Giọng điệu dí dỏm, hài hước

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 126)

Bên cạnh giọng điệu chua xót, thương cảm, nhà văn còn cất lên âm điệu dí dỏm, hài hước trong những trang viết của mình. Giọng điệu dí dỏm, hài hước trước hết được Lưu Trọng Lư sử dụng để làm nổi bật tâm hồn trong sáng, ngây thơ, sôi nổi của nhân vật.

Những chàng trai đua nhau tìm cách thể hiện, lấy lòng trước cô gái trên chiếc xe trên đường đi Sầm Sơn trong Sầm Sơn vui thú xiết bao được miêu tả bởi giọng điệu hài hước: “Tôi thì kêu choang choác, mà anh giáo Vũ làm ra bộ can đảm lắm. Không những anh không kêu la một tiếng nào, mà anh còn giục anh Bửu cho xe nhanh lên nữa, đặng anh hưởng cho hết cái thú mê hồn của những giờ phút nguy hiểm… Của đáng tội, anh giáo Vũ cũng sợ mửa mật, chỉ muốn làm ra vẻ “anh hùng” trước mặt một thiếu nữ đó thôi, anh có ngờ đâu cái gan “anh hùng” của anh đã làm cho anh thiệt nhiều lắm” [45, 107].

Bằng một giọng văn tươi vui, tinh nghịch, nhà văn đã gợi lên tâm hồn trong sáng, sôi nổi của một cô gái tân thời. Trong bức thư đầu tiên Nhung gửi Đông khi về Huế, giọng điệu dí dỏm toát lên trong từng câu chữ: “Chết! Nhung lại làm thơ mất rồi! Nhung đã hứa với Đông không bao giờ làm thơ

nữa kia mà! Anh Đông ạ, hôm kia lúc ở ga về chắc Đông buồn lắm nhỉ! Đừng buồn, bọn Tuấn, Linh, Kỷ chúng cười cho đấy! Nhung lúc khỏi ga Hà Nội, cũng có nao nao chút ít, nhưng rồi thấy khuây khuây dần. Có lẽ Nhung nói chuyện nhiều quá. Với bất kỳ người nào, Nhung cũng hỏi chuyện, mà toàn là những chuyện đâu đâu cả! Hết nói chuyện thì Nhung lại nhô đầu ra xem sông núi. Những cảnh quá tầm thường, quá bằng phẳng không giữ được Nhung lâu. Nói chuyện vẫn thú hơn nhiều!” [45, 387-388].

Cuộc đối thoại giữa Lạc và Huy - hai thanh niên tân thời khi sửa soạn để đi xem chiếu bóng được nhà văn miêu tả bởi một giọng điệu bông đùa, hài hước:

“Huy vội vàng bưng đưa đến tận tay vợ những đồ trang điểm và vui vẻ giục vợ:

- Thưa bà, bà “phấn son” đi cho tôi một chút. Cả tỉnh đương ngóng trông bà.

Lạc đưa mắt trừng chồng: - Chỉ được cái nói tầm bậy.

Và soát lại những đồ điểm trang, hạch chồng:

- Thế còn ống “sáp” của tôi đâu nữa, mình?” [45, 564].

Với giọng điệu hóm hỉnh, dí dỏm, đoạn đối thoại đã gợi cho người đọc một không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc của hai vợ chồng trẻ cùng với sự hóm hỉnh của những thanh niên tân thời.

Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh không chỉ được sử dụng để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn ngây thơ, trong sáng của nhân vật mà còn thể hiện sự châm biếm, mỉa mai trước nhưng thói hư tật xấu của con người.

Một cô gái trong Cái chết hiếu danh quyết định tự tử vì đã “trót không chồng mà chửa” nhưng lại tìm đến một cái chết ồn ào, cô đã viết thư tuyệt mệnh gửi lại cho nhà báo để lưu giữ cái chết của mình như một chứng tích của cuộc đời đau khổ: “Sau mấy chữ tên to tướng: “Trần Thị Thụy Lan”, cô lại đèo thêm cái địa chỉ nữa: “13 Hàng L…”. Rõ ràng đến thế mà cô Thụy Lan còn sợ thiên hạ không nhận ra được đích danh người bạc mệnh. Cô niêm

lại, ngoài bì cô để cho nhà H.N. nhật báo. Cô nhét vào túi áo rồi cô đi lại mở rương ra, cô lấy một bộ áo rất đẹp, rất choáng” [45, 66]. Đằng sau từng câu chữ, người đọc dường như cảm nhận được nhà văn đang nở một nụ cười hóm hỉnh đầy mỉa mai, giễu nhại trước sự toan tính tầm thường của con người.

Cái cười nhẹ nhàng, dí dỏm còn toát lên qua đoạn khắc họa sự vụng về của một cô gái tân thời giàu có khi nàng vào bếp: “Trên nét mặt nàng có vẻ rộn ràng và xung quanh nàng đầy những người cho nàng sai bảo. Một thằng bếp chính, hai thằng nhỏ, một u già, còn không đủ để cho nàng sai. Chúng chắc lấy làm lạ rằng: làm sao khi có nàng giúp vào, thì chúng thấy mình lại phải làm lên bội phần, mà công việc thì chỉ có thế, vẫn như ngày thường, cũng chừng ấy món ăn, cũng chừng ấy món phải xào, phải nấu, phải nướng, phải luộc… Quang cảnh nhà bếp ầm ĩ những tiếng nàng quát bảo. Sai đi lấy một cái thìa, một đôi đũa, nàng cũng có thể thấy ở trong những việc nhỏ nhặt ấy một cái cớ để mà mắng bọn tôi tớ. Nàng chỉ có sai bảo và rầy mắng mà thôi, nhưng xem chừng nàng đã mệt lả. Đứng ở bên lửa, bồ hôi nàng chảy ra như tưới, dầu đã có một thằng nhỏ đi theo nàng để quạt cho nàng không ngớt” [46, 889].

Một khách làng chơi quá tôn thờ cái đẹp tới mức u mê được thể hiện qua lời tâm sự hài hước, đầy mỉa mai, giễu cợt, châm biếm của một cô gái giang hồ: “Thực vậy, chả bù cho thằng Nhân lùn, thằng này thì thờ phụng sắc đẹp một cách thái quá. Chả thế mà một lần nọ, nó nói với em: “Em Nhung ạ! Giá anh có được một người tình có cặp mắt say đắm như em, thì anh sẽ mua cái xe 8 ngựa đón em về nhà, và một ngày hai bận anh lại quỳ dưới chân em ngẩng mặt thành kính ngắm cái sắc đẹp mê hồn của em. Với anh, em chỉ là một bức tượng thiêng liêng, đặt ở xa những sự dục vọng phàm tục của anh”. Gớm, hắn nói nhiều lần quá, đến bây giờ em thuộc lòng cả cái “văn chương” của nó” [46, 749].

Không giễu nhại, chua chát như Vũ Trọng Phụng, không đả kích quyết liệt như Nguyễn Công Hoan; ẩn hiện trong các tác phẩm truyện của Lưu Trọng Lư là giọng điệu hài hước, dí dỏm xen lẫn mỉa mai, châm biếm, nhẹ

nhàng. Ông bắt đầu từ sự thật khách quan của đời sống, không cần bình luận, nhận xét, nhưng qua giọng điệu, người đọc vẫn nhận ra một cái cười hài hước đầy bao dung của tác giả.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 126)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w