Xoáy sâu vào thế giới cảm xúc của nhân vật

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 93 - 100)

Cùng với những biến đổi về cơ cấu kinh tế, xã hội và sự giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới, đặc biệt là văn chương Pháp thế kỉ XIX, văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đã có những biến đổi sâu sắc. Một trong

những bước phát triển lớn của văn học thời kì này đó là đi sâu vào thế giới cảm xúc vi diệu của con người.

Hướng tới thế giới cảm xúc của con người vốn là một truyền thống tốt đẹp trong văn học Việt Nam trung đại với những tác phẩm xuất sắc như

Chinh Phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia

Thiều), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), hay một số truyện thơ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du... Đến đầu thế kỉ XX, các tác phẩm Nói chuyện với ảnh, Thư trách người tình nhân không quen

biết (Tản Đà), Linh Phượng kí (Đông Hồ), Giọt lệ thu (Tương Phố), Tố Tâm

của Hoàng Ngọc Phách đã thể hiện sự ưu ái đặc biệt của các tác giả đối với thế giới cảm xúc của con người.

Đặc biệt, phong trào Thơ mới với những cây bút trẻ đầy say mê, nhiệt huyết không chỉ mang đến cho nền văn học dân tộc một bộ cánh mới với những thể thơ mới, cách dùng từ, đặt câu lạ… mà còn thổi ùa vào thơ ca một linh hồn mới. Đó chính là sự xuất hiện ồ ạt của cái tôi cá nhân, cá thể luôn khao khát, đấu tranh cho sự giải phóng về tình cảm, cảm xúc và trí tưởng tượng. Các nhà Thơ mới đã phô bày cả thế giới cảm xúc phong phú, phức tạp với đủ mọi cung bậc lên từng trang thơ, có cái say sưa, rạo rực thiết tha của Xuân Diệu, có cái ảo não sầu miên man của Huy Cận, những rung động ý vị, chân tình của Nguyễn Bính, cái rên xiết đau thương của thi sĩ Hàn Mặc Tử… Tất cả đã tạo nên một bản hợp xướng du dương, đầy quyến rũ.

Bên cạnh thơ ca, văn xuôi Việt Nam thời kì 1930-1945 cũng phát triển rầm rộ. Đáng lưu ý hơn cả là dòng truyện ngắn trữ tình với ba cây bút tiêu biểu: Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh. Các nhà văn đã giành sự quan tâm đặc biệt tới những rung động trong thế giới nội tâm của con người. Đọc các trang văn của họ, ta không tìm thấy những xung đột kịch tính dữ dội, chỉ thấy bàng bạc một chất thơ nhẹ nhàng, thanh khiết toát lên từ những rung động sâu xa trong tâm hồn của nhân vật. Đó là cả một thế giới vô cùng kì diệu làm mê say biết bao tâm hồn độc giả. Tới tiểu thuyết

của Tự Lực văn đoàn, với ba cây bút chủ lực Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, chiều sâu tâm hồn của con người đã được mở ra với tất cả những cung bậc phong phú, phức tạp, đặc biệt có cả những giằng xé trong đời sống nội tâm. Thế giới nhân vật của họ có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế luôn luôn thức nhọn giác quan để đón nhận những biến chuyển của tạo vật xung quanh mình. Bởi vậy, cái thế giới ngoại cảnh được khắc họa trong các tác phẩm đã được phủ một sắc màu của tâm trạng.

Lưu Trọng Lư đến với văn xuôi mang theo tâm hồn dạt dào của một thi sĩ. Thế giới cảm xúc của con người là lãnh địa khám phá thiêng liêng của thơ ca. Và chính tâm hồn lãng mạn của một nhà thơ đã khiến ông khước từ những xung đột kịch tính, gay gắt để đến với thế giới cảm xúc bí ẩn, tinh tế của con người. Ông đi sâu vào miêu tả thế giới bên trong của nhân vật, đó chính là thế giới cảm giác, xúc cảm phong phú, nhạy cảm của con người trước thiên nhiên, cảnh vật, con người và với chính mình. Đặc biệt, tác giả mặc sức để cho nhân vật tự lắng nghe những giai điệu được ngân lên từ chính thế giới cảm xúc, cảm giác trong tâm hồn mình. Đối với thế giới nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư, những sự kiện của đời sống bên ngoài và những hành động của nhân vật trở thành yếu tố phụ, nhường chỗ cho những suy tư, trăn trở, những trạng thái tình cảm đa dạng, phức tạp của nhân vật từ vui, buồn, lo âu, hạnh phúc, sung sướng…

Là một tâm hồn ưa phiêu du, chìm đắm trong bể ái, Lưu Trọng Lư đã thể hiện những khám phá mới mẻ của mình trong việc khắc họa những xúc cảm vi diệu của con người trong men say ái tình. Sự tinh tế của một tâm hồn đa cảm đã khiến ông nắm bắt những trạng thái tình cảm vô cùng mơ hồ của nhân vật. Những rung động của nhân vật tôi trong Cô bé hái dâu khi bắt gặp tiếng hát trong trẻo vọng ra từ bãi dâu xanh và hình ảnh người thiếu nữ đã được tác giả miêu tả hết sức chính xác, tinh tế: “Tôi đứng ngây người ra như có cảm thấy một sự ghê sợ lạ lùng. Nhưng người thiếu nữ đã cùng với mặt trời mà mất hút rồi. Tôi đã thấy ở đằng xa một cái bóng đen lù lù: người thiếu nữ với cái giỏ dâu, nủng nỉnh ở trên một con đường con đi về xóm Bích

Khang… Tôi ở lại một mình với quãng đồng vắng vẻ, lạnh lẽo, đen mờ… Tâm hồn tôi tiu nghỉu, buồn rầu nặng nề. Chân tôi mệt nhọc, không buồn nhấc đi nữa” [45, 44]. Truyện hầu như không có những biến động, sự kiện lớn lao mà chỉ là những dòng suy tư miên man của nhân vật tôi về tình yêu trong sáng với cô bé hái dâu từ những xúc cảm mạnh mẽ say mê cho tới những vương vấn nhẹ nhàng, mơ mộng của một tình yêu đơn phương, không dám tỏ bày. Xây dựng một kết thúc khá bất ngờ khi để nhân vật tôi gặp lại cô bé hái dâu giờ đã trở thành một người đàn bà gầy gò, tiều tụy, Lưu Trọng Lư lại tiếp tục đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật. Nhân vật tôi thất vọng và đau đớn vô cùng, không dám tin vào sự thật trước những đổi thay của người trong mộng: “Đi qua người ấy độ vài bước, tôi quay cổ nhìn lại, thì ra người ấy là… cái hình ảnh đẹp đẽ dễ thường theo dõi tôi trong những bước đường đời. Rõ ràng là như thế! Tôi muốn cho tôi là lầm mà có thể nào lầm được. Cái sự thật sờ sờ trước mắt tôi, có thể nào lại giấu đi được…” [45, 47-48]. Đến lúc này, tôi mới đau khổ thốt lên tiếng yêu đầy tuyệt vọng và rồi chàng ân hận vô cùng: “Rồi tôi lấy làm ân hận vô cùng, nhưng đối với người đàn bà trước mặt tôi, cái lòng yêu đã đổi hẳn ra lòng thương. Mà ai biết đó là sự đau đớn của tôi? Tôi thương hại cho cái cô bé hái dâu ngày nọ, xinh xắn, thanh thú, tười cười, ngày nay đương vất hết những vẻ kiều diễm của mình vào trong một cuộc đời tầm thường, nặng nề vô vị… [45, 48].

Tâm hồn mơ màng của Lưu Trọng Lư ưa những cảm giác mơ hồ, xa xăm, bởi vậy, người đọc hay bắt gặp trong truyện của ông những rung động trong trẻo, tinh khôi của những tình yêu thầm kín, tình trong mộng. Nhân vật tôi trong Một lần tôi đi qua đã có những phút giây miên man trong dòng cảm xúc dịu ngọt khi được thưởng thức tiếng dương cầm của thiếu nữ trong biệt thự Les Eglantines: “Tôi ngừng bước nhìn những làn cúc, tôi nhìn thấy những làn cúc trắng tự nhiên rung động anh ạ! Và tâm hồn tôi lao đao, tôi muốn ngã. Những hạt mưa vẫn nhỏ xuống, càng ngày càng nặng. Và tôi thấy trong những giọt nước lại cả cái hình ảnh của cảnh vật xung quanh. Tôi vẫn cứ đứng thần người ra nhìn. Tôi đàn thì kém lắm, nhưng bình sinh tôi thích âm

nhạc hơn cả. Tôi cho rằng âm nhạc hơn một bức tranh, hơn một bài thơ, có thể diễn tả được hết cả những cái trạng thái của tâm hồn. Huống hồ, cái tâm hồn ấy lại là cái tâm hồn mà tôi yêu, mà tôi đã ôm ấp bên cạnh cái tâm hồn của tôi” [45, 118]. Những bối rối, ngại ngùng, xao xuyến của tâm hồn trẻ tuổi, trẻ lòng khi bắt gặp vẻ đẹp của người thiếu nữ một lần nữa được khắc họa tinh tế qua nhân vật Huỳnh Lê (xưng “tôi”) trong Em hãy còn thơ: “Lần đầu tiên, tôi thấy ngượng nghịu ngập ngừng trước nàng. Rồi tình cờ, bốn mắt chúng tôi gặp nhau. Nàng cúi mặt mà tôi cũng cúi mặt … Nhưng từ đấy tôi mới hiểu, thế nào là cặp mắt của người thiếu nữ đến thì. Tôi thấy tâm hồn rạo rực xao xuyến, tay chân tôi lóng ngóng và đôi mắt tôi ngập ngừng trước chén rượu mạnh là cái ái tình của nàng. Đôi mắt nàng đã biến tôi thành một người khác, và đưa tôi vào một thế giới u huyền và kỳ lạ. Cái nhìn của nàng đã làm phát động, nảy nở ở trong tôi một nguồn cảm giác sáng lạn, mới mẻ… Tôi không dám tự hỏi tình yêu là gì, và chỉ nằm lăn như một cánh hoa lạ trên những đầu cỏ mởn, theo một làn gió dịu” [45, 130]. Những xúc cảm của nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư thường là những trạng thái mơ hồ, ngẫu nhiên, suy tư, ấn tượng, tưởng tượng, liên tưởng, ký ức chập chờn, khó hiểu, khó nắm bắt. Chàng họa sĩ Lộc trong Bó lan trắng giàu trí tưởng tượng đã tự vẽ nên một mối tình vô cùng lãng mạn trong mộng tưởng từ sự xuất hiện bí ẩn của những đóa hoa lan trắng trên bàn nhà chàng, để rồi thế giới cảm xúc của nhân vật được mở ra với biết bao rung động: “Lộc sung sướng quá: hai hạt lệ vô tình lan trên đôi gò má ửng đào. Chàng chếnh choàng như một người say rượu, những tư tưởng trong trí chàng cũng nhảy múa.

Lộc cố định thần và nhắm tít đôi mắt lại, để phác họa lại trong tưởng tượng hình ảnh người thiếu nữ mà chàng cho là cái nhan sắc tuyệt đích” [45, 93].

Có khi ái tình khiến cho tâm hồn con người quay cuồng, trăn trở trong biết bao những bận rộn của cảm xúc. Những cảm xúc nhiệt thành của trái tim chàng thi sĩ Liên đã có vợ khi tình cờ gặp nữ sinh Cẩn trên chuyến tàu định mệnh từ Huế ra Hà Nội đã được thể hiện chân thực, chính xác qua Em là gái bên song cửa. Cứ

tưởng rằng đó chỉ là những cảm xúc nhất thời, rồi “mỗi người theo đuổi cuộc đời của mình như không có một mối bịn rịn, nhùng nhằng thương tiếc, như không có một việc đã xảy ra” [46, 1001]. Chuyến tàu vào ga, Liên và Cẩn chia tay nhau nhưng những xúc cảm bộn bề, vương vấn của buổi gặp gỡ lạ kì vẫn bám riết lấy tâm hồn thi sĩ Liên. Về tới khách sạn, Liên định bụng sẽ “đóng chặt cửa phòng” ngủ một giấc đến chiều tối nhưng ái tình đã không để tâm hồn anh được ngủ yên: "Tôi tưởng như tâm can bị đốt cháy bởi một ngọn lửa ghê gớm. Luôn luôn tôi tự hỏi: “Không lẽ chỉ có thế rồi thôi ư?”. Nhưng mà nếu còn muốn kéo dài ra nữa, thì thử hỏi sẽ kéo dài đến đâu nữa, và như thế có ích gì cho tôi, có ích gì cho nàng không? Kể tôi cũng có lý lắm, ý nghĩ bâng quơ thật. Làm sao lại nói đến chuyện có ích hay không? Tôi tưởng chỉ nên nhận chân một điều là: trong đời tôi, trong cõi lòng tôi, từ nay có sự mới lạ... Tôi không thể sống như trước đây được nữa: Một tư tưởng, một cử động của tôi, từ nay phải đắn đo, phải cân nhắc cẩn thận, vì cái lẽ giản dị là cuộc đời tinh thần của tôi như bị tăng lên gấp đôi, một lời nói, một việc làm của tôi cũng sẽ có kết quả gấp đôi. Sự thật có lẽ không phải như thế, nhưng ác hại! Tôi đã bắt đầu có cái huyễn tưởng như thế” [46, 1015-1016].

Có khi là những dằn vặt, tức giận, phẫn nộ xen lẫn đau xót như cảm xúc của nhân vật Thiệu trong Bến cũ khi nghe tin Quỳnh - người chàng vô cùng yêu thương - quyết định vào nhà tu kín: “Tôi nói đến câu sau này, hơi có vẻ tức giận. Nhưng tôi cũng cố cười và chào người đàn bà rồi đi ra. Tôi cho rằng biết về nàng được như thế tôi cũng đủ được an tâm ra về.

Tôi muốn gì hơn nữa? Nàng chẳng phải giữ tròn cái trinh tiết tinh thần với tôi ư! Và không hiểu sao tôi lại có cái quyền nói đến “trinh tiết” nhỉ? Nào đã có một lời nào ở miệng nàng thốt ra, để hứa hẹn đính ước với tôi điều gì mà tôi lại buộc Quỳnh phải trung thành với tôi? Kể cũng đáng buồn cười! Nhưng tôi có thể nào hiểu lầm được: Cái tình cảm ấy nó có ý nghĩa hơn cả những lời nói dịu dàng, hơn cả những lời hẹn ước sốt sắng… Không, nàng đã ký thác cho tôi cả tâm hồn lẫn xác thịt. Nếu tôi không chiếm giữ được hai cái kho báu vô ngần ấy, thì lỗi ấy chỉ tại tôi mà thôi. Nhưng tôi biết làm thế nào?”

[46, 542]. Hàng loạt các câu hỏi tu từ đã diễn tả sự dằng co, dằn vặt, đau đớn, trăn trở với những suy nghĩ đầy mâu thuẫn trong tâm hồn Thiệu.

Tình yêu đối với Lưu Trọng Lư không chỉ là những rung động thoáng qua, những xúc cảm trong trẻo của tình yêu trong mộng, ông còn dẫn dắt người đọc đến những cảm giác say sưa, lâng lâng trong luyến ái của đêm tân hôn. Nếu như Xuân Diệu khao khát giao hòa trong ái tình: “Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực”, “hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt” thì Lưu Trọng Lư bằng những dòng văn xuôi nhẹ nhàng, tinh tế mà vô cùng táo bạo đã khắc họa chân thực những đam mê, rạo rực trong tâm hồn của một chàng trai trẻ trong lúc chờ đợi người vợ mới cưới: “Rồi nhẹ nhàng chàng để mình rơi xuống giường. Chiếc lò xo dội nẩy, rồi lại từ từ lún xuống… Sự êm dịu của bông làm cho chàng thêm cái cảm giác rằng: chàng đương lún mãi, lún mãi, lún sâu vào giữa sự mơn trớn…

Huy nhắm tít đôi mắt lại, như để hưởng trước sự khoái lạc, một sự khoái lạc chắn chắn, nhưng mà chàng không thể suy lượng được tính chất…

Chàng đừng dậy đi lại mở tung hết các cửa sổ. Rồi trở lại giường, nằm như trước. Một làn gió nhẹ, ở dưới vườn hoa, đưa lên, và phẩy ở trên hai má chàng… Một cảm giác thanh thú khiến chàng đê mê chạy đều khắp thân thể của chàng” [45, 556-557]. Từ hồi hộp, ngượng ngùng, Lạc và Huy đã cùng nhau hưởng trọn men say của ái tình: “Nhưng bấy giờ, Lạc đã ở trong lòng Huy… Hình như, nàng đương nín thở và để tận hưởng cái lạc thú đê mê chạy ở trên những làn thịt mát. Đôi mắt nàng lơ mơ, nhìn một con mối đợi muỗi ở trên trần nhà.

Huy cũng như Lạc, cũng say sưa, vì những cảm giác mới lạ, những cảm giác khó tả. Chàng chỉ thấy khu xác mình đương biến thành vần, thành điệu, và chuyển thành một khúc nhạc.

Như ở trong một giấc mộng, Huy cúi đầu xuống, và đặt nhẹ một cái hôn thanh khiết trên vầng trán tinh nguyên của Lạc. Nhưng cái sức mạnh của cảm giác đã lôi cuốn lấy Huy, và chàng không còn cưỡng lại được nữa.

Chàng nắm chặt lấy tay vợ, và đôi môi chàng ngừng lại trên cái má êm dịu, và rít một cái hôn mạnh, làm ghê rởn cả mình mẩy” [45, 558].

Không chỉ hướng tới những xúc cảm đam mê của ái tình, Lưu Trọng Lư còn chú trọng đến nỗi đau khổ, thất vọng của nhân vật trước sự thất bại trong quá trình đấu tranh giành quyền hạnh phúc. Huy - chàng thanh niên tràn trề nhiệt huyết trong Từ thiên đường đến địa ngục, sau hành trình thoát li gia đình, say sưa đi tìm cuộc sống tự do trở về với thân tàn ma dại. Nhân vật đã có những khoảng lặng trầm tĩnh để ngẫm nghĩ về sự thất bại đầy đau đớn của mình: “Tôi là một kẻ bại trận. Đời đã đánh ngã tôi rồi. Với một cái mặt hốc hác, tôi trở về với thầy me tôi, nơi ngục thất khả ái của tôi. Không biết tôi còn

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 93 - 100)