Hiện thực chiến tranh không chỉ được tái hiện ở những trận địa nóng bỏng nơi tiền tuyến mà trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009, các nhà văn đã có ý thức khai thác đời sống chiến tranh ở hậu phương ở nhiều góc độ. Tuy không phải là dồn bút lực vào việc miêu tả ấy nhưng chính hình ảnh cuộc sống hậu phương đã cho thấy cái nhìn của nhà văn có phần bao quát, toàn diện hơn. Những mảng hiện thực này đã làm cho mạch truyện như bị gián đoạn song nó dường như làm dịu đi cái nóng bỏng nơi chiến trường.
Trong Thượng Đức, đó là một miền Bắc “vì miền Nam, mỗi người làm việc bằng hai” nhưng đó cũng là một miền Bắc xã hội chủ nghĩa còn tồn tại những nếp nghĩ cổ hủ, o ép, hạch sách của một số kẻ có chức quyền. Ngòi bút của nhà văn đã hướng đến cảnh sinh hoạt thường ngày, những cảnh ngộ éo le của nhiều gia đình trong các làng quê. Gia đình của Ngoãn là chỉ là
một trong số đó. Cha của anh vốn gia trưởng, lại bán mình cho thuốc phiện nên mọi việc đều dồn lên đôi vai của người mẹ quanh năm tần tảo sớm khuya mà cũng không thoát khỏi nghèo khó. Hân- vợ anh là một phụ nữ xinh đẹp sống trong cảnh khắc khoải đợi chồng đã bị Nhiêu Trường giở trò ve vãn. Vì thế, trong mắt của bố chồng, cô không phải là một nàng dâu ngoan. Gia cảnh của Ngoãn nhiều lúc ở trong tình trạng khốn khó với những mâu thuẫn không dễ gì giải quyết nổi. Điều ấy khiến cho anh tuy ở chiến trường nhưng vẫn canh cánh lo về hậu phương của mình. Bên cạnh đó còn là hình ảnh của quân dân Quảng Đà sẵn sàng ngày đêm tiếp tế cho cách mạng với khát vọng giải phóng Thượng Đức.
Ở Những bức tường lửa, từ những trang viết giới thiệu lí lịch của nhân vật Trương Đình Lân, người đọc sẽ thấy được bóng dáng của cuộc cải cách ruộng đất với những sai lầm nhất định qua việc cụ cử Hạt- ông nội Lân bị chính học trò là Phạm Xuân Biên đấu tố. Những trang viết của nhà văn còn đưa người đọc trở về với hình ảnh nông thôn miền Bắc trong những ngày xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trung tâm của bức tranh này chính là lớp 10B - lớp học sơ tán mà ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi trên đất nước thời chống Mĩ. Tuổi học trò của lớp học sinh cuối cấp với biết bao mộng mơ và buồn vui. Tuy thế tiếng gọi của tiền tuyến đã khiến nhiều học sinh tìm mọi cách để ra mặt trận: trốn nhà, “gian lận” cân nặng, có người đi cũng chỉ vì sĩ diện. Đó là những mẫu hình sinh động, là hình ảnh của lớp thanh niên, học sinh xã hội chủ nghĩa một thời gác bút lên đường chiến đấu vì tổ quốc.
Tiếng khóc của nàng Út lại đưa người đọc trở về với vùng đất Quảng trong những năm cách mạng đen tối. Ở thời điểm nước sôi lửa bỏng như vậy, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Gia đình bà On- mẹ của Toàn cũng như nhiều người dân trong xứ Bàu Ốc vừa bám đất để sống vừa chăm lo tiếp tế hậu cần cho chủ lực, xây dựng cơ sở, trung thành với cách mạng, sống
trong vùng địch mà “lòng trong sáng như gương”. Ở một góc độ khác, người đọc còn thấy được miền Bắc xã hội chủ nghĩa qua cảnh chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc; một vùng đất Tây Nguyên với những người con chất phác, yêu nước đến hồn nhiên và nét đẹp trong phong tục tập quán của họ. Với Mùa hè giá buốt, Văn Lê cũng cho bạn đọc thấy được phần nào hậu phương thời chiến tranh qua việc kể lại cái chết của người vợ ở quê của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt.
Trong các tiểu thuyết này, người đọc còn thấy cái nhìn phong phú của nhà văn về cuộc chiến qua hình ảnh cuộc sống thời hậu chiến của những người lính khi trở về với đời thường. Trong kháng chiến có không ít người lính cơ hội, ích kỉ, luôn ham sống sợ chết thì trong hòa bình bản chất của họ không thay đổi. Họ sẵn sàng làm mọi việc để đạt được mục đích cá nhân của mình. Khoái (Những bức tường lửa) bây giờ vẫn luồn lách, tìm mọi cách để trở thành người có vị trí cao trong xã hội. Anh ta “leo” từ chức bí thư đoàn trường đại học tới chức Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch huyện. Vững từ Phó chánh văn phòng Ủy ban huyện lên Phó chủ tịch huyện. Còn những người lính anh hùng trở về từ chiến tranh, họ có muôn vàn cách để hòa nhập với cuộc sống thời bình. Trong số đó có không ít người thành đạt như Lân, anh trở thành một giáo sư, nhà văn nổi tiếng nhưng cũng không ít người lại có cuộc sống bi kịch. Hùng Phong – anh hùng lừng lẫy một thuở thì nay cuộc sống gia đình éo le, bất hạnh. Ở Thượng Đức là hình ảnh nhân vật Ngoãn bằng lòng với cuộc sống hiện tại và luôn nhớ về “một thời chiến trường” của mình.
Bám sát sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt, lồng trong đó là số phận con người để làm toát lên chủ đề của tác phẩm, hướng tiếp cận và thể hiện hiện thực chiến tranh mới mẻ này được manh nha từ một số tác phẩm từ sau 1975, đặc biệt là từ thời kì đổi mới văn học. Nếu như tiểu thuyết viết về chiến tranh 1945- 1975 miêu tả hiện thực ấy như là một cái nền để làm nổi bật
lên vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khắc họa sâu đậm hình ảnh của nhân vật thì tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009 không chỉ dừng lại ở đó. Các nhà văn còn muốn cho người đọc thấy được bộ mặt thật của chiến tranh: chiến tranh dù ở thời đại nào, dù chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều đáng lên án. “Chiến tranh được nhìn sâu vào bản chất” [34].
Trên thực tế, nhìn vào các tác phẩm viết về chiến tranh các giai đoạn trước, ta thấy có khá nhiều tác phẩm khai thác cuộc chiến trên tinh thần nói thẳng, “nói thật”. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu là Đất trắng, Năm 1975 họ đã sống như thế, Cửa gió, Thung lũng thử thách, Chim én bay, Người cùng quê, vv… Khi mới ra đời, nhiều tác phẩm gây xôn xao dư luận bởi cách nhìn chiến tranh khác so với các tác phẩm viết về đề tài này trước đó. Đọc
Đất trắng, người ta “có cảm giác thật đến nỗi dường như ở chương nào, trang nào ta thấy sặc lên mùi bùn đất, mùi bom đạn, mùi mồ hôi và mùi máu lính” [29, 109]. Càng về sau xu hướng viết như vậy càng được nhiều nhà văn khai thác. Đến đầu những năm 90 thì nền văn học nước nhà đã có những tác phẩm viết về chiến tranh đã thực sự thuyết phục nhiều người đọc. Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng, Bến không chồng....là những tiểu thuyết đi đầu trong việc nhìn nhận mặt trái của cuộc chiến trong và sau chiến tranh. Các nhà tiểu thuyết trong những năm đầu của thế kỉ XXI vẫn tiếp tục mạch khai thác đề tài này trên hướng như vậy. Tất nhiên ở mỗi nhà văn lại có những dấu ấn sáng tạo riêng của mình.
So với tiểu thuyết cùng đề tài ở các giai đoạn trước, Những bức tường lửa, Thượng Đức, Tiếng khóc của nàng Út, Mùa hè giá buốt là cái nhìn về chiến tranh có độ lùi và hơn nữa nó còn được chi phối bởi quan niệm “viết về chiến tranh không chỉ chiến thắng”. Cảm hứng sự thật chính là cảm hứng chủ đạo trong những sáng tác này. Vì thế mà hiện thực chiến tranh trong tác phẩm có sức thuyết phục hơn.