Sử dụng hình thức nhật ký, thư tín

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 104)

Nhật ký và thư tín vốn là hình thức thể hiện nhân vật mới mẻ của văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XX. Các tác phẩm Tố Tâm, Giọt lệ hồng lâu của

Hoàng Ngọc Phách, Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản,

Duyên nợ trăm năm của Ngô Tiếp, nhật kí và thư tín đã trở thành một thủ

pháp hữu hiệu để nhân vật tự bộc lộ mình.

Nhật ký và thư tín là những yếu tố thuộc về đời sống riêng tư của con người cá nhân, là phương tiện để con người trao đổi thông tin, tình cảm, thể hiện nỗi lòng với người khác và với chính mình. Với một tác phẩm truyện có đan xen hình thức thư tín và nhật ký, những điều riêng tư sâu kín sẽ được bộc lộ, phơi bày một cách tự nhiên, chân thực. Hình thức nhật ký và thư tín đã được Lưu Trọng Lư sử dụng một cách hiệu quả để thể hiện những tâm sự thầm kín trong tâm hồn của nhân vật, đồng thời thể hiện những nét cá tính riêng của họ. Bức thư là cách để nhân vật Huỳnh Lê tỏ tình với Tâm trong Em hãy còn thơ:

“Cô Tâm

Tôi đã yêu cô, yêu với tất cả tâm hồn tôi. Vì cô có đôi mắt đẹp quá, nó là mùa thu của giời đất, và của cõi lòng tôi. Mặt trăng dịu dàng tỏa ở trong đôi mắt ấy, và trong ấy nẩy nở những cánh hoa không bao giờ tàn, không bao giờ rụng. Cô Tâm ơi! Tôi yêu cô. Tôi chỉ có thể nói được thế mà thôi. Tôi ước sao một ngày kia cô sẽ là người bạn trăm năm của tôi, gần tôi luôn, gần tôi mãi, một ngày kia, tôi có thể thổi vào tóc cô, cái hơi nóng của tuổi trẻ, tôi có thể

đặt lên làn da mát của cô, cái hôn nóng của một kẻ yêu.

Tôi chỉ muốn có thế, tôi chỉ muốn thờ phụng cô, trọn đời, trọn kiếp, hi sinh cho cô trọn đời, trọn kiếp. Tôi là một người có tinh thần thể thao, lời nói tôi đây mạnh hơn một lời thề…

Kính thư

Huỳnh Lê” [45, 130]. Với từng câu từng chữ rành mạch, rõ ràng, không bóng bẩy, trau chuốt, bức thư một mặt đã khẳng định tình yêu cuồng nhiệt của Huỳnh Lê đối với Tâm, mặt khác thể hiện tính cách thẳng thắn, mạnh bạo của nhân vật.

Như nhân vật Huy trong Từ thiên đường đến địa ngục đã tâm sự trong lá thư gửi anh Thu: “Viết thư cho anh, đối với tôi, cũng giống như là việc viết nhật ký, cốt ghi chép lại những điều mình cảm giác, điều mình tưởng, điều mình sống hằng ngày” [45, 575], hình thức thư tín đã trở thành một phương tiện đắc lực để nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư bày tỏ nỗi lòng thầm kín của mình. Những lá thư là nơi Nguyệt gửi gắm tâm sự, nỗi lòng xót xa của Nguyệt với Thanh khi nàng bị ép gả cho chính người dượng của mình (Cô

Nguyệt), là cách từ biệt âm thầm trong đau đớn của Lan trong Gió cây trút lá,

là những hứa hẹn táo bạo của Quỳnh và Thiệu trong Bến cũ, là những trăn trở, suy ngẫm của Huy trước cuộc đời qua Từ thiên đường đến địa ngục,…

Trong tác phẩm Cô bé hái dâu, hình thức thư tín đã được vận dụng triệt để vào việc xây dựng thế giới nhân vật và tạo dựng diễn biến cốt truyện. Toàn bộ thiên truyện với ba phần được xây dựng bởi mười sáu lá thư nhân vật Liên gửi cho người bạn tên Hạnh. Hàng loạt các lá thư được sắp xếp lần lượt theo trình tự thời gian là một cách tổ chức đầy khéo léo của tác giả. Thông qua những lá thư, nhà văn vừa để nhân vật tự kể lại diễn biến câu chuyện về cuộc đời mình, vừa góp phần giúp nhân vật bộc lộ thế giới tâm lý, tư tưởng một cách tự nhiên nhất. Từ không gian được mở rộng từ Huế cho đến Hoài Sơn qua cuộc chuyển nhà của Liên, nỗi đau đớn trước cái chết thương tâm của một người bạn, cho tới công việc hái dâu nuôi tằm của gia đình Liên, đặc biệt mối tình trong

sáng, thơ mộng của Liên và Dương đã được tái hiện đầy đủ, sinh động qua những lá thư. Nhân vật Liên đã thú nhận lỗi lầm của mình khi ruồng rẫy, trốn chạy Dương lúc chàng bày tỏ tình cảm trong không gian hang động kỳ thú, để rồi nàng nhận lấy sự ân hận khôn nguôi: “Hạnh ạ! Liên đã để lọt cả một cuộc tình duyên trong khoảnh khắc, giá Liên còn sống đến nghìn năm, cũng còn ân hận cái phút giây không bao giờ có ấy nữa, thì lời than tiếc này cũng chỉ coi như là những lời hão huyền vô bổ…” [45, 425]. Sự lỡ dở ấy của cuộc đời hai nhân vật đã được thể hiện thấm thía qua câu chuyện Liên kể với Hạnh thông qua bức thư về sự việc Liên tình cờ gặp lại Dương trong đám cưới của một người bạn. Dương bây giờ đã lấy vợ và có cả một đàn con nheo nhóc, nhưng vẫn dửng dưng đi bên cạnh cuộc đời không một chút tình yêu với gia đình, chàng vùi mình trong cờ bạc, thuốc phiện. Kết thúc lá thư cuối cùng Liên gửi Hạnh là nỗi dày vò, đau đớn, ân hận: “Nhưng Hạnh ạ! Cái cuộc đời dang dở của Liên rồi đến phải kết liễu đến thế nào nữa! Có nên làm lại một cuộc đời khác hay chỉ cam phận như thế: thái dâu chăn tằm và nuốt cái hận nghìn thu ấy cho đến ngày cuối cùng ở trên cái cõi trần thế?” [45, 428]. Có thể thấy, sử dụng hình thức thư tín là một lựa chọn sáng suốt của Lưu Trọng Lư, bởi chỉ có qua những lá thư gửi bạn, nhân vật Liên mới thể hiện một cách chân thực, thấm thía nhất mức độ ân hận và những chiêm nghiệm về sự thất bại của chính mình.

Cô Nhung là tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức nhật

ký và thư tín. Toàn bộ đời sống tinh thần phong phú của nhân vật Nhung đã được hiện lên rõ nét qua những trang nhật ký hồn nhiên. Từ những cảm nhận ngộ nghĩnh của cô gái mới lớn về những sự việc hết sức bình thường như bệnh xé giấy vụn của các cô gái, con mèo trong chĩnh, cho tới không khí lớp học sôi nổi với biết bao trò đùa tinh quái của lũ học trò:

“Ngày 8 - 9 - 19 …

Chiều hôm nay, trong lúc cô giáo đương chăm chú giảng bài “Histoire de France” Liễu và tôi cùng chăm chú đánh triangles. Cô giáo gọi Liễu, bảo nhắc lại một câu mà cô giáo vừa giảng xong. Liễu vòng tay ngẫm nghĩ một

lúc lâu có lẽ cũng quá lâu, tôi níu chéo áo giật mạnh một cái, để giục nó nói đi. Nó lấy chân đạp vào chân tôi. Tôi lại kéo chéo áo nó. Nó lại đứng thừ người ra, không chịu nói” [45, 371]. Hay những mơ mộng vẩn vơ và ý thức

về vẻ đẹp ngoại hình của một gái mới: “Ngày 29 - 12 - 19 …

Sáng hôm nay khi ánh trời đã nhởn nhơ trên những miếng kính, thì tôi tỉnh dậy, Mở mắt ra, thấy có một con bướm vàng bay liệng ở trong phòng, đôi cánh nhịp nhàng mềm mại, êm ái khiến cho tôi tưởng như mình đương chập chờn trong giấc mộng. Tôi bấm vào tay tôi, thì quả thấy biết đau. Thế nghĩa là tôi đã tỉnh rồi. Lúc ấy con bướm lại đậu ngay ở đầu giường tôi. Tôi ngồi chồm dậy, rón rén đưa tay lên bắt. Con bướm thoát được để lại một chút ít phấn vàng ở trên đầu ngón tay. Tôi bôi một tý vàng lên hai má ửng hồng của tôi. Tôi nhìn vào gương. Tôi thấy tôi đẹp và oai như một bà công chúa trẻ tuổi…” [45, 372].

Và nhật ký còn là nơi nhân vật gửi gắm những thổn thức của tâm hồn với rung động đầu đời bằng những dòng chữ bí ẩn được dịch ra:

“Ngày 22 - 3 - 1935

Hôm nay có người tặng tôi một đóa hoa héo. Tôi vui sướng như một con chim vỗ cánh bay lần đầu ra giữa cảnh trời mới lạ. Tôi cười nói nô đùa với người ta như một người anh ruột. Tôi quên tôi là một thiếu nữ 16 tuổi. khi tôi sực nhớ lại, thì tôi không dám đường đường nhìn người đi bên cạnh tôi nữa. Tôi thấy có một cảm giác là lạ, hay hay và thu thú. Tôi mất cả vẻ tự nhiên. Bộ điệu tôi trở nên vụng về.

Giọng nói tôi hơi run. Tôi đã yêu” [45, 376].

Tất cả những trang nhật ký ấy là bằng chứng xác thực cho sự tân tiến trong tâm hồn của một cô gái trẻ. Nhân vật được thỏa thích tâm sự với chính nỗi lòng của mình, không sợ sự phán xét của bất cứ ai.

Bên cạnh đó, trong tác phẩm này, tác giả đã sử dụng thành công hình thức thư tín, từ những lá thư trao tay trong lớp học, đặc biệt, mười ba bức thư của Nhung gửi Đông lúc ở Huế một mặt đã tái hiện đầy đủ cuộc sống của

Nhung lúc bấy giờ từ việc Nhung tập trồng rau, đọc tiểu thuyết, mẹ Nhung bắt nàng học làm mứt, cho tới chuyện Nhung lấy chồng, một mặt thể hiện tình yêu nồng cháy của Nhung đối với Đông qua những lời nhắn gửi đầy mạnh bạo: “Hôn Đông một cái thật kêu” [45, 388], “Em của anh, hoàn toàn của anh” [45, 389], “hôn Đông một nghìn cái” [45, 390]. Và trong lá thư cuối cùng Nhung gửi Đông, được viết trong đêm tân hôn, nàng đã thể hiện lựa chọn đầy đau xót của mình: “Hãy để em trả xác thịt của em cho người ta, còn cái linh hồn của em, anh phải ôm ấp lấy nó, giữ chặt lấy nó” [45, 396].

Hình thức nhật kí và thư tín đã được sử dụng như một phương thức nghệ thuật nhằm làm sống dậy cả thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của nhân vật trong truyện Lưu Trọng Lư.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w