Sự đan xen, hòa quyện giữa hai nguồn cảm hứng

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 62)

Hiện thực và lãng mạn là hai nguồn cảm hứng hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, trong thực tế, hai nguồn cảm hứng này có sự gặp gỡ, giao thoa. Cảm hứng lãng mạn cần được neo đậu ở hiện thực và cảm hứng hiện thực được chắp thêm đôi cánh của lãng mạn sẽ thêm phần thi vị. Ở nước ta, song song với sự xuất hiện của trào lưu lãng mạn xuất hiện với sự ra đời của phong trào Thơ mới và các sáng tác văn xuôi theo khuynh hướng lãng mạn tiêu biểu là Tự Lực văn đoàn là sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hiện thực. Quy luật sáng tạo của văn học là quy luật của sự kế thừa và phát triển. Chính vì vậy, sự giao thoa giữa hai nguồn cảm hứng hiện thực và lãng mạn trong các sáng tác văn chương không còn là một hiện tượng lạ trong văn học. Người đọc có thể nhận thấy những dấu hiệu của chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của các nhà văn lãng mạn như Thạch Lam qua Nhà mẹ Lê, Hai đứa trẻ, Xuân Diệu với Phấn thông vàng, Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời. Đồng thời, những dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn cũng ẩn hiện đâu đó trong các sáng tác của các nhà văn hiện thực qua Tắt lửa lòng, Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công Hoan, Tắt đèn của Ngô Tất Tố...

Lưu Trọng Lư là một kiện tướng tiên phong trong phong trào Thơ mới, với một hồn thơ dạt dào lãng mạn, mơ mộng. Đến với lĩnh vực văn xuôi, Lưu Trọng Lư một mặt vừa say sưa tiếp nối trong cảm hứng lãng mạn, vừa hết sức tỉnh táo trong những trang viết phản ánh hiện thực.

Truyện Con chim sổ lồng đã tái hiện câu chuyện sinh động về số phận bất hạnh của một đứa trẻ nghèo bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình mình. Thằng Cạc - một đứa trẻ tám tuổi sống với cha và người mẹ ghẻ cùng đứa con

riêng của bà ta trong một gia đình làm nghề cầm đồ đương sa sút - đã sớm cảm nhận được sự lạnh lùng, tàn nhẫn trong chính mái ấm của mình. Nó phải ăn cơm thừa, mặc áo thải, trở thành “một đứa đầy tớ vững vàng, chắc chắn”, vui sướng với đứa trẻ ấy “là khỏi bị cha nó la mắng, dì nó tát tai, đánh” [45, 35]. Không chấp nhận một cuộc sống tù túng trong khuôn khổ cái “nhà tù gia đình”, thằng Cạc quyết định thoát ly khỏi nơi ấy, nó đưa cái mâm của gia đình đi cầm để lấy năm hào để dấn thân vào cuộc đời gió bụi với nghề bán báo dạo. Những ngày sau đó là những giây phút thỏa sức vùng vẫy trong cuộc đời tự do của thằng Cạc: “Nó không còn là đầy tớ của dì nó, của “cậu nó” nữa. Nó sẽ là người của Hàng Bông, Hàng Trống, của Hà Nội, của trời, của đất, của gió, của bụi. Nó ăn dọc đường, ngủ ngoài thềm nhà báo” [45, 37]. Sự ra đi của nhân vật khỏi gia đình thực chất là một cuộc nổi loạn của một cái Tôi cá nhân khao khát cuộc sống tự do, phóng khoáng. Nhưng cuộc nổi loạn ấy chỉ diễn ra thật chớp nhoáng. Sau những ngày tháng rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, bước chân của thằng Cạc đã tự trở về với chốn xưa, nơi nó đã thề không bao giờ trở lại. Quá trình trở về ấy đã tô đậm sự bế tắc của một tâm hồn lãng mạn luôn yêu thích cuộc sống tự do nhưng không tìm được lối thoát:

“Qua khỏi ngõ, thằng Cạc còn trở lộn lùi… Nó nhìn trời nhìn đất, nhìn quanh nhìn quất. Ấy là nó từ giã cuộc đời bông lông vơ vẩn mà trở lại cái cuộc đời có khuôn phép, có trật tự.

Nó đưa tay vào túi áo rút ra một đồng xu, cái đồng xu còn lại của nó. Nó ngẩng mặt lên trời vứt mạnh ra đằng xa. Trước khi trở lại cái nơi này hình như nó không còn muốn giữ lại một cái dấu tích gì về cuộc đời gió bụi…

Thế là con chim sổ đã trở lại lồng. Những con đường Hàng Bông, Hàng Trống, từ nay đã vắng bặt cái tiếng bay nhảy, ca hát của nó…” [45, 38].

Viết về cuộc sống khốn khó của người nông dân trước nạn sưu thuế, Lưu Trọng Lư không đi sâu vào việc xây dựng không khí căng thẳng, ngột ngạt cùng những xung đột gay gắt giữa giai cấp thống trị với người nông dân như Ngô Tất Tố. Ông chỉ phơi bày một cuộc sống khốn khó của một gia đình để có tiền đóng

sưu cho chồng, người vợ phải đau đớn bỏ lại đứa con chưa đầy năm tháng tuổi để đi làm vú nuôi cho con người khác trong truyện Con vú em. Bóng dáng của những đồn điền cao su “đi dễ khó về”, những địa ngục của trần gian trong thời Pháp thuộc cùng với cuộc sống khổ cực của người dân nước thuốc địa được gợi lên đầy ám ảnh: “Con làm cu li Cao su Đất Đỏ”, “Nước độc không chịu nổi. Một ngày làm, một ngày sốt rét, tiền công không lại tiền thuốc” [45, 77]. Chủ nhà vô tình phát hiện ra đêm nào, con vú em cũng lẻn ra lòi để tình tự với “tình nhân”. Nhưng sự thật diễn ra trước mắt chủ nhà thật cảm động, đêm đêm, người chồng bế con ra lòi gặp mẹ cho đứa con chưa đầy năm tháng tuổi qua cơn thèm sữa.

Nếu như mở đầu tác phẩm, người chủ nhà hiện lên đầy khắt khe khi từ chối thẳng thừng lời năn nỉ của người chồng chị vú em để xin cho đứa con ở lại ít hôm với mẹ, thì ở cuối tác phẩm, hai vợ chồng người chủ đột nhiên thay đổi thái độ và quan niệm. Dưới cái nhìn của các nhà văn hiện thực phê phán, sự việc sẽ xoay chuyển theo một chiều hướng khác, mọi chuyện vỡ lẽ, người vú em sẽ bị đuổi việc, sẽ bị quỵt tiền công, thậm chí bị đánh đập tàn nhẫn để đẩy bi kịch về cuộc sống khốn khó của người dân nghèo khổ tới tận cùng. Lưu Trọng Lư xuất thân là một nhà thơ lãng mạn, bởi vậy, cách nhìn nhận hiện thực của ông mang đậm hơi thở của khuynh hướng lãng mạn. Cảm hứng lãng mạn đã thổi làn gió của niềm tin về sự dung hòa giai cấp vào đoạn kết có hậu của tác phẩm này. Theo giao kèo, người vú em ở hết một năm mới được trả nốt bảy đồng bạc nhưng ông bà chủ đã nhân từ trả nốt phần còn lại và để chị về với chồng và đứa con. Khoảng cách giữa chủ - tớ, giàu - nghèo đã được gỡ bỏ hoàn toàn trong cách cư xử nhân hậu, giàu tình thương, lòng trắc ẩn của con người.

Truyện Cô Nguyệt là bức tranh chân thực về những toan tính bỉ ổi, trơ trẽn của bọn quan lại và thế lực của đồng tiền, cùng quãng đời làm vợ lẽ biết bao đọa đày, oan khuất bởi lòng ghen tuông của người vợ cả cũng chính là cô ruột của Nguyệt. Để giữ trọn chữ hiếu, Nguyệt đã phải nhắm mắt đưa chân làm thê thiếp cho chính người dượng của mình, hi sinh mối tình trong sáng với Thanh. Những suy ngẫm về số phận cơ cực của thân phận người phụ nữ

đã được thể hiện đầy đau xót qua dòng suy nghĩ của nhân vật Nguyệt: “Nàng không muốn có con gái, cũng chỉ vì nàng sợ rằng: con nàng sẽ giống nàng, và biết đâu, lại sống lại cái đời của nàng, chịu cái số phận của nàng, cái số phận ấy, than ôi! là cái số phận của một số đông thiếu nữ Việt Nam mà chút tình duyên đã bị ông tơ se lầm se lỡ…” [45, 469]. Bi kịch của cuộc đời cô Nguyệt chủ yếu được xây dựng trong tình yêu tan vỡ với Thanh. Nỗi nhớ thương da diết về người yêu cũ luôn thường trực trong tâm hồn của cô gái, đặc biệt khi có sự cộng hưởng giữa một không gian thơ mộng, nỗi nhớ ấy càng thôi thúc trái tim nàng: “Trong một cảnh đầy thi vị, một cảnh êm ái rất khêu gợi, bên tiếng thông thì thào, bên những làn sóng nhí nhởn, chập chờn một cách lơi lả, bên bóng trăng xanh, bên màu cát trắng, nàng cảm thấy rõ rệt, cảm thấy cái đời tình cảm của mình thiếu thốn một cách lạ thường. Nàng thấy thiếu một vật gì đáng quý báu, như cái sinh mệnh của mình. Nàng thấy thiếu “ái tình”. Nàng thấy thiếu Thanh. Giá trong lúc ấy nàng có Thanh bên mình thì nàng ấm áp biết bao, vũ trụ thêm khả ái biết dường nào. Nhưng thiếu Thanh, nàng thấy thiếu hết cả” [45, 461]. Ngây ngất trong men say của ái tình, Lưu Trọng Lư đã nhiệt thành khẳng định vị trí của ái tình như một niềm vui duy nhất của con người trong cuộc đời: “Không có ái tình, người ta còn có thể tìm cái vui ở chỗ khác, mất ái tình người ta không còn thấy vui ở chỗ nào hết nữa” [45, 443].

Nhưng sự mê say trong ái tình của một tâm hồn lãng mạn đã không khiến Lưu Trọng Lư lạc lối bởi cảm hứng hiện thực đã giúp ông tỉnh táo nhận ra nguyên nhân khiến cho mối tình trong sáng của Nguyệt và Thanh tan vỡ: “Tên chánh phạm trong vụ này chính là một người đàn ông, một ông quan lớn đã lợi dụng cái uy quyền trong tay mình để... Thật là khó nói! Đây thật không phải là vụ tham tàn, vụ hối lộ nhưng mà tàn khốc hơn nhiều. Trong việc hối lộ ta chỉ mất tiền thôi, ở đây ta mất… tình, cái tình thiêng liêng, người ta chia sẻ, hơn nữa người ta cướp bóc. Người ta cướp… ái tình. Người ta đê hèn hơn một con vật” [45, 462]. Lưu Trọng Lư đã nhận thấy nguyên nhân tan vỡ của mối tình đẹp đẽ ấy chính là vì sự toan tính đê hèn của con người và từ đó, tác

giả đã không chỉ lên án bọn quan lại thối nát, bẩn thỉu mà còn để cho nhân vật Nguyệt mạnh mẽ tố cáo cả xã hội lúc bấy giờ với sự tồn tại đáng khinh bỉ của chế độ đa thê: “Ta không nên quy tội cho một người, ta nên quy tội cho một cái chế độ đã cho phép một ông quan được lấy bao nhiêu nàng hầu thì lấy. Người ta lấy không phải chỉ vì lòng ham muốn, vì nhục dục. Một ông quan lấy hầu là một cái “thói”, người ta được nhiều nàng hầu bao nhiêu, thì người ta càng tỏ cho thiên hạ rằng: người ta là sang trọng, người ta là quyền quý” [45, 463].

Sự hòa quyện của cảm hứng hiện thực và lãng mạn đã tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú trong truyện Lưu Trọng Lư. Đúng như ông đã từng khẳng định “Mộng và đời là hai sợi chỉ ngang dọc trên khung cửi. Đời đẻ ra

mộng và mộng dệt nên đời” [46, 1332]. Cảm hứng hiện thực mang đến cho

truyện Lưu Trọng Lư những bức tranh chân thực về đời sống đương thời, trong khi đó, cảm hứng lãng mạn đã phủ một màn sương ảo mộng với niềm tin, sự lạc quan ở cuộc đời lên tác phẩm của ông.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 62)