Ngôn ngữ đối thoạ

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 92 - 95)

Tiểu thuyết viết về chiến tranh trước 1975 thường có những đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Tuy nhiên nhân vật chưa hiện ra như là chủ thể lời nói đích thực mà chủ yếu vẫn nằm trong sự kiểm soát của tác giả. Nhà văn thường nghĩ thay nhân vật, hay nói cách khác ngôn ngữ nhân vật thường phản ánh lập trường của người trần thuật. Vì thế mà ngôn ngữ đối thoại kém phần hấp dẫn và không hàm chứa những yếu tố bất ngờ. Hơn nữa có thể thấy trong các tác phẩm giai đoạn này, tính đối thoại khá ít.

Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009, các nhà văn đã chú ý khá nhiều đến ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật. Trong các tác phẩm, những đoạn đối thoại xuất hiện với tỉ lệ khá lớn. Chính những đoạn đối thoại này góp phần làm nổi bật tính cách nhân vật, làm cho mạch truyện không đơn điệu, nhàm chán. Có một điểm chung dễ nhận thấy, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật chủ yếu là ngôn ngữ của các chiến sĩ trong hoàn cảnh chiến đấu và sinh hoạt đời thường.

Đối thoại thường xuất hiện trong các cuộc họp của các cấp chỉ huy tìm phương án tác chiến. Những xen đối thoại này thường mang tính chất tranh luận và nhiều từ ngữ chuyên môn quân sự xuất hiện:

- “Về tư tưởng chỉ đạo của chúng tôi là, đánh mạnh, đánh chắc, đánh nhanh, diệt gọn. Tích cực tạo thời cơ, bao vây chặt, liên tục tấn công tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại phản kích, phá tề giải phóng quân, làm tan rã toàn bộ quân địch, giành thắng lợi cả về quân sự và chính trị [14, 178].

Ngôn ngữ mang tính chất quân sự khi báo cáo cấp trên. Nó thể hiện rõ khẩu lệnh ngắn gọn đầy đủ của người báo cáo: báo cáo ai, tên chức vụ của người báo cáo, nội dung báo cáo:

- “Báo cáo đồng chí tiểu đoàn trưởng. Tôi, Nguyễn Danh Côn, trung đội phó. Được lệnh của trung đoàn trưởng, đưa một tổ trinh sát của trung đoàn dẫn đường cho đoàn nghiên cứu chiến trường của tiểu đoàn đồng chí!” [63, 223].

Nhưng xuất hiện nhiều hơn cả là đối thoại của các chiến sĩ trong chiến đấu tại trận địa và trong lúc nghỉ ngơi sinh hoạt đời thường. Trong chiến đấu tại trận địa ngôn ngữ của người lính nhiều khi thể hiện sự khẩn trương, chóng vánh nhưng đầy đủ:

- “ Không chạy nữa. Dừng lại ở đây còn có chỗ trú. Nhanh lên, mỗi thằng tìm một cái hốc mà chui vào đi. Không chừng chúng nó sắp choảng lên rồi đấy” [63, 279].

Người chỉ huy thường phát ra mệnh lệnh dứt khoát, mang tác phong quân sự:

- “Các đồng chí trung đội trưởng chú ý. Địch oanh tạc vào khu vực kho tàng và tuyến đường vận chuyển của ta. Lệnh cho bộ đội nai nịt gọn gàng, sẵn sàng cơ động chiến đấu”.

Ngôn ngữ của chiến sĩ thì rất tự nhiên, không cầu kì hoa mĩ:

- “Lệnh của thằng nào rởm thế? Đại đội trưởng đại đội Hai, Quách Cường, đỏ mặt tía tai, trố mắt hỏi trỏng.

- Cậu nóng mà làm gì? Lệnh của miền đấy- Việt thủng thẳng trả lời. - Miền cái con khỉ. Miền ở tít trên cao, có thấu hiểu cái quái gì tụi mình ở dưới này đâu mà điều động- Cường ca cẩm- Nước sông công lính. Cả tháng chui rào, nằm bờ, ngủ bụi, hùng hục đắp sa bàn, hóa công toi. Lại mấy thằng cha tham mưu quạt mo bày ra đây mà. Lệnh mới chả lọt.” [42, 42].

Trong Những bức tường lửa, ngôn ngữ đối thoại của các chiến sĩ rất gần gũi với ngôn ngữ đời sống. Người đọc có thể bắt gặp nhiều đoạn đối thoại như thế này:

- “Giá mà hôm nay có khẩu B41, thế nào cũng thịt được một cái trực thăng! Ngon ăn quá mà bó tay, cú không chịu được!” [63, 295].

Ngôn ngữ đối thoại của các chiến sĩ không chỉ mang đậm dấu ấn đời thường mà thậm chí nhà văn còn không ngại đưa các từ thông tục vào lời nói để thể hiện rõ tâm trạng của nhân vật, biểu thị thái độ bông đùa hay bực tức. Những từ thông tục này đôi khi còn xuất hiện trong ngôn ngữ của người chỉ huy:

- “...Bảo ông ấy xuống mà đánh. Mẹ kiếp!” [14, 195].

Đặc biệt ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong Tiếng khóc của nàng Út, Thượng Đức, Những bức tường lửa mang màu sắc địa phương đậm nét. Cái độc đáo ở đây là nhà văn không quá lạm dụng ngôn ngữ địa phương mà chỉ điểm xuyết vào trong đối thoại của nhân vật. Chính những mẩu đối thoại này cũng phần nào giúp người đọc hình dung được tính cách của các nhân vật:

- “… Ông là Sang phải không? Ông chứa cộng sản. Hôm qua cộng sản họp ở đây.

- Ui cha, nói chi mà ghê mà sợ. Sương ai mà đong. Gió ai mà bắt. Tui lo làm ăn, biết gì cộng sản” [70, 60].

Trong Những bức tường lửa, đó là ngôn ngữ đối thoại của chị Sáu “phóng lựu” và du kích Lài. Ngôn từ của họ thể hiện sắc thái địa phương Quảng Trị rõ rệt:

- “Mấy eng chớ thấy yên lặng rứa mà chủ quan đó nghe…Sắp bom pháo tùm lum rồi đó. Eng Côn chớ để anh em của mình ra khỏi hầm đi lung tung đó nghen” [63, 515].

Hay những đoạn đối thoại của các nhân vật trong hồi ức về núi rừng Tây Nguyên trong Tiếng khóc của nàng Út lại mang đậm cốt cách và phong thái của các dân tộc ít người, vv…

Như vậy, chúng ta có thể thấy ngôn ngữ đối thoại được thể hiện trong các tác phẩm thật đa dạng. Phần lớn là ngôn ngữ của người lính trong hoàn cảnh chiến đấu, trong sinh hoạt đời thường. Đó có thể là mệnh lệnh chiến đấu, kế hoạch tác chiến hay những lời trao đổi trong sinh hoạt đời thường. Đa phần đó là ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi với đời sống. Ngoài ra trong các tác phẩm này, các tác giả có đưa vào một phần nhỏ ngôn ngữ thông tục hay từ ngữ địa phương.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 92 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)