Hình tượng nam thanh, nữ tú tân thờ

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 78 - 88)

Đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi, đặc biệt sự lớn mạnh nhanh chóng của giai cấp tiểu tư sản thành thị với nhiều tầng lớp như tiểu thương, viên chức, thợ thủ công, học sinh, trí thức mới… đã tác động mạnh mẽ tới đời sống văn học. Từ đây, xuất hiện một lực lượng sáng tác mới: đó chính là lớp trí thức Tây học, được đào tạo từ các trường Pháp - Việt. Ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường, họ đã được tiếp thu những di sản văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp, góp phần hình thành những quan niệm văn học mới. Cùng với một lực lượng sáng tác mới, là sự xuất hiện của một tầng lớp công chúng mới với những quan điểm thẩm mĩ mới. Sự thúc đẩy của nhu cầu thị hiếu mới từ độc giả và sự nhanh nhạy, tiến bộ trong quan điểm của chủ thể sáng tạo đã hướng các tác giả đi sâu vào một đối tượng khám phá mới: hình tượng những nam thanh, nữ tú tân thời.

Tới đầu những năm 1930, ý thức dân chủ phương Tây đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống thành thị Việt Nam, dẫn tới sự chuyển biến sâu sắc trong đời sống tinh thần của thời đại, tạo nên những lối sống mới với những mẫu người mới. Người ta gọi đó là lối sống Âu hóa của lớp thanh niên nam nữ ở các đô thị. Trong đời sống văn hóa xã hội lúc bấy giờ đã diễn ra những phản ứng trái chiều nhau trước sự biến chuyển đó. Vũ Trọng Phụng. Nguyễn Công Hoan xem đó là “trận cuồng phong dữ dội”, một phong trào đến với ta bằng những ngôn từ điêu trá: tiến bộ, duy tân, tân sinh hoạt… làm đảo lộn trật tự một “xã hội thuần túy trọng tinh thần” (Làm đĩ), nghĩa là dẫn đến tình trạng trụy lạc của thanh niên.

Nhưng đối với Lưu Trọng Lư, Âu hóa là lối sống văn minh tiến bộ và những nam thanh nữ tú tân thời được Âu hóa từ đầu tới gót, từ y phục, thể xác tới linh hồn mới chính là mẫu người lý tưởng của thời đại. Trong thế giới truyện của Lưu Trọng Lư xuất hiện hình tượng “những nam thanh nữ tú kiểu mới, - lứa tuổi của chính tác giả, - học trường Pháp - Việt, đọc những tác phẩm

văn chương Pháp, kể cả những cuốn sách mới nhất” [45, 17]. Nhân vật tôi (Thiệu) trong Bến cũ đã hết lời trầm trồ, say sưa ca ngợi trước những điều mới mẻ chàng học được từ văn hóa phương Tây: “Xưa kia, tôi cứ tưởng rằng văn minh Tây phương chỉ là văn minh “vật chất”, biết đâu rằng người Tây phương cũng có rất nhiều những tính tình cao nhã, và những đạo lý siêu phàm.” hay “Tây phương đã pha vào máu tôi một thứ tính chất trẻ trung, đậm đà, và cho tôi một nhân sinh quan dồi dào, phóng khoáng, đầy những lòng ham muốn, chí tiến thủ… Tôi trổ cuộc đời ra một trăm ngả, và có đến một tram lý tưởng tốt đẹp để phụng thờ” [45, 537]. Với Huế một buổi chiều, Lưu Trọng Lư đã mang đến cho người đọc một bức tranh chân thực về đời sống của những nam thanh nữ tú kiểu mới, học trường Pháp - Việt. Minh, Huy, Miến là những nam sinh tân thời, họ thắt cravat, đọc những tác phẩm mới nhất của văn chương Pháp, say sưa hát những bài hát của Tây, nói chuyện với nhau thành thạo bằng tiếng Pháp. Họ gặp gỡ nhau tại những nhà vườn Huế rộng rãi, thơ mộng, và đến với tình yêu như những kẻ hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc, ngăn cấm.

Lưu Trọng Lư đã khắc họa hình ảnh những nam thanh, nữ tú tân thời là những con người mang những quan điểm, tư tưởng mới lạ. Họ hăm hở đến với cái mới, hăm hở được yêu và được sống thành thực với cõi lòng mình.

Nhân vật xưng “tôi” (Huỳnh Lê) trong Em hãy còn thơ vốn là một nam sinh của trường Quốc học Huế, luôn mang trong mình khí thế sôi nổi, hào hứng của tuổi trẻ trong thời đại mới. Lê rất thích thể thao, đặc biệt là bơi lội, đến nỗi có lần chàng đã mạo hiểm bơi qua sông Hương. Nhân vật có một niềm kiêu hãnh tuyệt đối về vẻ đẹp ngoại hình của bản thân: “Ngực tôi rất nở, và tôi lấy thế làm kiêu hãnh vô cùng. Tôi thường chỉ vào đấy và nói với nhiều bạn tôi: “Chỉ có tôi mới là đáng sống và thế giới sẽ thuộc về những người có những bộ ngực như tôi” [45, 127] và Lê cho rằng đó là một quan điểm hết sức tiến bộ: “Âu là thiên hạ lúc bấy giờ đều chậm trễ cả, duy có tôi là tiến mà thôi, duy có tôi là có óc thẩm mỹ khác người mà thôi” [45, 128]. Tinh thần đề cao cái đẹp thể chất của quan niệm thẩm mĩ phương Tây đã ảnh hưởng sâu sắc và tạo nên

ý thức coi trọng cái đẹp hình thức, cái đẹp thể chất của nhân vật trong các tác phẩm lãng mạn. Niềm kiêu hãnh về vẻ đẹp của bản thân và niềm tin mãnh liệt vào óc thẩm mỹ của Lê chính là sự khẳng định mạnh mẽ của một cái Tôi ý thức đầy đủ về vị trí của con người cá thể trong cuộc đời.

Đối với những nam thanh, nữ tú tân thời, hưởng thụ ái tình chính là hưởng thụ men say của cuộc sống và ái tình đối với họ là thứ tình yêu hoàn toàn tự do không ràng buộc. Tình yêu đến với họ tự nhiên, thành thực như chính hơi thở của cuộc sống. Họ đam mê sống, đam mê yêu cho dù đó là tình yêu đơn phương, tình yêu mộng ảo, tình thoáng qua… Ái tình đến với nhân vật Lê trong Em hãy còn thơ thật nhẹ nhàng mà say đắm. Thật trớ trêu, trái tim của Lê - một chàng trai luôn cổ vũ cho tinh thần thể thao, ưa chuộng những vẻ đẹp đồ sộ, khỏe khoắn - lại bị vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm đặc biệt là đôi mắt tuyệt đẹp của người thiếu nữ chinh phục: “Đôi mắt của nàng là mùa thu bất tuyệt của tiên giới, là cảnh trong ngần của tuyết sương, là niềm ân ái không cùng. Tôi không thể đánh đổi nó cho tất cả vàng ở thế gian” [45, 129]. Ái tình đã đến khiến trái tim chàng trai run rẩy, ngây ngất: “Tôi thấy tâm hồn rạo rực xao xuyến, tay chân tôi lóng ngóng và đôi mắt tôi ngập ngừng trước chén rượu mạnh là cái ái tình của nàng. Đôi mắt nàng đã biến tôi thành một người khác, và đưa tôi vào một thế giới u huyền và kỳ lạ” [45, 130]. Tình yêu nguyên sơ, nồng nàn, tha thiết đã thôi thúc chàng gửi gắm trọn con tim qua từng con chữ. Không còn sự bóng gió, xa xôi với những ngôn từ trau chuốt, lời tỏ tình của một chàng trai tân thời thật rõ ràng, thẳng thắn:

“Cô Tâm

Tôi đã yêu cô, yêu với tất cả tâm hồn tôi. Vì cô có đôi mắt đẹp quá, nó là mùa thu của giời đất, và của cõi lòng tôi” [45, 130].

Và Huỳnh Lê cũng thành thực, mạnh bạo thể hiện mong ước của mình: “Tôi ước sao một ngày kia cô sẽ là người bạn trăm năm của tôi, gần tôi luôn, gần tôi mãi, một ngày kia, tôi có thể thổi vào tóc cô, cái hơi nóng của tuổi trẻ, tôi có thể đặt lên làn da mát của cô, cái hôn nóng của một kẻ yêu.

Tôi chỉ muốn có thế, tôi chỉ muốn thờ phụng cô, trọn đời, trọn kiếp, hi sinh cho cô trọn đời, trọn kiếp. Tôi là một người có tinh thần thể thao, lời nói tôi đây mạnh hơn một lời thề…” [45, 130].

Rạo rực, khao khát yêu thương, để rồi khi không được đáp lại tấm chân tình, chàng trai đau khổ, tuyệt vọng: “Tôi xin phép ở nhà, luôn một ngày, đóng chặt cửa lại, trùm chăn từ đầu đến chân, nằm nghĩ vớ vẩn” và chàng chôn vùi tình yêu trong những giọt nước mắt đau khổ. Chàng rời xa nơi khởi nguồn của tình yêu, trở thành một văn sĩ xuất hiện trên nhiều mặt báo, nhưng vẫn không quên được mối tình xưa. Chàng chỉ còn cách gửi trọn tình yêu vô vọng của mình vào những vần thơ:

Nàng đã lấy chồng … Ở mãi Giang Đông Sau làn mây trắng

… Cách mấy con sông …

Rời xa những hình tượng nam nhi với chí khí lớn lao, ôm mộng giúp đời, cứu nước, Lưu Trọng Lư đã mang đến cho người đọc những cảm nhận thi vị từ trái tim yêu chân thành, nồng nàn của một chàng trai với lối sống tân thời.

Lưu Trọng Lư đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực về một thế hệ trẻ sôi nổi, nhiệt tình và thành thực: “Tuổi thanh niên không biết che đậy, không biết giả dối. Họ buồn, họ khó chịu một cách thành thực” [45, 685]. Họ sống thực với tâm trạng, sống thực với cõi lòng mình. Nhân vật xưng “tôi” trong Một lần tôi đi qua từ nhỏ đã say mê đọc sách, đặc biệt ham mê tiểu thuyết: “Những nhà văn đương thời, thì không có mấy nhà là tôi không đọc tác phẩm của họ, Poust, Claudel, Giraudoux, Montherlant, Gorki, Barbusse và ngay cả Dekobra, tôi cũng không từ. Tôi đọc một cách lộn xộn, và nhét vào đầu tôi những tư tưởng ngang trái nhau. Thực ra tôi lại riêng thích Giraudoux vì nhà văn thần bí nầy là tác giả của cuốn tiểu thuyết “Les Eglantines”. Tôi thích cái đề cuốn truyện cũng như cuốn truyện vậy, chắc anh cũng đoán được vì sao. Ồ, cuốn tiểu thuyết ấy viết khúc mắc quá, tôi phải đọc

đến ba lần mới hiểu hết, và khi đã hiểu thì thích quá!” [45, 119]. Lúc đang học năm thứ nhất ban Trung học ở Bưởi, chàng trai đã bị cuốn vào vòng xoáy của ái tình trong mối tình đơn phương thầm kín với cô gái ở biệt thự “Les Eglantines”. Chàng chỉ biết đứng lặng từ xa ngắm nhìn và say đắm tiếng dương cầm trong trẻo của nàng mặc cho trời mưa đến nỗi bị ốm. Nhân vật “tôi” ôm ấp tình yêu trong mộng với một cô gái chàng không biết hề biết tên, chưa một lần trò chuyện, để rồi chàng luôn mơ tưởng tới hình ảnh kiều diễm in sâu trong tâm trí: “Vẫn đôi mắt dịu dàng và trong như mùa thu ấy, vẫn đôi hàm răng đều đặn và bóng ngà ấy. Nàng vẫn nhìn tôi mà cười, một nụ cười của người vợ hiền. Có khi tôi tưởng tượng đến sự lạc thú gia đình mà sau này nàng sẽ đưa lại cho tôi, mà tôi quên cả những nỗi đau đớn và nguy nan của bệnh tình tôi” [45, 119]. Mối tình mơ mộng không thành, nhân vật tôi lấy vợ theo sự sắp đặt của gia đình nhưng ái tình vẫn đeo đuổi, nhưng cuộc đời ngang trái đã để nhân vật “tôi” gặp lại người tình trong mộng xưa, khiến: “Tâm hồn tôi lảo đảo! Chân tay tôi bủn rủn. Tôi có cái cảm giác đi trên mây” [45, 120]. Để rồi chàng trai vẫn say sưa trong mộng tưởng của riêng mình: “Rồi cứ những lúc ngồi một mình tôi lại tự nói: Đời ta, ta đã yêu một cách tha thiết, yêu một người có tên là Tâm. Nghĩ cho cùng, cái tên cũng chẳng quan hệ gì, ta chỉ đặt ra để gọi một cái huyễn tưởng đó mà thôi” [45, 121]. Lễ giáo, kỷ cương phong kiến không chấp nhận tự do luyến ái bởi vậy Thúy Kiều của Nguyễn Du mãi đến đầu thế kỉ XX còn bị các nhà nho chính thống gọi là “con đĩ”. Khi tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đề cập tới tự do luyến ái, tuy tác giả đã rào đi đón lại bằng những trang thuyết lý dài dòng, vẫn được xem là một quả bom ném vào thành trì phong kiến. Đến với truyện Lưu Trọng Lư, tự do luyến ái trở thành một lẽ phải, một quyền chính đáng của nam nữ thanh niên, là hạnh phúc tuyệt vời của thế hệ trẻ. Nó đàng hoàng tấn công vào lễ giáo phong kiến với tư thế của chính nghĩa nhân văn, của văn minh tiến bộ. Nhung (Cô Nhung) là một thiếu nữ tân thời hồn nhiên, đa cảm và đầy mơ mộng. Cũng như những thanh niên lúc bấy giờ, Nhung thích đọc tiểu

thuyết từ những tác phẩm của nước ngoài cho tới những tác phẩm đương thời ở Việt Nam: “Từ Theuriet, Daudet, Mistral, về Khái Hưng, Nhung có cái cảm giác như đi du lịch ở một phương xa nay trở về quê hương, sống lại những cái cảm giác mới mẻ, trong trẻo của thuở ban đầu. Nhung vừa đọc xong cuốn “Nửa chừng xuân” hay lắm!” [45, 389]. Đặc biệt, Nhung rất mê xem “chớp bóng”, bởi đến với những bộ phim chiếu ở rạp, tâm hồn được được tự do bay lượn theo trí tưởng tượng tới những miền đất xa xôi: “Nhung thấy say sưa trong một thế giới mới mẻ, say sưa như uống một cốc rượu nồng. Có khi nghe tiếng những con chim yến, những con chim xinh đẹp của nước Nhật Bản về làm tổ ở trên cây kêu chíu chít, Nhung thấy lòng mình cũng muốn nhảy nhót. Có khi Nhung sung sướng đưa tay vỗ lia lịa vào bắp đùi người bên cạnh, mà Nhung tưởng là đùi của mình...” [45, 361]. Hai mươi ba tết, Nhung xin mẹ tới rạp Philharmonique xem “chớp bóng” bởi vì nàng rất hâm mộ cô đào Sylvia. Nhung xem một cách say sưa “Nhung đã bắt đầu quên mình, quên cảnh xung quanh mình, và thấy phiêu lưu dưới cảnh trời trong sáng nhí nhỏm của nước Nhật Bản” [45, 361]. Cô nhập tâm đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh, vỗ đùi, nắm tay người “thiếu niên xinh đẹp, bận một bộ nỉ xám và thắt một cái cravate đỏ” [45, 362] mà không hay. Khác với bóng dáng của những cô tú, cậu tú nghiêm trang trong lớp học của cụ đồ nho, tác giả đã khắc họa cảnh vui nhộn, ngộ nghĩnh của những cô cậu học trò mới trong lớp học. Buổi học cuối năm, bao trùm lên lớp học là không khí vui tươi, sôi nổi, các cô cậu học trò tha hồ trao đổi thư tay: “Hôm nay là ngày mà những cô nữ sinh có quyền nhãng quên những con tính khúc mắc, những bài cách trí khô khan…, là ngày mà người ta thấy được một nụ hoa ở trên môi những cô gái, những cô bé được tự do cười khúc khích, và vẽ voi và vẽ chó ở trên những miếng giấy thừa mà hàng ngày các cô phải vẽ những con số” [45, 363]. Những bài thời sự bằng thơ mới, có tranh vẽ, những bài xã thuyết đùa vui, với những trò nghịch ngợm đã thể hiện tâm hồn ngây thơ, trong sáng, trẻ trung, sôi nổi của các cô cậu học trò trong không khí vui tươi của lớp học.

Nhân vật Vinh trong Cô gái tân thời là con của vị phú hộ thành Nam, tốt nghiệp ở trường Y khoa bào chế Hà Nội, nàng là một thiếu nữ tân tiến cả về hình thức cũng như tinh thần. “Nàng có những cái cử chỉ, cách ăn nói và giao thiệp của người phương Tây, dẫu chưa đến Paris một lần nào. Với các bạn gái thì nàng nói tiếng An Nam, một thứ tiếng An Nam ngượng nghịu khó khăn; với các bạn trai thì nàng nói tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp trang trọng thông thạo” [46, 881]. Nàng không thích chơi âm nhạc ta mà chỉ thích chơi violon và piano. Là một người con gái có quan điểm tự do, khi nghe tin nhà Lương muốn dạm nàng cho Lương, nàng muốn gặp mặt cho được vị hôn phu của mình và đã tự tìm đến gặp Lương. Gặp Lương lần đầu tiên, khác với vẻ e lệ của các cô gái truyền thống, Vinh tỏ ra tự tin nói cười thân mật như một người bạn thân thiết từ chuyện chính trị xa xôi, chuyện văn chương bóng bẩy, rồi chuyện đua ngựa, chuyện ăn mặc cùng cách nô đùa của bọn phụ nữ mới. Và để có được tình yêu, Vinh - một cô gái tân thời đã chủ động, tìm mọi cách quyến rũ Lương.

Các nhân vật nam thanh, nữ tú tân thời trong truyện Lưu Trọng Lư luôn băn khoăn về quyền cá nhân, nhiệt thành đấu tranh đòi thực hiện quyền cá nhân của con người. Đoạn tuyệt với đời sống cũ, với những ràng buộc của lễ giáo phong kiến và cuộc sống chật hẹp chốn quan trường là những quan điểm tiến bộ của nhân vật Huy trong Từ thiên đường đến địa ngục. Huy là một

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 78 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w