Thể hiện nhân vật từ nhiều điểm nhìn khác nhau

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 108 - 113)

Từ đầu thế kỉ XX, đặc biệt từ năm 1930, trọng tâm của truyện chuyển dịch từ yếu tố sự kiện sang nhân vật. Nhìn nhận con người với tư cách cá nhân, cá thể với những số phận, những cuộc đời riêng biệt, các nhà văn thời kì này đã khắc họa nhân vật dưới nhiều điểm nhìn khác nhau. Các nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư không chỉ được khắc họa qua điểm nhìn khách quan từ người kể chuyện dấu mặt đứng ngoài câu chuyện, qua lời tự kể về mình, cũng có thể hiện lên qua bình luận của các nhân vật khác trong tác phẩm.

Nhân vật của Lưu Trọng Lư có khi hiện lên qua lời kể của người kể chuyện giấu mặt không tham gia vào câu chuyện, song cũng như ở các tác phẩm của Tự lực văn đoàn, người kể chuyện ở đây luôn tiếp xúc trực tiếp, cận cảnh và biết tường tận về đời sống nội tâm của nhân vật. Tuy hiện lên qua lời kể của người kể chuyện ở ngôi thứ ba giấu mặt nhưng tất cả nỗi cô đơn, bẽ bàng, chán nản, thất vọng, đau đớn của nhân vật Nguyệt trong Cô Nguyệt khi tình yêu trong sáng, thơ mộng với Thanh tan vỡ, nàng phải làm lẽ của chính người dượng đáng tuổi cha nàng, đã hiện lên đầy day dứt: “Nàng không biết vậy có phải là cái cuộc đời lộng lẫy cao thượng mà nàng thường ước ao không, hay là một chuỗi ngày vô vị, vô chủ định, đưa qua một cái buồn lạnh lẽo, tê tái thấm thía đến tận tâm

hồn. Nàng đặt tấm lụa xuống bàn, tự nghĩ: giá mỗi khi ta đương thêu như thế này, có được người nào rón rén đến sau lưng ta, bưng mắt ta và hôn ta một cái dịu dàng và nồng nàn ở trên trán ta để thưởng cho những đường thêu xinh xắn ở trên mặt gối… Bỗng nàng rùng mình. Nàng vừa sực nhớ đến những cái hôn khô khan đã rít vào má nàng, những cái hình ảnh rùng rợn hôm động phòng đã không thể rời nàng được nữa. Nàng sợ cảnh hoàng hôn, sợ nhất là đêm tối, cái đêm tối đem đến cho nàng những cảm giác ghê gớm…” [45, 448]. Đời sống nội tâm với những giằng xé, trăn trở của nhân vật Nguyệt đã được hiện lên qua lời của người kể chuyện giấu mặt, ở cự ly rất gần, thấu hiểu tường tận những tâm tư, tình cảm của nhân vật.

Lưu Trọng Lư có khi để nhân vật tự bộc lộ qua sự soi xét với chính cõi lòng mình. Đó là những nhân vật xưng “tôi” kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Những chàng trai tân thời trong truyện Lưu Trọng Lư thích chiêm nghiệm về những rung động sâu xa của những mối tình thơ mộng, trong sáng, tình yêu đơn phương không dám tỏ bày qua Em hãy còn thơ, Một lần tôi đi qua, Tình trong

giây lát...; đó cũng có thể là nỗi ân hận không nguôi vì phút giây hiểu nhầm để

rồi đánh mất tình yêu của cô bé Liên trong Cô bé hái dâu…

Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, bởi vậy, nhân vật trong tác phẩm bao giờ cũng được khắc họa trong mối quan hệ với các nhân vật khác. Nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư không chỉ hiện lên qua lời của người kể chuyện, qua lời tự thuật mà còn được khắc họa qua đánh giá của các nhân vật khác. Vịnh trong con mắt của Đối là cô gái quê mỹ miều nhất mà nó đã từng gặp: “Duy chỉ có con Vịnh là trọn vẹn mà thôi. Nó đẹp một cách kín đáo, phúc hậu, lại có duyên thầm, và ăn nói nhỏ nhẻ như một con tép” [45, 181]. Nhưng đối với gia đình Đối, Vịnh chỉ là “một đứa ở thuê, một con ăn mày, đồ cầu bất cầu bơ, không nhà không cửa” [45, 181], không thể xứng đáng với gia đình danh giá ấy. Thân gái đơn côi, để tránh khỏi làng phạt vạ, Vịnh phải lấy thằng Mõ, luôn chăm lo cho gia đình nhưng không nguôi thương nhớ Đối. Đến cuối tác phẩm, sự việc Vịnh phải lấy thằng Mõ đã

trở thành đề tài bàn luận của những người làng khi nghe tin Đối chết với những cách đánh giá khác nhau, có người cho rằng: “Con ấy thế mà bạc!” lại có người biện minh cho Vịnh: “Kể thì cũng là bất đắc dĩ” [45, 194]. Đưa ra những dư luận xã hội trái chiều nhau, nhà văn đã một lần nữa tô đậm bi kịch số phận của nhân vật Vịnh.

Trong thế giới nhân vật của Lưu Trọng Lư, các nhân vật gái mới thường được đặt ở nhiều điểm nhìn với quan điểm hoàn toàn trái ngược để làm nổi bật những xung đột của cái cũ và cái mới. Nhân vật Lạc trong Từ thiên đường đến địa

ngục qua cái nhìn say mê đầy yêu thương của người chồng hiện lên như một thiên

sứ cứu rỗi linh hồn của Huy: “Vợ tôi đã đưa lại cho tôi một chút ánh sáng, cái thứ ánh sáng xưa kia đã chói lọi tâm hồn tôi, cái thứ ánh sáng làm cho người ta vui nhìn những cảnh khả ái của vũ trụ, và những cảnh đời xán lạn ở trước mắt” [45, 574]. Quả thực, dưới con mắt của một kẻ si tình, người yêu, người tình, người vợ của họ luôn luôn đẹp diệu kì. Nhưng bên cạnh đó, Lưu Trọng Lư đã rất khéo léo soi xét nhân vật qua điểm nhìn của người mẹ chồng bởi xưa nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn dĩ luôn bất hòa. Dưới con mắt của người mẹ chồng khắt khe, cổ hủ, Lạc là một đứa con dâu hư hỏng: “Nó làm như nhà mình chẳng khác như bên nhà nó. Về làm dâu, cũng vẫn giữ cái tính xi xanh xi xẹt ấy, đi ra một bước là giày là dép, là áo này áo nọ, làm lòe chói cả mắt thiên hạ” [45, 578]. Rồi từng hành động của Lạc cũng được mẹ chồng phán xét kĩ lưỡng: “Mỗi buổi sáng, bao giờ cũng dậy một lúc với chồng, mà thảng hoặc có bữa dậy sớm được, thì nó cũng giầy guốc lộp cộp, xem cái giấc ngủ của me không bằng cái giấc ngủ của một con nhài, thằng ở! Lắm lúc, nó kéo đâu đến không biết bao nhiêu là người đến chật nhà” [45, 578]. Và việc Lạc mời bạn đến nhà cũng bị xem là cố tình trêu tức mẹ chồng: “Vợ con không phải không biết tính me chẳng thích những điều ấy, nhưng hình như nó muốn rủ các cô ấy đến để trêu me” [45, 578]. Cùng quan điểm với bà mẹ chồng, bố của Huy cũng kịch liệt lên án cô con dâu: “Anh không biết dạy vợ. Anh không thể dạy được vợ. Anh để nó lộng quyền lắm rồi” [45, 578]. Nhân vật Lạc không chỉ được khắc họa trực tiếp qua điểm nhìn của tác giả mà còn được soi

chiếu qua những điểm nhìn khác như người chồng, bố mẹ chồng. Từ đó, nhân vật hiện lên sinh động, chân thực hơn.

Bên cạnh đó, để thể hiện những quan điểm riêng của mình về số phận của những cô gái giang hồ, Lưu Trọng Lư cũng để họ hiện lên qua sự đánh giá của nhiều nhân vật khác nhau. Lan trong Gió cây trút lá trước hết được soi chiếu từ điểm nhìn của Hải - một chàng y sỹ đã trót đem lòng yêu Lan. Và ngay trong điểm nhìn của chính nhân vật này, nhà văn cũng đã tạo nên sự khác biệt trong cách đánh giá, nhìn nhận về Lan. Hải cũng đã từng khinh thường Lan: “Chàng mới nhận thấy rằng Lan chỉ là một cô gái giang hồ. Một gái giang hồ như trăm nghìn gái giang hồ khác. Nàng ca để vui lòng khách. Nàng đùa cợt để xứng đáng tiền khách. Và chiều khách có lẽ nàng hút a phiện nữa… nàng đã hút nhiều. Rồi một ngày kia nàng sẽ nghiện. Cái hình ảnh của người đàn bà nghiện làm cho chàng ghê rợn quá. Chàng xao xuyến lên như một người điên. Một sự kinh khủng ghê gớm” [45, 481]. Rồi khi Hải nhận ra tâm hồn trong sáng, chân thành của Lan, “Chàng cho Lan là một bà tiên màu nhiệm có đủ mọi quyền phép, khi ẩn thì màu nhiệm bí mật, khi hiện thì sáng lạn rực rỡ” [45, 477] và chàng quyết định đưa Lan về chung sống mà bất chấp mọi lời dị nghị. Nhưng xuất phát từ quan điểm lễ giáo phong kiến với những quy định hà khắc, quan Phủ Lê - cha của Hải - cho rằng Lan là người đã quyến rũ cậu con trai vốn sinh ra trong một gia đình nề nếp gia phong và Lan thực chất chỉ là một đứa giang hồ đáng khinh bỉ. Bên cạnh đó, trong một lần Hải đi tìm Lan, chàng đã gặp một ông lão trên con thuyền câu nhỏ, và Lan lại hiện lên qua cái nhìn trìu mến của nhân vật này: “Con người ấy mà chết giời không cho lão chết thay! Tội nghiệp con người phúc đức có một” hay “tuy là gái giang hồ mặc, nhưng mà cũng có ba bẩy hạng giang hồ…” [45, 505]. Tiếng nói tiếc thương của ông cụ với Lan cũng chính là sự day dứt, đồng cảm, bênh vực của Lưu Trọng Lư trước số phận đau khổ, bất hạnh của những cô gái giang hồ.

Trong cùng một tác phẩm, nhân vật của Lưu Trọng Lư có khi hiện lên trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa điểm nhìn của người trần thuật giấu mặt, nhân vật tự thể hiện mình và qua lời đánh giá của các nhân vật khác.

Đời sống nội tâm phong phú, hồn nhiên của nhân vật Nhung đã được khắc họa qua lời kể của người kể chuyện thấu hiểu. Nỗi đau khổ, buồn chán khi phải sống trong những ngày tháng vô vị với người chồng Nhung không hề yêu thương đã được thể hiện rõ nét từ điểm nhìn của người trần thuật: “Nhung đương đứng ở vườn, lặng nhìn mấy lá trúc đào phập phồng như những hơi thở đều đều… Lần đầu tiên, Nhung cảm thấy cây trúc đào xinh đẹp của mình có một cái linh hồn. Lần đầu tiên, Nhung muốn nói với cây trúc đào một câu chuyện tâm tình đằm thắm… Nhung muốn trao gửi cho cây trúc đào một cái cảm giác mãnh liệt vừa đến làm xao xuyến lòng nàng, cái lòng nàng cũng bằng phẳng, cũng nguội lạnh như cái cuộc đời của nàng, từ ngày hôm ấy” [45, 398]. Bên cạnh đó, nhân vật Nhung còn được tác giả trao cho cơ hội tự bộc lộ mình qua những trang nhật kí, qua những bức thư Nhung gửi Đông khi ở Huế. Ngoài ra, nhân vật đồng thời được tái hiện qua cách đánh giá của những nhân vật khác. Cô Nhung trong cái nhìn của những người bạn đồng trang lứa là một cô bé hồn nhiên, tinh nghịch, đáng yêu, nhưng trong qua con mắt khắt khe của người cha (ông Phán Vịnh) lại trở thành “con bé nhà ta ngông lắm rồi” [45, 370]. Đọc những trang nhật ký của Nhung, phát hiện thấy những dấu hiệu tân thời ở cô con gái, ông Phán Vịnh vô cùng tức giận, rồi ông truyền sự khinh bỉ những thứ Nhung tôn thờ cho bà Phán: “Mỗi cô đào, giở đến, lại được ông Phán xen vào một lời bàn chua chát, cay độc, ông bàn khéo đến nỗi những cô đào ấy mà khắp thế giới, từ cô Nhung cho đến ông Hitler, đều cúc cung thờ phụng, thế mà dưới mắt bà Phán, trở nên một bọn gái tầm thường, trụy lạc, một bọn xướng ca vô loài” [45, 372].

Thể hiện nhân vật từ những điểm nhìn khác nhau, Lưu Trọng Lư đã tạo nên một thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, sinh động và chân thực. Đồng thời qua đó, ông còn kín đáo gửi gắm cái nhìn đầy xót thương đối với những số phận bất hạnh trong cuộc đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 108 - 113)