Mối quan hệ giữa các sắc thái giọng điệu

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 131 - 138)

Các sắc thái giọng điệu đa dạng và phong phú trong truyện Lưu Trọng Lư có khi không tách rời, chúng đan xen hòa quyện tạo nên một bản nhạc đa âm lí thú.

Đằng sau lời giới thiệu thản nhiên về cậu bé sớm mồ côi mẹ, phải ở cùng với dì ghẻ là sự chua xót tận đáy lòng trước số phận bất hạnh của nhân vật: “Thủa ấy, thằng Cạc còn ở phố Hàng Đồng. Nó ở với cha nó. Nó không biết có mẹ nó, hằng ngày chỉ thấy có một bà mà nó gọi bằng dì. Nó không biết có anh em, hằng ngày chỉ thấy có một cậu bé suýt soát tuổi nó mà nó gọi là cậu Tân. Cha nó và dì nó làm nghề cầm đồ, bóp nặn người ta mà lấy lãi” [45, 34] hay “Gặp cơn “xúi quẩy”, dì nó lại càng thêm đổ quạu với nó. Dì nó coi nó như một thằng ăn báo. Nhưng thật ra, nó có tốn cho ai một chút xíu gì đâu: ăn thì ăn cơm thừa, mặc thì mặc áo thải. Nó có cướp là cướp phần con Vện, con Vàng, chứ nó có cướp phần ai. Thế mà động một tí, dì nó lại mắng: “Đồ vạ! Đồ báo!” [45, 35]. Cảm nhận của nhân vật tôi trong Thi sỹ về sự thay đổi, tàn tạ của thi sĩ Văn Hữu được diễn tả bằng giọng điệu hài hước pha chút giễu cợt: “Nhà thi sỹ đã thay đổi hẳn, từ đầu cho tới gót chân. Trong cái áo the rộng thênh và vá nhiều chỗ, nhà thi sỹ giống như một cái bù nhìn. Cái mũ “phớt” của bác, tôi có thể so sánh mà không giảm giá trị của nó đi một tý nào, - tôi có thể so sánh với cái mũ ở trên đầu bác hàng phở. Còn về đôi giày trắng của bác, thì cho phép bỉ nhân ngờ cái sự trắng của chúng nó một chút. Các bác cho phép tôi dùng những câu văn ngông nghênh để tả những vật ngộ nghĩnh. Đó là tôi chưa phải tả đến cái mái tóc rủ đến tận cổ áo, cái da mặt nhăn nhó, cái bộ râu mép lởm chởm như những rễ tre…” [45, 83]. Với những hình ảnh giàu sức gợi tả về một bức chân dung biếm họa như “áo the rộng thênh và vá nhiều chỗ”, “bù nhìn”, “mũ trên đầu bác hàng phở”, “mái tóc rủ đến tận cổ áo”, “da mặt nhăn nhó”, “bộ râu mép lởm chởm như những rễ tre” cũng với cách nói bông đùa, suồng sã như “tôi có thể so sánh mà không giảm giá trị của nó đi tý nào”, “cho phép bỉ nhân ngờ cái sự trắng của nó một chút”, “cho phép tôi dùng những câu văn ngông nghênh”, “đó là tôi chưa tả đến”, nhà văn đã vẽ nên trước mắt người đọc hình ảnh khôi hải về người nghệ sĩ nghèo. Nhưng đằng sau từng câu chữ vẫn ẩn chứa một nỗi xót xa trước cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của người nghệ sĩ bởi “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu).

Đám cưới - một sự kiện hệ trọng trong cuộc đời con người được nhà văn tái hiện không hề nghiêm túc bởi một chất giọng hài hước, pha chút giễu nhại nhưng đầy chua chát, bẽ bàng: “Thế rồi vài chiếc xe hòm đến cướp nàng đi. Đám cưới cử hành một cách giản dị, êm đềm. Không có những người hiếu kỳ chực sẵn ở góc đường đầu phố để dòm cô dâu. Không có những tiếng reo hò của trẻ con. Không có tiếng pháo nổ. Đám cưới của người vợ lẽ lạnh lẽo buồn tênh!

Nguyệt ngồi bên cạnh bà Tham, hai mắt mơ màng trông ra ngoài… Những hàng cây mù u nhìn nàng một cách điềm đạm. Nàng thấy lạnh lùng tưởng mình đang dự một đám ma không kèn không trống, im lặng đi, đám ma hấp tấp vội vàng trong lúc đêm khuya của một khách giang hồ không bà con thân thích, bỏ mình chốn nước non xa lạ” [45, 444-445]. Đằng sau tiếng cười hóm hỉnh, hài hước, người đọc như thấm thía được nỗi chua chát của cuộc đời, của bi kịch con người. Cười đó mà đang khóc đó. Giọt nước mắt chua cay cảm thông chia sẻ cho nỗi đau khổ của con người được giấu kín đằng sau nụ cười.

Có khi nhà văn cất lên giọng văn chiêm nghiệm triết lý xen lẫn trong nỗi niềm chua xót, đớn đau. Khi phát hiện ra ý đồ bất chính của dượng Tham, Nguyệt đã trút hết nỗi lòng của mình qua bức thư gửi người yêu với những triết lý chua chát về cuộc đời toàn những điều xấu xa, đê tiện: “Cuộc đời nó chua chát, nó sâu hiểm thật, thỉnh thoảng nó lại buông ra một điều khó chịu để trêu mình chơi. Xung quanh mình toàn là một lũ khốn nạn, đê hèn, chỉ hòng phá hoại cái hạnh phúc của ta, của đôi ta…” [45, 434].

Với một giọng điệu chua xót, chứa chan chất chứa những suy ngẫm, triết lý, nhân vật Thiệu khi bị gia đình ngăn cản tình yêu, ép buộc phải lấy vợ đã thể hiện sự dằn vặt, đau đớn cùng những chiêm nghiệm về cuộc đời mình: “Mỗi buổi sáng, khi tâm trí ta còn chưa bợn một chút bụi đời, hàng ngày, ta xét vào ta, ta sẽ thấy khoái trá và kiêu ngạo vô cùng về cái sự sống kỳ diệu của một công trình tạo hóa là ta. Ta sẽ thấy rằng: Ta đem dùng cái kỳ diệu, cái đẹp đẽ như thế nào những việc sầu não, đen tối, những việc khuất khúc, quanh co, ấy là vì ta đã bị hung thần dẫn lối mà không biết” [45, 549]. Tình

yêu với sự khác biệt tôn giáo đã khiến nhân vật trăn trở, dằn vặt trong đau đớn, xót xa: “mỗi chúng ta, có một số phận; vui hay buồn, sướng hay khổ, là ở chỗ chính mình biết cách hay là không… Số phận của ta thật là muôn vàn khe khắt. Ta đã phải chèo chống cuộc tình duyên của ta trên đôi dòng nước. Đôi dòng nước ấy là hai tôn giáo cách biệt nhau. Sự cách biệt ấy chính là cái cớ đau khổ của đôi ta. Những viên giáo chủ khi sáng lập những đạo giáo ấy, chỉ là vì cái chủ ý cao quý nhân đạo: đưa lại cho thế nhân sự an lành ở cõi này và ở cõi kia, ở thiên đường và ở dương thế. Những vị ấy nào có ngờ đâu rằng bên những công trình tốt đẹp ấy, cũng đã tạo nên cả những nạn nhân đau khổ, vì các vị mà chịu đau thương” [45, 549-550]. Giọng điệu triết lý, suy ngẫm hòa hòa lẫn trong giọng điệu đau đớn, xót xa đã diễn tả những mẫu thuẫn, những day dứt trong nội tại đời sống nhân vật.

Nỗi trăn trở của một người nghệ sĩ chân chính mong mỏi bắt gặp tiếng nói tri âm được thể hiện bởi giọng điệu triết lý, suy ngẫm xen lẫn tiếng thở dài chua chát, tủi hờn trước sự vô tình, lạnh lùng của con người: “Nhưng mà, ngài nghĩ coi, giữa những tiếng ồn ào lộn xộn, tiếng đàn “tri âm” của tôi, còn ai biết tới? Giá những lúc bấy giờ tôi gẩy những tiếng “bập bùng” tôi cũng có xu bề bộn. Xét cái tiền họ cho tôi đó là vì thương tôi là kẻ tàn tật, chứ không không phải chuộng tôi là một nhà nghệ sỹ… Tiền ấy nuôi tôi sống, nhưng mà có danh giá gì cho tôi? Trái lại tôi lấy thế làm tủi nhục lắm, vì ở đời còn gì tủi nhục hơn là không ai hiểu biết tới mình, có tài mà không chỗ dùng hay là bị dùng sai… Cho nên những lúc canh tàn khắc vợi, tôi ngồi ở dưới gốc cây đa là nơi tôi thường về trú ngụ, tôi đưa đàn ra gẩy. Tay gẩy, tai nghe, tự mình thưởng thức lấy mình. Đó âu cũng là một cách tự an ủi của nhà nghệ thuật mà trên đường đời thường vắng bặt bóng tăm người tri kỷ” [45, 54].

Lại có lúc, những sắc thái giọng điệu hài hước, chua xót, thương cảm, triết lý, chiêm nghiệm đan xen vào nhau trong tác phẩm. Với một giọng điệu thản nhiên nhưng đầy chua xót, nhân vật Nguyệt đã có những suy ngẫm, dằn vặt khi phải trở thành vợ lẽ của chính người dượng để tròn chữ hiếu: “Nàng vừa thấy thân

mình như món nợ có thể trị giá bằng bạc thật… Nàng đau đớn vô cùng. Rồi nàng lại cho rằng: nghĩ thế là đã gần như phạm đến chữ “hiếu” thiêng liêng… Mà từ rầy trở đi, nàng chỉ sống theo ý muốn của cha mẹ nàng, đúng như câu tục ngữ “đặt đâu thì ngồi đấy”. Nàng không kháng cự một lời, vì kháng cự là bất hiếu” [45, 442]. Từ đó, nhân vật chiêm nghiệm đầy triết lý về những quy tắc hà khắc, nghiệt ngã trong xã hội phong kiến: “Theo cái luân lý xưa nay, con tức là cái di thể của cha mẹ, thân mình hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của cha mẹ. Nhờ sự kèm cặp của cha mẹ bấy nay, cô học sinh ngây thơ bây giờ mới “ngã người” trước cái chân lý: “mình không bao giờ có quyền xử liệu cái thân theo ý muốn”. Cái luân lý ấy đã cai trị một xã hội trong mấy ngàn năm, cái luân lý ấy không thể lầm được… Người cha là người tự tay ông bà trao cho trách nhiệm bảo vệ cái luân lý ấy, thì những mệnh lệnh gì tự người cha truyền ra, là phải “tuyệt đối”.

Nàng chỉ còn một cái quyền, cái quyền phản đối, im lặng ở trong lòng, cái quyền nén giận, nuốt hờn…” [45, 442].

Nhìn chung, Lưu Trọng Lư - một cây bút văn xuôi nổi bật - đã để lại cho đời những tác phẩm đặc sắc với nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo; ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng, phong phú từ ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất thơ cho tới ngôn ngữ giản dị, mộc mạc của đời sống, ngôn ngữ trần thuật có sự kết hợp giữa kể, tả, bộc lộ cảm xúc; cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn của các sắc thái giọng điệu chua xót, thản nhiên, triết lý, chiêm nghiệm. Tất cả những yếu tố ấy đã hòa quyện vào nhau tạo nên một bản hòa tấu đa thanh, đa điệu trong truyện Lưu Trọng Lư.

KẾT LUẬN

1. Đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã có một cuộc chuyển mình mạnh mẽ ở tất cả các thể loại trên tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Trong đó, truyện là một thể loại phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu nở rộ. Lưu Trọng Lư là một nghệ sĩ đa tài. Ông không chỉ là một kiện tướng trong phong trào Thơ mới với những đóng góp sắc sảo về lí luận và thực tiễn sáng tác độc đáo, mà còn là một nhà viết kịch sáng tạo và đặc biệt, ông còn là

một nhà văn đầy tài năng. Với một số lượng tác phẩm khá lớn và phong phú, từ những truyện thần tiên, ma quái, truyện truyền thuyết, dã sử cho tới những truyện tâm lý xã hội, thế sự của Lưu Trọng Lư đều thực sự rất độc đáo và có sức hấp dẫn lớn đối với người đọc.

2. Truyện Lưu Trọng Lư trước 1945 đã lôi cuốn được đông đảo bạn đọc bởi sự phong phú trong cảm hứng sáng tạo. Là một nghệ sĩ tinh nhạy trước những biến động của thời cuộc, Lưu Trọng Lư đã vẽ nên một bức tranh hiện thực đời sống chân thực, muôn màu, muôn vẻ từ cuộc sống nghèo khổ khốn khó của những đứa trẻ nghèo, những cô gái giang hồ, những người nghệ sĩ chịu cảnh “áo cơm ghì sát đất”, những người nông dân oằn mình vì gánh nặng sưu thuế, sự tha hóa của một bộ phận thanh niên đắm chìm trong chốn trụy lạc, cho tới bộ mặt tham lam, tàn ác, dâm ô, tha hóa của tầng lớp quan lại lúc bấy giờ…

Hơn nữa, Lưu Trọng Lư còn là một nhà thơ lãng mạn dấn thân vào lĩnh vực văn xuôi, bởi vậy, tác giả đã phủ lên từng trang văn của mình nguồn cảm hứng lãng mạn dạt dào. Cảm hứng lãng mạn đã dẫn dắt, mê hoặc Lưu Trọng Lư khiến ông say sưa phiêu du trong thế giới thần tiên, mộng ảo. Dù viết về cõi tiên hay cõi trần, trái tim của người nghệ sĩ luôn thổn thức trước khao khát được tìm nơi trú ngụ cho tâm hồn sầu mộng trong những cơn say của ái tình. Đắm chìm trong bể ái, Lưu Trọng Lư ưa nhắc đến những mối tình trong mộng, những tình yêu mới chớm, thoáng qua, có khi là mối tình đơn phương, tình yêu không phân biệt giai tầng… Đồng thời, tâm hồn lãng mạn đã khiến ông tìm đến vẻ đẹp của thiên nhiên có khi thơ mộng, êm đềm, khi hoang sơ, đầy bí hiểm. Từ đó, truyện của ông đã thể hiện sự thức tỉnh sâu sắc của con người cá nhân với cái Tôi say sưa đấu tranh đòi quyền sống một cách mãnh liệt với ý nghĩa đích thực được sống hết mình, là mình.

Sự hòa quyện của cảm hứng hiện thực và lãng mạn đã tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú trong truyện Lưu Trọng Lư. Nếu như cảm hứng hiện thực mang đến cho truyện Lưu Trọng Lư hơi thở ấm nồng của cuộc sống

đương thời, thì cảm hứng lãng mạn đã phủ một màn sương ảo mộng với niềm tin tưởng, sự lạc quan ở cuộc đời.

Bên cạnh đó, Lưu Trọng Lư đã xây dựng một thế giới hình tượng phong phú và đa dạng, đặc biệt nổi bật hơn cả là hình tượng những cô gái giang hồ, những nam thanh, nữ tú tân thời và những con người thất bại.

3. Truyện Lưu Trọng Lư đã thể hiện những cách tân trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Ông xoáy sâu vào thế giới cảm xúc của nhân vật với những cung bậc cảm xúc đa dạng, phong phú; đặt nhân vật vào những hoàn cảnh éo le để phân tích những căn nguyên đau khổ của cuộc đời nhân vật; sử dụng hình thức thư tín, nhật kí như một phương thức nghệ thuật làm sống dậy cả thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của nhân vật; thể hiện nhân vật từ nhiều điểm nhìn khác nhau qua điểm nhìn khách quan từ người kể chuyện dấu mặt đứng ngoài câu chuyện, qua lời tự kể về mình, qua lời bình luận của các nhân vật khác trong tác phẩm. Đồng thời, sự kết hợp giữa ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất thơ với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc của đời sống; sự kết hợp giữa kể, tả, bộc lộ cảm xúc trong ngôn ngữ trần thuật cùng với sự đan xen nhiều giọng điệu vừa chua xót, thương cảm, vừa dí dỏm, hài hước, vừa suy ngẫm, triết lý, chiêm nghiệm đã tạo nên những dấu ấn riêng cho truyện Lưu Trọng Lư giữa dòng chảy văn xuôi Việt Nam trước 1945.

4. Lưu Trọng Lư là tác giả thành công ở cả hai lĩnh vực thơ và truyện. Những sáng tác thơ của ông đã được độc giả đón nhận và hết lời ca ngợi ngay từ những ngày đầu mới chào đời. Với tư cách là một nhà văn, Lưu Trọng Lư đã để lại cho hậu thế một số lượng sáng tác đáng kể rất đa dạng và phong phú. Qua đó, thể hiện một sức viết dồi dào, một trái tim ấm nóng chan chứa sự cảm thông, chia sẻ với những kiếp người bất hạnh, một nhãn quan nhanh nhạy trước những đổi thay của xã hội, một tiếng ca say sưa nhiệt thành cổ vũ, đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Tuy vẫn còn những ý kiến đánh giá chưa đồng nhất, song những tác phẩm truyện của Lưu Trọng Lư

trước 1945 thực sự đã khẳng định một tài năng nghệ thuật độc đáo, cần được nhìn nhận đầy đủ và toàn diện hơn nữa trong tương lai.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 131 - 138)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w