Người kể chuyện trong tác phẩm có thể là chính tác giả, một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra, có thể là người biết một câu chuyện nào đó. Trong tiểu thuyết 1945- 1975, người trần thuật dẫn dắt câu chuyện theo quan điểm của mình, vì thế mà tác phẩm nghèo nàn giọng điệu, đơn giản về cốt truyện, nhiều khi lời kể bị phân hóa rõ ràng do cách kết cấu phân tuyến “ta tốt- địch xấu”.
Tiếp cận các tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng 2004- 2009, chúng tôi nhận thấy, ngôn ngữ người kể chuyện chiếm một lưu lượng lớn. Hầu hết chúng thường được kể theo ngôi thứ ba số ít, đôi chỗ là ngôi thứ ba số nhiều. Tuy vậy có thể thấy, các tiểu thuyết có sự đa dạng trong giọng điệu kể chuyện. Nói cách khác chúng không viết theo giọng điệu của một ngôi kể chuyện duy nhất nào. Người kể chuyện là tác giả đóng vai trò quan trọng nhưng ngoài ra còn có sự bổ sung lời kể của nhiều nhân vật khác ở trong tác phẩm. Điều này làm cho chân dung của các nhân vật hiện lên sinh động và đầy đặn hơn rất nhiều. Chẳng hạn tính cách, số phận, con người Hùng Phong được toát lên qua cái nhìn của nhiều nhân vật khác như Lân, Lương Xuân Báo, Côn, vv..
Trong Những bức tường lửa, lời kể của người kể chuyện tập trung vào hai tuyến truyện đó là những trận đánh của sư đoàn Hồng Bàng trên mặt trận đường 9 trong thời kì cao điểm mang tính bước ngoặt của chiến tranh 1968- 1969 và những số phận khác nhau của nhóm học sinh cấp III miền Bắc đã thành đồng đội của sư đoàn này. Bao trùm tác phẩm là giọng kể tự nhiên, kết hợp miêu tả, bình luận. Đây là một đoạn trong số đó:
“Trận tiến công dữ dội vào căn cứ quân sự Cam Lộ trong chiến dịch tết Mậu Thân bắt đầu.…Họ không hề biết rằng họ đang tham gia vào một chiến dịch lịch sử, một cuộc tổng tiến công và nổi dậy tài tình, chưa từng xảy ra ở
bất cứ nơi nào trên thế giới và có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc mình, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước” [63, 342].
Ngôn ngữ của người kể chuyện thường ngắn gọn, dễ hiểu, ít khi dùng mĩ từ, rất gần gũi với đời sống tạo cảm giác tin cậy ở bạn đọc, đôi khi pha chút dí dỏm, làm xóa nhòa cái ranh giới về người kể chuyện. Cũng có khi người kể chuyện lộ diện, điều ấy được thể hiện qua những đoạn dẫn chuyện thường mang tính “chú thích”. Chẳng hạn như đoạn văn sau:
“Câu chuyện về anh tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Khoái đáng ra chỉ có vậy, vì anh ta không theo chân những người anh hùng của chúng ta ra trận…Vậy nên để cho khỏi mất thì giờ, xin kể nốt mấy việc ấy cho xong” [63, 170]. Ở một chương khác, tác giả cũng có những đoạn văn tương tự.
Tiếng khóc của nàng Út có giọng kể thâm trầm như hô ứng với âm hưởng của toàn truyện. Ngôn ngữ của người kể chuyện mang đầy cảm xúc. Đây là một trong những đoạn như thế:
“Đạn trùm trúng ông, máu phun một dòng đỏ ngầu rồi tan loãng. Như máu chưa từng đổ ra nơi đây, nước trở lại trong vắt, tựa các cuộc tình chốc lát làm lãng quên quá khứ. Xác ông già nổi lềnh bềnh lên một lúc. Sông trôi và xác ông cũng nổi. Mảnh lưới gai quấn nhùng nhằng vào người, xuôi theo nước rồi chìm với than ông. Con thuyền tròng trành, quay ngang, cô quạnh. Các dợn song vẫn dập dờn lan quanh” [70, 233].
Cái độc đáo là tác phẩm còn có sự phân lớp của các lời kể hay đó chính là lúc nhà văn đã để cho các nhân vật lên tiếng. Mô hình kể “khan” hình thức trường ca của người dân tộc cũng chính là giọng điệu chủ đạo của tác phẩm này. Chuyện về xứ Bàu Ốc thì do nhân vật bà On kể chuyện, chuyện về các sắc tộc Tây Nguyên thì do ông Quách, ông Thơm kể. Giọng kể của người kể chuyện thể hiện với nhiều xúc cảm đau đớn và chua chát tuy thế không gợi sự
bi lụy mà gợi nên sự suy ngẫm. Trong tác phẩm có không ít lần giọng của người kể chuyện và giọng của nhân vật chính với được lồng vào nhau. Chẳng hạn, Toàn xúc động trước khi rời vùng quê đồng bằng ven biển đang bị tố cộng diệt cộng bóp nghẹt để lên núi lập căn cứ mới cho tỉnh ủy bí mật: “Toàn bùi ngùi ứa lệ, lưu luyến một thời nhớ tiếc cái trinh nguyên của cách mạng ban đầu” [70, 132]. Ở đoạn kết thúc đây là giọng người kể chuyện: “Tình quá, chân thật quá...suốt một thời” [70, 426]. Chất xúc cảm cao thượng bao trùm toàn bộ tiểu thuyết, đồng vọng từ mỗi lớp người trong lớp nhân vật chính diện. Đó là dấu hiệu không thể trộn lẫn về tính sử thi và anh hùng ca của thiên truyện. Và tính chất đó đã chi phối toàn bộ giọng kể, đặc điểm kết cấu, hình tượng nhân vật của tác phẩm.
Lời của người kể chuyện trong Thượng Đức thường đơn giản, chính xác, trung thực dưới cái nhìn “phân tích- tổng hợp một sự kiện lịch sử lớn” [55]. Xen kẽ trong tác phẩm là lời kể có phần hóm hỉnh, hài hước, nhanh gọn, có sức lôi cuốn người đọc. Một số chỗ người kể chuyện lộ diện, thể hiện thái độ của mình: “trước khi Tấn lên tiểu đoàn gặp Ngoãn người viết truyện này xin được cung cấp thêm một số nét về gia đình Ngoãn. Để bạn đọc tiện theo dõi, cũng xin được nói thêm rằng...” [14, 236]. Ngay cả những dòng cuối cùng của tác phẩm, người kể chuyện cũng làm nốt công việc của mình là đưa ra “thông tin” về các nhân vật trong tác phẩm. Thực ra những đoạn văn trên thường đem đến cho bạn đọc cái cảm giác khiên cưỡng, làm mất đi tính liền mạch của câu chuyện.
Trong Mùa hè giá buốt người kể chuyện không trực tiếp xuất hiện và tham gia vào câu chuyện. Nhìn chung, lời kể của tác phẩm mang tính khách quan, tự nhiên.