Truyện một phương diện nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Lưu Trọng Lư

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 35 - 41)

chương độc lập hạng Nhất.

Hơn nửa thế kỉ miệt mài sáng tác, Lưu Trọng Lư đã để lại cho đời hàng loạt các sáng tác thuộc các thể loại khác nhau từ thơ, truyện và kịch, ký, tùy bút, tiểu luận phê bình. Ở mỗi thể loại, các sáng tác của ông đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

1.3.3. Truyện - một phương diện nổi bật trong sự nghiệp sáng tác củaLưu Trọng Lư Lưu Trọng Lư

Lưu Trọng Lư là một con người đa tài, ông luôn nhiệt thành cống hiến tài năng trên lộ trình sáng tác văn chương của mình để mang đến cho độc giả những tác phẩm thực sự có ý nghĩa. Trong toàn bộ hàng loạt các sáng tác đa dạng và phong phú trên nhiều thể loại của ông, truyện là một phương diện khá nổi bật.

Trước hết, xét về số lượng tác phẩm, số truyện Lưu Trọng Lư đã viết và đã in ra trong toàn bộ đời văn của mình nhiều gấp vài ba lần số tập thơ hay số vở kịch của ông. Lúc còn sống, Lưu Trọng Lư chỉ xuất bản 4 tập thơ, kể thêm tập di cảo Bài ca tự tình mới được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành là 5 tập. Trong khi đó, bộ sưu tập Tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết

Lưu Trọng Lư do Lại Nguyên Ân làm chủ biên đã trở thành một minh chứng

thuyết phục về sức viết dồi dào của tác giả này. Bộ sách gồm 2 tập, dày hơn 1500 trang, bao gồm 56 truyện của Lưu Trọng Lư mà những người thực hiện đã dày công sưu tầm được. Cũng theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trên Hà

Nội báo (1936 - 1937, chủ nhân Lê Cường, chủ bút Lê Tràng Kiều) hai tác giả

văn xuôi chủ yếu là Vũ Trọng Phụng và Lưu Trọng Lư.

Với một số lượng tác phẩm khá lớn và phong phú, truyện của Lưu Trọng Lư thực sự độc đáo và có sức hấp dẫn lớn đối với người đọc. Ngay từ những sáng tác đầu tay, truyện của ông đã được đánh giá cao trên văn đàn. Giữa tháng 9 năm 1933, tập Người sơn nhân - ấn phẩm thứ nhất của nhóm Ngân Sơn tùng thư do Lưu Trọng Lư và Hoài Thanh chủ trương, được ra mắt

tại Huế. Chỉ một tháng sau, trên tuần san Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội đã có bài viết của chủ bút Phan Khôi điểm bình ấn phẩm này. Phan Khôi đã hết sức đề cao tác phẩm Người sơn nhân khi cho rằng Người sơn nhân (Lưu Trọng Lư)

và Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng là hai tác phẩm văn học khá nhất trong năm 1933. Những năm liền sau đó, các sáng tác truyện của Lưu Trọng Lư xuất hiện nhiều hơn trên Tiểu thuyết thứ bảy trong những năm 1934 - 1935 và

Hà Nội báo các năm 1936-1937 cũng gây được sự chú ý. Nhà phê bình

Trương Tửu trong loạt bài mang tiêu đề chung Văn học Việt Nam hiện đại đăng nhiều kỳ trên tuần báo Loa ở Hà Nội từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1935 đã đánh giá cao các truyện Người sơn nhân, Ly Tao tuyệt vọng, Tiếng địch trong rừng sim (tức Khói lam chiều), coi Lưu Trọng Lư là một trong

ba nhà văn có lối tả cảnh mới mẻ nhất, tính đến thời điểm ấy. Bên cạnh đó, khi truyện Khói lam chiều được in thành sách riêng (1936), báo chí văn nghệ Hà Nội có khá nhiều bài khen ngợi, và nhân đó, đã đánh giá rất khả quan về tương lai tác giả Lưu Trọng Lư.

Trong hơn mười năm sáng tác trước Cách mạng tháng Tám, Lưu Trọng Lư đã khẳng định tài năng viết truyện với hàng loạt các sáng tác đa dạng, phong phú. Một trong những mảng sáng tác hấp dẫn, độc đáo của ông là truyện thần tiên, ma quái với những tác phẩm như: Hương Giang sử; Trà hoa nữ;

Người nữ tỳ cuả Bà Chúa Liễu; Công chúa Lã Mai; Con đười ươi; Một tháng với ma. Là một nhà thơ đa tình, mộng ảo, Lưu Trọng Lư đã thổi nguồn cảm

hứng dạt dào về thế giới thần tiên vào những trang văn xuôi của mình. Ông dẫn dắt, cuốn người đọc vào một thế giới thần kỳ, huyễn hoặc đầy bí ẩn mà vô cùng sinh động. Rời xa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, người đọc hẳn sẽ vô cùng thích thú khi được đắm chìm trong vô vàn những điều kì diệu với các súc vật biết trò chuyện, chim muông có thể nói và hiểu được tiếng người, các cây cỏ, hoa lá có thể khiêu vũ và đá cuội có thể mỉm cười…

Huyền không động là một trong những tập truyện độc đáo, hấp dẫn nhất

Người nữ tỳ của bà chúa Liễu, Lã Mai công chúa. Trong lời tựa của tập

truyện này, Lê Tràng Kiều đã nhận định: “Huyền không động là một tập truyện ngắn, ở trong ẩn náu một tâm hồn cổ sơ, sống trong một thế giới đầy sự khủng khiếp, bí mật và huyền diệu.

Huyền không động chứng một cái tinh thần sáng tạo rất mãnh liệt và lạ

lùng, chưa bao giờ thấy trong văn học sử nước ta...

Chốn mung lung huyền ảo mới thật là “địa hạt” của Lưu Trọng Lư, và ở đấy, ông mới có thể phát triển hết tài năng của ông như lời Trương Tửu nói” [45, 219].

Liêu trai, ma quái, kỳ ảo từ lâu đã không còn là một hiện tượng xa lạ trong đời sống văn học. Trong văn học dân gian, thế giới thần tiên qua truyện cổ tích, thần thoại là một phương tiện để thể hiện những lý giải nguyên sơ của con người về thế giới và bộc lộ những mơ ước, khát vọng về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, công bằng với bất công. Tiếp đến những bộ sách Thi kinh, Tả truyện của nhiều tài tử thời đại Tiên Tần đã ghi chép rất nhiều giấc chiêm bao. Trên cơ sở ấy, từ thời Đường, Tống về sau đã phát triển thành một dòng văn học mộng ảo. Nhìn rộng ra phương Tây, thế giới mộng ảo đã xuất hiện từ những tác phẩm cổ điển như Thần khúc của Dante, Faust của Geothe... Từ cuối thế kỉ XVIII trở đi, thế giới kỳ ảo ngày càng đa dạng hơn, ấn tượng hơn trong tác phẩm của Banzac, Chekhov, trong dòng văn học phi lí với tên tuổi của Kafka, Camus, Ionesco...

Lặn ngụp vào mạch nguồn chung của truyền thống văn học, Lưu Trọng Lư đã sáng tạo nên một thế giới thần tiên, mộng ảo riêng biệt, độc đáo, có “Một chút ít Edgar Poe pha lẫn với Bồ Tùng Linh; cái đầu lâu ghê rợn của phương Tây dưới cái ánh sáng xanh dịu của ngọn nến phương Đông; tất cả sự hoang đường của Liêu Trai chí dị, cạnh những điều nhận xét sáng suốt của Flammarion” [45, 16].

Với trí tưởng tượng hết sức phong phú, ông đã dẫn người đọc bước vào một thế giới huyền bí, yếu tố thực và hư đan xen hòa quyện đến ghê rợn.

Trong Người nữ tỳ của Bà Chúa Liễu, tác giả đã đem xáo trộn những yếu tố thực và ảo, ông sáng tạo nên hết mê cung này đến mê cung khác khiến người đọc bị lôi cuốn, mê say trong từng câu, từng chữ. Lần theo hành trình về thăm cha của Lê Sinh - con một vị đại thần đang giữ chức tại kinh, tác giả đã rất khéo léo sắp xếp hàng loạt các tình tiết đầy bí ẩn xen kẽ nhau. Lê Sinh trên con đường vượt đèo, hai lần gặp người đẹp, đều để lại những tình cảm lưu luyến, mến thương nhưng hai người con gái đó thực ra chỉ là một. Đó chính là Nường Ba - một hồn ma dâm dục. Sự biến hóa thoắt ẩn thoắt hiện với hình dáng của thiếu nữ, song song với lời kể của mấy người phu suốt hành trình về Nường Ba đã làm tăng tính chất kì bí của câu chuyện. Nường Ba vốn là nữ tì của Bà chúa Liễu năm xưa, vì mắc tội, nên trốn đi, trở thành một cô lái đò vào ở đèo Ngang, nơi có nhiều khách qua lại để phục vụ. Những sự quái dị xen kẽ với những điều bình thường, tình tiết thực lẫn với ảo đan xen, hòa quyện đã tạo nên bầu không khí bí ẩn, hấp dẫn lạ lùng cho tác phẩm.

Bên cạnh những câu chuyện thần tiên, ma quái, Lưu Trọng Lư còn viết những truyện truyền thuyết, dã sử. Con voi già của vua Hàm Nghi là một tác phẩm truyện dã sử nói đến những người vô danh mà các nhà chép sử không bao giờ nói tới. Truyện xoay quanh nhân vật chính Lê Tuấn, một vị trung thần của vua Hàm Nghi. Là một người tài giỏi, từng sớm chiếm bảng vàng từ năm hai sáu tuổi, nhưng vì sinh nhằm thời loạn, làm tôi một đấng quân vương thất thế nên cuộc đời của Lê Tuấn chìm ngập trong sóng gió. Ông nuôi chí lớn, mong lập lại cơ đồ, gây dựng giang sơn và thờ vua đến cùng. Khi biết tin nhà vua bị sai vào tay giặc, quan lớn Lê rơi nước mắt, quất ngựa ruổi vào rừng xanh. Ông cũng giống như con voi già trung thành của đức vua, đoạn tuyệt với loài người, tự tìm đến cái chết trong sạch, khảng khái trong chốn rừng xanh mù mịt. Truyện thấm đẫm tinh thần dân tộc, thể hiện trí tưởng tượng phong phú của tác giả Lưu Trọng Lư.

Tuy nhiên, chiếm số lượng khá lớn trong sự nghiệp sáng tác truyện của Lưu Trọng Lư là những loại truyện tâm lý xã hội hoặc truyện thế sự gắn với

đề tài con người trong môi trường đô thị và những kỉ niệm riêng tư… Cuộc sống đương thời đã được ông cảm nhận và thể hiện độc đáo và toàn diện. Qua truyện Lưu Trọng Lư, người đọc phần nào cảm nhận được màu sắc, dáng vẻ thiên nhiên và con người ở ba vùng đất quen thuộc: thành phố Huế, thành phố Hà Nội và vùng thôn quê đồi núi Quảng Bình. Đời sống của những nam thanh nữ tú kiểu mới, học trường Pháp - Việt, đọc những tác phẩm mới nhất của văn chương Pháp, hát những bài hát của Tây, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, đam mê trong khu vườn tình ái như những kẻ hoàn toàn tự do; đời sống văn nghệ sôi động mà vô cùng phức tạp lúc bấy giờ; những cuộc đời số phận bất hạnh của các cô gái giang hồ…, với tất cả những điều đó, Lưu Trọng Lư đã mang đến cho người đọc một bức tranh hiện thực bề bộn vô cùng chân thực. Đúng như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã từng nhận xét: “những dáng nét đời sống đương thời này ở tác phẩm Lưu Trọng Lư có lẽ còn rõ rệt hơn thậm chí so với không ít tác phẩm của các tác gia trong Tự lực văn đoàn, hoặc so với một vài đàn anh trong số những người cùng cộng tác với nhà Tân Dân như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, - những người lớn tuổi hơn Lưu Trọng Lư nên khó có thể có được cảm nhận tinh nhạy về đời sống của những lớp người trẻ trung đương thời” [45, 16].

Ngoài ra, những kí ức về tuổi thơ, quê hương, gia đình đã trở thành một nguồn chất liệu phong phú, dồi dào trong những trang văn của Lưu Trọng Lư. Trở về với quá vãng, tác giả đã giúp người đọc có cơ hội chìm đắm trong khung cảnh êm đềm của quê hương, của những tình bạn tuổi thơ trong sáng,.. đặc biệt là những hồi tưởng đầy xúc động về người mẹ qua Dòng họ, Chiếc

cáng xanh, Bến cũ.

Thế giới truyện của Lưu Trọng Lư đã mang đến cho người đọc một vốn hiểu biết đa dạng về phong tục sinh hoạt của cư dân Việt. Tác phẩm Khói lam

chiều không chỉ kể về câu chuyện tình éo le, ngang trái giữa Đối - con trai

ông phó Thanh và Vịnh - một cô gái nghèo mồ côi phải đi ở mướn mà còn mang đến cho người đọc bức tranh sinh hoạt làng quê chân thực với biết bao

phong tục lạc hậu. Khoảng cách giữa giàu - nghèo, địa vị xã hội đã trở thành một bức tường ngăn cách tình yêu thuần hậu, không toan tính giữa đôi trai gái để rồi Đối phải từ biệt người yêu đang bụng mang dạ chửa lên xứ Lào làm ăn, cuối cùng chết ở nơi đất khách quê người. Trong khi đó, Vịnh bị làng đem phạt vạ vì tội không chồng mà chửa. Những toan tính, chiêu trò bẩn thỉu một lần nữa đã đẩy một cô gái hồn nhiên từ bi kịch này tới bi kịch khác. Ông phó Thanh cho thằng Mõ ba chục bạc thưởng để Mõ lấy con Vịnh. Chấp nhận số phận, Vịnh lấy Mõ, làm người mẹ hiền, vợ đảm mà “ôm lòng đòi đoạn”, không nguôi thương nhớ về người phương xa. Đối, Vịnh và cả Mõ đều là nạn nhân của những phong tục lạc hậu nơi thôn quê. Bên cạnh đó, người đọc ngày nay còn có cơ hội được đến với bức tranh sinh hoạt của làng quê với tục chặn đường đón dâu để xin “cheo” trong Chiếc cáng xanh, những tranh giành vị trí trước sau, trên dưới trong gia tộc theo phụ hệ qua Dòng họ, không khí sôi động của những xới vật, cuộc thi cướp cù trong Mẹ con,…

Như vậy, với một số lượng tác phẩm khá lớn, đề tài phong phú, đa dạng, truyện của Lưu Trọng Lư đã tái hiện chân thực, sống động bức tranh đời sống đương thời cùng với những phong tục sinh hoạt của cư dân Việt, thể hiện một sức viết dồi dào của tác giả.

Trên đây mới chỉ là một cách nhìn khái quát về truyện Lưu Trọng Lư. Những đặc điểm của truyện Lưu Trọng Lư sẽ được chúng tôi làm sáng tỏ cụ thể ở những chương tiếp theo.

Chương 2

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư (Trang 35 - 41)