Giọng điệu triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 129)

Triết lý là sự thể hiện những khái quát mang tầm triết luận về một vấn đề, một hiện tượng nào đó của đời sống xã hội, của cõi nhân sinh. Giọng điệu triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm thể hiện cái nhìn có tính quy luật của tác giả về cuộc đời, con người... Xét từ cấp độ cấu trúc câu, giọng điệu triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm thường được thể hiện qua tính chất khẳng định (phủ định) để nhấn mạnh những vấn đề mà nhà văn cần gửi gắm, triết luận với người đọc. Ở nhiều tác phẩm, giọng triết lý gắn liền với cách cắt nghĩa mới hay cung cấp thêm ý nghĩa cho một khái niệm đã quen thuộc.

Bên cạnh đó, giọng điệu triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm cũng xuất hiện nhiều trong truyện của Lưu Trọng Lư. Ông đã sớm phát hiện ra hiệu quả nghệ thuật của chất giọng này và vận dụng linh hoạt vào những trang viết của mình. Gam giọng triết lý, chiêm nghiệm thường xuất hiện qua lời độc thoại nội tâm hay đoạn đối thoại của những nhân vật từng trải trong cuộc đời với những câu văn mang hơi hướng của lời định nghĩa.

Một người xẩm mù giàu tài năng nghệ thuật và từng trải qua biết bao đắng cay trong cuộc đời đã cất lên những suy ngẫm về thú vui sống gần thiên nhiên của ông: “Sống gần tạo vật tức là vui say trong trường mỹ thuật, có cái thú thanh dật của nhà thi nhân, nhà họa sỹ, cái thú không bao giờ chán” [45, 52]. Cùng với những suy ngẫm về sự mê say gần gũi với thiên nhiên, người xẩm mù còn thể hiện những triết lý sâu xa về sức mạnh kì diệu của nghệ thuật: “Giọng đàn tiếng sáo như làm thông tin cho hai thế giới: lòng người và vũ trụ, và giữ được người ta cùng vạn vật, trong cái trật tự thiên nhiên, trong sự hòa rập mãi mãi” [45, 57].

Với giọng điệu suy ngẫm, triết lý, các nhân vật của Lưu Trọng Lư hay chiêm nghiệm về cái chết. Trước cái chết đầy đau đớn của vợ, người xẩm mù

đã suy ngẫm về cái chết như một trạng thái sống khác biệt của con người: “Cái chết, thưa ngài chỉ là một cái biến thái như trăm nghìn cái biến thái khác. Ai bảo cái trứng kia đã chết? Một ngày kia nó sẽ nẩy ra con tằm bò trên nong dâu. Ai bảo con tằm chết? Một ngày kia nó sẽ thành con bướm đậu trên cành cây. Ai bảo con bướm chết? Một ngày kia nó sẽ nảy lớp trứng đậu trên tờ giấy bản. Đó là một sự luân hồi diễn ra dưới mắt ta” [45, 58]. Trước hết, nhà văn đưa ra một lời định nghĩa ngắn gọn, súc tích về cái chết: “Cái chết, thưa ngài chỉ là một cái biến thái như trăm nghìn cái biến thái khác.”, tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt các câu hỏi tu từ ngắn được đặt liên tiếp bên cạnh các câu trả lời cùng với điệp ngữ “ai bảo”, “một ngày kia” với âm điệu rắn rỏi, khỏe khoắn đã góp phần thể hiện sự trăn trở, suy ngẫm của nhân vật về cuộc đời. Nhà văn luôn buộc người đọc phải tỉnh táo với giọng điệu như tranh biện, thôi thúc một nhu cầu đối thoại với độc giả.

Cái chết trở thành nỗi ám ảnh của các nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư, từ những con người từng trải cho tới những cô gái trẻ. Liên - một cô gái trẻ cũng suy ngẫm về cái chết khi mất đi một người bạn thân thiết với giọng điệu triết lý đầy chiêm nghiệm: “Nghĩ tạo hóa thật cũng khắt khe! Con người ta sống trong cuộc đời phù du, mà bắt phải chết đến hai lần. Lần chết thứ nhất là khi xác thịt người ta thối mục với cỏ cây, lần chết thứ hai là khi cái hình ảnh của người ta cũng sẽ xóa mờ trong tâm linh của những người còn lại” [45, 410].

Giọng điệu triết lý không chỉ được toát lên từ những đoạn chiêm nghiệm về cái chết, đó còn là những trăn trở về sự sống, với ý nghĩa sự sống đích thực. Cuộc tiếp xúc giữa nhân vật tôi với Liên Hing trong Nàng công chúa Huế đã tạo hiệu ứng lan tỏa, mang đến cho nhân vật tôi những triết lý

sâu sắc về cuộc đời: “Cuộc đời chỉ là một cuộc phiêu lưu. Những người nào đã phiêu lưu, đã lên ghềnh xuống thác nhiều, đã dạn dày với gió sương, đã nếm nhiều mùi vị, người ấy là kẻ đắc thắng, và người ấy, khi trở về giữa chúng ta, có thể kể lại những cuộc phiêu lưu nguy hiểm của anh ta, bằng một giọng tự đắc: “Xưa kia, tôi đã từng”!

“Tôi đã từng…” - đó là lời nói của kẻ đã sống” [45, 627].

Giọng triết lý trong truyện của Lưu Trọng Lư gắn liền với cách cắt nghĩa mới hay cung cấp thêm ý nghĩa cho một khái niệm đã quen thuộc của người kể chuyện. “Sống” và “chết” là những khái niệm quen thuộc nhưng trừu tượng đối với con người. Nó hiện hữu thường trực trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trở thành nỗi ám ánh thường trực trong nhân sinh quan của mỗi con người. Mỗi người có một quan điểm riêng về sự sống, đối với Lưu Trọng Lư:

“Sống không phải là để thực hiện những câu đạo đức khô khan của các bậc thánh hiền. Mà cuộc đời cũng không phải là chỗ khoe mồm mép của cái đám người mà ta quen gọi là quân tử trượng phu.

Sống, chỉ là để lăn lóc, để say đắm, để đau khổ, để thí nghiệm đến cái năng lực cuối cùng của con người ta, để tận hưởng cái hương vị sau chót của cuộc sống.

Sống nghĩa là không sợ gì cả” [45, 627].

Đặt hai câu văn trong sự đối sánh song song: một bên phủ định “sống không phải là”, “cuộc đời cũng không phải là”, tiếp đó khẳng định mạnh mẽ “sống, chỉ là”, “sống nghĩa là”, nhà văn như đang đối thoại, tranh luận với người đọc, cụ thể là với những quan điểm lệch lạc của con người về ý nghĩa đích thực của sự sống. Từ đó, ông nhiệt thành cổ vũ cho lối sống mạnh mẽ, dũng cảm dấn thân vào cuộc đời để trải nghiệm cho hết thảy những dư vị từ đau khổ, đắm say, hạnh phúc… Sống sâu với cuộc đời, lăn xả vào cuộc đời, sống một sự sống đích thực là những triết lý nhân sinh sâu sắc mà Lưu Trọng Lư muốn gửi gắm qua những trang văn của mình.

Với giọng điệu triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm, Lưu Trọng Lư đã gieo vào lòng người đọc bao ý nghĩa triết lý nhân sinh về con người và cuộc đời thông qua những trang văn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 129)