Ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất thơ

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 113 - 117)

Trong buổi bình minh của nền văn xuôi quốc ngữ, cũng như rất nhiều các nhà văn khác, ngôn ngữ trong trong truyện Lưu Trọng Lư đây đó vẫn còn bóng dáng của những ngôn ngữ hoa mỹ, trừu tượng. Một số nhân vật của Lưu Trọng Lư vẫn xưng hô theo lối truyền thống: “Chàng” - “thiếp”, “chàng” - “nàng”. Lời nói của nhân vật có khi được bao bọc trong một lớp ngôn ngữ tao nhã, trang trọng: “Thưa ngài, vào sinh cơ lập nghiệp ở đây là do một sự tình cờ. Một sự tình cờ mà lại đầy ám hợp với cái lòng ước nguyện bình sinh của chúng tôi, là muốn sự yên ổn, sự yên ổn hoàn toàn để vui với nghệ thuật. Tìm những cái đẹp của trời đất mà bổ thêm cái đẹp của đời người. Cái mục đích cao xa ấy, nếu còn lặn lội mãi giữa cõi trần tục, thì chắc không ngày nào đạt được” [45, 57]. Trước cái chết đau đớn của vợ, người xẩm mù đã thốt lên những lời hoa mỹ: “Ôi! Tạo vật độc ác thay! Sắt đá thay! Tạo vật có lẽ muốn giúp tôi làm điều xằng bậy. Không còn có sức kêu gào được nữa, tôi ngồi im định tĩnh được

tâm thần. Tôi cảm thấy ngay được lẽ cao siêu, huyền bí, tôi biết rằng cái chết chỉ là một giai đoạn phải trải qua trong cái cuộc sống đời đời kiếp kiếp” [45, 59].

Tuy nhiên, bên cạnh đó, xuyên suốt các tác phẩm truyện của mình, Lưu Trọng Lư đã xây dựng một thế giới ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất thơ. Đọc những trang văn của Lưu Trọng Lư, người đọc hẳn sẽ rất thích thú trước những hình ảnh so sánh vừa bình dị, gần gũi, tự nhiên mà giàu giá trị tạo hình, biểu cảm. Đối với mỗi một người thiếu nữ, nhà văn có cách cảm nhận riêng với những từ ngữ miêu tả rất sống động, linh hoạt. Vẻ đẹp của một cô gái Huế dịu dàng, đằm thắm được tác giả so sánh với những cảnh sắc đặc trưng của xứ Huế: “nàng không khỏe mạnh lắm, cũng như tất cả các cô gái Huế, nàng dịu dàng như sông Hương, và lả lướt như núi Ngự…” và đặc biệt đôi mắt: “Đôi mắt của nàng là mùa thu bất tuyệt của tiên giới, là cảnh trong ngần của tuyết sương, là niềm ân ái không cùng” [45, 129]. Có khi đó là vẻ đẹp huyền ảo, mơ màng như tiên nữ giáng trần: “Người thiếu nữ đẹp một cách huyền ảo mơ màng, đẹp như một tiên nữ còn sáng lạn ở trong trí tưởng tượng của thi nhân” [45, 472]. Đời sống tâm hồn phong phú, phức tạp của một cô gái giang hồ được nhà văn khắc họa: “Có lúc, bên Hải, nàng chuyện trò như ngô rang, tươi vui, trong trẻo như một đóa hoa nhởn nhơ dưới trời buổi sáng. Có khi nàng ngồi im lìm ủ rũ, và màu nhiệm như một vị nữ thần” [45, 476] hay “nàng như một vị nữ thần ở trên một tinh cầu xa lạ rơi xuống” [45, 476]. Để tạo ấn tượng với người đọc về sự hồn nhiên, tinh nghịch của Nhung - một cô gái mới, tác giả so sánh với hình ảnh con manh manh - loài chim bé nhỏ mà lanh lẹ: “Nhung, người nữ sinh ngây thơ, nhí nhảnh, như một con manh manh. Con manh manh hôm qua đây, nó còn nhảy trên cành cây hoàng lan, nó rúc ở trong lá kiếm sâu và kêu chiu chít, kêu chiu chít” [45, 398].

Với những hình ảnh so sánh giản dị, gần gũi mà độc đáo, Lưu Trọng Lư đã khắc họa vẻ đẹp của các nhân vật một cách sinh động với những khuôn mặt riêng, cá tính riêng không thể hòa lẫn.

Bên cạnh đó, khi khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, Lưu Trọng Lư đã cố công tinh lọc từ nguồn chất liệu của đời sống để chọn lấy những từ ngữ trong sáng, giàu hình ảnh và đậm chất thơ. Miêu tả thiên nhiên, nhà văn cũng ưa dùng những hình ảnh so sánh đầy gợi cảm. Hoàng hôn muộn trên sông Hương được phác họa bởi những nét vẽ thật tinh tế: “Cảnh hoàng hôn đã tiêu tàn. Một mảnh trăng treo ở trên rừng xa… Thế giới như một bầu pha lê. Con sông Hương trắng phau như một dải lụa mới phiếu” [45, 145]. Khung cảnh của chốn thần tiên kì diệu, huyền ảo được nhà văn miêu tả tuyệt đẹp: “Rừng cây phủ mù, trông như một cái màn lụa trắng, óng ánh một màu trắng đục. Cảnh vật như hiện ra một tấm gương mờ bụi” [45, 222] “Cảnh trời chiều trong sáng, như một nụ cười của thiếu nữ lúc ban mai tỉnh táo” [45, 225]. Lưu Trọng Lư đã mang đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế khi miêu tả tiếng hót của những loài chim khác nhau bởi một lớp ngôn từ giàu sức gợi:

“Tiếng ở dưới khóm tùng nổi lên nghe thỏ thẻ như dòng nước ở nguồn mới tuôn ra, rỉ rách bên ghềnh đá: ấy là tiếng oanh vàng.

Tiếng ở trong những chòm lệ liễu đưa ra lạnh lùng, như tiếng hát của người chinh phụ, ru đứa con thơ: ấy là tiếng hoàng hạc.

Tiếng ở bên những chòm vạn niên thanh đưa đến nghe sang sảng như cung đàn của người thiếu nữ sắp lấy chồng: ấy là những tiếng của những con bạch yến” [45, 299].

Nhà văn đã rất tài tình khi vừa khiến người đọc hình dung rõ hơn về những sắc thái khác nhau của từng loài chim, vừa gợi lên một thế giới xa xăm, huyền ảo mà nên thơ bởi lớp ngôn từ giàu sức gợi tả với hàng loạt các từ láy: “thỏ thẻ”, “rỉ rách”, “lạnh lùng”, “sang sảng”. Phải có một tâm hồn thật tinh tế, nhạy cảm và một trái tim thiết tha yêu, khao khát sống sâu, sống trọn với cuộc đời, Lưu Trọng Lư mới có thể viết nên những dòng văn đậm đà chất thơ như thế. Cùng với những hình ảnh so sánh giàu sức gợi, Lưu Trọng Lư còn tận dụng tối đa hiệu quả diễn đạt của các từ láy khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên: “Một vừng trăng mờ mờ e lệ, ngại ngùng sau đỉnh núi, lặng soi cái bóng mình

lung linh dưới nước. Trời nước lẫn một màu. Vài làn mây bạc trôi lạnh lùng… Những cây lệ liễu rung rinh trên bờ và dưới nước” [45, 299]. Vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Hương được gợi lên bởi một lớp ngôn ngữ nên thơ, giàu hình ảnh với hàng loạt các từ láy “chập chồng”, “xa xa”, “lăn tăn”, “vùn vụt”, “phơn phớt”, “lững thững”, “ngấm ngầm”, “khoảng khoát”: “Mặt trời đã sắp lặn ở dẫy núi chập chồng xa xa, còn gieo xuống dòng sông một dải lụa mà những sợi tơ vàng lăn tăn óng ánh như những sợi kim tuyến. Gió chiều ở dưới nước thổi lên vùn vụt, những tà áo đánh vào nhau phơn phớt, dội vào trí nàng như những tiếng vỗ cánh của một con chim non. Những làn mây lững thững bay trên trời và trôi dưới nước, dễ làm cho nàng có cái cảm tưởng rằng: trên mình nàng đang ngấm ngầm mọc lên hai cánh, và chốc nữa đây nàng sẽ vỗ cánh bay xa, bay cao, bay lên khoảng trong sáng, khoảng khoát, vô tận…” [45, 430].

Ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất thơ còn được nhà văn Lưu Trọng Lư sử dụng để miêu tả những biến động phức tạp trong đời sống tâm lý của nhân vật. Nỗi cô đơn, bẽ bàng, chán nản của nhân vật Nguyệt khi phải trói chặt cuộc đời mình vào hôn nhân không tình yêu với cụ Tham, chịu cảnh hẩm hiu của kiếp vợ lẽ được khắc họa: “Mấy hòn núi Mật rời rạc ở chân trời, trông như những người khách giang hồ, trong buổi chiều hoàng hôn lạc bước ở một nơi hoang vu, nặng mang một khối u hận, chân chẳng buồn lê đi nữa. Nàng thấy có một cái cảm giác lạnh lùng, quạnh quẽ. Lấy chồng đã hai tháng nay, nàng coi mình như một người bộ hành chán nản, hững hờ đi trên một con đường vắng vẻ, gió thổi lạnh lùng, từ trên vòm trời thăm thăm buông tới đôi tia sáng lờ mờ, cảnh vật đôi bên như thực như ảo” [45, 447].

Những phút giây thần tiên say sưa trong tình ái của Đông và Nhung trong Cô Nhung được diễn tả vô cùng tinh tế: “Không bao giờ Đông thấy Nhung đáng yêu, đáng kính, trong sạch, ngây thơ và từ bi đến thế.

- Nhung.

Một tiếng gọi dịu dàng như ngón tay tiên khiến Nhung ngoảnh lại, nhìn bạn mỉm cười. Đông giữ chặt lấy hai tay Nhung, và kéo nàng vào lòng. Bốn

mắt nhìn nhau, ngây ngất. Đông sẽ đặt một cái hôn dịu dàng lên trên đôi môi thắm của bạn, đôi môi vừa hé xong một nụ cười. Cái hôn nồng nàn và thần tiên tan mau như một cái mộng” [45, 386].

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 113 - 117)