Sự kết hợp giữa kể, tả, bộc lộ cảm xúc trong ngôn ngữ trần thuật

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 120 - 123)

Trong những trang văn của Lưu Trọng Lư, người đọc thường xuyên bắt gặp lối kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể, tả, bộc lộ cảm xúc trong ngôn ngữ trần thuật. Khước từ những sự kiện kịch tính, nhà văn ưa xen những đoạn miêu tả,

bộc lộ cảm xúc từ những sự việc bình thường, giản dị để tạo sức hấp dẫn, cuốn hút cho tác phẩm.

Chỉ một sự việc nhân vật tôi trong Cô bé hái dâu bị hút hồn bởi tiếng hát của người thiếu nữ và tiến vào ruộng dâu đã được nhà văn khắc họa với những đoạn miêu tả và bộc lộ cảm xúc đan xen tự nhiên: “Ruộng dâu đối với tôi có cái vẻ một rừng cây ở trong đại ngàn, đương còn rậm rạp, đương còn bí mật, đương còn y nguyên. Tôi đứng ngây người ra như có cảm thấy một sự ghê sợ lạ lùng. Nhưng người thiếu nữ đã cùng với mặt trời mà mất hút rồi. Tôi đã thấy ở đằng xa một cái bóng đen lù lù: người thiếu nữ với cái giỏ dâu, nủng nỉnh ở trên một con đường con đi về xóm Bích Khang… Tôi ở lại một mình với quãng đồng vắng vẻ, lạnh lẽo, đen mờ…Tâm hồn tôi tiu nghỉu, buồn rầu, nặng nề. Chân tôi mệt nhọc, không buồn nhấc đi nữa [45, 44]. Hàng loạt các từ láy giàu giá trị gợi tả như “rậm rạp”, “lù lù”, “nủng nỉnh”, “vắng vẻ”, “lạnh lẽo”, cùng với các từ ngữ diễn tả cảm giác: “ghê sợ lạ lùng”, “tiu nghỉu”, “buồn rầu”, “nặng nề”, “mệt nhọc”, nhà văn một mặt đã miêu tả cảnh rừng dâu bát ngát, rậm rạp, hoang vu vừa để nhân vật tôi bộc lộ cảm xúc choáng váng, buồn bã, thất vọng bởi không đuổi kịp hình bóng người thương. Trái tim yêu đã dẫn dụ chàng tìm đến nhà cô bé hái dâu: “Một hôm sau, tự nhiên tôi tìm đến xóm Bích Khang. Nếu tôi không phải là một con bướm theo hoa, thì tự nhiên tôi lại đến Bích Khang làm gì?... Đêm hôm ấy là một đêm trăng. Cả vũ trụ trắng xóa một thứ ánh sáng dịu dàng. Tôi đi một con đường con, theo những rặng cây tre mà lần bước, thản thư nhẹ nhàng như đạp trên làn mây khói. Đi qua một nếp nhà tranh lẹt đẹt, vườn tược sơ sài, tự nhiên tôi dừng bước lại, bồi hồi bâng khuâng… [45, 45]. Bức tranh thiên nhiên thơ mộng cùng với vẻ đẹp bình dị, yên bình của một làng quê nghèo đã được cảm nhận qua con mắt mơ màng, say sưa của một trái tim đang thổn thức trong những xúc cảm lạ kỳ của tình yêu.

Bên cạnh những trang văn miêu tả cảnh, Lưu Trọng Lư còn hướng ngòi bút của mình vào việc làm nổi bật vẻ đẹp của con người. Cô gái đan áo rét được cảm nhận qua những xúc cảm tinh tế, những rung động nhẹ nhàng của nhân vật

tôi trong Chiếc áo rét: “Tôi ở lầu cao, nom xuống đang thấy nàng đương ngồi bên song, đan một cái áo rét. Mấy ngón tay của nàng, trắng nõn và mềm mại lên xuống một cách nhịp nhàng, đều đặn, ấn vào trong tâm hồn tôi một thứ cảm giác nhẹ nhàng, êm ái… Tôi thấy lòng tôi được mơn trớn bởi một mối tình thoảng qua, xa xôi và vô cùng êm dịu…” [45, 89].

Nhà văn không chỉ bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp, mà thế giới xúc cảm ấy xuyên thấm trong giọng văn, toát lên một cách tự nhiên qua từng câu chữ. Buổi sáng đầu tiên sau đêm tân hôn của Lạc và Huy trong Từ thiên

đường tới địa ngục được miêu tả: “Nghe tiếng những con chim lạ kêu chi chít

ở vườn, Lạc khẽ nâng cái đầu chồng đương kê ở trên tay mình, rồi đi lại ở cửa sổ, ngồi gỡ những mớ tóc không rối chút nào.

Huy cũng đứng dậy theo Lạc. Chàng mở to cánh cửa. Những bông hoa như huyết rung rinh ở dưới ánh nắng trong một vòm trời xanh ngắt, làm lòng chàng hồi hộp. Chàng cảm động, ngoảnh lại ngắm vợ; nhìn những sợi tóc mây bay theo một hơi gió vườn.

Chàng thì thầm:

- Giá cứ thế này, mãi thế này!” [45, 561].

Với một đoạn văn ngắn, nhà văn vừa khắc họa một không gian yên tĩnh, trong trẻo của buổi bình minh, vừa thể hiện cảm xúc lâng lâng, ngây ngất trong men say tình ái của đôi vợ chồng trẻ.

Tác phẩm của Lưu Trọng Lư được mở rộng theo những cung bậc cảm xúc đa dạng, bí ẩn của nhân vật. Sự bâng khuâng, xao xuyến vương vấn của một chàng trai đang yêu được tác giả khắc họa rất tài tình: “Huy, toan bước đi, và chàng tưởng mình sẽ bước nhanh hơn nữa, nhưng chân chàng như bị vướng. Và tâm hồn như vừa choáng váng vì một cốc rượu nhẹ; chàng say sưa vì một cái gì. Có thể là màu xanh thẳm của một vòm trời rộng, có thể là những giọt máu tươi ở trên cành phượng, có thể là màu tím vừa rực rỡ vừa êm dịu của hoa ti-gôn, có thể là ánh bình minh reo động ở trên mảnh kính ở cửa sổ nàng, có thể là những tiếng chim sẻ ríu rít ở trên nóc nhà, có thể là tất cả một buổi sớm mai với những

âm điệu, với những màu sắc, với những hương vị của một cảnh hồi xuân. Nhưng có một điều chắc chắn hơn hết và đã làm cho chàng sáng nay say sưa một cách thú vị, chính là chút tình vừa mới nở ở trong lòng chàng. Chàng đã yêu với tất cả cái trong trẻo của tuổi trẻ” [45, 686]. Sự kết hợp giữa các từ ngữ chỉ màu sắc như “xanh thẳm”, “màu tím”, cùng với hàng loạt các tính từ đã vừa gợi lên được không gian thơ mộng, tràn đầy sức sống của nhà vườn Huế, vừa mang đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế về những rung động rạo rực, bâng khuâng của một tâm hồn trẻ “lần đầu rung động nỗi thương yêu” (Xuân Diệu).

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 120 - 123)