ửng, thì nó nhận thấy con Vịnh dễ thương lắm, đẹp lắm, đẹp hơn hết cả những con gái ở vùng này” [45, 179]. Đó là thứ tình yêu mới chớm, nguyên sơ, thánh thiện: “Nhưng miệng nó không thốt ra được một lời âu yếm, để chia khổ với con Vịnh, trong lúc bụng nó chứa chan cảm tình, muốn nắm lấy tay con Vịnh và kéo vào lòng nó” [45, 179]. Đau đớn, xót xa khi tình yêu bị ngăn cấm, đôi trai gái chỉ còn biết gửi gắm nỗi lòng qua những câu hát thiết tha:
“Nó đứng phắt dậy, hát lên mấy câu cho đỡ buồn:
Một ngày hai bữa trèo non, Lấy gì mà đẹp mà giòn hả anh? Một ngày hai bữa cơm dền,
Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng?
Đôi ta làm bạn thong dong,
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng. Bởi chưng thầy mẹ nói ngang,
Để cho đũa ngọc mâm vàng cách xa” [45, 182-183].
Để rồi một cử chỉ thân thương của Đối cũng đủ làm dịu mát tâm hồn đau khổ của Vịnh: “Con Vịnh ngồi xuống bên thằng Đối, gục đầu vào lòng nó. Thằng Đối dịu dàng đưa tay gỡ những cái gai khô, mà con Vịnh vừa vướng vào tóc, khi rúc qua bụi. Nó thấy như lòng nó cũng được một bàn tay yêu đương, dịu dàng mơn trớn. Thân quê mùa, thô lậu, nó mấy khi được