Cảm hứng bi kịch mang đậm tính nhân văn

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 69 - 74)

Tác phẩm văn học vốn là kết quả của những cảm hứng nghệ thuật. Cuộc sống của con người luôn gắn liền với muôn ngàn trạng thái cảm xúc: yêu thương, giận hờn, đau khổ, hạnh phúc, bi hài vv… Có bao nhiêu trạng thái cảm xúc của con người thì cũng có bấy nhiêu dạng thức cảm hứng trong nghệ thuật: cảm hứng bi kịch, hài kịch, lãng mạn, châm biếm vv... Trong sáng tác của các nhà văn, tùy thuộc vào dụng ý nghệ thuật mà các cảm hứng nghệ thuật được thể hiện.

Cảm hứng bi kịch vốn là cảm hứng nổi bật được văn học khai thác từ rất sớm. Khái niệm bi kịch đã xuất hiện từ thời Aristotles khi ông bàn về nó

trong thể loại kịch. Theo thời gian, nội hàm của khái niệm này đã được mở rộng. Hiểu một cách đơn giản, bi kịch chính là những biến cố lớn xảy ra trong cuộc đời mỗi con người và thường mang đến nỗi đau khổ. Đó là những nỗi đau tột cùng, quá sức chịu đựng và đưa con người đến chỗ bế tắc, khủng hoảng.

Văn học viết về chiến tranh trước 1975 nói chung được viết theo cảm hứng lãng mạn mang âm hưởng ngợi ca. Đây là sản phẩm tất yếu mang tính chất đặc thù của một giai đoạn lịch sử. Trong các tác phẩm, chúng ta bắt gặp những nét hào hùng của người lính, những trận đánh thắng lợi hay niềm lạc quan trong chiến đấu. Tuy có nói tới hy sinh, mất mát nhưng còn hạn chế hoặc thoảng qua. Đây không phải là sự thiếu hiểu biết của các nhà văn mà do yêu cầu của cuộc cách mạng mà nhiều người trong số họ nhận thức cần phải bỏ qua những tình huống bi kịch, mát mát, hy sinh, tô đậm cái hào hùng, anh dũng của con người góp phần cổ vũ cuộc chiến đấu của dân tộc.

Sau thập kỉ 80, cảm hứng bi kịch mới trở lại một cách tập trung hơn trong các sáng tác của các nhà văn. Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất tình yêu của Nguyễn Minh Châu, Bến không chồng của Dương Hướng, Chim én bay của Nguyễn Chí Huân, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai vv… là những sáng tác đã khai thác cảm hứng bi kịch với những sắc thái khác nhau. Trong những tác phẩm này, cái bi được khơi gợi từ nỗi đau tinh thần của người lính trong và sau chiến tranh: bấn loạn khi nhìn lại cuộc chiến, không hòa nhập được với cộng đồng, phải trở thành kẻ “ăn mày dĩ vãng”. Đó là tình trạng của không ít quân nhân trở về từ chiến trường. Những bi kịch ấy nó cứ tồn tại dai dẳng và đem lại cho con người những nỗi bất hạnh, đau đớn.

Tiểu thuyết viết về chiến tranh trong những năm gần đây tiếp tục đi sâu vào những bi kịch của con người. Các tác phẩm “viết nhiều về nỗi đau,

mất mát, về cả những khoảng tối trong mỗi con người” [55, 23]. Đây cũng là một biểu hiện chứng tỏ có sự biến đổi trong cảm hứng của các nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh. Cảm hứng bi kịch được khai thác bên cạnh những cảm hứng khác. Nhìn chung, bi kịch được thể hiện khá đa dạng trên nhiều cấp độ khác nhau. Bi kịch đến với những người chiến thắng và nó cũng không tha đối với cả những kẻ bại trận trong và sau chiến tranh.

Chiến tranh là bi kịch. Nếu hình dung chiến tranh là một bi kịch lớn thì mỗi con người trong guồng quay của nó phải hứng chịu những bi kịch nhỏ với mức độ và màu sắc khác nhau. Những nỗi đau về thể xác đi cùng với nỗi đau tinh thần, sự mất mát không có gì có thể bù đắp nổi. Quả thực, không có gì có thể diễn tả được những mất mát mà chiến tranh đem lại cho con người. Với những người trong cuộc, những bi kịch đó càng thấm thía hơn gấp nhiều lần. Trong guồng quay của cuộc chiến, cuộc đấu tranh để sinh tồn dường như khó khăn hơn bao giờ hết. Thường trực trong mỗi người đó là khát vọng được sống, chỉ khi được sống thì con người mới có thể làm được những việc khác, mới có thể thực hiện những hoài bão, mong muốn của mình. Nhưng để được sống con người đã phải trả giá quá đắt, thậm chí là họ phải đánh đổi bản thân mình. Vì thế, nói đến bi kịch trong chiến tranh trước hết là phải nhắc đến cái chết, sự hy sinh của người trong cuộc. Các tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009 đã bóc trần sự thật: chiến tranh cũng đồng nghĩa với chết chóc, hy sinh. Trong bốn tác phẩm trên, tác phẩm nào cũng miêu tả sự cái chết của người lính của hai bên tham chiến. Những cái chết với nhiều tư thế, trong khung cảnh, tình huống khác nhau. Có cái chết hiên ngang như một người anh hùng nhưng phần lớn đó là những cái chết thầm lặng của những người chiến sĩ vô danh. Sức ám ảnh của những trang văn miêu tả cái chết của con người trong chiến tranh thật lớn. Sự biến dạng của các xác chết được các nhà văn miêu tả chân thực khiến bạn đọc như được chứng kiến tận mắt những

cái chết đó. Nó găm sâu vào tâm trí người đọc và gợi sự thương cảm xót xa. Không ai có thể làm ngơ trước cảnh các chiến sĩ Đại đội Chín khiêng những “thi thể nứt nẻ, cháy đen” của đồng đội sau một trận đánh. Những thi thể không toàn thây, bị bom đạn băm nát là hình ảnh dễ thấy nhất trong các tác phẩm. Nếu may mắn còn “lành lặn” thì nó cũng khiến cho người ta không khỏi phải rùng mình. Miêu tả cái chết của người lính trong tác phẩm của mình, các nhà văn đã cho độc giả thấy được sự tàn bạo, vô nghĩa của chiến tranh. Hơn nữa nó còn cho thấy sự đổi mới của người viết trong việc tiếp cận hiện thực của cuộc chiến. Các nhà văn đã không né tránh khi viết về những đau thương, mất mát. Không còn cái nhìn một chiều mang tính ca ngợi nữa mà nó là tiếng nói lên án chiến tranh mạnh mẽ nhất.

Bi kịch còn được hiện lên qua tình huống éo le của lịch sử. Trong Tiếng khóc của nàng Út, đó chính là không khí cách mạng đen tối bao trùm xứ Quảng và con người nơi đây. Không có gì sai khi có người nhận xét tác phẩm này là một trường ca về nỗi đau. Sự uất nghẹn như được gợi lên ngay từ cái tên của tác phẩm này. Bàng bạc khắp các chương truyện là âm hưởng buồn bã từ dư vị về quá khứ xa xưa của cha ông ta thời Lê Thánh Tông đến hiện tại khó khăn của cách mạng trong buổi đầu kháng chiến chống Mĩ. Nói như tác giả Nguyễn Chí Trung thì “đó là bi kịch lịch sử: ta thắng sau chín năm kháng chiến, nhưng phải để địch trói tay và giết” [69]. Còn gì đau đớn hơn khi ta phải chứng kiến hình ảnh những chiến sĩ bị chôn sống, tước vũ khí và phải lẩn trốn, chui lủi trước sự truy đuổi ráo riết của kẻ thù. Cái chết của Đua, Toàn và bao người chiến sĩ cách mạng khác, đó không chỉ là bi kịch của riêng gia đình họ mà đó còn là bi kịch của cả dân tộc. Với những người dân nơi đây, yêu nước là một “tội” khiến họ phải trả giá bằng những màn tra tấn cả về thể xác và tinh thần. Thậm chí họ còn bị chặt đầu bêu gương. Một bà mẹ như bà On phải lần lượt chứng kiến sự ra đi của chồng và hàng loạt những đứa con của

mình. Bao nhiêu người vô tội bị kẻ thù hành hạ tra tấn bằng những hình thức dã man như thời trung cổ, vv...

Cảm hứng bi kịch còn được khơi gợi từ hình ảnh cuộc sống của người lính khi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trong Những bức tường lửa, nỗi đau không chỉ hiện hình qua số phận của bao người lính trong chiến tranh mà nó còn “đeo bám” cuộc sống của những người đang sống trong thời bình. Đi qua thời lửa đạn cũng có nghĩa là mỗi người lính phải gửi lại tuổi trẻ của mình nơi chiến trường. Giờ đây bước vào cuộc sống mới có không ít người vẫn còn bỡ ngỡ, hụt hẫng, châng lâng. Chính ủy Lương Xuân Báo, người cán bộ chính trị tài ba năm xưa khi chiến tranh kết thúc lại có cuộc đời không bằng phẳng. Những năm cuối đời, ông sống trong cảnh buồn bã và cô đơn. Ông cứ chờ đợi vợ con mỏi mòn đến mức tuyệt vọng để rồi ra đi một cách lặng lẽ. Với Hùng Phong- một tướng lĩnh dày dạn trận mạc lừng lẫy một thời, nay ông cũng phải đối mặt với những bi kịch gia đình: con gái hư hỏng, con trai vào trại cai nghiện, vợ thì bỏ đi. Hơn nữa, ông lại còn phải rơi vào cảnh khi hàng ngày làm ở viện khoa học mà “chẳng có cống hiến gì cho khoa học quân sự” khiến lúc nào cũng có “cảm tưởng là mình đang ngồi nhầm ghế của người khác” [63, 19].

Nằm trong mạch cảm hứng chung như vậy, Mùa hè giá buốt, Thượng Đức cũng gieo vào lòng người đọc nỗi đau về những mất mát, hy sinh mà con người phải trải qua trong chiến tranh và số phận bi kịch của bao người trong cuộc chiến ấy. Mỗi người một số phận, hoàn cảnh riêng song dường như dấu ấn chiến tranh đã in hằn lên tất cả. Nếu không có chiến tranh có lẽ cuộc đời của họ sẽ tốt đẹp hơn. Tuy cùng viết lên những bi kịch, chạm đến nỗi đau của con người nhưng cái nhìn của các nhà văn không bi quan, cực đoan mà các tác phẩm đều toát lên tính nhân văn sâu sắc. Những bức tường lửa đặt ra một câu hỏi làm thế nào để vượt qua được bức tường lửa của chính mình? Tư

tưởng nhân văn của Thượng Đức dường như dồn tụ vào chương cuối khi kể về các nhân vật còn sống trở về sau cuộc chiến như Ngoãn: “Khi nói về Thượng Đức, bao giờ anh cũng rơm rớm nước mắt. Anh bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Mình được như thế này là nhờ bao nhiêu người đã hy sinh” [14, 633]. Triết lí nhân văn của Tiếng khóc của nàng Út được thể hiện rõ ràng qua những câu lặp đi lặp lại trong tác phẩm: “qua sông rồi phải nhớ nỗi lo lúc chưa qua sông”. Chỉ có thể dựa vào nhân dân mới có thể làm nên việc lớn, đó là một chân lý không thay đổi qua thời gian. Chiều sâu nhân văn của Mùa hè giá buốt là việc đặt ra câu hỏi: sức mạnh nào, động lực nào khiến cho người lính vượt qua được sự cám dỗ của cuộc sống sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cao cả của cách mạng; vì sao bom đạn ác liệt như thế, sống lay lắt và bị quân thù truy đuổi như thế mà quân ta vẫn có thể tồn tại được và đi đến chiến thắng? Câu trả lời ở đây là chỉ có sức mạnh của tình yêu mới giúp dân tộc ta chiến thắng kẻ thù. Cảm hứng bi kịch và chiều sâu nhân văn trong những sáng tác này đã đem lại cho người đọc những cảm xúc phong phú như chính mình được trải nghiệm.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)