Giọng điệu hào hùng, ngợi ca, thành kính

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 102 - 104)

Có thể nói đây được coi là giọng điệu chủ đạo của các tác phẩm viết về chiến tranh trong giai đoạn 1945- 1975. Giọng điệu này không chỉ toát lên qua lời kể, lời nói của các nhân vật mà nó còn hiện lên từ chính nhan đề của tác phẩm như Đất nước đứng lên, Mặt trận trên cao, Sống mãi với thủ đô, Sóng gầm vv... Nó hoàn toàn phù hợp với những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi. Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009,

giọng điệu này xuất hiện với tần số thấp hơn. Ở một số tác phẩm, người đọc vẫn có thể bắt gặp nó trong một số chương đoạn ca ngợi vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi vẻ đẹp của người chiến sĩ trong hành động chiến đấu:

“Cùng với tiếng kèn xung trận, bộ binh hết lớp này đến lớp khác, tràn lên như những đợt sóng trào”, “Người này ngã, người sau lại vọt lên thay chỗ. Hàng chục người lính bị đốn ngã ở ngay hàng rào, nhưng những người còn sống vẫn như mạch nước ngầm trào lên chỗ cửa mở” [42, 36]. Còn đây là không khí ra trận sôi nổi, tấp nập: “Vào thời điểm này trên các ngả đường dẫn vào thành phố, nườm nượp người ra trận….hàng ngàn dân công hỏa tuyến đang tải đạn ùn ùn tiến về hướng thành phố. Tiếng cười nói, hẹn hò chật ních các con đường” [42, 118].

Đây là lời “kêu gọi” của chính trị viên Lương Xuân Báo (Những bức tường lửa) trước hàng quân lúc xuất phát vào vị trí chiến đấu: “Mỗi cán bộ chiến sĩ đại đội chúng ta hãy quên mình chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hỡi các đồng chí đảng viên, đây là lúc các đồng chí chứng tỏ vai trò tiên phong, lãnh đạo của mình. Nơi nào khó khăn nhất, nguy hiểm nhất là các đồng chí phải có mặt để lãnh đạo quần chúng chiến đấu, xứng đáng với tư cách của người chiến sĩ cộng sản…” [63, 332].

Thượng Đức, đó là những trang viết miêu tả không khí tấp nập, sôi nổi của người dân địa phương tiếp tế, chi viện cho đội quân chủ lực chuẩn bị tiến đánh vào căn cứ Thượng Đức.

Và đặc biệt, nếu nói giọng điệu ngợi ca, thành kính thì trong số bốn tác phẩm trên, Tiếng khóc của nàng Út phải chiếm vị trí số một. Trong tiểu thuyết này, giọng điệu này nổi lên như gam giọng chính sóng đôi với giọng điệu xót xa, ngậm ngùi. Ta thấy được điều này trong những câu văn chuẩn mực trong sáng, mang đậm chất khẩu ngữ dân gian trong những đoạn bà On kể về sự

hình thành xứ Bàu Ốc và vẻ đẹp của nó. Hay những trường đoạn kể về sự hình thành và đấu tranh của các dân tộc Tây Nguyên khiến ta liên tưởng đến những trang văn mượt mà đậm chất sử thi thường có trong các trường ca của đồng bào các dân tộc:

“Người Ê Đê đến sớm đã cỡi voi kéo theo những cây gỗ sao về dựng cột, vào rừng lấy nứa đan vách, cắt tranh già lợp mái, lấy cây gỗ hương làm cầu thang bảy bậc, rộng bằng chiếc chiếu năm người đi một lượt vai không chạm vai, khắc hình hai bầu vú vạm vỡ, đốn một cây gỗ trắc, gỗ tốt nhất rừng xây cột đâm trâu, chặt mây bện thành dây thiêng cột con trâu mộng to nhất xứ” [70, 200].

Nhìn chung, giọng điệu ngợi ca thành kính không phải là gam giọng chủ đạo trong các sáng tác về chiến tranh cách mạng giai đoạn hiện nay. Nếu như trước 1975 nó xuất hiện một cách đậm đặc thì hiện nay gam giọng này nhiều khi chỉ mang tính chất bổ sung cho những gam giọng điệu khác của tác phẩm, ngay cả khi các tiểu thuyết này có khuynh hướng sử thi.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 102 - 104)